Luật lệ về đất đai của chúng ta trải qua nhiều năm chỉnh sửa, bổ sung hiện đã rất phức tạp và tưởng đâu đã bao quát mọi tình huống trong thực tế cuộc sống. Thế nhưng, tin tức gần đây cho thấy vẫn còn những khe hở trong luật tạo ra những tình huống trái khoáy cần giải quyết.
Trường hợp người Trung Quốc nắm quyền sử dụng đất tại Đà Nẵng là một ví dụ. Cho đến nay, theo quy định của Luật Đất đai thì người nước ngoài không được phép đứng tên trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, nhưng giả sử có doanh nghiệp sở hữu quyền sử dụng đất và sau đó các bên góp vốn thành lập doanh nghiệp này bán toàn bộ cổ phần cho người Trung Quốc, đương nhiên tài sản đó vẫn thuộc về doanh nghiệp nhưng nay nắm giữ tài sản này, kể cả quyền định đoạt nó, lại là người Trung Quốc.
Không loại trừ việc người nước ngoài dùng người trong nước đứng tên thành lập doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực còn hạn chế người nước ngoài rồi sau đó chuyển quyền sở hữu. (Ảnh minh họa: Uyên Viễn)
Ở đây, cho dù không có người nước ngoài nào đứng tên trên sổ đỏ, nhưng thực chất họ đang nắm quyền sử dụng đất đấy thôi - luật đã lường hết tình huống này chưa. Nếu doanh nghiệp này xin giải thể thì tài sản là đất giải quyết như thế nào?
Một hiện tượng nổi lên ở khắp các địa phương trên cả nước trong những năm qua là doanh nghiệp có ý tưởng làm dự án khu đô thị rồi bắt tay với quan chức địa phương, tìm mọi cách để được giao đất, kể cả o ép người dân phải di dời. Không kể đến chuyện người dân bất bình, khiếu kiện dài ngày vì mất đất; không kể đến chuyện nhiều quan chức địa phương tham ô đã vào tù vì các sai phạm liên quan đến đất đai, cứ thử nghĩ các doanh nghiệp này dần dà rơi vào tay người nước ngoài hết thảy.
Hiện nay tỷ lệ mua cổ phần, góp vốn của dòng vốn đầu tư nước ngoài vào các doanh nghiệp trong nước đang tăng cao, biết bao tài sản của doanh nghiệp là quyền sử dụng đất nay vào tầm kiểm soát của người nước ngoài?
Chính vì thế một đề nghị được nhiều lần nêu ra, gần đây nhất là từ Viện Kiểm sát nhân dân cấp cao tại TPHCM, theo đó, cần sửa Luật Đất đai theo hướng chính quyền địa phương chỉ thu hồi đất vì mục đích quốc phòng an ninh, tuyệt đối không đứng ra thu hồi đất từ người dân để giao cho doanh nghiệp vì mục đích kinh tế (hội nghị chuyên đề ngày 9-6). Đó là một trong những biện pháp cần thiết để bịt ngay lỗ hổng nói trên, bên cạnh các tác động tích cực lên việc giải quyết khiếu kiện dài ngày.
Trước đây các quy định về việc bán cổ phần doanh nghiệp trong nước cho người nước ngoài được thực thi rất chặt chẽ, chẳng hạn không được bán nếu doanh nghiệp hoạt động trong một số lĩnh vực có điều kiện đối với nhà đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, cùng với lộ trình tháo gỡ các hạn chế theo cam kết WTO, không có ai kiểm soát xem việc rà soát các điều kiện này có còn được thực thi đầy đủ. Không loại trừ người nước ngoài dùng người trong nước đứng tên thành lập doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực còn hạn chế người nước ngoài rồi sau đó chuyển quyền sở hữu.
Thiết nghĩ trong bối cảnh có những vụ người Trung Quốc vào Việt Nam tổ chức sản xuất ma túy, tổ chức sản xuất phim sex, tổ chức đánh bạc..., cần siết lại các quy định quản lý người nước ngoài, trong đó có các quy định liên quan đến quyền sử dụng đất của doanh nghiệp có vốn của nước ngoài. Đừng để xảy ra các lãnh địa khép kín trong đó người nước ngoài làm gì trái phép chúng ta cũng không biết mà xử lý.
(Thời báo Kinh tế Sài Gòn)
- TPHCM và đồng bằng sông Cửu Long liệu có bị xoá sổ 30 năm tới?
- Cải tạo chung cư cũ: Gắn chặt với chính sách quy hoạch
- Trung tâm tài chính quốc tế: Cơ hội nào cho Việt Nam?
- Sớm triển khai giải pháp chống sạt lở khẩn cấp, bảo vệ bờ biển Hội An
- TP Huế cần được hoàn thiện hạ tầng trước khi mở rộng
- Bộ Xây dựng "hiến kế" giải pháp hạn chế ô nhiễm không khí đô thị
- Bản sắc kênh rạch - sông nước Sài Gòn trước bước ngoặt phát triển
- TPHCM không nên phát triển các tòa nhà cao tầng lấn át sông Sài Gòn
- Lấn biển Cần Giờ 2.870 ha: Chưa đánh giá hết tác động nhưng vẫn trình Thủ tướng phê duyệt
- Chuyên gia đề xuất làm đô thị nén ở Đà Nẵng