Ashui.com

Sunday
Nov 03rd
Home Tương tác Phản biện Lún sụt ở ĐBSCL: Kinh nghiệm “bù lún” từ người dân

Lún sụt ở ĐBSCL: Kinh nghiệm “bù lún” từ người dân

Viết email In

Khoảng 10 năm nay, câu chuyện lún sụt ở vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) nóng dần, đặc biệt trong tháng vừa qua, các chuyên gia thuộc Đại học Utrecht, Hà Lan đã có những nghiên cứu chỉ ra rằng cao độ trung bình của vùng ĐBSCL chỉ còn hơn mực nước biển khoảng 0,8 mét và đang tiếp tục “chìm” dần với tốc độ khoảng 20-30 mi li mét/năm, trong khi mực nước biển chỉ dâng chừng 2-4 mi li mét/năm.

Mới đây nhất, thông tin trên tạp chí khoa học nổi tiếng Nature Communication, các nhà khoa học thuộc dự án Climate Central cũng cho biết nhiều vùng đồng bằng và đô thị lớn đang lún nhanh với cao độ tự nhiên thấp hơn các thông tin trước đây, miền châu thổ phía Nam Việt Nam đang có tốc độ lún nhanh hơn các vùng khác. Điều này có nghĩa là lún sụt đang diễn ra nhanh hơn mực nước biển dâng lên gần 10 lần.


Một minh chứng cho việc dự liệu khả năng lún nền ở Khu I, Đại học Cần Thơ.

Như vậy, nếu chúng ta không có biện pháp gì đối phó, cứ tiếp tục khai thác nước ngầm như hiện nay và với sự giảm sút phù sa nhanh chóng do các đập thủy điện ở thượng nguồn chặn giữ lại thì theo dự báo của các nhà khoa học ở nước ngoài, khoảng 100 năm nữa, đồng bằng chỉ còn nhô lên khỏi mực nước biển khoảng 45 cen ti mét. Khi đó nước sẽ ngập và ảnh hưởng xấu lên đến hơn một nửa diện tích vùng châu thổ và có thể lên đến 12 triệu người ĐBSCL sẽ phải di cư đến các vùng đất cao hơn để sinh sống.

Thông tin này quả gây sốc cho nhiều người. Thật ra, chuyện lún sụt gần như luôn xảy ra ở hầu hết các vùng đồng bằng trên thế giới như một quy luật chung. Chỉ có hiện nay, vùng ĐBSCL đang có những chỉ dấu lún sụt với tốc độ nhanh hơn do các yếu tố thiên tai và nhân tai, mà trong hai yếu tố này, các hoạt động của con người thực sự lớn hơn, bao gồm cả tác động từ bên ngoài (vấn đề nguồn nước xuyên biên giới) và từ bên trong (các tác động sản xuất và sinh hoạt cư dân nội tại). Nhiều bằng chứng thực tế cho thấy, hầu hết các công trình, nhà cửa, đường sá, cầu cống của nhiều nơi đang lún dần, nghiêng hoặc tệ hại hơn là nứt gãy. Dễ thấy là mỗi mùa nước, vào giai đoạn triều cường, ngập úng ngày một thêm trầm trọng, nhất là các vùng đô thị như thành phố Cần Thơ hay thành phố Cà Mau.

Đối với các vùng đồng bằng non trẻ về tuổi địa chất, sự hình thành đồng bằng do quá trình kiến tạo từ sự bồi tụ các vật liệu nhẹ, rời rạc, kết cấu nền đất yếu như vùng ĐBSCL thì lún sụt là tất yếu, hiện tượng này đã xảy ra ít nhất hơn 3.000 năm trước. Về mặt tự nhiên, tất cả đất hình thành từ trầm tích phù sa đều có hiện tượng nén dẽ tự nhiên do đất phù sa, chủ yếu là bùn sét, tích tụ từ các trận lụt bị mất nước, co ngót dần các liên kết và thu nhỏ thể tích khiến cao độ mặt đất hạ thấp vào mùa khô, chờ đến mùa mưa lũ, dòng sông Cửu Long đem tiếp phù sa “bù lún” cho nền đất để dần theo năm tháng mặt đất mới cao hơn được.

Khoảng hơn 100 năm nay, nhiều cư dân vùng châu thổ đã có những biện pháp đối phó cho hiện tượng đất lún sụt, đặc biệt là những nơi mà nước lũ không mang hạt bùn và cát đến được hoặc đến rất ít. Ở các vùng canh tác lúa ngày xưa, sau khi thu hoạch lúa mùa vào tháng 6, tháng 7 thì người dân mở bờ đón lũ về mang phù sa bồi đắp cho đất, chuẩn bị canh tác cho năm sau. Mùa nước nổi cũng là mùa của những nông dân thu hoạch cá đồng và làm một nghề có một không hai trên thế giới: “chở đất thuê”, làm “xáng cơm” trong thời gian mưa lũ, hay như họ nói đùa “cạp đất mà ăn”. Trong mùa nước, khi tất cả đồng ruộng, khu trũng, sông rạch ngập chìm trong biển nước mênh mông thì nhiều nông dân ngụp lặn trong nước móc từng tảng đất, chất vào ghe xuồng chở đi bán cho những người cần đắp nền nhà, nền đường đi, nền trường học, nền chuồng trại, hoặc lên liếp trồng rẫy, lên mô trồng cây ăn trái. Nhờ nước ngập, việc móc đất dưới sông, bãi bồi và di chuyển ghe chở đất thuận lợi và dễ dàng hơn. Đây là những cách bù lún ở vùng ngập sâu. Sau này, khi có cơ giới, xáng cạp, người dân cũng thực hiện việc cạp đất đắp hai bên bờ sông cho cao lên.

Ở các vùng ngập nông, phổ biến trong các vườn cây ăn trái, người làm vườn phải xẻ mương, lấy đất dưới mương đắp lên bờ để trồng cây trái. Hàng năm họ đều vét mương, tiếp tục lấy đất bùn dưới mương đắp tiếp lên nền đất trồng cây, vừa bồi bổ cho đất trồng, vừa bù lún nâng cao nền đất. Ở những vùng nuôi cá, nuôi tôm thì sau mỗi vụ thu hoạch người dân cũng phải sên ao, sên vuông. Đất bùn dưới đáy ao trở thành vật liệu đắp cao cho nền đất lân cận. Thậm chí, ở những nơi đất thấp, muốn nâng cao nền người dân còn dùng thân cây các loại, tấn độn dưới nền rồi đắp đất lên. Việc bồi đắp gần như diễn ra liên tục hàng năm.

Ở các vùng đô thị, khả năng nâng cao nền, san lấp thường do nguồn cát khai thác từ đáy sông. Nhiều công trình xưa, người dân khi xây dựng đều cân nhắc đắp cao nền hoặc làm chân cọc cao hơn để “bù lún” theo thời gian. Đầu những năm 1970-1971, khi xây dựng dãy trường học ở Khu I, trường Đại học Cần Thơ các kiến trúc sư đã chọn kiểu nhà “cao cẳng”, đất làm nền lấy từ các ao đào gần đó, sàn nhà cao hơn mặt đất đắp khoảng 1,2 mét. Những người xây dựng lúc đó tính rằng với tuổi thọ dãy nhà khoảng 50 năm thì trong thời gian đó tòa nhà cũng vừa an toàn khi lún có thể đạt 0,8-1 mét; chung quanh nhà vẫn duy trì các ao nước, có tác dụng thoát nước các dãy nhà và tạo cho nền đất đủ ẩm giúp sét trương nở, không cho đất sét bị khô, co kết gây lún. Cách làm này cũng áp dụng cho trường Nông Lâm Súc Cần Thơ. Khi xây dựng hội trường Rùa ở Khu II, trường Đại học Cần Thơ, bản thiết kế đã chọn cách xây sàn hội trường cao hơn nền đất tự nhiên khoảng 1,4 mét để bù lún. Như vậy, sự lún sụt ở đồng bằng phải hiểu bao gồm lún do cố kết đất tự nhiên, lún do tác động của tải trọng công trình xuống nền đất yếu, lún do tình trạng hạ thấp nước ngầm và thiếu hụt bùn cát bổ sung nghiêm trọng từ thượng nguồn.

Hiện nay, điều khó khăn và thử thách lớn cho vùng đồng bằng là nguồn phù sa bị giảm khá nghiêm trọng do các đập nước thượng nguồn giữ lại. Trước kia, sông Mêkông mang về cho vùng đồng bằng khoảng 160 triệu tấn phù sa mỗi năm, hiện nay đã bị các đập thủy điện ở Vân Nam, Trung Quốc giữ lại khoảng 50%; cuối năm nay khi đập Xayabury ở Lào đưa vào vận hành thì lượng phù sa sẽ mất đến 65%. Một nghiên cứu của Ủy ban sông Mêkông cho thấy nếu tất cả các đập nước tiềm năng được xây dựng thì phù sa đến ĐBSCL sẽ mất lên đến 96%. Khi đó đồng bằng tan rã nhanh chóng nếu không có biện pháp hạn chế, giảm tốc độ lún.

Song song với việc tìm cách giảm rút nước ngầm, khai thác cát, cần xem xét sử dụng cát nhân tạo (đá núi hay phế liệu bê tông xay nhỏ), nhập cát từ miền Đông Nam bộ hay miền Trung, xây khung nhà sàn với vật liệu sắt thép, nhôm, kiếng... Việc chuyển đổi sử dụng đất một phần từ sản xuất nông nghiệp đến nuôi trồng thủy sản cũng là một trong những cách cân nhắc. Tất cả biện pháp đều khá tốn kém, cần nhiều nhân lực và kiên trì thời gian, nhưng điều kiện lún sụt ở ĐBSCL thì chỉ có thể giảm đi chứ không chấm dứt được, như một số phận mà vùng châu thổ phải đối diện, không tránh né được. Việc làm đê bao cả vùng châu thổ không ngăn chặn được tiến trình lún mà nó có thể làm tình hình lún gia tăng.

Một số thông tin trên báo chí lo ngại sẽ có những đợt di dân lớn của người dân trong một vài thập niên tới, khi phần lớn đất châu thổ bị chìm ngập, đặc biệt trong giai đoạn triều cường. Điều này có thể xảy ra ở một số nhóm người, nhưng không phải là ồ ạt, kiểu di tản thiên tai hay địch họa. Người dân đi ra nơi khác với lý do mưu sinh, hy vọng tìm kiếm một cuộc sống có thu nhập khá hơn, có điều kiện hưởng thụ tốt hơn... Những lý do này chủ yếu hơn là nguyên nhân đồng bằng “bị chìm”. Không thể nói vì nước biển dâng và lún sụt mà thanh niên nông thôn bỏ lên Sài Gòn để sống, nơi mà tình trạng lún sụt và ngập úng nặng nề hơn vùng ĐBSCL.

Lê Anh Tuấn

(TBKTSG)


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo