Ashui.com

Sunday
Nov 03rd
Home Tương tác Góc nhìn Thành lập đặc khu kinh tế của TP HCM: Đặc khu hay ốc đảo?

Thành lập đặc khu kinh tế của TP HCM: Đặc khu hay ốc đảo?

Viết email In

Trong lúc chủ trương thành lập 3 đặc khu kinh tế: Vân Đồn (Quảng Ninh), Vân Phong (Khánh Hòa), Phú Quốc (Kiên Giang) vẫn chưa có những tiến triển nào đáng kể, liệu việc thành lập đặc khu kinh tế của TP HCM có rơi vào “vết xe đổ” của những đặc khu dang dở trên.

UBND TP HCM đã giao cho Viện Nghiên cứu Phát triển TP và các đơn vị liên quan khẩn trương hoàn thiện chi tiết đề án thành lập đặc khu kinh tế của TP. Dự kiến, đặc khu kinh tế sẽ được xây dựng trên địa bàn của 4 quận, huyện gồm quận 7, huyện Nhà Bè, Bình Chánh và Cần Giờ nhằm tạo động lực, tạo đột phá trong phát triển kinh tế, thu hút đầu tư của TP.  


TPHCM dự kiến sẽ lập Đặc khu kinh tế trải rộng trên bốn quận huyện gồm Quận 7, Nhà Bè, Cần Giờ và một phần huyện Bình Chánh với tổng diện tích gần 890 km2 

Đừng chỉ là vỏ 

Thực tế, không chỉ có Quảng Ninh, Khánh Hòa, Kiên Giang rốt ráo với việc xây dựng đặc khu mà ngay cả Quảng Ngãi, Quảng Nam, Bình Định cũng đang “nhấp nhổm” với ý định này. Năm 2013, khi Tập đoàn Livingston (Hoa Kỳ) từng tới VN bàn câu chuyện đầu tư xây dựng đặc khu đã nhận được sự tán thành rất cao của một số địa phương kể trên nhưng sau đó tập đoàn này đã ra đi mà không hẹn ngày trở lại. 

Để xây dựng thành công mô hình đặc khu kinh tế của TP cần nhiều yếu tố song môi trường thể chế mới là yếu tố quyết định sự thành công cho ý tưởng. Nếu các yếu tố về hạ tầng, kiến trúc… làm tốt nhưng thiếu tính đột phá trong thể chế thì đặc khu kinh tế cũng chỉ là cái vỏ, thiếu sức sống và làm giảm đi giá trị của một đặc khu.

Có thể nói, sự chết yểu của 3 đặc khu ở VN là ngay từ trong cách suy nghĩ của chúng ta. VN vẫn hay coi đặc khu kinh tế là nơi được bao quanh bởi bốn bức “tường rào” và trong đó được hưởng những chính sách ưu đãi. Cuối cùng, mô hình cả hàng trăm khu công nghiệp của cả nước, đặc biệt là các khu kinh tế tại các tỉnh duyên hải miền Trung đều mọc lên theo ý tưởng đó. Tuy nhiên, mọi người quên mất rằng môi trường thể chế mới là yến tố quan trọng nhất. Dù có trong “hàng rào” hay không “hàng rào” nhưng nếu chính quyền địa phương quyết định hết thì cũng như không, nó chẳng có tác dụng gì cả. Dẫn tới, ban quản lý khu kinh tế hay ban quản lý khu công nghiệp cũng chỉ có nhiệm vụ là đầu mối tiếp nhận hồ sơ, chứ không có quyền quyết.

Nếu TP HCM tạo ra một đặc khu kinh tế “ốc đảo” như các khu kinh tế của VN thì khả năng thành công sẽ không cao. 

Theo đó, đặc khu của TP HCM cần có sự sáng tạo, đổi mới mạnh mẽ về thể chế. Yếu tố chính của đặc khu kinh tế là tạo ra môi trường để thử nghiệm chính sách. Tức là, nghiên cứu tạo ra một chính sách mới, sau đó nhân rộng ra. Nói cách khác, đặc khu kinh tế là nơi ươm tạo áp dụng chính sách để phát triển những hướng tốt hơn chứ không phải là nơi tạo ra những “hàng rào”, hay được hưởng những điều kiện ưu đãi. Điều này trái ngược hoàn toàn với cách hiểu của VN về đặc khu. 

Cần sự sáng tạo

Trong nghiên cứu của nhóm FETP về trường hợp xây dựng đặc khu Nam TP, chúng tôi đã đề xuất mô hình liên kết vùng. Sự liên kết vùng là một hướng đi mới, hoàn toàn khác biệt với ý tưởng mà 3 đặc khu của VN đang triển khai. Cụ thể, sẽ hình thành nên một thể chế đặc biệt ở khu Nam TP HCM nhưng đồng thời phía Cần Giuộc (Long An) cũng cần thành lập một cấu trúc thể chế đặc biệt. Để có sự kết nối thì Công ty IPC (đơn vị quản lý khu Nam TP) cần có cả hoạt động ở cả hai phía là TP HCM và phía Cần Giuộc (Long An). Lúc đó, bên khu Nam cũng có một ban quản lý, bên Cần Giuộc cũng có một ban quản lý. Hai bên cùng phối hợp với nhau và tính tới việc xây dựng cơ sở hạ tầng chung. Bởi vì không chỉ có riêng khu Nam Sài Gòn mà còn có cả các địa phương khác.

Quan điểm của chúng tôi là muốn xây dựng khu Nam Sài Gòn tạo thành cái mầm, cái nền tảng để tạo ra một sự liên kết vùng, chứ không phải là tạo ra một cái ốc đảo. Nếu tạo ra một cái ốc đảo như các khu kinh tế của VN thì khả năng thành công sẽ không cao. Còn nếu tạo được một sự liên kết vùng, tạo sự đột phá về mặt thể chế thì sẽ không chỉ tốt cho TP HCM, Long An mà còn tạo nên một mô hình mới cho cả nước.

Nói thì dễ nhưng để làm tốt việc liên kết vùng khó nhất vẫn là giải quyết được lợi ích của các bên liên quan. Không thể nói liên kết vùng chung chung mà cần phải có cơ chế rõ ràng, minh bạch. Các bên cùng ngồi lại với nhau, cùng tính toán sao cho hài hòa trong một chừng mực nào đó. Chỉ khi nào các bên có được tiếng nói chung, cùng nhau liên kết phát triển thì câu chuyện đặc khu mới có lời giải./. 

TS Huỳnh Thế Du - Giám đốc Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright (FETP) 
(Diễn đàn Doanh nghiệp)  


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo