Ashui.com

Thursday
Apr 25th
Home Tương tác Phản biện Đừng “rút xương sống” cấu trúc lịch sử của Đà Lạt

Đừng “rút xương sống” cấu trúc lịch sử của Đà Lạt

Viết email In

Sở Xây dựng Lâm Đồng và UBND thành phố Đà Lạt vừa công bố Quyết định phê duyệt “Quy hoạch chi tiết 1/500 và Thiết kế đô thị khu trung tâm Hòa Bình - Đà Lạt”, gây nhiều tranh cãi trong giới lịch sử, văn hóa, đô thị và dân chúng.

Sau một tuần công bố, ông Lê Quang Trung - Giám đốc Sở Xây dựng Lâm Đồng đã đăng đàn trên báo Lâm Đồng, nhiều lần dùng cụm từ: giải tỏa, giải tỏa trắng, và cho rằng “không nên sống hoài niệm quá mà cản trở sự phát triển của Đà Lạt”.

Tiếp nối sự phát kiến kỳ diệu về một thành phố nghỉ dưỡng lý tưởng ở Đà Lạt bởi bác sĩ Alexandre Yersin và Toàn quyền Đông Dương Paul Doumer (1893-1897), phải kể đến thời kỳ Toàn quyền Maurice Long khi quyết định mời Kiến trúc sư trưởng Đông Dương, ông Ernest Hébrard, quy hoạch Đà Lạt (1921-1923).

Quy hoạch Đà Lạt của Hébrard như cách ta bóc lớp vỏ bọc đất đá để lộ một viên ngọc đại ngàn nơi rừng sâu núi thẳm, đã trở thành kinh điển thế giới.


Chợ cũ sau này đổi thành rạp Hòa Bình - trung tâm người Việt 100 năm trước ở Đà Lạt, gợi nhớ đến Chợ tình Sapa cũng trên một bãi đất trống thấp xuống.

Thiết lập trung tâm đô thị đầu tiên cho người Việt bản địa

Trước đó, năm 1905, Thị trưởng đầu tiên Paul Champoudry đã phải đối đầu với vấn đề hóc búa về chính sách đất ở cho người bản xứ, rằng “Chúng ta cần chỉ ra một vị trí dành cho dân bản xứ”. Nhưng tới tận năm 1919, Thị trưởng Jean O’Neil vẫn đặt lại sự thật bế tắc này, rằng “Thành phố cần có người bản xứ cư trú và cung cấp nguồn nhân lực cần thiết”.

Do vậy, khi đặt chân đến đây, Hébrard đã xem xét rất lâu con phố xây bằng gỗ với các cửa hàng chỉ rộng 2,5 mét của người bản xứ (tồn tại do sự “nhân nhượng” của các thị trưởng người Pháp) khi có tới hai phần ba dân cư thành phố được kỳ vọng là “Paris nhỏ”, là người bản xứ.

Sau hai năm làm việc, Hébrard đã thiết lập một “cấu trúc xương sống” gồm hệ thống các “trung tâm - cảnh quan nước” suốt chiều dài thành phố (gồm có sáu cái hồ mềm mại chạy giữa đồi và thung lũng , bắt nguồn từ suối Cam Ly trên cao, thấp dần kết tại Nhà ga xe lửa cửa ngõ thành phố). Chính hệ thống này nối kết khu dân cư người Việt với khu ở của người Pháp, giải tỏa được bế tắc phát triển cho Đà Lạt bằng một quy hoạch đầy nhân bản.

Ông phân ranh giới cho khu vực Annamite (người Việt) độc lập với khu dân cư người Âu. Thậm chí ông còn mở rộng khu Annamite về phía Bắc để tạo thuận lợi cho họ và cân bằng giữa Pháp - bản xứ với ba thành phần: khu thị dân Hòa Bình, khu làng cổ - ấp Ánh Sáng và trung tâm chợ Đà Lạt. Bản quy hoạch này giúp hình thành được một cấu trúc xã hội lành mạnh hơn, trong đó ai cũng được hưởng lợi khi thành phố phát triển.

