Điểm nhấn trong Báo cáo Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm nay là sự vươn lên của cả khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.
Theo báo cáo, không chỉ có Đồng Tháp và An Giang đứng đầu bảng xếp hạng mà các tỉnh khác trong khu vực cũng chiếm tới 9/17 tỉnh ở nhóm tốt đồng thời không có tỉnh nào trong khu vực có điểm số dưới mức khá.
Thế mạnh liên kết
Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương Mại và Công nghiệp Việt Nam, (VCCI) nhấn mạnh, trong những năm vừa qua, môi trường đầu tư khu vực Đồng bằng sông Cửu Long không ngừng được cải thiện, số lượng nhà đầu tư năm sau luôn cao hơn năm trước, kết quả chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) thuộc nhóm đi đầu, xếp thứ hạng cao trong việc nâng cao năng lực đầu tư.
Chính điều này cũng khiến ông Edmund Malesky, Trưởng nhóm Tư vấn năng lực cạnh tranh Việt Nam không khỏi ngạc nhiên: "Từ khi tham gia thực hiện PCI, tôi không nghĩ các tỉnh khu vực Đồng bằng sông Cửu Long có thể bứt phá vươn lên đứng đầu.
"Nhưng họ đã làm được. Tôi tin rằng, sự thu hút đầu tư vào khu vực này sẽ mạnh mẽ trong thời gian tới. Hiện luồng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) vào khu vực này vẫn ở mức thấp, chưa tương xứng với tiềm năng của khu vực," ông Edmund Malesky nói.
Theo ông Edmund Malesky, điều đặc biệt là qua khảo sát khi thực hiện PCI thì các tỉnh khu vực này nắm chắc đường lối phát triển của các tỉnh lân cận nên họ cùng nhau cải thiện với mức độ rất đồng đều cũng như sự liên kết vùng cùng phát triển đã tạo cho khu vực có sự bứt phá ấn tượng.
Với kết quả điều tra trên, chính quyền địa phương tại các tỉnh phía Nam dường như cho thấy sự nỗ lực lớn hơn trong việc đáp ứng khó khăn của các doanh nghiệp. Rõ ràng, sự quan tâm của lãnh đạo tỉnh trong khu vực này về việc giảm thiểu gánh nặng cho doanh nghiệp trên địa bàn có khác biệt đáng kể so với các tỉnh thuộc khu vực khác ở Việt Nam.
Ông Lê Minh Hoan, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp cho biết, các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long đều đồng loạt tăng hạng cho thấy sự hợp tác và liên kết vùng trong hoạt động quản lý cấp tỉnh đã có hiệu quả tốt.
“Trong những năm qua, các tỉnh đã tổ chức các hội nghị liên kết, hợp tác luân phiên dưới sự lãnh đạo của Ban chỉ đạo Tây Nam bộ. Chính qua những hội nghị này, chúng tôi thấy rằng sự cần thiết của tính liên kết là rất cao. Cả khu vực có những sự tương đồng về kinh tế, xã hội của 13 tỉnh, hợp thành Đồng bằng sông Cửu Long, do đó nếu chúng ta không liên kết sẽ không tạo ra sức mạnh và có thể nói là lãng phí trong nguồn lực đầu tư rất là lớn," ông Hoan nhấn mạnh.
Trong khi đó, ông Dương Quốc Xuân-Phó trưởng Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ, nhận định Đồng bằng sông Cửu Long có vị trí đặc biệt quan trọng trong phát triển kinh tế. Đặc biệt quá trình tăng cường liên kết vùng, khu vực cùng với sự sáng tạo của từng địa phương trong khu vực đã tạo cho Đồng bằng sông Cửu Long có sự chuyển biến tích cực trong cải thiện môi trường đầu tư hướng đến thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư.
“Thỏa mãn” sẽ bị tụt hạng
Điểm đáng chú ý khác, năm nay một số địa phương luôn dẫn đầu những năm trước như Bình Dương và Đà Nẵng lại có sự sụt giảm rõ rệt về thứ hạng. Thậm chí, Bình Dương còn không lọt vào nhóm có thứ hạng cao, tiếp tục đà suy giảm từ năm trước.
