Quy định bắt buộc đội mũ bảo hiểm (MBH) khi điều khiển mô tô, xe gắn máy được chính thức thi hành từ ngày 15-12-2007 theo Nghị quyết 32/CP của Chính phủ. Còn nhớ khi đó báo chí đua nhau giật tít theo kiểu “cơn sốt MBH trước giờ G”, mô tả cảnh người dân đổ xô đi mua MBH để tránh bị phạt. Theo thống kê, thời điểm đó cả nước có trên 21 triệu chiếc xe máy.
Đến nay, sau hơn 5 năm vận động toàn dân đội MBH, tỷ lệ đội mũ đã đạt tới 90%. Tuy nhiên thật đáng buồn, theo ông Nguyễn Hoàng Hiệp, Phó chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia, trong số này có tới 70% là mũ giả, kém chất lượng, chỉ có 30% là mũ đạt chất lượng.
Nếu tính tốc độ tăng trưởng ước tính là 300.000 xe máy/năm, đến nay chúng ta có khoảng 23 triệu chiếc. Chỉ tính mỗi chiếc xe máy có ít nhất một MBH thì hiện số MBH rởm đang lưu hành đã lên tới 14,5 triệu chiếc.
Nếu tính giá MBH rởm trung bình khoảng 50.000 đồng/chiếc, số tiền người tiêu dùng phải bỏ ra để sắm mũ rởm đã lên tới 724,5 tỷ đồng.
Một con số không hề nhỏ nhưng hoàn toàn vô ích, hay nói cách khác xã hội đã bị “móc túi” ngót nghìn tỷ đồng (nếu tính cả số MBH rởm chưa bán và đã bị tiêu hủy) vì một quy định không được thực thi một cách nghiêm túc.
Chưa hết, cái giá phải trả cho sự đối phó trên phạm vi cả nước đâu chỉ có ngót nghìn tỷ đồng kia, mà nhức nhối hơn là cả vạn sinh mạng mỗi năm trong các tai nạn giao thông chỉ vì mang MBH rởm.
Như vậy ý thức của đa số người dân, ít nhất là con số 70% kia, vẫn không hề chuyển biến, vẫn coi thường tính mạng bản thân mình, vẫn đối phó với CSGT là chính.
Song, điều đáng báo động là, tư duy đối phó đâu chỉ có ở người dân, mà dường như ngay cả với chính các cơ quan chức năng. Một thời gian dài, sự quản lý về MBH đã bị buông lỏng. Quản lý thị trường để mũ rởm bán tràn lan, CSGT biết chắc là mũ rởm vẫn không phạt. Hậu quả là cả chục triệu chiếc MBH rởm đã tràn ra thị trường và chính người tiêu dùng lãnh đủ.
Một quy định, một chính sách ban hành nếu không được thực thi nghiêm túc, cả ở phía người dân và các cơ quan chức năng, hậu quả sẽ không hề nhỏ. Xã hội không những lãng phí tiền bạc mà ý thức chấp hành luật pháp của người dân cũng bị xem nhẹ.
Quan trọng hơn, e rằng “văn hoá” và tư duy đối phó sẽ được dịp lan tràn trong xã hội.
Việt Hùng
- Xã hội hóa đầu tư hạ tầng
- Huế - “Thành phố nước” của nhiếp ảnh gia Hasegawa Taro
- Xà xẻo đất quy hoạch công ích: Những dự án "đầu voi, đuôi chuột"
- Bỏ tâm lý cục bộ địa phương để nâng cao PCI vùng
- Dấu ấn chủ nghĩa biểu hiện trong kiến trúc hiện đại Việt Nam
- Để dòng Mekong là tài sản chung
- Những phố "Hàng" Hà Nội đã mất tên
- Bảo tàng ư, để làm gì?
- Về cuộc thi kiến trúc nhà ở chung cư cho người thu nhập thấp
- Đình làng trong tâm thức văn hóa Việt