Ashui.com

Sunday
Nov 03rd
Home Tương tác Góc nhìn PCI 2012 - Còn lắm nỗi lo

PCI 2012 - Còn lắm nỗi lo

Viết email In

Báo cáo “Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2012” dựa trên kết quả điều tra hơn 8.000 doanh nghiệp tư nhân và hơn 1.500 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) được công bố hôm 14/3 cho thấy hai tình hình đáng lưu ý: (1) nhiều sự xáo trộn đáng kể về thứ hạng trong đó nhiều tỉnh thành đầu tàu nhiều năm qua đã tụt hạng và (2) một bức tranh màu xám của nền kinh tế nói chung và môi trường kinh doanh ở các địa phương nói riêng.  

Đồng bằng sông Cửu Long “vùng lên” 


Sa Đéc – Đồng Tháp 

Lần đầu tiên, Đồng Tháp trở thành tỉnh đứng đầu về xếp hạng PCI, vị trí thứ hai cũng thuộc về một nhân tố mới là An Giang, trong khi Lào Cai – tỉnh dẫn đầu năm 2011 – về thứ ba. 

Điều đáng nói là những gương mặt sáng giá trước đây như Đà Nẵng và Bình Dương lại tụt hạng đáng kể. Đà Nẵng, từng là số 1 trong ba năm 2008-2010, năm 2012 tụt xuống vị trí thứ 12, còn Bình Dương, cũng từng đứng đầu vào năm 2007, giờ đây đã tụt xuống thứ 19. 

Năng lực cạnh tranh của các thành phố Hải Phòng và Hà Nội cũng rất đáng chú ý vì hai địa phương này cùng tụt hạng. Hà Nội tụt xuống thứ 51 so với thứ 36 đạt được trong năm 2011, trong khi Hải Phòng từ 45 xuống 50. 

Điểm sáng đáng kể của nhóm đầu tàu là TP. Hồ Chí Minh khi tăng được bảy bậc, từ 20 lên 13 trong bảng xếp hạng PCI 2012. 

Nhìn tổng thể, bảng điểm của các tỉnh đều giảm, trung bình chỉ còn 56,2 điểm so với 59,1 điểm trong năm 2011. Đặc biệt, không có tỉnh nào vượt ngưỡng điểm rất tốt với 65 điểm, mức điểm mà một số tỉnh đã đạt được trong các năm trước. 

Cùng với sự vượt trội của Đồng Tháp là sự “vùng lên” của Đồng bằng sông Cửu Long khi có đến năm tỉnh nằm trong top 10 tỉnh dẫn đầu là An Giang, Vĩnh Long, Kiên Giang, Bạc Liêu, Trà Vinh. 

Ngoài ra, còn phải kể đến tỉnh Hậu Giang hạng 11, Cần Thơ hạng 14 và Long An ở vị trí 16. 

Những bứt phá tại các tỉnh này là rất đáng kể nếu so với năm 2011. Chẳng hạn, Vĩnh Long đã từ thứ hạng 54 nhảy lên vị trí thứ 5, trong khi Trà Vinh từ 42 lên 8, An Giang từ 19 lên 2, Bạc Liêu 39 lên 7, Hậu Giang 43 lên 11 và Kiên Giang 28 lên 6. 

Những bước nhảy vọt này đã phản ánh một thực tế là các tỉnh thành này đã rất nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh trong thời gian qua.

Chủ tịch tỉnh Đồng Tháp Lê Minh Hoan cho biết, để có được vị trí số 1, Đồng Tháp đã quan tâm nhiều hơn tới công tác cải cách thủ tục hành chính, tìm kiếm nguồn lực bên trong và bên ngoài tạo ra nhiều yếu tố thuận lợi cho doanh nghiệp tỉnh phát triển.

Và ngay cả khi đã là số 1, tỉnh này vẫn “cam kết sẽ có những điều chỉnh tốt hơn nhằm tạo thuận lợi hơn nữa cho các nhà đầu tư tại địa phương”.

Vẫn theo lời ông Lê Minh Hoan: “Chúng tôi làm đúng quy định của pháp luật, cũng vẫn là “một cửa”, cố gắng giải quyết hồ sơ nhanh nhất. Trong quá trình tiếp xúc với doanh nghiệp thì phải tận tình chỉ dẫn, giúp đỡ họ hoàn tất thủ tục một cách nhanh nhất. Cái gì mà sở ngành có thể làm giúp doanh nghiệp thì phải làm chứ không bắt đi tới đi lui tìm kiếm, xin xỏ mất thời gian”. 

Phát biểu của Phó chủ tịch tỉnh Long An, ông Phạm Văn Rạnh, cho thấy điều này:

“Thời gian tới, chúng tôi quyết tâm thực hiện cơ chế một cửa, theo đó đối với đầu tư vào khu công nghiệp sẽ chỉ phải qua ban quản lý các khu công nghiệp, đầu tư ngoài khu công nghiệp sẽ chỉ phải qua Sở Kế hoạch và Đầu tư.

Chúng tôi cũng sắp công bố quy hoạch chung của tỉnh để làm cơ sở thu hút đầu tư và hy vọng đây sẽ là điểm nhấn quan trọng để thu hút các nhà đầu tư mới”.

Đây là “cái mới” của một số tỉnh ĐBSCL nhưng là chuyện cũ của các tỉnh thành từng chiếm vị trí cao trong bảng xếp hạng năng lực cạnh tranh nhiều năm.

Hay như Ninh Thuận, địa phương nhảy từ hạng 46 lên 18 là kết quả của nhiều nỗ lực, trong đó có việc thành lập và vận hành văn phòng phát triển kinh tế (EDO) là đầu mối duy nhất của tỉnh trong vận động thu hút đầu tư.

Các nhà đầu tư khi đến với Ninh Thuận chỉ cần tiếp xúc với một đầu mối là EDO để hoàn tất các thủ tục liên quan về thành lập doanh nghiệp, xin chủ trương đầu tư, cấp giấy chứng nhận đầu tư đến khâu xây dựng, đất đai và các thủ tục liên quan khác để có thể triển khai dự án theo quy trình “một cửa liên thông”.

Thật ra, Bình Dương, Đà Nẵng, và ngay cả địa phương chưa bao giờ dẫn đầu PCI là TP. Hồ Chí Minh, từ lâu đã làm như vậy. Phải chăng nay hiệu ứng đã không còn nên mất ưu thế cạnh tranh.

Lo ngại những rủi ro 


Đà Nẵng bị tụt xuống hạng 12

Qua phân tích và lý giải trong báo cáo PCI 2012 vừa được công bố, khoảng cách giữa các tỉnh nhóm trên với các tỉnh nhóm dưới đang thu hẹp dần vì nhóm dưới của năm trước đang nỗ lực giản lược thủ tục hành chính để cải thiện môi trường đầu tư. 

Trong khi đó nhóm trên sau những năm liên tục thành công nay lại vất vả trong cuộc chạy đua do những cải cách thành công về năng suất lao động, thủ tục hành chính… nay các yếu tố đó đang mất dần khả năng thu hút các nhà đầu tư.

Có tới 41% doanh nghiệp (so với 23% năm 2011) thừa nhận họ đã phải trả hoa hồng cho cơ quan nhà nước để giành được hợp đồng.

Theo Trưởng nhóm nghiên cứu PCI – tiến sĩ Edmund Malesky, Đại học Duke, Mỹ – hiện tượng này là dấu hiệu “tham nhũng nhỏ giảm nhưng tham nhũng lớn tăng”. 

Với phương pháp thống kê mới, nhóm nghiên cứu PCI đã tính toán được ngành xây dựng cơ bản có tỷ lệ doanh nghiệp phải trả hoa hồng để có hợp đồng cao nhất, tới 42,5%, tăng khoảng 12% so với năm 2011.

Ngành dịch vụ/thương mại có tới 35,4% doanh nghiệp phải trả hoa hồng để có hợp đồng năm 2012 – tăng gần gấp đôi so với năm 2011. Thấp nhất là ngành sản xuất, vẫn có 34% doanh nghiệp phải trả hoa hồng, cũng tăng gần 4% so với năm 2011.

Báo cáo PCI khẳng định các doanh nghiệp có liên quan đến các cơ quan chính phủ lại thường có hành vi chi trả hoa hồng cao hơn.

Báo cáo PCI cũng cho biết có 55% doanh nghiệp FDI tham gia các hoạt động trả “chi phí không chính thức”. Ông Edmund Malesky nêu “quy luật”: doanh nghiệp trong nước hoạt động càng về sau càng bớt phải lót tay nhưng với doanh nghiệp FDI, càng hoạt động lâu càng tăng hối lộ.

Đặc biệt, các doanh nghiệp FDI hay phải hối lộ nhất các đối tượng hoạt động trong các dự án nhóm A, trong nhóm hạn chế đầu tư, hay đầu tư có điều kiện, đòi hỏi phải cấp phép đặc biệt.

Có thể nói kết quả điều tra doanh nghiệp FDI phát đi một thông điệp đáng báo động là niềm tin của doanh nghiệp FDI đang thấp nhất kể từ năm 2009 khi bắt đầu thực hiện điều tra PCI.

Đáng lưu ý, báo cáo PCI 2012 cho thấy tâm lý bi quan của cộng đồng doanh nghiệp tiếp tục tăng vì chỉ còn 33% doanh nghiệp được điều tra cho biết có lạc quan về môi trường đầu tư. Đây là mức thấp kỷ lục từ trước đến nay vì trước khi ViệtNamgia nhập WTO, tỷ lệ doanh nghiệp lạc quan về môi trường đầu tư chiếm đến 76%.

Đối với hơn 1.500 doanh nghiệp FDI, có tới 36% khẳng định bất ổn vĩ mô là rủi ro lớn nhất họ gặp ở Việt Nam, tiếp theo là rủi ro hợp đồng, rủi ro chính sách và rủi ro lao động…

Tiếp cận đất đai, chi phí thời gian, tính năng động của chính quyền địa phương là các lĩnh vực có sụt giảm điểm số lớn so với năm trước. Chỉ có 36% doanh nghiệp tin tưởng được bồi thường thỏa đáng nếu bị thu hồi đất (giảm 5% so với năm 2007), 23,7% tin tưởng có thể khiếu nại lên cấp trên nếu cán bộ làm sai quy định Luật Đất đai.

Đáng lưu ý, niềm tin của doanh nghiệp đã sụt giảm mạnh sau vụ bắt giữ một số lãnh đạo ngành ngân hàng vào ngày 20/8/2012. Chúng ta dễ nhận ra điều này qua nhận định của báo cáo PCI 2012: “Trong vòng 20 ngày sau sự kiện đó, niềm tin của các nhà đầu tư trong và ngoài nước đã giảm một nửa”.

Nguyên nhân của sự suy giảm này, theo báo cáo, do “doanh nghiệp đánh giá cuộc khủng hoảng này là ở tầm vĩ mô”. Trong đó, bị tác động mạnh nhất là nhóm doanh nghiệp có quy mô trung bình và lớn, và chủ yếu là lĩnh vực sản xuất. Sau sự kiện đó, số doanh nghiệp cảm nhận về rủi ro kinh tế vĩ mô tăng 20%.

Hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp giảm chưa từng thấy trong năm 2012 đã có tác động lớn đến niềm tin của họ về triển vọng kinh doanh, cũng như cảm nhận của họ về chất lượng điều hành của các địa phương.

Sự suy giảm niềm tin thể hiện rõ nhất qua kế hoạch mở rộng sản xuất kinh doanh của họ mà báo cáo PCI 2012 ghi nhận là chỉ có 32,7% doanh nghiệp dân doanh và 33% doanh nghiệp FDI nói có kế hoạch mở rộng kinh doanh, trong khi tỷ lệ này của năm 2011 lần lượt là 45,5% và 47%.

Nhìn chung thông điệp mà PCI 2012 gửi đến các nhà đầu tư phản ánh đúng thực chất tình hình kinh doanh hiện nay. 

Đỗ Ngọc Long (Doanh nhân Sài gòn Cuối tuần) 


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo