Ashui.com

Tuesday
Jan 21st
Home Tương tác Phản biện "Quy hoạch Đà Lạt không chỉ chăm chăm phục vụ du khách"

"Quy hoạch Đà Lạt không chỉ chăm chăm phục vụ du khách"

Viết email In

Xoay quanh bản đồ "Quy hoạch chi tiết và thiết kế tỷ lệ 1/500 khu vực trung tâm Hòa Bình, thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng” vừa công bố, việc dỡ bỏ khu Hòa Bình và di dời Dinh tỉnh trưởng để xây các công trình cao tầng, trung tâm thương mại vẫn đang tạo ra nhiều ý kiến tranh cãi.

Zing.vn có cuộc trao đổi với các chuyên gia trong lĩnh vực quy hoạch, kiến trúc đô thị, bàn về câu chuyện này.

Đô thị nào cũng phải chỉnh trang nhưng...

KTS, giảng viên Khoa Kiến trúc trường Đại học Yersin (Đà Lạt) Trần Công Hòa cho rằng về quy luật thì bất cứ đô thị nào cũng phải chỉnh trang, làm đẹp hơn. Nhưng vấn đề ông băn khoăn là liệu đề xuất làm mới có hay hơn hay đảm bảo yêu cầu thực tế của địa điểm khu vực hay không?

"Quy hoạch là cần thiết, chỉnh trang là cần thiết, nhất là với thành phố nhận được nhiều sự yêu mến như Đà Lạt. Nhưng có chắc làm đẹp hơn không hay vừa tốn tiền mà không đẹp?", KTS. Trần Công Hòa nói.


KTS. Trần Công Hòa, thành viên Hội Kiến trúc sư Đà Lạt, giảng viên Khoa Kiến trúc trường Đạ học Yersin. (Ảnh: Lê Quân)

Việc quy hoạch Đà Lạt đã được đặt ra từ rất lâu, thường xuyên theo chu kỳ và gần đây nhất là năm 2014. Theo thành viên Hội Kiến trúc sư Đà Lạt, trong đồ án chỉ ra định hướng chung mà các chuyên gia và kiến trúc sư thấy hợp lý. Trong đó có ý chung là cố gắng giãn khu trung tâm ra, hạn chế việc chất tải, xây dựng dồn nén ở trung tâm.

Tuy nhiên, với đồ án chi tiết mới vừa công bố, theo KTS. Trần Công Hòa là đang đi ngược lại định hướng "giãn khu trung tâm".

Đối với khu Dinh tỉnh trưởng, ông Hòa cho rằng đây là mảng xanh duy nhất và là khu vực đất có giá trị di sản thời kỳ đầu. Cái hay của địa điểm này về mặt địa lý là khu cao nhất vùng của trung tâm, đi đâu cũng thấy.

Hiện nay, sau nhiều thời kỳ thay đổi chức năng, Dinh tỉnh trưởng trở thành nơi lưu giữ ký ức của Đà Lạt, do Sở Văn hóa quản lý. Du khách tới đây có thể tìm hiểu về những nét xưa của Đà Lạt. Tuy nhiên, chức năng này chỉ mới hình thành 1-2 năm nay thì nhà đầu tư đã muốn biến nơi này thành khách sạn trên cao.

"Mảng xanh thành phố sẽ mất đi và thay bằng khối bê tông. Tôi nghĩ phải biết cái xưa thì mới làm cho cái nay phát triển. Phát triển phải tiếp nối, liên tục và có tính kế thừa", vị KTS chia sẻ.

Ông cho rằng nếu làm khách sạn thì làm nơi đâu cũng được. Với một thành phố phát triển như Đà Lạt thì chỉ cần xây dựng ở nơi đủ đất đai, mà như thế sẽ còn nhiều vùng tương tự, đẹp hơn rất nhiều. Bên cạnh đó, KTS. Trần Công Hòa lo ngại khách sạn xây dựng trên cao thì vấn đề thoát nước thải cũng là bài toán nan giải.

"Nhiệm vụ của công tác chỉnh trang là quan tâm đến cộng đồng, những người dân lưu trú ở khu vực đó mà gần hơn là khu bị tác động đến. Công trình có tác động đến đời sống sinh hoạt thì phải có tính toán cẩn thận", giảng viên Khoa Kiến trúc nhấn mạnh.

Khu Hòa Bình đã quá chật để dồn nén

Về cụm rạp Hòa Bình, PGS.TS. Nguyễn Minh Hòa nhận định: "Nhìn một cách công bằng, đây không phải là công trình kiến trúc đặc sắc gì. Nó chỉ là cái nhà, hội trường được xây vào năm 1958, tuổi cũng chưa cao lắm nên việc dỡ bỏ nếu cần thì cũng được. Nhưng vấn đề quan trọng là phải xây công trình nào cho xứng đáng".


Khu trung tâm Đà Lạt được đánh giá đã quá tải để xây thêm. (Ảnh: Lê Quân)

Ông đánh giá vị trí địa lý khu Hòa Bình chỉ nên xây nhà thấp tầng (khoảng 2-3 tầng). Đó có thể là nhà triển lãm mỹ thuật, trung tâm thiếu nhi,... quy mô không lớn. PGS.TS. Nguyễn Minh Hòa nêu ý kiến cần có cuộc thi thiết kế để chọn ra công trình đặc sắc.

Theo bản vẽ, nơi này sẽ xây tòa nhà khối tròn cao 5-6 tầng. Chuyên gia quy hoạch đô thị này cho rằng xây dng trung tâm thương mại thì phải cao tới 40 m. Nếu vậy sẽ phá vỡ không gian và công trình lớn như vậy "thật sự xấu".

"Một công trình có thể đẹp hay xấu tùy theo vị trí. Có thể chỗ này đẹp nhưng đặt chỗ khác là xấu. Không gian xung quanh Hòa Bình đường quá hẹp, nếu thêm trung tâm thương mại to thì sẽ không có chỗ gửi xe, người ta ra vào đông quá sẽ làm hỏng đi", PGS.TS. Nguyễn Minh Hòa nhận định và cho rằng nên chuyển chỗ khác để không dồn nén khu trung tâm.

"Đà Lạt nên giãn bớt ra ngoài. Trung tâm thương mại kết hợp giải trí thì người ta sẽ đến thôi. Quy hoạch như đồ án sẽ đè nén khu trung tâm. Không nên. Bản thân khu trung tâm đã quá chật chội rồi. Một công trình đẹp nên đặt ở chỗ xứng đáng hơn, có khoảng trống, rộng lớn hơn thì người ta mới nhìn được", ông nói.

KTS. Trần Công Hòa cũng cho rằng khu Hòa Bình với nguồn đất công sản thì nên xây dựng công trình nào có tính chất công cộng cho mọi người dân có thể tiếp cận được chứ không chỉ chăm chăm phục vụ khách du lịch.

"Khu Hòa Bình xưa nay được hiểu là trung tâm của TP Đà Lạt. Thời kỳ những năm 1930, logo Đà Lạt có nguồn gốc là chữ la-tinh, có nghĩa là cho người này niềm vui cho người kia sức khỏe, mấy chữ đầu ghép lại thành chữ Đà Lạt. Qua đó thấy rằng vị trí khu vực này đảm đương nhiệm vụ là bộ mặt của đô thị, nơi mà mọi người đều phải trân trọng nó", giảng viên Khoa Kiến trúc nói.

Đà Lạt cần xanh hơn chứ không phải "cao tầng hóa"

Việc Đà Lạt nhận được đầu tư, các chuyên gia cho rằng người dân nào cũng rất mừng. Tuy nhiên, phải làm sao cho đúng cách và giữ gìn được những gì đã có, tốt hiện nay để làm cái mới tốt hơn, giá trị hơn.

Qua đồ án này, KTS. Trần Công Hòa nhận định có nhiều điểm chưa phù hợp. Cụ thể, kế hoạch xây ở khu Hòa Bình 2 khu phức hợp, tổ hợp công trình thương mại buôn bán, theo ông là "bị thừa". Thay vào đó, chỉ cần một công trình bề thế đảm đương nhiệm vụ đại diện cho đô thị là phù hợp.

"Ở các đô thị khác, công trình biểu tượng cho thành phố thường là chợ, nhà hát lớn hay công trình khác mà có tính chất công cộng. Hội trường Hòa Bình đã đảm đương nhiệm vụ đó, là bộ mặt của khu trung tâm. Bây giờ thông qua chỉnh trang, việc bỏ cái cũ để làm cái mới thì cần đúng tầm. 2 công trình cùng một chỗ là bị lỗi. Những người làm đồ án có suy nghĩ, tìm ra giải pháp hay hơn chưa? Tôi nghĩ là chưa", ông Hòa nêu quan điểm.


Theo đồ án, Dinh tỉnh trưởng sẽ phải di dời. (Ảnh: Lê Quân)

Theo ông Hòa, điều khiến Đà Lạt khác biệt với những đô thị đồng bằng là thiên nhiên, định hướng phát triển thành phố này cũng sẽ là xanh. Tuy nhiên trong quá trình quản lý dân cư vì nhiều lý do khiến thành phố sương ngày càng "bê tông hóa". Do vậy, khi chỉnh trang lại thì cần làm cho Đà Lạt xanh, sạch, giảm tải khu trung tâm, đầu tư ra phía lân cận.

Bên cạnh đó, giá trị đáng quý của Đà Lạt còn là di sản. Nơi đây có bề dày giá trị về mặt lịch sử, kiến trúc. Đà Lạt phấn đấu trở thành 1 trong những đô thị di sản. Như vậy, khu trung tâm phải là khu trung tâm của đô thị di sản, nét đó phải rõ chứ không phải khu làm ăn buôn bán vì du khách tới đây họ không cần đi vào khu trung tâm mua sắm.

"Những việc cần làm là mở mang ngõ, chỉnh trang đường công cộng cho việc đi lại dễ dàng. Khu Hòa Bình hiện tại chưa được kiểm soát, hướng dẫn, quản lý dẫn tới rảc thải nhiều, nhếch nhác. Do đó, cần hướng dẫn người dân và nhất là khách du lịch sống xanh, sạch. Hình ảnh của một đô thị là hình ảnh của nhà dân. Sự thay đổi của hình bóng của đô thị bắt nguồn từ sự thay đổi hình bóng của người dân là chính, mảng đó lớn lắm", ông Hòa nêu.

Các chuyên gia cho rằng nếu có điều kiện thì làm quảng trường rộng hơn, công trình khang trang hơn và đảm bảo chức năng đô thị để ký ức hiện nay là ký ức tiếp nối của thành phố có nhiều di sản. Việc nghiên cứu đồ án được đánh giá chưa sâu, cần có thời gian tính toán lại quy hoạch để tạo dựng khu trung tâm mới đẹp hơn, đàng hoàng hơn, giải quyết được vấn đề giao thông nổi cộm chứ không phải công trình thương mại, mua bán.

Hoài Thanh - Lê Quân

(Zing.vn)


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận

3000 ký tự


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo

Loading...