Ashui.com

Wednesday
Dec 11th
Home Tương tác Phản biện Đồng bằng sông Cửu Long cần cơ chế đặc biệt để sống còn

Đồng bằng sông Cửu Long cần cơ chế đặc biệt để sống còn

Viết email In

Chúng ta cần thẳng thắn: không phải là mục tiêu phát triển bứt phá, mà Đồng bằng sông Cửu Long đang cần một cơ chế đặc biệt để có thể sống còn.

Sau 2 năm, nghị quyết 120 phát triển Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) thích ứng với biến đổi khí hậu, một nghị quyết mà về nội dung mang tính lịch sử và bước ngoặt, đặt ra nhiều câu hỏi hơn câu trả lời.


Điểm giao giữa quốc lộ 80 (đường ven sông) và đường dẫn cầu Vàm Cống. Cầu xây xong, quốc lộ 80 với lòng đường quá nhỏ hẹp đang là “nút thắt cổ chai” ở khu vực này
(Ảnh: Chí Quốc)

Các tuyến giao thông vẫn đang là điểm nghẽn, đặc biệt là thời gian trước chỉ vào những dịp đặc biệt thì giờ đã trở thành việc thường xuyên như nút thắt cầu Rạch Miễu, phà Đình Khao; người dân ĐBSCL vừa vui mừng khi cầu Vàm Cống thông xe thì vẫn mỏi mòn chờ ngày tuyến huyết mạch Trung Lương - Mỹ Thuận hoàn tất.

Các chương trình, đề án được soạn thảo, thành hình, đi cùng với nó là những hội thảo tham vấn, ý kiến; nhưng thực tế trong 2 năm qua khó có thể xác định một tác động cụ thể.

Bên cạnh đó, các sáng kiến địa phương như về liên kết tiểu vùng chẳng hạn (tiểu vùng Đồng Tháp Mười, duyên hải phía đông, tứ giác Long Xuyên), hay các hợp tác để cùng giải quyết vấn đề nguồn nước, bảo vệ môi trường giữa các địa phương một mặt đụng trần thể chế, một mặt vì sự dàn trải về nguồn lực, với sự chuyên sâu và chuyên biệt của các ngành.

Điều này khiến cho lên kế hoạch thì không khó, nhưng để tổ chức triển khai đồng bộ, tích hợp, liên ngành thì không khả thi.

Chúng ta cần thẳng thắn: không phải là mục tiêu phát triển bứt phá, mà ĐBSCL đang cần một cơ chế đặc biệt để có thể sống còn.

Những thông số, nhận định mà hội nghị lịch sử 2 năm trước ở Cần Thơ vẫn còn nguyên: biến đổi khí hậu diễn ra phức tạp tác động an toàn và sinh kế; sụt lún và sạt lở diễn ra ở nhiều nơi, cả cường độ lẫn mật độ; nguồn nước nuôi sống trên 18 triệu dân ĐBSCL đang bị các đập thủy điện thượng nguồn đe dọa, cả mùa lũ lẫn mùa cạn, tạo ra các hệ lụy về môi trường và dù là cái nôi lương thực cho cả nước, ĐBSCL tiếp tục là vùng trũng của giáo dục, đào tạo, khoa học công nghệ, gần nhất là hiện tượng di dân tìm cách mưu sinh với ví von đã trở thành từ cửa miệng "đi Bình Dương"!

Để biết đi con đường nào thì mục tiêu đầu tiên là cần xác định điểm đến. Nghị quyết 120, cả tinh thần, nội dung của nó là điểm đến quan trọng, ví von như một ngọn hải đăng dẫn đường với các định hướng về "thuận thiên", "quy hoạch tích hợp", "liên kết vùng, tiểu vùng" và "tư duy thị trường" (thay vì tư duy sản xuất).

Cái cần hiện giờ là một chương trình hành động, cái chắc chắn phải dám vượt qua những tư duy tiếp cận (đang còn lấn áp) trong hiện tại như quy hoạch cục bộ theo ngành, "đèn nhà ai nấy sáng" trong phát triển kinh tế địa phương, sản xuất dựa theo sản lượng, tập quán canh tác, thiếu những kết nối các dịch vụ hỗ trợ, hậu cần...

Kế hoạch hành động và cách thức để hành động hiệu quả kế hoạch đó là điều kiện "sống còn" của ĐBSCL. Các khuyến nghị về nhanh chóng tiến đến một cơ chế vùng cho ĐBSCL, đi cùng với một quỹ phát triển vùng đang là một giải pháp.

Với cơ chế này, nguồn lực được kỳ vọng huy động từ trong lẫn ngoài nước, Nhà nước lẫn tư nhân tập trung vào các dự án trọng điểm mang tính lan tỏa vùng như giao thông, logistics, giáo dục, các cụm ngành kinh tế chủ lực.

Trước mắt, nguồn lực cần tập trung thực hiện 1-2 dự án giao thông vận tải trọng điểm, gắn với hình thành một số cụm ngành chủ lực đi cùng tư duy liên vùng, tích hợp và thuận thiên và bằng cơ chế hợp tác công tư giữa Nhà nước và tư nhân.

Việc thực hiện thành công một vài dự án như vậy không những tạo ra một trường hợp "thành công mẫu" cho việc cụ thể hóa nghị quyết 120, mà còn tạo ra một sự tiên phong quan trọng trong cách làm, cách thực hiện, tạo thành những liên minh phát triển cho sự đi lên bền vững của ĐBSCL trong tương lai.

TS Trương Minh Huy Vũ - Đại học Quốc gia TP.HCM

(Tuổi Trẻ)


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo