Đây là chủ đề của một cuộc hội thảo lớn do UBND tỉnh Kiên Giang phối hợp với Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam (VUPDA) tổ chức tại Phú Quốc ngày 18/3/2017. Hội thảo có sự tham dự của gần 200 đại biểu là các nhà nghiên cứu khoa học, các chuyên gia kinh tế, các doanh nghiệp đang đầu tư dự án du lịch trong và ngoài nước.
(Ảnh: KTS Đoàn Mạnh Phú / VUPDA)
Ông Trần Ngọc Chính, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam cho rằng: Phú Quốc là đảo Ngọc, là hòn đảo lớn nhất của Việt Nam trong quần thể 22 đảo nằm trong vịnh Thái Lan. Diện tích toàn bộ huyện đảo tương đương đảo quốc Singapore. Khu dự trữ sinh quyển ở đây đã được UNESCO công nhận là khu dự trữ sinh quyển thế giới. Phú Quốc được xác định là trung tâm du lịch sinh thái và trung tâm giao thương tầm cỡ khu vực và quốc tế. Trên vành đai kinh tế biển Việt Nam - Camphuchia - Thái Lan, Phú Quốc có lợi thế liên kết giao thương bằng đường hàng không và hàng hải với các quốc gia trong vùng duyên hải Campuchia và Thái Lan; quan hệ chặt chẽ với các trung tâm du lịch nổi tiếng Đông Nam Á và thế giới.
Để đảm bảo tuân thủ đúng đồ án Điều chỉnh quy hoạch chung đảo Phú Quốc đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong bối cảnh trên đảo có nhiều nhà đầu tư đang triển khai xây dựng các dự án, việc không khớp nối được hạ tầng cũng như không gian kiến trúc đô thị, phá vỡ các chỉ tiêu quy hoạch kiến trúc tại các khu đô thị, khu du lịch đã và đang làm nảy sinh những vấn đề không kiểm soát được theo quy hoạch ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững. Phú Quốc hiện tại cũng như trong tương lai đang phải đối diện với vấn đề quá tải như mô hình cấp chính quyền, nhu cầu sử dụng lao động...vấn đề cấp nước, xử lý rác thải, ô nhiễm... là những bài toán cần có lời giải.
Theo nguyên Cục trưởng Cục Phát triển đô thị Đỗ Viết Chiến, để thực hiện được mục tiêu quy hoạch đã được Thủ tướng phê duyệt, Phú Quốc cần phải tổ chức thực hiện theo nguyên tắc phát triển đô thị theo đúng quy hoạch và có kế hoạch; cần rà soát lựa chọn mô hình phát triển hợp lý, đảm bảo đồng bộ hạ tầng xã hội - hạ tầng kỹ thuật, cân đối các nguồn tự nhiên, phát triển hài hoà ổn định và bền vững; sớm triển khai các quy hoạch chuyên ngành, quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết, thiết kế đô thị và quy chế quản lý tạo thành bộ công cụ quản lý phát triển đô thị, nông thôn bền vững (trong đó quy hoạch tổng thể hệ thống du lịch - nghỉ dưỡng là quan trọng); sớm xây dựng chương trình phát triển đô thị, xác định lộ trình từng bước thực hiện quy hoạch chung đảo (xác định chương trình ưu tiên và nguồn lực thực hiện cho từng kế hoạch...); khai thác triệt để lợi thế là khu kinh tế - hành chính đặc biệt quốc gia về cơ chế chính sách để thu hút đầu tư (nguồn vốn Nhà nước ưu tiên cho các công trịnh hạ tầng kỹ thuật chung và các công trình đầu mối trọng điểm về xử lý môi trường...); xác định các khu vực phát triển đô thị cho 5 năm và hàng năm không dàn trải, tiết kiệm đất đai (lập danh mục các dự án đô thị theo 3 hướng: nhóm có khả năng thu hồi vốn nhanh và sinh lời; nhóm không có khả năng thu hồi vốn; nhóm Nhà nước và nhân dân cùng làm); thành lập Ban quản lý dự án khu vực phát triển đô thị; kiếm soát phát triển đô thị thừ khâu quy hoạch lồng ghép và các giải pháp ứng phó biến đổi khí hậu; phát triển đô thị theo mô hình tăng trưởng xanh, sinh thái, thông minh, khuyến khích sử dụng năng lượng sạch, đào tạo nguồn nhân lực và nâng cao trình độ cán bộ quản lý...
Góp ý cho giải pháp thực hiện quy hoạchđầu tư phát triển Phú Quốc, GS.TSKH Đặng Hùng Võ (nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên & Môi trường) cho rằng: Về chính sách đất đai cần có cơ chế tiếp cận đất đai của các dự án đầu tư; mở rộng quyền đối với đất đai thương mại, dịch vụ sử dụng vào mục đích phát triển du lịch; cho phép người nước ngoài được sở hữu kinh doanh bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng; cho phép nhà đầu tư thế chấp bằng bất động sản tại ngân hàng có pháp nhân nước ngoài để vay vốn đầu tư...
Các giải pháp về kiến trúc, thiết kế cảnh quan đô thị Phú Quốc; vấn đề phát triển du lịch bền vững Phú Quốc cũng đã được các chuyên gia bàn luận trong Hội thảo.
TS.KTS Phó Đức Tùng cho rằng: ngay từ khi quy hoạch toàn đảo lần đầu được phê duyệt vào năm 2005, hầu như toàn bộ diện tích đảo đã được phủ kín bởi quy hoạch chi tiết, Phú Quốc có đến hàng trăm dự án đã được phê duyệt, mấy trăm dự án đang nằm chờ mà hết chỗ. Tuy nhiên, sau 10 năm, các dự án được phê duyệt hầu như chưa được triển khai và mức đầu tư vào đảo chưa cao. Lý giải thực trạng này, TS.KTS Phó Đức Tùng đưa ra một số tồn tại lớn như: Mục tiêu tổng thể không khả thi; quy trình quy hoạch duy ý chí; giải pháp quy hoạch chưa tốt …Và để giải quyết được những vấn đề này, Phú Quốc cần đánh giá nghiêm túc và khách quan tiềm năng, thách thức, hiện trạng trong bối cảnh khu vực, từ đó đề xuất chiến lược chính cho đảo, việc đánh giá hiện trạng không nên quá dàn trải, mà nên tập trung vào đề xuất thực hiện một số giải pháp, một số dự án có tầm chiến lược quan trọng trên cơ sở đúc rút kinh nghiệm từ các quốc gia đã phát triển như Singapore…
Đặt vấn đề về tạo dựng không gian kiến trúc của Phú Quốc, KTS Khương Văn Mười đề xuất: Với môi trường cảnh quan đặc sắc của Phú Quốc, kiến trúc công trình chỉ là thành phần nhỏ trong tạo dựng không gian cho Phú Quốc, giải pháp quy hoạch tổ chức không gian cảnh quan mới là quan trọng. Với đảo Phú Quốc cần có cái nhìn toàn diện xung quanh đảo, cảnh quan dọc theo biển, địa hình phong phú của núi đá, triền dốc và cát… ngoài ra, cũng cần quan tâm tới những yếu tố nhân tạo đã đóng góp vào diện mạo Phú Quốc như: nhà dân, các sinh hoạt làng nghề truyền thống, di tích lịch sử.. KTS Khương Văn Mười nhấn mạnh: “Phú Quốc được mệnh danh là Đảo Ngọc, viên ngọc thô kệch sẽ chẳng có già trị gì cả mà phải được mài dũa mới làm tăng giá trị. Đảo Phú Quốc cũng đang cần đầu tư nâng cao giá trị của Đảo chứ không phải làm thay đổi hình dáng địa hình địa vật của Đảo”.
Từ kinh nghiệm thiết kế Mango Bay resort tại Phú Quốc (đã giành được nhiều giải thưởng trong nước và quốc tế), KTS Dương Hồng Hiến – chia sẻ : “Phú Quốc chưa phát triển để trở thành một đô thị hay một đặc khu đúng nghĩa của nó ở giai đoạn này là điều may mắn cho đất nước, theo một góc nhìn riêng”. Các bờ biển Mũi Né – Phan Thiết, Đà Nẵng, Nha Trang đều thấy tình trạng xẻ bãi biển và dựng hàng rào. Vẻ đẹp thiên nhiên bị tấn công và bóp méo để thực hiện việc khai thác du lịch, mà chưa có giải pháp ngăn chặn. Vì vậy, cần sự tham gia của nhà quản lý và hệ thống giáo dục xã hội. Phú Quốc là hòn đảo thiên nhiên còn lại trong số không nhiều lắm những gì còn sót lại của thiên nhiên Việt Nam, vì vậy cần tìm kiếm những triết lý riêng, nhỏ nhưng thông minh, riêng biệt nhằm gìn giữ tài nguyên, “tâm hồn và thể xác” để không điều gì có thể thay đổi vị thế Quốc đảo của đảo Ngọc Phú Quốc. Điều này cũng giống như nhận xét khá lãng mạn của KTS Nguyễn Văn Tất: “Phú Quốc giống như một nàng công chúa ngủ trong rừng, và nếu những điều kiện chưa sẵn sàng thì cứ để “nàng ngủ yên” như là một sự chắt chiu, giữ gìn và nâng niu bảo vệ nguồn tài sản quý giá của thiên nhiên, không vội vàng tiến ra biển”. Rõ ràng, Phú Quốc vẫn đang nắm giữ những tài nguyên quý giá mà phải có một tầm nhìn quy hoạch xa, rộng, nhưng không mơ mộng, cao xa, và đặt ra lộ trình phát triển hợp lý, một thái độ ứng xử với tài nguyên thiên nhiên và cảnh quan thận trọng – nhằm đảm bảo sự phát triển bền vững trong tương lai. “Không có lý do gì để quyết định đặt nền móng cho 100 năm sau tại thời điểm này cả. Có lẽ nên cố gắng để dành càng nhiều càng tốt những mảnh đất và tài sản nguyên vẹn cho quyết định của những thế hệ tương lai!” - Nhận định của TS.KTS. Phó Đức Tùng cũng là cảm nhận của đông đảo KTS sau khi có những trải nghiệm chân thực về thiên nhiên của Phú Quốc – nơi đã được du khách quốc tế bình chọn là một trong những bờ biển hoang sơ đẹp nhất thế giới.
Hải Đăng
(Báo Xây dựng)
- Liên kết vùng, nhìn từ dự án đường ven biển
- Tách nhập quận huyện TP.HCM 'là đòi hỏi của đô thị đặc biệt'
- Đà Nẵng: Đừng đánh đổi núi Sơn Trà lấy du lịch!
- Dự thảo Luật Quy hoạch: vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau
- Giải bài toán hạ tầng cho “làng trong phố”
- Khoảng trống pháp lý khi thuê đất khu công nghiệp
- Chi phí thiết kế chưa đầy 1%, lấy đâu công trình xanh thực chất?
- Thủ tục nhiêu khê đang “bóp nghẹt” doanh nghiệp đầu tư nhà giá rẻ
- Lý luận & phê bình kiến trúc - Một chức phận xã hội thiêng liêng
- Hạ tầng giao thông Việt Nam và những tác động đối với thị trường bất động sản