Ashui.com

Tuesday
Nov 26th
Home Tương tác Phản biện Giải bài toán hạ tầng cho “làng trong phố”

Giải bài toán hạ tầng cho “làng trong phố”

Viết email In

Nhiều vùng nông thôn chỉ sau một đêm đã thành phường, thành quận nhưng hạ tầng chỉ đáp ứng được yêu cầu của thôn, xã. Đó là một trong những thách thức của Đề án xây dựng nông thôn mới trong quá trình đô thị hóa hiện nay.  

Dẫn chứng cho điều này từ thực tiễn của địa phương, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Sửu cho biết: “Có những quận vẫn còn kế hoạch gieo lúa, trồng khoai. Là cư dân đô thị nhưng vẫn ngóng tiếng sấm để chăm bón cây trồng”. 

Hà Nội đang phải trả giá vì có nơi từ xã lên phường nhưng hạ tầng thì vẫn là cấp làng, xã, không đáp ứng được yêu cầu của đời sống người dân và phát triển kinh tế địa phương. Có nơi vẫn là phố trong làng. Điều đó cho thấy, quá trình xây dựng nông thôn mới gắn với đô thị hóa, tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp của địa phương vẫn còn chưa sâu. 

Đồng quan điểm này, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Phạm S cho biết, địa phương này cũng “tỉnh ngộ” khi làm quy hoạch phát triển Đà Lạt khi phải điều chỉnh các quy hoạch của các xã sẽ sáp nhập vào thành phố này để lập nên mô hình “làng đô thị xanh”. 


(Ảnh minh họa) 

Từ thực tế trên, Đề án xây dựng nông thôn mới trong quá trình đô thị hóa trên địa bàn cấp huyện giai đoạn 2017-2020 do Bộ Xây dựng soạn thảo được chờ đợi là sẽ giải quyết được những bấp cập trên trong quá trình xây dựng nông thôn mới ở các đô thị.

Theo đó, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Phan Thị Mỹ Linh cho biết, quan điểm của Đề án này là xây dựng nông thôn mới trong quá trình đô thị hóa trên địa bàn cấp huyện phải gắn với tái cơ cấu nông nghiệp, hình thành các vùng sản xuất lớn, đưa điều kiện sống người dân nông thôn gần với điều kiện sống người dân đô thị.

Từ đó, đề án sẽ định hướng quy hoạch, đầu tư cơ sở hạ tầng, môi trường và các dịch vụ xã hội phải phù hợp với định hướng đô thị hóa, nhằm từng bước chuẩn bị cho việc hình thành đô thị trên địa bàn, tránh lãng phí nguồn lực đầu tư.

Đơn cử như huyện Từ Liêm (Hà Nội), sau một đêm đã thành quận, phường nhưng hạ tầng đường xá được quy hoạch và thực hiện đầu tư xây dựng theo tiêu chuẩn của cấp xã, không đáp ứng được yêu cầu sinh hoạt, phát triển của đô thị, phải đầu tư lại, gây ra lãng phí xã hội…

Hay như với TP Đà Lạt, nếu xây dựng nông thôn mới ở một xã ngoại thành và sau này được quy hoạch thuộc thành phố thì từ ngay bây giờ phải tính xem xây dựng quy hoạch kiểu gì, vừa để giữ gìn bản sắc văn hóa của vùng nông thôn, nông nghiệp, vừa để nâng chất lượng dịch vụ cuộc sống như của người dân thành thị?

Trao đổi về vấn đề này, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng, Đề án cần định hướng các giải pháp xây dựng nông thôn mới gắn với đô thị hóa của giai đoạn 2016-2020, trong đó cốt lõi là gắn nông thôn mới với đô thị hóa trên địa bàn cấp huyện hay tại các đơn vị hành chính cấp xã được nâng lên thành cấp phường.

Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Xây dựng tiếp tục làm rõ căn cứ để xây dựng Đề án dựa trên các nghị quyết của Đảng, văn kiện Đại hội Đảng về xây dựng nông thôn mới, tái cơ cấu ngành nông nghiệp, đảm bảo phù hợp với các quy hoạch tổng thể kinh tế, xã hội của cả nước và từng địa phương, chiến lược phát triển đô thị và quy hoạch phát triển đô thị, khung khổ Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020 và các tư tưởng chính của dự án Luật Quy hoạch mà Chính phủ chuẩn bị trình Quốc hội thảo luận.

Về mục tiêu của Đề án, Phó Thủ tướng cho rằng phải đưa ra tầm nhìn xây dựng nông thôn mới theo hướng đô thị hài hòa, gắn kết các lĩnh vực kinh tế, xã hội, giữ gìn bản sắc văn hóa chứ không phải để tạo ra một khuôn mẫu nông thôn mới duy nhất.

Từ mục tiêu đó, Phó Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành xác định được khung khổ về quy hoạch phát triển cho nông thôn mới trong quá trình đô thị hóa ở cấp huyện hay tại các xã được chuyển đổi thành đô thị; đặt ra tỷ lệ % hợp lý về số xã, huyện được quy hoạch theo hướng này.

Việc thực hiện Đề án sẽ theo nguyên tắc thị trường, huy động nguồn lực từ người dân và ngân sách của địa phương là chính, phát huy tính chủ động, sáng tạo của mỗi địa phương trong các lập quy hoạch, kế hoạch thực hiện. 

Vân Anh 
(Báo Xây dựng)  


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận

3000 ký tự


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo

Loading...