Cùng với lượng mưa lớn kỷ lục thì việc đảo Phú Quốc vẫn sử dụng hệ thống thoát nước cũ, được xây dựng từ năm 2003, lúc dân cư còn thưa thớt nên nay đã quá tải và tình trạng đô thị hóa nhanh làm thu hẹp diện tích thấm đã làm cho nhiều khu vực trên đảo ngập, có nơi ngập đến 1,5 mét trong những ngày vừa qua.
Theo thông tin từ UBND huyện đảo Phú Quốc, có một số nguyên nhân chính gây ngập cục bộ tại Phú Quốc. Đầu tiên, trong 4 ngày (từ 2 đến 5/8/2019), tổng lượng mưa trên địa bàn đạt 501,2mm, là mức kỷ lục so với trung bình nhiều năm. Lượng mưa này đổ vào trong thời gian ngắn, trùng với thời điểm nước biển dâng cao làm cho việc thoát nước từ sông, suối ra biển bị cản trở.
Một góc đảo Phú Quốc. (Ảnh: Phạm Trang)
Kế đến là do hệ thống thoát nước đã cũ kỹ. Hệ thống thoát nước trong nội ô thị trấn được xây dựng từ năm 2003 với quy mô phù hợp với mật độ dân cư sinh sống còn thưa thớt lúc đó. Đến nay, Phú Quốc phát triển nhanh về dân cư, khách du lịch... nên hạ tầng về thoát nước đã cũ và quá tải.
Trong tờ trình trình chính phủ vào tháng 4/2019, về việc xin chủ trương thành lập thành phố Phú Quốc, UBND tỉnh Kiên Giang cho biết dân số của Phú Quốc là 127.709 người. Theo thông tin từ Sở Du lịch tỉnh, chỉ trong nửa đầu năm nay, đảo ngọc đã đón khoảng 2,26 triệu lượt du khách trong và ngoài nước.
Một nguyên nhân gây ngập nữa là do một phần hệ thống điều tiết nước tự nhiên bị lấp. Trước đây, đảo có nhiều nhiều ao, hồ tự nhiên để điều hòa lượng nước khi nước thoát không kịp nhưng hiện nay đã bị san lấp, tôn nền làm hệ thống hố ga thoát nước thường xuyên bị đầy, gây tắc nghẽn.
Thêm vào đó, tốc độ đô thị hóa nhanh cũng làm Phú Quốc ngập vì làm thay đổi hệ số mặt phủ, thu hẹp diện tích thấm. Tình trạng người dân tự ý xây dựng chiếm sông, suối cũng đã gây áp lực với hệ thống thoát nước, làm ảnh hưởng đến việc thoát nước từ các dốc núi đổ ra biển, gây ngập nặng tại các khu dân cư tại khu vực này.
Để giải quyết tình trạng trên, UBND huyện đảo Phú Quốc sẽ tập trung xử lý tình trạng các khu vực sông, suối bị lấn chiếm, đặc biệt là các điểm "nóng" như rạch Ông Trì, rạch Somaco. Cơ quan này cũng kiến nghị UBND tỉnh Kiên Giang cho khảo sát, lập quy hoạch đồng bộ hệ thống thoát nước cho toàn đảo, nâng cấp hệ thống thoát nước trong nội ô thị trấn Dương Đông để phù hợp với tốc độ phát triển hiện nay, nghiên cứu đầu tư hồ điều tiết cho Dương Đông...
Theo thông tin từ UBND Phú Quốc, trong những ngày qua, có 34 kilômét đường trên đảo bị ngập trung bình khoảng 0,6 mét, có nơi lên đến 1.5 mét. Ước tính, tổng thiệt hại do ngập lên đến trên 68 tỉ đồng.
Đào Loan
(TBKTSG)
- Bản sắc kênh rạch - sông nước Sài Gòn trước bước ngoặt phát triển
- TPHCM không nên phát triển các tòa nhà cao tầng lấn át sông Sài Gòn
- Lấn biển Cần Giờ 2.870 ha: Chưa đánh giá hết tác động nhưng vẫn trình Thủ tướng phê duyệt
- Chuyên gia đề xuất làm đô thị nén ở Đà Nẵng
- Chính quyền không được thu hồi đất cho nhà đầu tư kiếm lời
- Phố núi Đà Lạt ngập nặng do vỡ quy hoạch nhà kính?
- Giải pháp dùng LU chống ngập là khoa học, hiệu quả, nhân văn và sinh thái
- Thu phí ô tô vào trung tâm: Nên làm nhưng vẫn phải phát triển giao thông công cộng
- Ùn tắc giao thông lỗi không riêng dân, sao lại đòi thu phí?
- Tu bổ di tích: Quan trọng nhất là yếu tố con người