Ashui.com

Friday
Apr 19th
Home Tương tác Phản biện Bản sắc kênh rạch - sông nước Sài Gòn trước bước ngoặt phát triển

Bản sắc kênh rạch - sông nước Sài Gòn trước bước ngoặt phát triển

Viết email In

TPHCM vừa tổ chức hội thảo “Quy hoạch và phát triển bờ kè sông Sài Gòn và sông, kênh nội thành…”, hứa hẹn một bước ngoặt trong phát triển chiều sâu văn hóa của thành phố. Để có thể trở lại với bản sắc thành công, việc tái tạo lại mô hình hiện trạng hệ thống địa lý thủy văn của thành phố (sông, kênh rạch và biển Cần Giờ) làm nền cho tất cả các quy hoạch đô thị là hết sức cần thiết…


Sài Gòn nhìn từ trên cao. (Ảnh: Thành Hoa)

Sự hòa quyện giữa tự nhiên và đô thị vốn là bản chất của quy hoạch đô thị khi coi trọng sự thiêng liêng của nơi cư trú đồng nghĩa với gắn kết các hệ sinh thái đã nuôi dưỡng loài người, từ những bộ lạc hoang dại thành các quốc gia hùng mạnh. Điều đáng lưu ý là tất cả các thành phố lớn, nhỏ đại diện cho các nền văn minh cổ đại đều gắn với các dòng sông mẹ (nền văn minh Lưỡng Hà với Babylone, Assyrie, Phenicie bên sông Euphrates và Tigris; Ai Cập với Thebes, Memphis bên sông Nile; sông Hằng với nền văn minh Ấn Độ). Chính vì vậy, mọi lý thuyết quy hoạch đô thị ban đầu đều thiết lập cho được sự cân bằng (nội tại) giữa yếu tố nhân tạo với yếu tố tự nhiên mà khởi đầu là ứng xử với những hệ sinh thái nước: dòng sông, biển, hồ, đầm phá, kênh rạch, vùng đất ngập nước, rừng ngập mặn.

Cần tầm nhìn dài hạn

Ở Việt Nam, chỉ có Sài Gòn phát triển đô thị hiện đại trên hai nền địa lý đất và nước (từ chuyên môn gọi là địa lý cao thấp - địa hình địa mạo và địa lý thủy văn). Bởi Sài Gòn ba trăm năm trước, từ khởi thủy đã không phải là thành phố “bên sông” mà là dạng “đô thị nằm giữa lòng sông nước” với hệ thống kênh rạch chằng chịt.

Quy hoạch bờ kè sông Sài Gòn và kênh rạch (chiếm 16,8% diện tích thành phố) và quy hoạch 110 héc ta dọc kênh Nhiêu Lộc ở quận 1, quận 3 để TPHCM trở thành đô thị đậm bản sắc sông nước đang vẽ ra viễn cảnh các dải xanh và kênh rạch xen giữa các cao ốc chọc trời (được xây rất hạn chế). Quy hoạch sẽ kết nối các tuyến metro và đường trên cao chạy suốt qua trung tâm thành phố, vượt sông Sài Gòn qua hết Thủ Thiêm.

Kế hoạch chỉnh trang đô thị này phải chăng bắt đầu cho những cuộc cải tạo lớn toàn bộ chiều dài 1.200 ki lô mét hệ thống sông nước, kênh rạch trong nội đô lịch sử của Sài Gòn. Dù đang được chính quyền soạn thảo, vừa hé mở trên các hội nghị và báo chí, nó có thể hứa hẹn một bước ngoặt trong phát triển chiều sâu văn hóa của Thành phố, sau nhiều năm liên tục chất tải dân số và nhà cao tầng quá mức vào cơ thể hữu hạn của trung tâm. Hoặc cũng có thể do vội vã bỏ qua những nghiên cứu cốt tử về hệ thống địa lý thủy văn, vốn đang bị phá vỡ cấu trúc toàn thể của nó qua các giai đoạn phát triển nóng, cộng hưởng tác động của biến đổi khí hậu khi đô thị Cần Giờ sẽ chặn toàn bộ cửa biển, làm nặng thêm bế tắc trong đô thị hóa của Sài Gòn trong tương lai.

Trở thành một đô thị sông nước

Quy hoạch bờ kè sông Sài Gòn và kênh rạch (chiếm 16,8% diện tích thành phố) và quy hoạch 110 héc ta dọc kênh Nhiêu Lộc ở quận 1, quận 3 để TPHCM trở thành đô thị đậm bản sắc sông nước đang vẽ ra viễn cảnh các dải xanh và kênh rạch xen giữa các cao ốc chọc trời (được xây rất hạn chế).

Do có những gò đất cao nằm giữa các sông rạch, nên Sài Gòn là nơi tụ cư sớm nhất, lại nằm giữa đầu mối giao thông giữa Đông - Tây, Cao Miên (Campuchia) và cao nguyên, mà hình thành đô thị một cách thuận lợi.

Gò đất cao nhất, được người Việt khai phá đầu tiên, đặt tên là Tân Khai (đỉnh là khu vực Đài truyền hình ngày nay), trải dài từ rạch Thị Nghè đến ngã ba sông Sài Gòn (tên chúa Nguyễn đặt là Tân Bình Giang) và rạch Bến Nghé (còn gọi là Kênh Tàu Hũ từ khi Chợ Lớn hình thành). Từ gò Tân Khai nhìn ra bốn hướng, đều gặp hàng hà sa số các ao hồ, kênh rạch, sông suối đan xen chằng chịt với rừng rẫy, gò đồi. Người Sài Gòn xưa đi lại phần lớn bằng ghe thuyền trên hai con kênh lớn Thị Nghè và Bến Nghé để lượn ra con sông mẹ êm đềm, tạo nên bản sắc văn hóa của vùng đất khoáng đạt này.

Các con rạch Thị Nghè, Bến Nghé, ngay từ thời chúa Nguyễn và sang thời Pháp, được xây sửa, mở rộng và nối dài thành kênh đào lớn để tiện cho giao thông thủy, cho công cuộc đô thị hóa đầu tiên cuối thế kỷ 19 để Sài Gòn trở thành một “Hòn ngọc viễn đông” trong mắt cả vùng Đông Nam Á.

Đầu thế kỷ 20, nhiều con kênh thông với sông Sài Gòn được san lấp để làm các đại lộ và đường phố rộng lớn (kênh Chợ Vải thành đại lộ Charner sau này là Nguyễn Huệ, rạch Cầu Sấu thành đại lộ La Somme, Hàm Nghi...). Trong khoảng 20 năm (1894-1914), khu ao hồ sình lầy rộng lớn (đầm Boresse) được xây dựng thành khu phố chợ Bến Thành và nhà ga xe lửa trung tâm. Năm 1928, chợ Bình Tây ra đời cũng trên nền một xưởng đóng thuyền trên kênh Hàng Bàng, đánh dấu thời kỳ mở rộng Sài Gòn về hướng Tây Nam. Trong nhiều thập kỷ sau đó, một loạt ao hồ, rạch suối lớn nhỏ ở khắp Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định dần dần bị lấp làm đất ở, do bùng nổ dân cư di về thành phố trong chiến tranh và phát triển ồ ạt sau hòa bình.

Liên tục bốn thế kỷ, từ 17-20, đã biến đổi Sài Gòn từ một địa danh không tên tuổi trở thành một đô thị sông nước, một cảng thị, dẫn đầu về giao thương quốc gia và quốc tế. Logo đầu tiên của Sài Gòn ghi dòng chữ Paulatim Crescam, nghĩa là Từ từ, tôi sẽ lớn. Và, Sài Gòn sông nước ấy đã lớn dần lên với chính bản sắc sông nước của mình, làm nên một di sản cảnh quan đô thị nước: đất ngập nước, rừng sác, kênh rạch, đầm hồ, xưởng tàu, bến cảng... với hằng hà sa số các hoạt động trên những con nước, là văn hóa cội nguồn của đô thị cho đến nay.

Lịch sử của những dòng kênh giữa lòng đô thị

Hai tuyến kênh lớn, chủ đạo giao thông thủy, Bến Nghé - Tàu Hũ (khoảng 22 ki lô mét) và Nhiêu Lộc - Thị Nghè (khoảng 10 ki lô mét), vẫn được giữ nguyên và bồi đắp mới từ đầu thế kỷ 20 đến nay, qua bao thăng trầm đang trở thành niềm hy vọng vực dậy bản sắc sông nước của Sài Gòn, ngay tại trung tâm lịch sử thành phố . Chúng có thể vừa là cảnh quan lịch sử, vừa là giao thông thủy và là môi trường trong lành như lá phổi thành phố.

Kênh Bến Nghé - Tàu Hũ, nối với kênh Chợ Gạo (Tiền Giang), từng là “Con đường lúa gạo” từ miền Tây lên các nhà máy xay xát ở Chợ Lớn, sau đó đến bến cảng Khánh Hội để xuất đi khắp thế giới. Dọc theo con kênh này, người Pháp đã xây con đường hiện đại có tuyến xe trạm đầu tiên nối Sài Gòn - Chợ Lớn.

Thập niên 1920-1930, ở khu vực Cầu Mống và Cầu Quay (cầu Trịnh Minh Thế cũ) hình thành rõ nét khu phố tài chính - ngân hàng mà biểu tượng là trụ sở quyền uy - Ngân hàng Đông Dương (nay là Ngân hàng Nhà nước). Các chợ Cầu Ông Lãnh, Cầu Muối là đầu mối nông sản, nối với phố người Hoa (Calmette, Phó Đức Chính...), người Ấn (Tôn Thất Đạm, Pasteur...). Và rồi, cả Chợ Lớn cũ và Chợ Lớn mới xứng đáng là một “đặc khu di sản” bao gồm nhiều dấu tích Hoa, Việt, Khmer về cả thương mại, văn hóa, tôn giáo...

Kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè chạy suốt từ quận 1, khởi đầu phải kể đến khu vực nhà máy đóng tàu Ba Son (thủy xưởng của Nguyễn Ánh năm 1789) và Thảo Cầm Viên (sở ươm cây và sở thú đầu tiên ở Đông Dương năm 1864), cũng là nơi quân Pháp và Tây Ban Nha đổ bộ xâm chiếm Sài Gòn tháng 2-1859. Chảy đến đất quận 3, quận Phú Nhuận, quận Tân Bình, là những khu bình dân và nhiều nhà tạm đậm dấu ấn thời kỳ bùng nổ dân số trong chiến tranh.

Dòng kênh uốn khúc với rất nhiều cây cầu, đền chùa, nhà thờ, trường học... Sân bay Tân Sơn Nhất (ra đời từ 1930) kề cận với các khu ven kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, hiện vẫn còn nhiều di tích kiến trúc và văn hóa nổi tiếng như tu viện Saint Paul, Bảo tàng Lịch sử, chùa Ngọc Hoàng, Lăng Ông, Viện đại học Vạn Hạnh, làm nên chuỗi các công trình văn hóa lịch sử chính của Sài Gòn.

Khu vực bến Bình Đông - đại lộ Võ Văn Kiệt, hiện đang có quỹ đất gồm dãy nhà kho, nhà tập thể cũ có thể trở thành các dãy cao ốc thương mại (theo kỳ vọng của các chủ đầu tư bất động sản)? Hay nên theo thông lệ quốc tế, khi thành phố quá tải dân cư, quỹ đất này nên chuyển thành đất công cộng - văn hóa, giải trí, dải xanh đi bộ... cho cộng đồng.

Điều này có thể hóa giải cho thành phố nhiều bế tắc về chất lượng sống đô thị. Nhưng cũng không hy vọng vào bản quy hoạch chỉnh trang kênh Nhiêu Lộc có thể dành nhiều lợi ích cho dân cư tại chỗ, mà rất có thể quỹ đất 110 héc ta vô giá lại bị chất tải thêm các cao ốc chọc trời làm đầy túi chủ đầu tư tư nhân. Và dân chúng lại thêm quá tải hạ tầng, kẹt xe, tắc đường và ô nhiễm?

Đang dần hồi sinh và có cơ hội hồi sinh thật sự?

Mười năm trở lại đây, với rất nhiều công sức, cả hai tuyến kênh đã được phục hồi, mở rộng và làm sạch để trở thành hai tuyến trên bộ dưới thủy với dải cây xanh theo nó cùng nhiều tiện ích dân sinh.

Cả hai vẫn đang tiềm ẩn nhiều tài nguyên vô giá cho phát triển đô thị đợi được phát lộ trong kỷ nguyên của đô thị bản sắc và đô thị cảnh quan xanh thế kỷ 21.

Kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè với di sản Xí nghiệp đầu máy xe lửa Sài Gòn (tên thời Pháp là Depot xe lửa Chí Hòa), được coi là “đất sạch”, “đất vàng” với tổng diện tích lên đến gần 8 héc ta, trải dài cạnh bờ kênh với ba nhà xưởng vòm cong tuyệt đẹp, cùng khu vực cầu quay đầu máy và đoạn đường sắt kết nối với ga Hòa Hưng để làm bảo tàng di sản đường sắt cho du lịch dọc tuyến kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè. Hai con đường đôi bờ kênh chạy dọc Nhiêu Lộc - Thị Nghè, Hoàng Sa và Trường Sa, chính là không gian sông nước lớn, đủ sức tái tạo lịch sử của một đô thị giữa sông nước và kết nối hoạt động dân cư vào dải xanh khổng lồ này. Chớ biến nó thành hai con đường nghẹt xe cộ, lam lũ theo cách xen cấy 110 héc ta là cao ốc thương mại quanh nó. Đó là cách bức tử con kênh cảnh quan - cơ hội phát triển đô thị xanh duy nhất của Sài Gòn, là nông cạn về tầm nhìn tương lai của thành phố.

Cảnh quan đô thị lịch sử và điều tiết chống ngập trong tương lai

Để thúc đẩy khả năng thích ứng với lũ trong đô thị, nhiều mô hình “thích ứng với lũ” được đề xuất nhằm ngăn ngừa các thiệt hại khi xảy ra lũ lụt. Trở thành một đô thị thích ứng với lũ lụt ở Sài Gòn là xây dựng một cấu trúc tương tác tự nhiên giữa con người và thiên nhiên. Cụ thể là dải cảnh quan trung tâm Nhiêu Lộc - Thị Nghè. Hai con kênh lớn giữa lòng thành phố nói trên cho phép lũ đi vào thành phố nhờ nó trở thành các không gian chứa lũ, lợi dụng lũ để nuôi dưỡng hệ sinh thái đô thị. Bên cạnh đó, hệ sinh thái nước và môi trường nước, trong quy hoạch này phải tính đến các rủi ro từ lũ, triều cường và chủ động các phương án chịu lũ, nâng cao nhận thức và khả năng đối phó của cộng đồng và sẵn sàng chuyển sang cơ chế thích nghi với lũ của toàn bộ hệ sinh thái nước của Sài Gòn.

Lời kết

Như vậy, trước khi làm quy hoạch, việc tái tạo lại mô hình hiện trạng hệ thống địa lý thủy văn của Sài Gòn (sông, kênh rạch và biển Cần Giờ) làm nền cho tất cả các quy hoạch phát triển đô thị là hết sức cần thiết. Bởi càng cấp phép xây dựng, chúng ta càng chặn dòng chảy tự nhiên của nước gây thêm ngập lụt. Sau đó là cần thiết lập các cấu trúc hạ tầng xanh đậm bản sắc văn hóa - lịch sử sông nước của Sài Gòn làm động lực cho phát triển. Muốn vậy phải chú trọng vào chức năng cảnh quan, công cộng, đi bộ và kết nối các công trình lịch sử. Tránh việc chỉnh trang để chất tải nhà cao tầng, chất tải dân cư phá nát cơ hội phát triển thành phố xanh và cơ hội “thở sạch” của Sài Gòn.

PGS.TS.KTS Nguyễn Hồng Thục - Viện Nghiên cứu định cư

(TBKTSG)


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo