Ashui.com

Tuesday
Jan 07th
Home Tương tác Phản biện Chất lượng đô thị phải được quản lý theo quy hoạch

Chất lượng đô thị phải được quản lý theo quy hoạch

Viết email In

Theo ông Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Việt Nam, trong những năm tới ngành Xây dựng cần hết sức quan tâm đến việc quản lý chất lượng đô thị theo quy hoạch đã được duyệt. Đây cũng là ý kiến nhận định của nhiều đại biểu tại Hội nghị tổng kết hoạt động của ngành Xây dựng năm 2016.  

Gánh nặng trên vai ngành Xây dựng


Khu đô thị Linh Đàm là một trong những khu đô thị bị điều chỉnh quy hoạch nhiều lần gây bức xúc trong dư luận người dân Thủ đô.
(Ảnh: HD) 

Tốc độ đô thị hóa cao tại các đô thị lớn như Hà Nội, TP.HCM dẫn đến nhiều bất cập về giao thông, hạ tầng kỹ thuật và đang đặt ra gánh nặng đối với ngành Xây dựng rất lớn. Một mặt phải tiếp tục hoàn thiện thể chế phục vụ cho công tác quản lý phát triển đô thị tốt hơn, mặt khác cần được sự đồng tình, ủng hộ của các bộ, ngành cũng như địa phương, doanh nghiệp và người dân. 

Vì sao cần phải hoàn thiện thể chế? Bởi đạo luật về phát triển đô thị cũng như quy hoạch đô thị chưa tạo ra công cụ quản lý rõ về việc thực hiện quy hoạch cũng như điều chỉnh quy hoạch. Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà cho biết, lúc lập bất kỳ một quy hoạch nào đều có sự tham gia, góp ý của tất cả các bên liên quan, nhưng khi thực hiện điều chỉnh thì chỉ có một vài bên, một nhóm cán bộ tham gia vào việc điều chỉnh nên không kiểm soát được chất lượng quy hoạch điều chỉnh.

Vì sao cần có sự đồng tình ủng hộ của các Bộ, ngành, cũng như địa phương, doanh nghiệp và người dân? Mỗi một quy hoạch dù nhỏ, do Bộ Xây dựng chủ trì đều có sự tham gia, đóng góp ý kiến của rất nhiều các bên liên quan như các Bộ, ngành: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Ngân hàng Nhà nước, Công thương, Giao thông vận tải, Nông nghiệp & Phát triển nông thông... và đặc biệt là địa phương – đơn vị thụ hưởng. Nếu như Bộ, ngành và địa phương nào cũng có trách nhiệm nghiên cứu kỹ và có ý kiến đóng góp xác đáng, thì đương nhiên chất lượng của quy hoạch là rất tốt. 

Bên cạnh đó, không thể không kể đến vai trò đặc biệt của các đối tượng chịu tác động của quy hoạch là người dân, các doanh nghiệp, ở đây xin nhấn mạnh vai trò của doanh nghiệp, bởi ở các đô thị lớn như Hà Nội, TP.HCM, nếu như doanh nghiệp tuân thủ quy hoạch, lựa chọn phương án đầu tư vào một khu đô thị mà phù hợp với quy hoạch đã được phê duyệt, thì thử hỏi liệu có xảy ra hệ lụy tắc đường, kẹt xe như hiện nay không? Chúng ta không thể đổ lỗi cho một vài doanh nghiệp lớn khi họ cố tình xin điều chỉnh quy hoạch. Nhưng xin khẳng định chắc chắn rằng, nếu một doanh nghiệp làm ăn chân chính, có ý thức xây dựng một đô thị văn minh, hiện đại, phục vụ cộng đồng, hay nói cách khác là có lương tâm, sẽ không bao giờ kiếm tiền bằng mọi giá, sẽ từ chối cách kiếm tiền gây hệ lụy rất tệ trong tương lai gần.

Đối với chính quyền địa phương, một khi quy hoạch được điều chỉnh mà đem lại hệ lụy, thì lỗi tại doanh nghiệp và chính quyền địa phương là 50/50, bởi nếu như không có được sự đồng thuận của chính quyền địa phương, nếu như chính quyền địa phương không tùy tiện, không thiếu trách nhiệm thì doanh nghiệp không thể tự ý điều chỉnh, cho thấy vai trò và tầm quan trọng của những doanh nghiệp lớn và chính quyền địa phương trong cam kết tuân thủ đúng quy hoạch đô thị.

Cần sự kết nối đồng bộ và thống nhất

Quy hoạch và thực hiện quy hoạch là một phạm trù thống nhất, không thể tách rời, nhưng dường như ở Việt Nam nói chung và các đô thị lớn như Hà Nội, TP.HCM hiện nay, phạm trù này đang rời rạc khi mà việc thực hiện đúng quy hoạch không được tôn trọng, người ta thường đưa ra nhiều lý do viện dẫn cho việc không tuân thủ quy hoạch.

Ông Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị cho biết, quy hoạch xây dựng Thủ đô là quy hoạch đầu tiên được Bộ Chính trị chỉ đạo và Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, nhưng những việc chưa làm được đang gây bức xúc lớn cho người dân vẫn diễn ra hằng ngày: tắc nghẽn giao thông, lụt lội vào mùa mưa, nhà siêu mỏng siêu méo, nhà cao tầng trong nội đô,… Để giải tỏa áp lực này, TP Hà Nội đã có kế hoạch di chuyển một số trường đại học, bệnh viện, các cơ quan thuộc Bộ, ngành đến các quận ngoại thành để có diện tích lớn xây dựng cơ ngơi khang trang, phục vụ cho sự phát triển, Bộ Xây dựng cũng đã có quy hoạch xây dựng cụ thể, nhưng đến nay không có mấy trường đại học, bệnh viện chuyển đi, không những thế, có đơn vị còn xây dựng thêm cơ sở như: Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Lão khoa,…

Theo ông Trần Trọng Tuấn, Giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM, bất cập giữa phát triển nhà ở và các công trình hạ tầng kỹ thuật ở đô thị hiện nay là do phát triển nhà ở, các công trình theo quy hoạch đã đươc phê duyệt, công bố nhưng các dự án, các công trình phát triển đô thị, đặc biệt là hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, lại không theo kịp. Có sự kết nối giữa các công trình này nhưng chưa đảm bảo theo đúng quy định của Luật Xây dựng, là phải kết nối đồng bộ và thống nhất. Hiện mới đáp ứng yêu cầu kết nối đồng bộ, mà chưa có sự thống nhất giữa chỉ tiêu nhà ở với chỉ tiêu của hạ tầng kỹ thuật, phát triển đô thị nhưng chưa có chương trình phát triển đô thị, phát triển nhà ở nhưng chưa có chương trình phát triển nhà ở.

Ông Trần Trọng Tuấn cho rằng, TP.HCM cũng như Hà Nội cần hoàn thành chương trình phát triển nhà ở trên cơ sở chương trình phát triển đô thị để khắc phục bất cập về giao thông, hạ tầng kỹ thuật hiện nay.

Trước những ý kiến tham luận của đại biểu tại Hội nghị tổng kết ngành Xây dựng 2016, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà cho biết, trong năm 2017, Bộ Xây dựng thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, sẽ thực hiện rà soát, kiểm tra công tác quy hoach và thực hiện quy hoạch của tất cả các khu đô thị trên toàn quốc, đặc biệt là các khu đô thị lớn, để đảm bảo chất lượng của các đô thị được quản lý theo quy hoạch. 

Thanh Nga 
(Báo Xây dựng)  


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận

3000 ký tự


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo

Loading...