Theo nhóm nghiên cứu, trong thời gian kinh tế suy giảm nhanh, doanh nghiệp sẵn sàng bỏ qua các bất cập trong quy định, chính sách địa phương. Song hiện tại, khi phải chật vật duy trì hoạt động, doanh nghiệp trở nên tiêu cực hơn.
Bên cạnh đó cũng có những ý kiến tập trung vào vấn đề các tỉnh, thành thuộc khu kinh tế lớn có mức tăng trưởng cao, song lại không có vị trí xếp hạng cao.
Hai đầu tàu kinh tế trong cả nước là Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh chưa có sự khởi sắc. Thành phố Hồ Chí Minh sau những nỗ lực đã leo từ vị trí 20 lên đứng thứ 13 trong năm nay. Trong khi đó, Hà Nội bị tụt sâu tới 15 bậc, xuống vị trí 51, thấp nhất kể từ khi danh sách này được công bố.
Theo ông Hoan, cần phải tách bạch giữa những yếu tố thuận lợi đầu tư về cơ sở hạ tầng về những vấn đề hạ tầng cứng với những cơ sở hạ tầng mềm.
"Chỉ số PCI chủ yếu đánh giá về chỉ số năng lực điều hành về kinh tế địa phương của tỉnh. Như vậy những địa phương có tỷ trọng đầu tư cao, có thể họ có những lợi thế về hạ tầng cứng và nếu họ tiếp tục cải thiện được cơ sở hạ tầng mềm cũng như năng lực điều hành cấp tỉnh thì chắc chắn họ còn đạt được những tỷ trọng đầu tư cao hơn," ông Hoan nói.
Nói về kinh nghiệm sau khi tụt hạng, rồi lại nỗ lực tăng hạng, ông Lê Minh Chiến, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bạc Liêu chia sẻ, chỉ số PCI của Bạc Liêu trong năm qua đã được cải thiện khá rõ, từ thứ hạng 59 (2009) lên 30 (2010) xuống 39 (2011) rồi đến nay là hạng 7, tăng 32 bậc.
Ông Chiến nhấn mạnh, những đòi hỏi của doanh nghiệp ngày càng phải tốt hơn, nếu giữ nguyên thì họ thấy mình không đổi mới. Cải thiện chỉ số PCI có ảnh hưởng rất lớn đến môi trường cạnh tranh của các tỉnh, điều đó đòi hỏi hàng năm sau khi công bố năng lực cạnh tranh, cần phải có quá trình kiểm điểm về chỉ đạo của chính quyền, xem xét những góc độ điều hành mà doanh nghiệp cảm nhận chưa tốt.
Để vươn lên vị trí quán quân, theo ông Hoan, điểm mạnh nhất của Đồng Tháp chính là yếu tố năng động của chính quyền, cũng như việc định vị và ứng xử đối với đối với doanh nghiệp.
Lãnh đạo Đồng Tháp chia sẻ, “hãy xem vai trò vị trí của doanh nghiệp, nhà đầu tư như một nhà tư vấn cho chính quyền chứ không phải là đối tượng để quản lý. Chúng ta sẽ phải vượt qua rất nhiều rào cản về tâm lý, về mối quan hệ. Khẩu hiệu của Đồng Tháp là ‘đồng hành cùng doanh nghiệp’ thực sự sự đồng hành trong suy nghĩ, từ tư duy quản lý, đến kinh tế thị trường”./.
Linh Chi - ảnh: Diễn đàn Doanh nghiệp
- Phân cấp và hệ quả
- PCI 2012 - Còn lắm nỗi lo
- Xã hội hóa đầu tư hạ tầng
- Huế - “Thành phố nước” của nhiếp ảnh gia Hasegawa Taro
- Xà xẻo đất quy hoạch công ích: Những dự án "đầu voi, đuôi chuột"
- Dấu ấn chủ nghĩa biểu hiện trong kiến trúc hiện đại Việt Nam
- Tư duy đối phó
- Để dòng Mekong là tài sản chung
- Những phố "Hàng" Hà Nội đã mất tên
- Bảo tàng ư, để làm gì?