Khi đưa khu vực người Việt và những gian chợ về phía Đông chạy dọc theo suối Cam Ly để đánh dấu sự phát triển và mở rộng của cộng đồng người Việt, Hébrard được tất cả những người Pháp trong Hội đồng Đà Lạt tán thành, nhưng sau đó họ lại nhanh chóng phản đối.

May mắn, Hébrard vẫn giám sát thực thi quy hoạch này trong 10 năm, và tranh thủ sự ủng hộ của thị trưởng Leon Garnier năm 1924 và hai thành viên Việt Nam mới vào Hội đồng năm 1926 là Hồ Văn Lê và Nguyễn Ngọc Chúc.

Trong 10 năm, khu Hòa Bình xây dựng khu chợ Cây làm trung tâm mua bán theo phong tục Việt, những căn nhà kiểu bản xứ có lô đất hẹp xung quanh chợ, nghĩa trang Thánh Mẫu và những con đường mới... do chính Hébrard cân nhắc đề xuất.Tuy nhiên, những cuộc dàn xếp để có được trung tâm đầu tiên của người Việt của ông có vẻ như rất mong manh.

Hai ông Hồ Văn Lê và Nguyễn Ngọc Chúc đã hỗ trợ những đổi thay của khu vực người Việt với sự hậu thuẫn của cộng đồng bản xứ mang tính lịch sử. Tiếng nói của cư dân bản xứ dần có trọng lượng, biểu tượng là chủ quyền phát triển khu Hòa Bình.

Tại Hội đồng Đà Lạt, ông Hồ Văn Lê đã đòi hỏi cho quyền cư trú của người Việt, khẳng định người Việt cần có khu định cư và ổn định cuộc sống, họ sẽ không rời bỏ những khu đất của bản quy hoạch Hébrard. Một loạt các khu vực mới được xác định (khu A, khu B): hàng trăm héc ta giữa đường Dankia và khu nghĩa địa mới về phía Bắc, dòng suối Cam Ly và chợ mới về phía Nam, bệnh viện và ngọn đồi và Dinh 1 phía Tây...

Từ khu Hòa Bình - trung tâm đầu tiên, người bản xứ đã dần chiếm ưu thế về đô thị, dân số, kinh tế và xã hội, kéo theo đó là văn hóa có căn tính dẻo dai bền bỉ.

Năm 1937 chợ Cây được xây lại bằng gạch, sau chuyển thành rạp chiếu phim, năm 1939 khánh thành chợ Đà Lạt tại khu Hòa Bình, năm 1958 khởi công xây dựng chợ mới... Khu rạp Hòa Bình được kiến trúc sư Ngô Viết Thụ chỉnh trang mặt tiền, cầu thang và các bậc tam cấp dẫn lên khu dân cư (ảnh trên). Cứ như thế, khu Hòa Bình trở thành trung tâm lịch sử quan trọng bậc nhất của Đà Lạt trong gần thế kỷ, biểu tượng cho tình yêu Đà Lạt mà mỗi người con dân thành phố luôn hướng về.

Khu Hòa Bình, mặc dù không có nét nổi trội kiến trúc như khu người Âu, nhưng có sắc thái rất riêng với những căn nhà thấp, nhỏ (thể hiện rất rõ trong đồ án quy hoạch năm 1923), chứa đựng bề dày đấu tranh lịch sử của người Việt trên mảnh đất Đà Lạt. Đáng tiếc, do quản lý đô thị yếu kém hiện nay, khu vực này trở nên nhem nhuốc và rơi vào danh sách cần giải tỏa trắng các công trình lịch sử.


Khu Hòa Bình, Đà Lạt hiện nay.
(Ảnh: Hồng Lam)

Ứng xử với quá khứ bằng công cụ mới - thích nghi di sản để phát triển

Chính quyền Đà Lạt hiện nay đang nóng ruột phát triển thành phố bằng mọi giá, nhưng cái giá phải trả cho phát triển nóng là biến một thành phố “tiểu Paris” của Đông Dương, được định dạng là "thành phố trong cây cỏ và cỏ cây trong thành phố" mê hoặc lòng người và du khách, trở thành một thành phố phi danh tính - không thể nhận dạng.

Phát triển đô thị là một khoa học liên ngành nên cần nhìn nhận việc chỉnh trang khu trung tâm lịch sử Hòa Bình theo xu hướng mới - thích nghi di sản đô thị để phát triển. Nói cách khác, không thể dùng công cụ quy hoạch thông thường cho một di sản lịch sử vô giá, lại mắc “bệnh hiểm nghèo” như trường hợp này.

Có hai vấn đề đặt ra: Chính quyền Đà Lạt đã nhận dạng đúng giá trị duy nhất, giá trị đại diện như phân tích ở trên cho khu Hòa Bình chưa? Họ đã sử dụng đúng công cụ để thích nghi di sản vô giá này cho phát triển và làm lớn thêm “nồi cơm du lịch” của Đà Lạt chưa? Nhìn vào những việc đang diễn ra, có thể nói rằng bản quy hoạch vừa được công bố chưa thỏa đáng và nông cạn.

Chính sách bảo tồn và phát triển các không gian công cộng cho một thành phố có nhiều cách tiếp cận mới và đang thay đổi, đề cao tầm quan trọng của một xã hội nhân văn, với hình ảnh con người đô thị cởi mở, sáng tạo hơn thông qua thiết lập hay bảo tồn thích nghi chuỗi trung tâm hoạt động công cộng, gồm không gian lịch sử, không gian đối thoại, không gian xanh của nền kinh tế trí thức.

Cách tiếp cận này đang dẫn hướng để cho các thành phố trở nên thông minh hơn khi ứng xử khôn ngoan với môi trường di sản. Trong bối cảnh bảo tồn những giá trị gốc rễ, “con người của chủ nghĩa nhân văn mới hòa quyện quá khứ huy hoàng của họ để phát triển“ (Giáo sư Nathan Cohen - Mỹ).

Sự bất ổn và mong manh khi trông chờ thu ngân sách từ đất

Cách làm hiện nay của bản quy hoạch nêu trên là tư nhân hóa đất và tài sản công cộng một cách nông cạn và không thể ngăn công luận liên hệ đến những khiếm khuyết của kinh tế bất động sản ở Đà Lạt.

Quốc hội, họp ngày 15/10/2018, đã nêu sự bất ổn và mong manh khi trông chờ thu ngân sách từ quỹ đất: "Cân đối ngân sách do đó vẫn phụ thuộc nhiều vào việc bán đất, bán tài nguyên, bán tài sản nhà nước, tức là phụ thuộc vào các khoản thu một lần và thiếu tính bền vững" (đại biểu Vũ Tiến Lộc); “Các nguồn thu chủ yếu tập trung vào nguồn thu không ổn định, chủ yếu từ thu nhà đất. Như vậy, vô hình trung là bán tài nguyên đất để phát triển” (đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé); “Chúng ta đang sống bằng đất. Bán đất để ăn. Ăn hết phần của con cháu trong tương lai” (đại biểu Nguyễn Văn Phụng).

Đà Lạt đang mang trong lòng một quỹ di sản đô thị lịch sử, đô thị du lịch xanh vô giá, rất dễ chuyển mình theo nhận thức mới. Mặt khác, chính quyền đô thị cần thiết lập các chính sách đảm bảo cho các khu vực công cộng như khu trung tâm lịch sử Hòa Bình vĩnh viễn thuộc về tài sản chung của thành phố, không được tư nhân hóa. Khi ứng xử với vấn đề này, cần đưa ra các đối thoại chung của chính quyền, cộng đồng dân cư, giới chuyên môn, nhà đầu tư và dựa trên sự đồng thuận chứ không thể áp đặt.

PGS.TS.KTS Nguyễn Hồng Thục

(TBKTSG)


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo