Kể từ khi bị người dân phát hiện một phần bán đảo Sơn Trà (Đà Nẵng) bị cày ủi gần như thành đồi trọc để xây dựng biệt thự, khu nghỉ dưỡng, dự án sinh thái Biển Tiên Sa đã bị phạt 40 triệu và đình chỉ hoạt động.
Thế nhưng, với nhiều người dân Đà Nẵng và các chuyên gia môi trường, họ mong muốn chính quyền địa phương có những quyết định mạnh mẽ hơn bởi sự xâm hại vào bán đảo Sơn Trà đang ngày càng nghiêm trọng và táo tợn.
Các móng biệt thự xây dựng không phép tại Dự án du lịch sinh thái Biển Tiên Sa (Ảnh: Trường Trung/Tuổi trẻ)
Thực tế, bán đảo Sơn Trà, núi Hải Vân là một lá chắn tự nhiên bảo vệ thành phố Đà Nẵng do thiên nhiên ban tặng và nó có ý nghĩa về nhiều mặt với đời sống xã hội, kinh tế, cũng như quốc phòng – an ninh. Vì vậy, nếu không muốn mất nhiều hơn và không bao giờ lấy lại những gì đã mất ở bán đảo linh thiêng này, thành phố Đà Nẵng nên cho dừng ngay các dự án bê tông hóa bán đảo này.
Có một thực tế mà dư luận thắc mắc đó là ở thành phố đất đai còn nhiều, tại sao không sử dụng hết mà lại đi phá rừng, phá núi làm mất đi vẻ đẹp của bán đảo Sơn Trà nói riêng và của Đà Nẵng nói chung?
Trao đổi với báo chí, TS. Vũ Ngọc Long – nguyên Viện trưởng Viện Sinh thái học miền Nam, Viện Hàn lâm Khoa học Việt Nam – khẳng định: “Nên dừng tất cả những dự án tương tự như vậy ở trên núi Sơn Trà. Dù cho đó là khu vực vùng đệm thì nếu bị mất đi vùng đệm này có nghĩa vùng lõi sẽ bị tác động rất lớn. Nếu chúng ta cứ xây dựng một cách ồ ạt thì Đà Nẵng nên suy nghĩ đến việc có nên hoán đổi những giá trị khó lòng bù lại được – là sinh thái. Thứ nữa là những khu resort hạng sang, đứng về mặt đầu tư, cộng đồng thu nhập thấp không vào được. Càng ngày có xu hướng đầu tư phát triển đang chỉ phục vụ cho một nhóm người, rồi đến lúc người dân sẽ không thể lên Sơn Trà được nữa vì đã bị rào che bởi các dự án”.
Tương tự, Thiếu tướng Trần Minh Hùng – nguyên Phó tư lệnh Quân khu 5, cũng đưa ra cảnh báo: “Khu vực này không chỉ là lá phổi xanh của thành phố Đà Nẵng mà nơi đây còn là khu vực phòng thủ”.
Lẽ ra khi phát hiện các móng biệt thự và các phần xây dụng trái phép, thì phải phá bỏ và phạt thật nặng công ty vi phạm, đằng này chỉ cho dừng lại. Việc này khiến dư luận sẽ có một suy nghĩ không hay khi nó đã thành thông lệ là chưa có phép thì sẽ được làm hợp thức hóa nhanh thôi. Rồi đâu lại vào đấy, lợi ích nhóm mà.
Đà Nẵng dạo này có nhiều cái lạ, thậm chí đến lạ kỳ. Cán bộ công chức bận quá, không có ai để ý được mọi thứ diễn ra bên ngoài Trung tâm hành chính công vụ, nên họ xây 40 cái móng biệt thự ở ngay “lá phổi” của mình cũng không ai biết. Xây cả một hạng mục “nhà cổ” trong nhà kho gần như hoàn thiện không ai hay.
Người viết cũng như rất nhiều người con của Đà Nẵng đang cảm thấy lòng quặn đau, bởi, điều tuyệt vời nhất của xứ Quảng – Đà là màu xanh của Sơn Trà và Cù Lam Chàm sẽ dần mất đi!
Thiết nghĩ, nếu chịu khó lắng lại một chút để nghe những lời “ruột gan” của “con dân” Đà Nẵng khi thấy núi Sơn Trà bị tàn phá một cách đau xót, lãnh đạo thành phố hẳn sẽ có những quyết định mạnh mẽ và kịp thời, hợp lý và hợp lòng dân. Xin đừng làm gì ảnh hưởng đến thương hiệu “thành phố đáng sống”, cũng đừng đánh đổi núi Sơn Trà lấy du lịch!
Lầu Thanh
(Diễn đàn Doanh nghiệp)
- Thiếu cơ chế để người dân tham gia quy hoạch và quản lý đô thị
- 10 vấn đề cần thảo luận trong bài toán tích hợp của dự thảo Luật Quy hoạch
- Cải tạo chung cư cũ ở Hà Nội: "Ông lớn, ông bé" và kế hoạch đang “nằm trên giấy”
- Liên kết vùng, nhìn từ dự án đường ven biển
- Tách nhập quận huyện TP.HCM 'là đòi hỏi của đô thị đặc biệt'
- Dự thảo Luật Quy hoạch: vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau
- Giải bài toán hạ tầng cho “làng trong phố”
- Giải pháp công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch xây dựng Phú Quốc thành đảo du lịch - nghỉ dưỡng sinh thái biển đặc sắc
- Khoảng trống pháp lý khi thuê đất khu công nghiệp
- Chi phí thiết kế chưa đầy 1%, lấy đâu công trình xanh thực chất?