Ashui.com

Tuesday
Nov 05th
Home Tương tác Góc nhìn Giữ lại quỹ kiến trúc ở các đô thị - nhìn từ Hà Nội

Giữ lại quỹ kiến trúc ở các đô thị - nhìn từ Hà Nội

Viết email In

Thực tế giúp chúng ta nhận thức đúng hơn về sự cần thiết giữ lại quỹ kiến trúc cũ của các đô thị. Song, để thực hiện được việc này lại không hề đơn giản.

Chủ trương và giải pháp khả thi với quỹ kiến trúc cũ phụ thuộc vào sự nhận thức rạch ròi: Quỹ kiến trúc cũ và di sản kiến trúc, duy trì quỹ kiến trúc cũ và bảo tồn di dản.  


Nhà số 60 Hàng Chiếu, Hà Nội xuống cấp thấy rõ từ mặt ngoài
 (Ảnh: Minh Hoàng) 

Quỹ kiến trúc cũ và khái niệm duy trì 

Những tòa nhà có niên đại trên dưới 100 năm thì không thể liệt vào diện cổ như cách chúng ta vẫn gọi. Quỹ kiến trúc cũ của Hà Nội tuyệt nhiên không chỉ gồm các biệt thự được xây từ thời Pháp thuộc. Quỹ ấy phong phú, đa dạng hơn rất nhiều. Đó là những tòa nhà công sở, những nhà thương, nhà ga, bưu điện, rạp chiếu bóng, nhà hát, bảo tàng, thư viện, lưu trữ, trường học, nhà trọ và khách sạn… Quỹ kiến trúc cũ là một tài sản vật chất của đô thị, có giá trị không thể đong đếm bằng tiền bạc. Hà Nội, Sài Gòn, Hải Phòng và Đà Lạt sở hữu những cơ ngơi vật chất- kiến trúc thực sự to lớn đó. Ở các thành phố khác, cơ ngơi ấy khiêm nhường hơn, song không bởi thế mà xem nhẹ. 

Quỹ kiến trúc cũ ấy, lẽ đương nhiên phải duy trì. Nên hiểu, duy trì không có nghĩa là cứ đảm bảo sự tồn tại là đủ, mà còn hàm chứa một nội hàm tất yếu khác, đó là cải tạo. Cải tạo để thích ứng với những nhu cầu và đòi hỏi của cuộc sống thời nay hoặc để thích ứng với những công năng sử dụng mới. Duy trì được hay không những ngôi nhà cũ kỹ, đã trở nên lạc hậu về kỹ thuật, chỉ có thể khi chúng được chăm sóc, được can thiệp cứu chữa, được tu sửa to và nhỏ, đột xuất hay định kỳ. Ngôi nhà 107 đường Trần Hưng Đạo Hà Nội, 110 tuổi - một đại lão. Thế mà người ta vẫn sử dụng triệt để, quên mất những đòi hỏi khẩn thiết không phát ra thành tiếng thành lời của một cơ thể. Các ngôi đình và nếp chùa tồn tại qua hàng trăm năm cũng nhờ những đợt duy tu to nhỏ.


Khu sân bếp của ngôi biệt thự cũ ở Ngõ Tức Mạc (Hà Nội) là nơi sinh hoạt chung của 12 hộ gia đình
 (Ảnh: Minh Hoàng) 

Quỹ kiến trúc cũ, ngoại trừ những tòa nhà và biệt thự thuộc các cơ quan ngoại giao và các cơ quan nhà nước, hầu hết trong tình trạng kỹ thuật xấu, thậm chí trong tình trạng báo động. Để cải thiện tình trạng này, chúng ta phải thực hiện các giải pháp quản lý và giải phóng kỹ thuật. Song cả hai loại biện pháp này đều đối mặt những khó khăn khó vượt qua và nếu hành động thiếu thực tế và tính toán không căn cơ, mọi chủ trương và kế hoạch sẽ thiếu hẳn tính khả thi. Chính tính khả thi là sự thách thức mà việc giữ lại di sản khu phố cổ, khu phố thời thuộc địa, chưa hề tiếp cận được.

Chẳng hạn, phần lớn trong số một ngàn rưởi ngôi biệt thự cũ ở Thủ đô cùng rất nhiều tòa công sở cũ đã bị thay đổi công năng sử dụng. Nguy hại và nan giải hơn cả khi chúng trở thành những cái nhà tập thể của nhiều gia đình. Chúng bị biến dạng, bị thay đổi tùy tiện công năng. Ngay cả việc khôi phục hình hài cũ trên bản vẽ cũng là việc không dễ dàng. Nhưng để duy trì và sử dụng an toàn, liệu tập thể dân cư có khả năng tập hợp ý chí và tiền bạc, tu sửa nâng cấp nó. Liệu có một tổ chức nhà nước nào đủ sức đủ tiền mà cải tạo cả ngàn ngôi biệt thự kiểu này?

Trong việc giữ lại quỹ kiến trúc cũ, những vấn đề nan giải khác cũng đặt ra, như các giải pháp kỹ thuật nhằm cải lão hoàn đồng, như việc tạo lập mới hệ thống thiết bị, hạ tầng, việc giãn dân, cải tạo môi trường. Cái khó có lẽ nằm ở nguồn vốn. 

Ấy vậy, vẫn không thể không tiếp tục sử dụng. Phương cách khả thi, trong tầm tay chỉ có thể là sự ưu tiên những phần việc mang tính chất ứng cứu và ngăn ngừa. Việc cấp thiết lúc này chính là tiến hành điều tra khảo sát đầy đủ và thật chính xác tình trạng của các công trình kiến trúc cũ. Từ đó mới có thể hoạch định chiến lược và những bước đi trong việc duy trì lâu dài quỹ kiến trúc đặc thù này. 


Tòa nhà số 6 Tăng Bạt Hổ (Hà Nội) hiện đang là nơi cư trú của khoảng 20 hộ dân
 (Ảnh: Minh Hoàng) 

Di sản kiến trúc và bảo tồn di sản

Trong quỹ kiến trúc cũ có một bộ phận cấu thành có những giá trị về lịch sử, về văn hóa, về kiến trúc, về vai trò trong sự tạo thành cảnh quan đặc trưng cho đô thị. Đó chính là di sản đô thị.

Trong di sản đô thị, những công trình có giá trị nổi trội, tiêu biểu và độc hiếm lại được liệt vào diện di tích. Như vậy, di sản kiến trúc và đô thị bao gồm chủ yếu các công trình có giá trị và những công trình là di tích. Các công trình có giá trị cần được giữ lại, cần được tu sửa và cải tạo thích ứng, song phải giữ được cái đặc trưng trong kiến trúc- trang trí chủ yếu. Các công trình được liệt vào dạng di tích thì bắt buộc phải được gìn giữ, bảo tồn và trùng tu theo Luật Di sản năm 2002. Hà Nội và thành phố HCM tuy đã xác lập được danh mục di sản kiến trúc, nhưng theo tôi nên chặt chẽ hơn. 

Ứng xử phù hợp và khả thi với các quỹ kiến trúc cũ và với các di sản kiến trúc đô thị cần dựa vào những chủ trương, chiến lược chính sách, quy hoạch, quy chế và những hướng dẫn cùng các phương thức quản lý đồng bộ.

Có thế mới tránh được những sự cố đau lòng xảy ra như với ngôi nhà 107 Trần Hưng Đạo và mới giữ cho các đô thị những dấu ấn không phai mờ của dòng chảy tiến hóa văn minh đô thị. 

GS.TS.KTS Hoàng Đạo Kính 
(Thanh Niên)  


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo