Sáng 6/1, tại Hà Nội, Bộ Xây dựng tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2016, triển khai nhiệm vụ kế hoạch năm 2017 ngành Xây dựng với các điểm cầu truyền hình tại Hà Nội và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trên phạm vi cả nước. Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng đến dự và phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị.
Tham dự Hội nghị có Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà và các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Bộ Xây dựng, Chủ tịch Công đoàn Xây dựng Việt Nam; lãnh đạo các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trực thuộc Bộ Xây dựng; đại diện lãnh đạo các cơ quan Trung ương và các Bộ, ngành; lãnh đạo các Hội, Hiệp hội chuyên ngành Xây dựng.
Theo Báo cáo của Bộ Xây dựng do Thứ trưởng Đỗ Đức Duy trình bày tại Hội nghị, ngành Xây dựng bước vào thực hiện nhiệm vụ kế hoạch năm 2016, năm đầu tiên của kế hoạch 05 năm 2016 - 2020 trong điều kiện được kế thừa những thành quả quan trọng và kinh nghiệm quý báu của nhiệm kỳ 2011 - 2015, đồng thời cũng phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức chung của cả nước và những hạn chế trong ngành chưa được khắc phục, đã có ảnh hưởng bất lợi đến các hoạt động của ngành.
Bộ Xây dựng đã ban hành Chương trình hành động thực hiện các Nghị quyết của Chính phủ về những giải pháp chủ yếu chỉ đạo, điều hành thực hiện kế hoạch, phát triển kinh tế-xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2015; tiếp tục triển khai đồng bộ các nhóm giải pháp được nêu trong Nghị quyết liên quan đến các lĩnh vực của Ngành. Trong đó, Bộ Xây dựng đã tập trung hoàn thiện hệ thống thể chế quản lý nhà nước; đẩy mạnh cải cách hành chính; tích cực kiểm soát phát triển đô thị theo quy hoạch và kế hoạch; tăng cường quản lý đầu tư xây dựng; tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản gắn với thực hiện Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia, trọng tâm là nhà ở xã hội; đẩy mạnh tái cơ cấu ngành Xây dựng.
Theo Thứ trưởng Đỗ Đức Duy, với sự nỗ lực của toàn thể cán bộ, công nhân viên chức, lao động và cộng đồng doanh nghiệp toàn ngành; sự chỉ đạo sát sao của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; sự phối hợp chặt chẽ có hiệu của của các Bộ, Ban, ngành và các địa phương, ngành Xây dựng đã đạt được những kết quả quan trọng trên các mặt công tác, hoàn thành thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ chủ yếu của năm 2016, góp phần tích cực vào sự phát triển kinh tế-xã hội của cả nước.
Năm 2016, các chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội chủ yếu của ngành Xây dựng duy trì được mức tăng trưởng khá. Giá trị sản xuất ngành Xây dựng năm 2016 theo giá hiện hành ước đạt khoảng 1.089,3 nghìn tỷ đồng, tăng 10,4% so với năm 2015, đạt 104% kế hoạch năm; tính theo giá so sánh năm 2010 đạt khoảng 862,5 nghìn tỷ đồng, tăng 10,1% so với năm 2015. Theo giá so sánh năm 2010, giá trị tăng thêm của ngành Xây dựng năm 2016 đạt khoảng 189,2 nghìn tỷ đồng, tăng 10% so với năm 2015, chiếm tỷ trọng 6,19% GDP cả nước (năm 2015 chiếm 5,97% GDP).
Cùng với đó, tỷ lệ đô thị hóa cả nước đạt khoảng 36,6%, tăng 0,9% so với năm 2015, đạt 99,5% kế hoạch năm; Tỷ lệ phủ kín quy hoạch chung xây dựng đô thị đạt 100%, quy hoạch phân khu đạt khoảng 75%, tăng 3% so với năm 2015, quy hoạch chi tiết đạt khoảng 35%, tăng 2% so với năm 2015, đều đạt kế hoạch năm; Tỷ lệ người dân đô thị được cung cấp nước sạch qua hệ thống cấp nước tập trung đạt khoảng 83,5%, tăng 2,0% so với 2015, đạt 102% kế hoạch năm; Tỷ lệ thu gom và xử lý rác thải tại đô thị đạt khoảng 85%, tương đương với 2015, đạt kế hoạch năm; Tỷ lệ thất thoát, thất thu nước sạch giảm còn khoảng 23,5%, giảm 1,5% so với 2015, đạt 102% kế hoạch năm; Diện tích bình quân nhà ở toàn quốc đạt khoảng 22,8 m2 sàn/người, tăng 0,8 m2 sàn/người so với 2015, đạt 101% kế hoạch năm. Tổng sản lượng xi măng tiêu thụ khoảng 75,21 triệu tấn, tăng 3,5% so với năm 2015, đạt 102% kế hoạch năm…
Về công tác xây dựng và hoàn thiện hệ thống thể chế quản lý nhà nước ngành Xây dựng, trong năm 2016, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành 01 Nghị quyết; Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành 04 Nghị định, 06 Quyết định, 02 Chỉ thị; Bộ ban hành theo thẩm quyền 30 Thông tư về các lĩnh quản lý nhà nước của Bộ. Hiện, Bộ đang tiếp tục hoàn thiện 11 dự thảo văn bản quy phạm pháp luật, đề án đã trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, bao gồm: 03 dự thảo Nghị định, 06 Quyết định, đề án, 02 Chỉ thị.
Bộ cũng đã tiến hành rà soát, đề xuất việc sửa đổi, bổ sung một số nội dung của các Luật liên quan đến đầu tư kinh doanh; trình Chính phủ ban hành đầy đủ quy định về điều kiện kinh doanh đối với các lĩnh vực, ngành nghề kinh doanh có điều kiện thuộc ngành Xây dựng (theo quy định của Luật Đầu tư). Đề xuất sửa đổi Nghị định số 59/2015/NĐ-CP về quản lý đầu tư xây dựng.
Đồng thời với việc hoàn thiện hệ thống thể chế, Bộ Xây dựng đã chỉ đạo tăng cường công tác quản lý đầu tư xây dựng, trọng tâm là quản lý chất lượng công trình và quản lý chi phí xây dựng theo quy định của Luật Xây dựng và các Nghị định hướng dẫn. Chất lượng thẩm định được nâng cao hơn, tỷ lệ cắt giảm chi phí sau thẩm định dự án vào khoảng 0,97% tổng mức đầu tư; thông qua việc thẩm định thiết kế, dự toán đã cắt giảm chi phí khoảng 5,87% so với dự toán; tỷ lệ hồ sơ phải sửa đổi, bổ sung thiết kế chiếm khoảng 36%, góp phần phòng ngừa được nhiều rủi ro về chất lượng công trình.
Công tác lập quy hoạch xây dựng cũng được Bộ Xây dựng quan tâm chỉ đạo việc đổi mới và nâng cao chất lượng; Bộ chủ trì, phối hợp với các địa phương, tiến hành rà soát, điều chỉnh, bổ sung các quy hoạch vùng, quy hoạch chung đô thị, quy hoạch hạ tầng kỹ thuật trên phạm vi cả nước. Đến nay, công tác quy hoạch ngày càng được các địa phương quan tâm, các đồ án quy hoạch đã thể hiện tư duy đổi mới và tầm nhìn dài hạn, tỷ lệ phủ kín quy hoạch tăng lên đáng kể, chất lượng đồ án được cải thiện. Năm 2016, Bộ đã thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt 04 nhiệm vụ và 05 đồ án quy hoạch xây dựng; 02 quy hoạch chuyên ngành hạ tầng kỹ thuật; đã tổ chức thẩm định 04 nhiệm vụ và 01 đồ án quy hoạch xây dựng. Công tác quản lý, kiểm soát phát triển đô thị, hạ tầng kỹ thuật theo quy hoạch và kế hoạch tiếp tục đạt được kết quả tích cực, từng bước đảm bảo sự phát triển đô thị hài hòa, bền vững. Các chương trình, đề án cấp quốc gia về phát triển đô thị, hạ tầng kỹ thuật được tập trung thực hiện và đạt nhiều kết quả tích cực.
Năm 2016, Bộ Xây dựng đã phối hợp với các địa phương triển khai việc nâng loại và công nhận loại đô thị đối với 15 đô thị (bao gồm: 02 đô thị loại I, 02 đô thị loại II, 01 đô thị loại III và 10 đô thị loại IV). Tính đến tháng 12/2016, cả nước có 802 đô thị, trong đó có 02 đô thị đặc biệt, 17 đô thị loại I, 25 đô thị loại II, 41 đô thị loại III, 84 đô thị loại IV và 633 đô thị loại V; Các chỉ tiêu về tỷ lệ đô thị hóa, hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị đều có chuyển biến tích cực so với năm 2015.
Tiếp tục thực hiện Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia, Bộ Xây dựng đã chỉ đạo, hướng dẫn và hỗ trợ các địa phương xây dựng Chương trình phát triển nhà ở của địa phương; tập trung triển khai các chương trình nhà ở xã hội trọng điểm đạt được nhiều kết quả tích cực, giúp hàng trăm ngàn hộ gia đình chính sách, người nghèo, người thu nhập thấp có điều kiện cải thiện chỗ ở như Chương trình hỗ trợ nhà ở cho người có công với cách mạng; Chương trình tôn nền vượt lũ đồng bằng sông Cửu Long giai đoạn 2; Chương trình hỗ trợ hộ nghèo xây dựng nhà ở phòng, tránh bão lũ khu vực Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung; Chương trình hỗ trợ nhà ở cho các hộ nghèo khu vực nông thôn (Chương trình 167); Chương trình đầu tư xây dựng nhà ở cho sinh viên; Chương trình phát triển nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp tại khu vực đô thị, nhà ở công nhân KCN,…
Tính đến hết tháng 12/2016, diện tích bình quân nhà ở toàn quốc đạt khoảng 22,8m2 sàn/người (tăng 0,8m2 sàn/người so với năm 2015); năm 2016, cả nước phát triển thêm khoảng 0,5 triệu m2 nhà ở xã hội khu vực đô thị, đưa tổng diện tích nhà ở xã hội khu vực đô thị đạt khoảng 3,3 triệu m2.
Về lĩnh vực quản lý phát triển VLXD, năm 2016, Bộ Xây dựng đã trình Chính phủ ban hành Nghị định số 24a/2016/NĐ-CP ngày 05/4/2016 về quản lý VLXD, tạo hành lang pháp lý hoàn chỉnh để quản lý, kiểm soát phát triển VLXD; tiếp tục rà soát, điều chỉnh, bổ sung và quản lý thực hiện các quy hoạch phát triển VLXD chủ yếu; Chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương tổ chức lập và kiểm soát chặt chẽ việc thực hiện các quy hoạch, chương trình, đề án phát triển VLXD.
Tổng sản lượng xi măng, clinker tiêu thụ năm 2016 ước đạt khoảng 75,21 triệu tấn, đạt 102% kế hoạch, tăng 3,5% so với năm 2015. Chương trình phát triển vật liệu xây không nung được đẩy mạnh, góp phần tiết kiệm tài nguyên, năng lượng và bảo vệ mội trường. Các loại VLXD chủ yếu cơ bản đáp ứng nhu cầu trong nước và một phần được xuất khẩu, duy trì bình ổn về thị trường và giá cả.
Về những nhiệm vụ trong năm 2017, Thứ trưởng Đỗ Đức Duy cho biết, toàn ngành Xây dựng sẽ nỗ lực phấn đấu để hoàn thành các chỉ tiêu đề ra: Tỷ lệ đô thị hóa đạt khoảng 37,5%; Tỷ lệ quy hoạch vùng tỉnh đạt 100%, quy hoạch chung đô thị đạt 100%, quy hoạch phân khu đạt khoảng 78%, quy hoạch chi tiết 1/500 đạt khoảng 38%, quy hoạch xây dựng nông thôn đạt 100%; Tỷ lệ người dân đô thị được cung cấp nước sạch qua hệ thống cấp nước tập trung đạt 84 - 85%, thất thoát, thất thu nước sạch giảm xuống còn 23%, tỷ lệ thu gom và xử lý chất thải rắn sinh hoạt đô thị đạt khoảng 85,5-86%; Diện tích bình quân nhà ở toàn quốc đạt khoảng 23,4 m2sàn/người; Tổng sản lượng xi măng tiêu thụ đạt khoảng 78 - 80 triệu tấn; Giá trị sản xuất xây dựng toàn ngành theo giá hiện hành tăng khoảng 10% so với năm 2016.
Để đạt được những chỉ tiêu đó, Bộ Xây dựng đề ra một số nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2017, trong đó: Xây dựng và tổ chức thực hiện nghiêm túc, chất lượng Chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật năm 2017, trong đó trọng tâm là xây dựng dự thảo Luật Quản lý phát triển đô thị, Luật Kiến trúc; hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật, đề án đã trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; Tăng cường quản lý, kiểm soát chất lượng công trình, an toàn trong thi công xây dựng.
Bên cạnh đó, Bộ tập trung tổ chức thực hiện đưa Luật Xây dựng, các Nghị định, Thông tư hướng dẫn vào cuộc sống - tăng cường quản lý, giám sát hoạt động đầu tư xây dựng, nâng cao hiệu quả công tác thẩm định dự án, thiết kế, dự toán, rà soát sửa đổi, bổ sung hệ thống định mức kinh tế - kỹ thuật; tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng công tác quy hoạch; quản lý, kiểm soát chặt chẽ quá trình phát triển đô thị.
Đồng thời, tiếp tục thực hiện tái cơ cấu thị trường BĐS, gắn với thực hiện Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia, đặc biệt là nhà ở xã hội; khắc phục lệch pha cung - cầu, phát triển đa dạng các loại hàng hóa BĐS nhà ở; đẩy mạnh phát triển phân khúc nhà ở xã hội cho thuê; tổ chức thực hiện có hiệu quả các quy hoạch, chương trình, đề án phát triển vật liệu xây dựng; tiếp tục thực hiện đề án tái cơ cấu ngành Xây dựng; nâng cao hiệu quả các hoạt động nghiên cứu khoa học, đào tạo, phát triển nguồn nhân lực ngành Xây dựng; tăng cường thanh tra, kiểm tra chuyên ngành, tích cực phòng chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong các lĩnh vực quản lý nhà nước của ngành Xây dựng…
(Báo Xây dựng)
- Savills: ùn tắc giao thông ở Hà Nội cao hơn TPHCM
- TP.HCM ứng dụng hệ thống thông tin địa lý để chống ngập
- Năm 2017, TPHCM sẽ có làn đường riêng cho xe buýt
- Đồng Nai muốn xây dựng thành phố sân bay ở Long Thành
- TP HCM muốn quy hoạch 3 huyện thành quận
- Đà Nẵng chốt phương án làm hầm vượt sông Hàn gần 5.000 tỷ
- Phát hiện làm thay đổi nhận thức về Đoan Môn-Hoàng thành Thăng Long
- Chỉ đạo của Thủ tướng về công trình cao tầng trong nội đô Hà Nội
- Năm 2017, TPHCM đầu tư 39.263 tỉ đồng làm 80 dự án giao thông
- Thủ tướng chỉ đạo cơ chế đặc thù cho Dự án Sân bay Long Thành