Sau khi bến xe miền Đông di dời, khu đất của bến xe hiện tại phải được dùng để phục vụ vận tải hành khách công cộng, làm các bãi đậu xe cao tầng, dứt khoát không xây trung tâm thương mại để rồi không giải quyết được ùn tắc giao thông.
Đây là khẳng định của Bí thư Thành ủy TPHCM Đinh La Thăng trong buổi đi kiểm tra phục vụ tết tại bến xe miền Đông hôm nay, 15/1.
Bến xe miền Đông (Ảnh: Anh Quân)
Một trong những nhiệm vụ được ông Thăng nhắc bến xe miền Đông trong năm 2017 là phải di dời xong bến xe ra vị trí mới ở quận 9. Sau khi di dời phần đất bến xe hiện tại phải được dùng để phục vụ vận tải hành khách công cộng, làm các bãi đậu xe cao tầng.
“Dứt khoát không làm trung tâm thương mại sau khi bến xe dời đi. Chúng ta di dời bến xe là để giảm ùn tắc thì không có lý gì lại làm trung tâm thương mại rồi không giải quyết được ùn tắc giao thông”, ông Thăng nói.
Trước đó hồi năm 2014, chính quyền TPHCM đã phê duyệt quy hoạch tỷ lệ 1/500, khu đất tại bến xe miền Đông hiện hữu sẽ được chia làm hai phần. Một phần được sử dụng làm bãi đậu xe buýt, xe du lịch lữ hành (khu A); phần còn lại sẽ xây dựng khu phức hợp (khu B) bao gồm trung tâm thương mại, dịch vụ, văn phòng cho thuê và khách sạn.
Khu phức hợp thương mại cao 20-25 tầng, thành phố sẽ tổ chức bán đấu giá tạo nguồn vốn để đầu tư dự án bến xe miền Đông mới.
Khi quy hoạch chuyển đổi công năng bến xe miền Đông thành trung tâm thương mại, dịch vụ, văn phòng cho thuê và khách sạn đã nhiều ý kiến bày tỏ lo ngại việc xây khu thương mại và văn phòng sẽ khiến giao thông ở khu vực này ùn tắc hơn, vì lượng người ra vào các khu nhà cao tầng này rất lớn.
Tình hình giao thông xung quanh khu vực bến xe miền Đông những ngày giáp tết càng trở nên căng thẳng khi lượng người và xe đổ về đây rất lớn. Vì vậy, các tuyến đường dẫn đến bến xe hầu như đều bị ùn tắc trong khung giờ ban ngày.
Mở thêm tuyến xe buýt kết nối 2 bến xe với sân bayNgày 15/1, Công ty cổ phần Vận tải hàng không miền Nam (SATSCO) đã mở thêm tuyến xe buýt số 159 từ bến xe Miền Đông đến bến xe An Sương, trong đó lộ trình sẽ đi qua sân bay Tân Sơn Nhất để đón và trả khách. Loại xe được sử dụng trên tuyến 159 được nhập khẩu nguyên chiếc từ Hàn Quốc với sức chứa 60 hành khách, đạt tiêu chuẩn khí thải Euro 3, xe có hệ thống chống kẹt cửa tự động, thảm sàn cao cấp chống trơn trượt, hệ thống tự điều chỉnh phanh và côn, wi-fi miễn phí, camera giám sát... Tuyến xe buýt 159 hoạt động từ 5 giờ 30 đến 20 giờ 25 hàng ngày, thời gian di chuyển 65 phút/lượt, tần suất xe 25-30 phút/chuyến. Giá vé 10.000 đồng/lượt với lộ trình toàn tuyến 17,5 km. Dưới ½ lộ trình giá 7.000 đồng/lượt. Việc đưa vào khai thác thêm tuyến xe buýt 159 không chỉ kết nối 2 bến xe mà còn tạo điều kiện thuận lợi cho hành khách có nhu cầu đến sân bay, giảm mật độ xe cá nhân, taxi… vào sân bay, góp phần tạo thông thoáng khu vực sân bay. - Lộ trình đi của xe buýt 159: Lượt đi: bến xe miền Đông – Đinh Bộ Lĩnh – Nguyễn Xí – Quốc lộ 13 – Phạm Văn Đồng – Bạch Đằng – Trường Sơn – Trần Quốc Hoàn – Cộng Hòa – Trường Chinh – Quốc lộ 22 – (quay đầu tại Công ty Việt Hưng) – Quốc lộ 22 – Bến xe An Sương. Lượt về: bến xe An Sương – Quốc lộ 22 – Trường Chinh – Cộng Hòa – Hoàng Văn Thụ – Phan Đình Giót – Trường Sơn – Hồng Hà – Phạm Văn Đồng – Quốc lộ 13 – Đinh Bộ Lĩnh - bến xe miền Đông. |
Lê Anh
(TBKTSG)
- Bộ Xây dựng đặt mục tiêu nâng diện tích bình quân nhà ở của người dân
- TPHCM hạn chế xây cao ốc ở trung tâm để giảm kẹt xe
- Chốt phương án 20.000 tỷ mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất
- TPHCM ra mắt ứng dụng tra cứu thông tin giao thông thực tế trực tuyến
- Trang trí bờ kè trên bãi biển Mỹ Khê bằng tranh gốm nghệ thuật
- Savills: ùn tắc giao thông ở Hà Nội cao hơn TPHCM
- TP.HCM ứng dụng hệ thống thông tin địa lý để chống ngập
- Năm 2017, TPHCM sẽ có làn đường riêng cho xe buýt
- Đồng Nai muốn xây dựng thành phố sân bay ở Long Thành
- TP HCM muốn quy hoạch 3 huyện thành quận