Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng tỏ ra rất tự tin và quyết tâm với dự thảo Luật Quy hoạch mà bộ ông chủ trì soạn thảo. Đó là dự luật sẽ giúp bỏ đi phần lớn trong 19.285 bản quy hoạch thuộc mọi lĩnh vực, trong đó đáng kể nhất là đất đai, sản phẩm, và xây dựng. Những bản quy hoạch chồng chéo, gây lãng phí, cát cứ và là thành trì cuối cùng của nền kinh tế kế hoạch hóa mà các chính phủ gần đây đã nhận ra, và muốn thay đổi. Nếu muốn tồn tại, các bản quy hoạch đó phải được tích hợp với nhau để tạo ra sự phát triển thống nhất, liên thông.
Dự luật về quy hoạch sẽ giúp bỏ đi phần lớn trong 19.285 bản quy hoạch thuộc mọi lĩnh vực, trong đó đáng kể nhất là đất đai, sản phẩm, và xây dựng. (Ảnh: Mai Lương)
Sáng thứ Sáu (17/3), Chính phủ đã họp lần cuối về dự luật này ngay trước khi một số thành viên Chính phủ giải trình ở Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) về dự luật trong buổi chiều. “Hầu hết các bộ, ngành đã thống nhất các vấn đề”, Bộ trưởng Dũng báo cáo tại phiên họp của UBTVQH. Nhận thức chung là điều đáng mừng, khi xuất hiện ngày càng nhiều những vấn đề bất cập trong thực tế, mà lĩnh vực xây dựng là một ví dụ.
Ở Hà Nội, khi chính quyền bắt đầu đập bỏ những bậc tam cấp của các hộ dân xây lấn ra vỉa hè trên đường Bát Đàn, đã tạo nên sự tranh luận giữa những người ủng hộ và phản đối. Phía ủng hộ đưa ra lý lẽ, anh không thể xâm phạm không gian công cộng. Điều đó đúng. Song, những người dân trên phố có thể biện hộ. Khi xây nhà, họ được chính quyền thông báo, và phê duyệt cốt nền một kiểu; nhưng cốt nền đó thực tế lại nhô lên đến 80-90 cen ti mét do con đường Bát Đàn xây dựng sau đó lại tụt sâu xuống, không như quy hoạch ban đầu. Rõ ràng, cái sai ở đây không chỉ là người dân, mà cả chính quyền.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng: “Đây là một cuộc cách mạng, là thay đổi lớn để giải quyết những bất cập của đất nước từ trước đến nay như chồng chéo, cục bộ, lợi ích nhóm”. |
Một ví dụ khác là khu Giảng Võ, Hà Nội, nơi người ta đang có kế hoạch xây gần chục tòa nhà cao tới 50 tầng mà có lần Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phải bày tỏ lo ngại sẽ gây kẹt cứng. Chuyện này được Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh nhắc lại một lần nữa ở phiên họp cuối tuần trước: “Như khu Giảng Võ, trước kia dân số ít, nhưng giờ nhiều, bây giờ mà cho xây nhà cao tầng thì cấp nước, điện, giao thông không đồng bộ. Cho nên phải có định hướng dẫn dắt cho quy hoạch ở cấp dưới”. Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu tổng kết, trong công tác quy hoạch xây dựng, và quy hoạch đô thị hiện nay có tình trạng xây dựng đô thị nhưng hạ tầng không đồng bộ, không bố trí được không gian. Chẳng hạn, việc xây nhà nhưng chưa kết nối với giao thông, y tế, nhà văn hóa. Ông đặt vấn đề: “Đó là do quy hoạch trong Luật Xây dựng, Luật Quy hoạch đô thị chưa tốt hay quá trình thực hiện chưa tốt?”.
Vấn đề này được Phó thủ tướng Vương Đình Huệ bày tỏ băn khoăn khi chủ trì một cuộc họp về Đề án xây dựng nông thôn mới trong quá trình đô thị hóa gần đây. Ông Huệ nêu thực trạng có vùng nông thôn “sau một đêm” thành quận như huyện Từ Liêm, Hà Nội với đường sá được quy hoạch và xây dựng theo tiêu chuẩn “cấp xã”, không đáp ứng được yêu cầu sinh hoạt, phát triển của đô thị, phải đầu tư lại, gây ra lãng phí lớn. Thừa nhận thực thế này, Phó chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Văn Sửu khẳng định: “Hà Nội đang phải trả giá vì có nơi từ xã lên phường nhưng hạ tầng thì vẫn là cấp làng, xã. Có nơi vẫn là phố trong làng”.
Tình trạng trên là rất phổ biến trong cả nước, dù có tới 2.326 bản quy hoạch đô thị và 9.864 bản quy hoạch xây dựng.
Trong bối cảnh đó, với dự thảo Luật Quy hoạch, ông Dũng đang đề nghị các bản quy hoạch này cần được tích hợp vào nội dung quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch vùng và quy hoạch tỉnh. Nội dung quy hoạch thuộc chức năng, nhiệm vụ của cơ quan nào thì cơ quan đó sẽ tổ chức lập.
Nhưng người đồng nhiệm ở Bộ Xây dựng, Bộ trưởng Xây dựng Phạm Hồng Hà lại nghĩ khác.
Trong Văn bản số 350 do ông Hà ký gửi tới Thủ tướng, ông cho biết quy hoạch xây dựng đã gần hoàn chỉnh. Ví dụ, có tới 15 quy hoạch xây dựng vùng đã được Thủ tướng phê duyệt, 100% các tỉnh, thành phố đã phê duyệt quy hoạch xây dựng vùng. Có 802/802 thành phố, thị xã có quy hoạch được phê duyệt, tới 99% xã nông thôn có quy hoạch xây dựng. Ông nhận xét, việc tổ chức lập, hình thành một bản quy hoạch tổng thể trong thời điểm hiện nay là chưa khả thi vì không dễ dàng thực hiện đồng loạt, tất cả các nội dung lĩnh vực trong cùng thời gian. Hơn nữa, ông lo ngại Luật Quy hoạch sẽ bãi bỏ hoặc điều chỉnh một số lượng rất lớn các quy hoạch xây dựng.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Dũng tỏ ra quyết tâm. Ông cho rằng, trên thế giới không có quy hoạch xây dựng mà chỉ có quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn. Trong khi đó, ở Việt Nam, khái niệm “quy hoạch xây dựng” bị đánh đồng với với khái niệm “quy hoạch đô thị”. Ông Dũng khẳng định, bản chất của quy hoạch xây dựng là tổ chức hệ thống công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội; tạo lập môi trường thích hợp cho người dân sống tại đô thị và nông thôn. Muốn làm được điều này thì cần dựa trên định hướng phát triển kinh tế - xã hội. Đây là lý do cơ bản cần phải tích hợp các quy hoạch xây dựng vào quy hoạch tổng thể.
Luận điểm của ông Dũng được nhiều nhà quy hoạch hàng đầu đồng tình trong các văn bản góp ý cho dự thảo luật. Ông Phạm Sỹ Liêm, Phó chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, khẳng định: cả về nội dung cũng như hình thức, dự thảo luật đã thể hiện đầy đủ vai trò của một luật khung đang rất cần cho việc phát triển lĩnh vực quy hoạch công của nước ta, mà việc ban hành sẽ giúp khắc phục tình trạng rối rắm, chồng chéo, chi phí tốn kém nhưng ít hiệu quả trong các hoạt động quy hoạch hiện nay.
Tại phiên họp của UBTVQH, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga cho biết Luật Quy hoạch liên quan đến 32 luật khác và từ nay đến tháng 6-2018 phải sửa, thông qua 32 luật và đặt câu hỏi “Vậy chúng ta có đảm bảo được không?”. Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng cho biết thêm, trong số 32 luật liên quan cần sửa có đến 18 luật do ủy ban này thẩm tra. “Sửa một luật vất vả lắm... Như vậy là khó khăn”, ông nói. Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển bổ sung, trước đây Chính phủ trình một luật sửa 12 luật về đầu tư, kinh doanh đã bị Quốc hội bác rồi, nên giờ có một luật sửa 32 luật là khó khăn. Về điểm này, Bộ trưởng Dũng nhận xét, nghe số lượng 32 luật là rất nhiều nhưng trên thực tế nhiều luật chỉ cần bỏ đi hai chữ “quy hoạch”, rất đơn giản. Ông Hiển cho rằng, hiện đang còn nhiều ý kiến khác nhau kể cả trong Chính phủ, vì thế, ông giao cho Ủy ban Kinh tế của Quốc hội nghiên cứu phối hợp với cơ quan của Chính phủ, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội để tiếp thu giải trình. Những vấn đề còn ý kiến khác nhau cần đưa ra xin ý kiến tại cuộc họp đại biểu Quốc hội chuyên trách sẽ diễn ra vào tháng tới. |
Tư Giang
(TBKTSG)
- 10 vấn đề cần thảo luận trong bài toán tích hợp của dự thảo Luật Quy hoạch
- Cải tạo chung cư cũ ở Hà Nội: "Ông lớn, ông bé" và kế hoạch đang “nằm trên giấy”
- Liên kết vùng, nhìn từ dự án đường ven biển
- Tách nhập quận huyện TP.HCM 'là đòi hỏi của đô thị đặc biệt'
- Đà Nẵng: Đừng đánh đổi núi Sơn Trà lấy du lịch!
- Giải bài toán hạ tầng cho “làng trong phố”
- Giải pháp công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch xây dựng Phú Quốc thành đảo du lịch - nghỉ dưỡng sinh thái biển đặc sắc
- Khoảng trống pháp lý khi thuê đất khu công nghiệp
- Chi phí thiết kế chưa đầy 1%, lấy đâu công trình xanh thực chất?
- Thủ tục nhiêu khê đang “bóp nghẹt” doanh nghiệp đầu tư nhà giá rẻ