Ashui.com

Tuesday
Jan 21st
Home Tương tác Phản biện Nền tảng để phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam

Nền tảng để phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam

Viết email In

Ngày 22/10/2018, tại Hội nghị lần thứ 8 (khóa XII), Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã thông qua Nghị quyết số 36-NQ/TW về “Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” (gọi tắt là Chiến lược biển 2030). Nghị quyết lần này nhấn mạnh đến: “Phát triển bền vững kinh tế biển trên nền tảng tăng trưởng xanh, bảo tồn đa dạng sinh học, các hệ sinh thái biển; bảo đảm hài hoà giữa các hệ sinh thái kinh tế và tự nhiên, giữa bảo tồn và phát triển,...”. Đây là sự lựa chọn đúng đắn, phù hợp với bối cảnh và thực tế ở Biển Đông, là sự khẳng định xu thế phát triển tất yếu trong dài hạn của nền kinh tế Việt Nam và là sự tiếp nối xuyên suốt trong đường lối của Đảng: Xây dựng đi đôi với bảo vệ Tổ quốc.


Phát triển bền vững kinh tế biển trên nền tảng tăng trưởng xanh. Ảnh: MH 

Ngay từ trong huyền thoại, người Việt đã xác lập cho mình một nguồn gốc biển khi tưởng tượng về cuộc sum họp làm nên nòi giống Lạc Hồng.

Từng dựa vào thế biển để làm nên bao kỳ tích chống ngoại xâm trong suốt các triều đại phong kiến, cha ông ta đã khiến cả đạo quân Nguyên Mông phải run sợ, rồi những trận chiến nơi biên ải biển Vân Đồn của tướng lĩnh nhà Trần… Còn ở thế kỷ XX, trong chiến tranh cứu nước, giải phóng miền Nam, cùng với đường mòn Hồ Chí Minh thần kỳ xẻ dọc Trường Sơn đã có đường Hồ Chí Minh thần kỳ trên biển. Kinh nghiệm và bản lĩnh sóng nước người Việt đâu có thua kém ai.

Thế nhưng, chúng ta đã từng đánh thắng những trận thủy chiến lớn nhưng vẫn không có nổi chiến thuyền tầm cỡ, không có thuyền buôn lớn vượt biển.

Đó là những nghịch lý trong suốt hành trình lịch sử người Việt mở mang bờ cõi. Không có nhiều những dấu tích lịch sử Việt Nam trên biển, nhưng trong những sử liệu ít ỏi có được, vẫn có thể hình dung về phần nào công cuộc “ra khơi xa” của những thế hệ người Việt. Ấy là thương cảng Vân Đồn một thời hưng thịnh dưới triều Lý; là một Hội An sầm uất thời Chúa Nguyễn. Rồi trong hành trình mở mang bờ cõi, cánh buồm của người Việt đã làm nên những Sài Gòn, Rạch Giá, Hà Tiên…

Song, tất cả những thành quả trên hành trình khai mở ấy, rất sớm, đều mau chóng khép lại do chính sách bế quan tỏa cảng. Thương cảng Vân Đồn dần suy yếu bởi những quan ngại chiến thuyền từ khơi xa đến sau khi nhà Trần đánh bại quân Nguyên Mông. Hội An cũng nhanh chóng rêu phong khi những thương gia Nhật Bản gặp khó trên chính quê hương mình…

Dường như, sau một đợt chiến chinh, tâm lý đóng cửa lại tràn đến với người Việt. Và cho đến tận thế kỷ 20, đứng trước biển bao la, "cảm hứng đại dương" để vươn ra biển vẫn chưa thành hiện thực đối với chúng ta.

Với tâm thế ấy, có phải thế chăng mà lịch sử chưa bao giờ đứt đoạn, dù đã trải bao thăng trầm biến cố. Hôm nay, thế hệ con cháu Lạc Hồng đang viết tiếp những trang vẻ vang của một Việt Nam với bao bộn bề lo toan trong hội nhập - một Việt Nam ba phần tư là biển.

Trên thế giới, phát triển kinh tế biển xanh (blue marine economy) đang trở thành xu hướng tất yếu và được xem là nền tảng cho phát triển bền vững (PTBV) kinh tế biển (đại dương). Đây cũng là yếu tố then chốt trong quá trình thực hiện Mục tiêu số 14 về PTBV biển và đại dương đến năm 2030 gắn với những thành tựu của nền kinh tế tri thức và Cách mạng công nghiệp 4.0. Phát triển kinh tế biển xanh ở nước ta cũng không phải là ngoại lệ, khi nền “kinh tế biển nâu” đang được xem là “vật cản” trên chặng đường PTBV đất nước. Nói cách khác, kinh tế biển xanh và tăng trưởng xanh sẽ tạo cơ hội để Việt Nam tái cấu trúc nền kinh tế biển theo hướng hiệu quả và bền vững để sớm hoàn thành sứ mệnh đưa nước ta trở thành quốc gia: Mạnh về biển, làm giàu từ biển, dựa vào biển và hướng ra biển.

Tuy vậy, kinh tế biển xanh và PTBV kinh tế biển vẫn còn là những vấn đề mới mẻ đối với Việt Nam, dù nó đã song tồn trong suốt hơn 20 năm thực hiện PTBV (từ Rio-92) với 8 mục tiêu phát triển thiên niên kỷ và 17 mục tiêu PTBV đến năm 2030. Cho nên, quá trình chuyển từ kinh tế biển “nâu” sang “xanh” vẫn phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức:

Một là, nhận thức về tăng trưởng xanh và kinh tế biển xanh của các cấp, các ngành, các địa phương ven biển và người dân còn chưa đầy đủ, thậm chí rất khác biệt.

Hai là, các ngành, các địa phương chưa chuẩn bị đủ điều kiện để chuyển dịch cơ cấu kinh tế biển từ “nâu” sang “xanh”. Đặc biệt, trong điều kiện cơ sở hạ tầng các vùng biển, ven biển và đảo còn yếu kém, lạc hậu, manh mún, thiết bị chưa đồng bộ, hiệu quả sử dụng thấp.

Ba là, thiếu các số liệu và thông tin khoa học-công nghệ về nguồn vốn tự nhiên biển, đảo; thiếu các cơ sở dữ liệu về các hệ sinh thái (HST) làm cơ sở cho việc triển khai các hành động cụ thể liên quan tới phát triển kinh tế biển xanh ở nước ta.

Bốn là, tình hình khai thác, sử dụng biển đảo chưa hiệu quả, thiếu bền vững. Thói quen ưu tiên khai thác tài nguyên biển ở dạng vật chất, không tái tạo; các giá trị chức năng, phi vật chất và có khả năng tái tạo của các hệ thống tài nguyên biển còn ít được chú trọng.

Năm là, môi trường biển tiếp tục bị ô nhiễm, đa dạng sinh học biển và nguồn lợi hải sản giảm sút, các HST biển quan trọng bị suy thoái, các nơi cư trú tự nhiên (habitat) ven biển quan trọng bị mất hoặc bị thu hẹp diện tích (khoảng 60%).

Sáu là, phương thức quản lý Nhà nước tổng hợp và thống nhất về biển, đảo và quản lý biển theo không gian chậm được thể chế hóa.

Bảy là, tác động của thiên tai biển, biến đổi khí hậu, biến đổi đại dương, trước hết ở vùng ven biển và các đảo nhỏ. Bên cạnh đó, tình hình Biển Đông tiếp tục phức tạp, khó lường cũng ảnh hưởng không nhỏ đến phát triển kinh tế biển xanh ở nước ta.

Để vượt qua các khó khăn, thách thức nói trên cần quán triệt bốn yêu cầu cơ bản: Phát triển một nền kinh tế biển hiệu quả và bền vững; Khoa học - công nghệ biển phải trở thành động lực phát triển các lĩnh vực liên quan đến kinh tế biển xanh; Quy hoạch và quản lý liên ngành, liên vùng đối với các vùng biển, đảo và vùng ven biển để bảo đảm tính liên kết trong phát tiển kinh tế biển; Duy trì môi trường hòa bình ở Biển Đông tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế biển.

Có thể nói, Chiến lược Biển 2030 đã đưa ra hệ quan điểm, định hướng mục tiêu, các chủ trương lớn và các đột phá, cũng như các nhóm giải pháp cơ bản. Cho nên, để sớm đưa chiến lược vào cuộc sống, trước hết các Bộ, ban, ngành và các địa phương phải xây dựng Kế hoạch thực hiện chiến lược trong lĩnh vực liên quan một cách cụ thể, linh hoạt, bảo đảm tính khả thi. Có rất nhiều việc phải làm, nhưng liên quan tới tăng trưởng xanh và kinh tế biển xanh, trong quá trình chuẩn bị kế hoạch cần chú ý các vấn đề chủ yếu sau:

Lấy PTBV kinh tế biển làm trục chính để điều chỉnh các mối quan hệ giữa: Kinh tế biển với bảo đảm an ninh, quốc phòng; kinh tế biển với bảo tồn tài nguyên biển; kinh tế biển với bảo vệ môi trường biển; kinh tế biển với bảo đảm an sinh xã hội biển; kinh tế biển với giữ gìn, phát huy các giá trị lịch sử và bản sắc văn hóa biển; kinh tế biển với kinh tế ven biển, kinh tế nội địa, kinh tế đảo và kinh tế đại dương.

Kiểm kê “nguồn vốn tự nhiên biển” làm căn cứ triển khai các quy hoạch dài hạn sử dụng biển, đảo ở cấp độ quốc gia theo cách tiếp cận dựa vào hệ sinh thái.

Quy hoạch không gian biển quốc gia, chú trọng mối liên kết vùng trong phát triển kinh tế biển và ven biển để phát huy sức mạnh tổng hợp và giảm thiểu các mâu thuẫn trong phát triển các vùng biển, ven biển và đảo.

Kiểm kê định kỳ các nguồn thải vào biển, đặc biệt từ các hoạt động trên đất liền, làm căn cứ xây dựng kế hoạch quản lý và kiểm soát chất thải từ nguồn.

Quản lý tổng hợp vùng bờ biển, nhấn mạnh đến cơ chế phối hợp liên ngành, giữa Trung ương và địa phương, phân vùng chức năng vùng bờ cho PTBV, có tính đến tác động của biến đổi khí hậu và mực nước biển dâng.

Xây dựng năng lực giám sát, quan trắc, giảm thiểu và xử lý các thảm họa thiên tai, sự cố môi trường biển, ven biển và trên đảo. Ngăn ngừa suy thoái và phục hồi các habitat đã bị mất, các HST quan trọng (rạn san hô, rừng ngập mặn, thảm cỏ biển) đã bị suy thoái.

Quy hoạch mở rộng và quản lý hiệu quả hệ thống khu bảo tồn biển đến năm 2030 để phát triển nghề cá và du lịch sinh thái biển bền vững; bảo tồn, phục hồi đa dạng sinh học biển và nguồn lợi thủy sản, nguồn giống hải sản tự nhiên đang giảm sút. Phát triển phương thức đồng quản lý tài nguyên và môi trường biển theo phương châm: Nhà nước và nhân dân cùng làm, cùng hưởng.

Xây dựng và triển khai lộ trình áp dụng công nghệ biển sạch hơn, ít cacbon, ít chất thải trong các ngành kinh tế biển và các lĩnh vực dịch vụ biển. Nghiên cứu và sử dụng năng lượng thay thế và tái tạo từ biển, như: năng lượng gió biển, năng lượng mặt trời trên đảo, năng lượng biển (sóng biển, dòng chảy).

Kiện toàn hệ thống nghiên cứu khoa học và công nghệ biển, điều tra cơ bản biển.  

Huy động đầu tư xây dựng ở ven biển một số Làng Khoa học - Công nghệ biển đạt tiêu chuẩn quốc tế và khu vực cả về mặt cơ sở hạ tầng, đẳng cấp thể chế và công nghệ để khuyến khích và thu hút các chuyên gia giỏi tới làm việc dài hạn tại Việt Nam, giúp Việt Nam phát triển kinh tế biển xanh.

 Thường xuyên nâng cao nhận thức cho cộng đồng dân cư ven biển và trên các đảo về kinh tế biển xanh, tăng trưởng xanh và PTBV biển đảo với các hình thức thích hợp. Chú trọng các mô hình cải thiện sinh kế và xoá đói giảm nghèo cho người dân ven biển, trên đảo để giúp họ thay đổi hành vi cá nhân trong cách đối xử với môi trường và tài nguyên biển.

PGS.TS. Nguyễn Chu Hồi - Đại học Quốc gia Hà Nội

(Báo Tài nguyên & Môi trường)


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận

3000 ký tự


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo

Loading...