Ashui.com

Saturday
Nov 02nd
Home Tương tác Phản biện Lý luận & phê bình kiến trúc - Một chức phận xã hội thiêng liêng

Lý luận & phê bình kiến trúc - Một chức phận xã hội thiêng liêng

Viết email In

Bất cứ một ngành nghệ thuật nào nếu thiếu lý luận phê bình chỉ là nền nghệ thuật được sáng tạo trong ru ngủ, thậm chí mất phương hướng và có nguy cơ đi vào ngõ cụt. Bởi lẽ, phê bình là tiếng nói phản ánh tự tạo nên đa chiều quan điểm xã hội. Một xã hội đa chiều quan điểm chắc chắn sẽ đa dạng và nó tạo tính cạnh tranh, thúc đẩy lực kích sáng tạo. Lý luận phê bình giúp dư luận xã hội có thể trái chiều sẽ có nhận thức đúng về công trình, tác phẩm, dự án… Trong phê có bình, trong chê có khen, tìm ra cái mới, cái giá trị ở cả nội dung và hình thức, hướng tới chân, thiện, mỹ. Do đó, nếu không có lý luận phê bình tức là không có thước đo về khoa học và nghệ thuật, dẫn tới nền kiến trúc sẽ khó có tinh hoa và bản sắc. Hay nói đúng hơn, phê bình cũng đồng nghĩa với sáng tạo và có chăng, có thể khẳng định lý luận phê bình kiến trúc là một chức phận xã hội cao cả, đòi hỏi cần được quan tâm.  


Quá tải – Hãy trả lại “tên”cho em!

Lý luận và phê bình kiến trúc đóng vai trò sứ mệnh trong nhận thức, phản biện và thúc đẩy xã hội phát triển

Con người đang vận động và tồn tại trong thế giới quan bao gồm cả môi trường tự nhiên và xã hội. Với môi trường tự nhiên, ngay từ thuở sơ khai, thông qua lao động sản xuất, con người đã biết từng bước thích nghi đến khắc chế và chinh phục theo hướng khai thác những yếu tố thuận lợi và giảm thiểu những tác hại do thiên nhiên đem lại. Điều thấy rõ nhất ở đây, từ chỗ ăn hang ở lỗ, con người đã biết tự cất dựng từ những túp lều đơn sơ đến ngôi nhà ở của chính mình. Trải dài theo tiến trình của lịch sử, thông qua lao động sản xuất và bảo vệ giống nòi, chính con người cũng đã tạo nên môi trường xã hội ở cả dạng vật thể và phi vật thể, nơi dung dưỡng, phát triển, hưng thịnh, mâu thuẫn, thoái trào, thậm chí suy tàn của những giá trị văn hóa, để rồi chắt lọc lại, bước tiếp vào những chu kỳ, giai đoạn lịch sử rực rỡ tiếp nối theo quy luật phát triển. 


Phong cách “giả cổ”?


Truyền thống và hiện đại – Hài hòa hay lấn át?


”Trông lên thì chẳng bằng ai,
Trông xuống thì chẳng ai… cao bằng mình”!

Cũng giống như các ngành nghệ thuật khác như điêu khắc, hội họa, âm nhạc, văn thơ, sân khấu, điện ảnh… Kiến trúc là một ngành tổng hợp hàm chứa các yếu tố về văn hóa, kỹ thuật, mỹ thuật, nghệ thuật. Ở đó, tập hợp các giá trị về văn hóa, lịch sử, xã hội… được tạo tác, kết tinh thành sản phẩm hàng hóa ở dạng vật thể, có thể là một công trình đơn lẻ hoặc lớn rộng hơn là một siêu thị hàng hóa, được thể hiện qua một đô thị, một thành phố, một làng xã, một đơn vị ở…

Nhân loại đã chứng kiến lịch sử của những trào lưu kiến trúc thế giới từ Ai Cập cổ đại, Hy Lạp cổ đại, La Mã cổ đại đến Roman, Gothic, Phục hưng, High-tech, hậu hiện đại…Ngày nay là kiến trúc giải tỏa kết cấu, kiến trúc xanh và tiết kiệm năng lượng… Qua mỗi một giai đoạn lịch sử, sự hiện diện của các công trình kiến trúc là minh chứng sống động phản ánh cấu trúc thượng tầng, kiến trúc của mỗi loại hình xã hội về thiết chế xã hội, quan hệ sản xuất, văn hóa tôn giáo tín ngưỡng… được thể hiện rõ nét qua các hình thức như trào lưu, khuynh hướng, trường phái, phong cách…

Chính vì sản phẩm kiến trúc là sản phẩm văn hóa được kết tinh gắn với các hoạt động lao động sáng tạo nghệ thuật, kỹ thuật, hệ tư tưởng… Nên đã từ lâu, lĩnh vực lý luận và phê bình kiến trúc (LL&PBKT) luôn phát triển, góp phần có những đánh giá, bình luận mang tính chính luận, tính thời sự, là hình thức tập hợp dư luận, đôi khi không chỉ là ý kiến cá nhân mà là đại diện cho tiếng nói của cộng đồng, thậm chí là hệ tư tưởng xã hội… Nhằm đánh giá, nhìn nhận, xem xét, khen chê, tìm ra các giá trị, hướng đi mới để định hướng cho phát triển, cho sáng tạo… Bên cạnh đó, LL&PBKT không chỉ đơn thuần ở lý luận khoa học mà nhìn nhận từ cả thực tiễn, đưa ra những dự báo, những cảnh báo… Đôi khi thông qua phê bình mà cộng đồng biết đến tác giả, tác phẩm. Chính vì vậy, phê bình đã góp phần tạo ra chất lượng cho sáng tác. Thông qua phê bình, có thể giải thích, hướng dẫn cộng đồng xã hội hiểu biết hơn, nâng cao dân trí hơn.

Bất cứ một ngành nghệ thuật nào nếu thiếu lý luận phê bình chỉ là nền nghệ thuật được sáng tạo trong ru ngủ, thậm chí mất phương hướng và có nguy cơ đi vào ngõ cụt. Bởi lẽ, phê bình là tiếng nói phản ánh tự tạo nên đa chiều quan điểm xã hội. Một xã hội đa chiều quan điểm chắc chắn sẽ đa dạng và nó tạo tính cạnh tranh, thúc đẩy lực kích sáng tạo. Lý luận phê bình giúp dư luận xã hội có thể trái chiều sẽ có nhận thức đúng về công trình, tác phẩm, dự án… Trong phê có bình, trong chê có khen, tìm ra cái mới, cái giá trị ở cả nội dung và hình thức, hướng tới chân, thiện, mỹ. Do đó, nếu không có lý luận phê bình tức là không có thước đo về khoa học và nghệ thuật, dẫn tới nền kiến trúc sẽ khó có tinh hoa và bản sắc. Hay nói đúng hơn, phê bình cũng đồng nghĩa với sáng tạo và có chăng, có thể khẳng định lý luận phê bình kiến trúc là một chức phận xã hội cao cả, đòi hỏi cần được quan tâm.


“Khoác áo mới” cho Di sản kiến trúc – Có sai lệch về màu sắc và chất liệu không?


Nghệ thuật kiến trúc hay nghệ thuật quảng cáo?

Những thách thức, rào cản đối với công tác lý luận và phê bình kiến trúc ở Việt Nam

Công tác LL&PBKT ở Việt Nam đã có từ lâu, luôn đồng hành với hơi thở của sáng tác, nghiên cứu. Tuy nhiên, thời gian gần đây, nhất là từ khi Chính phủ có Quyết định số 112/2002/QĐ-TTg ngày 03/09/2002 về việc phê duyệt định hướng phát triển Kiến trúc Việt Nam đến năm 2020 thì có xu thế trầm lắng, ít được chú trọng. Việc nghiên cứu thiết kế, sáng tác đang bị lôi cuốn vào dòng chảy của thị trường, có xu thế thương mại hóa, dễ dãi hóa, thậm chí là đồng nhất hóa… Ít và rất ít có những luận bàn, phê bình có tính chính luận, nền kiến trúc nước nhà như đứng ở ngã ba đường, thiếu định hướng, rối rắm và không ít cực đoan.

Trước hết, công tác lý luận phê bình nếu phân theo nhiệm vụ chức năng thuộc về trách nhiệm của các tổ chức Hội chính trị – xã hội – nghề nghiệp như Hội Kiến trúc sư Việt Nam, Hội Quy hoạch đô thị Việt Nam… Tuy nhiên, những tổ chức này chưa quy tụ được những chuyên gia có tâm huyết, có chuyên môn sâu và vững vàng. LL&PBKT chỉ lẻ bóng ở một vài chuyên gia, nhà khoa học … có tên tuổi và thâm niên, chưa có sức thu hút, tập hợp của đông đảo giới hành nghề kiến trúc sư và những người khác quan tâm.

Các vấn đề nóng bỏng, thời sự của xã hội rất ít được đề cập trên các chuyên mục, diễn đàn nghiên cứu của các tạp chí chuyên ngành. Nhiều khi, các vấn đề đó được thể hiện trên các phương tiện nghe nhìn khi có sự lên tiếng đa chiều của dự luận cộng đồng hoặc khi xảy ra các sự cố, thậm chí là thảm họa như cháy nổ, lụt lội, tắc nghẽn giao thông, nhà cửa bỏ hoang tại các khu đô thị, sự xuống cấp của các khu tái định cư…

Trong khi đó, rất nhiều các công trình, các dự án, đồ án quy hoạch… cần phải xin ý kiến của các Hội đồng chuyên gia tư vấn thì lại là nơi tập hợp ít chuyên gia có năng lực chuyên môn, ít kinh nghiệm thực tiễn trong thiết kế sáng tác, nên đã vô hình chung, lựa chọn các tác phẩm không chuẩn mực, khi xây dựng xong mới thấy rõ nhiều bất hợp lý. Những kiểu hội đồng này, với những kiến trúc sư sinh nghề tử nghiệp thường hay gọi là “hội đồng chuột”.

Ít có lý luận phê bình đi thẳng, đi sâu vào hệ thống pháp lý từ Quy chuẩn, Tiêu chuẩn, các Nghị định, Thông tư, Định mức kinh tế kỹ thuật,… Vì suy cho cùng, việc sáng tác theo định hướng nào đi nữa, ít nhiều cũng vẫn phải lệ thuộc nhất định vào quy định của hệ thống pháp lý này. Đặc biệt, tại các hội nghị, hội thảo khoa học, hội đồng khoa học các cấp…Những nghiên cứu cơ bản, dẫn hướng… ít có giá trị thực tiễn, từ người nghiên cứu đến người thẩm định, phản biện quá dễ dãi và vô cảm, thiếu trách nhiệm, chất lượng khoa học thấp kém. Tuy nhiên, lĩnh vực này đặc biệt rất ít phê bình chính luận lên tiếng. Với những tổ chức, đơn vị được giao trách nhiệm về công tác LL&PBKT – Việc nghiên cứu chỉ mang hình thức đối phó, do lương và thu nhập thấp, khó khuyến khích động viên được người tham gia trong lĩnh vực này, hầu như quay sang lo mưu sinh cuộc sống cơm áo đời thường.

Với nhân lực làm công tác LL&PBKT, trước hết đòi hỏi họ phải xuất phát từ sở thích, đam mê, sở trường, sở đoản đến năng lực, phẩm chất, tư tưởng, tư duy và phương pháp luận. Để từ đó mới có thể có kỹ năng chuyên nghiệp trong công việc phán đoán, bình luận, giải thích, đánh giá, biện luận, diễn giải, suy luận, quy nạp, tranh luận… Tuy nhiên, thực tế cho thấy, có rất ít người đạt được yêu cầu này, do trong nghiên cứu LL&PBKT đòi hỏi vừa nghiên cứu, lý luận phải đi đôi với thực tiễn, phải có lưng vốn kiến thức rộng về lịch sử, văn hóa, xã hội, dự báo được, cảnh báo được, tiên đoán được… những vấn đề có liên quan tới sự đối lập giữa các yếu tố mang phép biện chứng trong triết học như truyền thống và hiện đại, bảo tồn và phát triển, mâu thuẫn và vận động, nguyên nhân và kết quả, nội dung và hình thức, bản chất và hiện tượng, khả năng và hiện thực, tất nhiên và ngẫu nhiên, cái chung và cái riêng, lý thuyết và thực tiễn… Hoặc phải hiểu rõ các quy luật phổ biến như: quy luật tiến hóa, quy luật tiếp biến, quy luật phát triển, quy luật đào thải, quy luật thị trường… Chính vì thế, nhiều khi lý luận và phê bình đi sau thực tiễn, ít có lý luận phê bình mang tính dẫn hướng, định hướng cho sáng tác. Người sáng tác thiết kế thì đại trà, người nghiên cứu lý luận và phê bình thì hiếm muộn. Và còn nữa, hình như bất cứ ngành nghệ thuật nào, nếu theo hướng sáng tạo, sáng tác, đến trình diễn… thì đa phần ăn nên làm ra, giàu có, hữu danh, thành đạt… Chứ nghiệp phê bình chẳng mấy ai danh vọng cả, đủ ăn tiêu là may, phê và bình không khéo, thiên hạ lại ghép vào loại gàn dở…


Do El nino hay do thiết kế?


Phong cách kiến trúc “Hậu” hiện đại?

Đôi điều luận bàn thay cho lời kết

Ngành nghệ thuật nào cũng có lĩnh vực lý luận và phê bình. Chúng đóng vai trò là một chức phận xã hội quan trọng để dẫn đường cho phát triển, cho sáng tạo, luôn đào luyện, tích góp trên nhiều phương diện để rồi chắt lọc và hội tụ những tinh hoa nghệ thuật có giá trị được nâng niu và cô đọng thành bản sắc.
Đã có những nghiên cứu của các học giả quốc tế, từng xếp kiến trúc là loại hình nghệ thuật đứng số 1 trong 7 loại hình nghệ thuật của nhân loại như điêu khắc, hội họa, âm nhạc, thơ văn, sân khấu, điện ảnh. Bởi lẽ, ngay từ buổi bình minh của loài người, con người đã phải tìm cho mình một nơi trú ẩn (cư trú) là nhu cầu nguyên thủy của xã hội loài người, bắt đầu từ hang động tự nhiên (hay nói như các bậc tiền bối: có an cư mới có lạc nghiệp). Và cũng bởi lẽ kiến trúc là một ngành nghệ thuật chiếm lĩnh không gian, được kiến tạo bởi phương pháp tạo hình nghệ thuật kết hợp với kỹ thuật, tạo ra môi trường sống thứ hai cho con người sau môi trường của tạo hóa.

Vậy thì, để định hướng cho công tác sáng tác, chí ít ra là tìm con đường đi định hướng cho sự phát triển của nền kiến trúc nước nhà theo hướng vừa hiện đại vừa có bản sắc, vừa hội nhập và gìn giữ được các giá trị truyền thống với cốt lõi là các giá trị về tính ổn định bền vững, tính cộng đồng, tính lưu truyền…Thì lĩnh vực LL&PBKT cần phải được xem, được đặt ở một vị trí quan trọng, được quan tâm đầu tư thỏa đáng, được tạo một sân chơi và môi trường dân chủ, lành mạnh…Đáp ứng với sứ mệnh và chức phận vốn có cao cả và thiêng liêng mà nó đã, đang và sẽ mang trong mình mãi mãi ./. 

TS.KTS Nguyễn Tất Thắng – Viện Kiến trúc Quốc gia (Bộ Xây dựng) 
(Theo Tạp chí Kiến trúc Việt Nam)  


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo