Ashui.com

Tuesday
Apr 16th
Home Tin tức Việt Nam Đà Nẵng tiếp tục dẫn đầu bảng xếp hạng PCI 2014

Đà Nẵng tiếp tục dẫn đầu bảng xếp hạng PCI 2014

Viết email In

Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) vừa tổ chức Lễ công bố Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI 2014, ngày 16/4/2015 tại Hà Nội. 

Báo cáo PCI 2014 công bố kết quả điều tra cảm nhận của gần 10.000 doanh nghiệp dân doanh và 1.500 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài về chất lượng điều hành môi trường kinh doanh tại 63 tỉnh, thành phố Việt Nam. Ngoài ra, báo cáo PCI năm nay cũng công bố những đánh giá của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài về môi trường kinh doanh Việt Nam, đánh giá của doanh nghiệp Việt Nam về cơ hội và thách thức từ Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và những kết quả về thực trạng quan hệ lao động tại các doanh nghiệp.  

Tham dự chương trình có TS Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI); ông Ted Osius - Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam; ông Joakim Parker - Giám đốc đốc Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ tại Việt Nam; ông Hugh Borrowman - Đại sứ Australia tại Việt Nam; ông Haike Manning - Đại sứ NewZealand tại Việt Nam; ông Tommer Heyvi - Phó Đại sứ Israel tại Việt Nam; ông Yuen Sing Hong - Phó Đại sứ Singapore tại Việt Nam cùng đại diện UBND các tỉnh, thành phố trên cả nước như: Đà Nẵng, Lào Cai, Điện Biên, Quảng Nam, Bắc Ninh, Bình Dương… 


Tiến sĩ Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch VCCI và ông Tes Osius, Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam trao kỷ niệm chương cho Đà Nẵng 

PCI tạo ra cuộc đua tranh, thúc đẩy các địa phương

Phát biểu khai mạc Lễ công bố, Tiễn sĩ Vũ Tiến Lộc Chủ tịch VCCI cho biết: Báo cáo PCI 2014 lần này được công bố trong bối cảnh đặc biệt: Chính phủ Việt Nam đang đẩy mạnh việc cải cách thế chế, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Nghị quyết 19 do Chính phủ ban hành 2014 và 2015 đều xác định rõ mục tiêu mà Việt Nam cần đạt được trong cải cách nhiều lĩnh vực điều hành và đặt ra mặc tiêu tham vọng là Việt Nam phải đạt mức bình quân của 4 nước ASEAn tiên tiến nhất. Như vậy, Chính phủ, người đứng đầu Chính phủ đã chấp nhận cuộc đua tranh cùng các nước với mục tiêu là môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh của Việt Nam không thể thua kém hơn. 

Với cấp độ địa phương trong nước cũng vậy, chỉ số PCI tạo ra cuộc đua tranh, thúc đẩy các địa phương thay đổi nhanh hơn, hành động nhiều hơn trong tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp là mục tiêu quan trọng. "Thời gian qua VCCI và USAID đã đi tiên phong trong việc xây dựng thước đo để đánh giá khoa học và khách quan chất lượng điều hành kinh tế của các tỉnh, thành phố. Đây thực sự là động lực tạo ra sự thay đổi, mang lại sự cải cách từ bên dưới lên. Cải thiện PCI, cải cách chất lượng điều hành cấp địa phương đã được Chính phủ chính thức giao là một nhiệm vụ của chính quyền tỉnh, thành phố cần thực hiện trong giai đoạn tới”. – Chủ tịch VCCI nhấn mạnh.

Báo cáo PCI 2014 là kết quả điều tra năm thứ 10 liên tiếp, với sự tham gia của 9.859 doanh nghiệp dân doanh. PCI đại diện cho tiếng nói chung của cộng đồng doanh nghiệp dân doanh về chất lượng điều hành kinh tế của 63 tỉnh, thành phố Việt Nam. 

Báo cáo PCI 2014 đã ghi nhận được những thành công ban đầu. Xu hướng cải thiện chất lượng điều hành của các tỉnh, thành phố đã khá tích cực, điểm số trung vị của PCI 2014 đã tăng đáng kể so với những năm trước đó. Phong trào cải cách đã rộng khắp ở nhiều tỉnh, thành phố, các tỉnh nhóm cuối tiếp tục thu hẹp khoảng cách đáng kể so với những tỉnh đứng đầu. Các lĩnh vực như gia nhập thị trường, tính minh bạch, chi phí thời gian, đào tạo lao động, dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp… đã có những cải thiện đáng kể.

Trong phần phát biểu chào mừng Lễ công bố, TS Vũ Tiến Lộc đã gửi lời chúc mừng tới các địa phương đứng đầu bảng xếp hạng năm nay, đặc biệt là Đà Nẵng giữ vững được vị trí thứ nhất, cộng đồng doanh nghiệp cũng đánh giá các tỉnh như Đồng Tháp, Lai Cao, TP HCM và Quảng Ninh đã có sự tiến bộ vượt bậc. Các doanh nghiệp cũng ghi nhận nỗ lực cải cách của các tỉnh, thành phố khác trên cả nước như Vĩnh Phúc, Long An, Thái Nguyên, Kiên Giang, Bắc Ninh… 

Kết quả điều tra gần 11.500 doanh nghiệp cả trong và ngoài nước năm nay đã cho thấy một dấu hiệu khởi sắc về môi trường kinh doanh. Cả doanh nghiệp trong nước và nước ngoài đều lạc quan hơn về triển vọng kinh doanh trong thời gian tới. Tuy nhiên, qua phân tích về năng lực cạnh tranh của Việt Nam trong bối cảnh so sánh với các quốc gia khác, các nhà đầu tư cho rằng Việt Nam cần cắt giảm chi phí không chính thức, nâng cao hơn nữa chất lượng cơ sở hạ tầng, cải thiện dịch vụ công, rà soát và đơn giản hóa các quy định để trở nên cạnh tranh hơn. Việt Nam nhờ vậy mới trở thành điểm đến hấp dẫn với các nhà đầu tư nước ngoài, nhất là những nhà đầu tư có chất lượng cao. 


TS Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) 

Với một chương riêng phân tích về đánh giá và cảm nhận của nhà đầu tư trong nước và nước ngoài về Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP), tín hiệu tích cực là các doanh nghiệp nói chung đều ủng hộ Việt Nam đàm phán và gia nhập hiệp định này mặc dù còn những quan ngại nhất định về khả năng tiếp cập thông tin, ảnh hưởng tiêu cực có thể có từ một số lĩnh vực cam kết. Tuy nhiên, điều mà tất cả doanh nghiệp Việt Nam kỳ vọng là những cải cách mạnh mẽ trong các lĩnh vực cam kết sẽ được thực hiện”. – Tiến sĩ Vũ Tiến Lộc nói.

Chia sẻ tại lễ công bố, ông Ted Osius - Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam cho biết: Trong thời gian vừa qua mỗi quan hệ giữa VCCI và Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ nói riêng và Hoa Kỳ nói chung đã phát triển sâu mạnh và thúc đẩy mối quan hệ song phương ngày càng tốt đẹp. “Trong 10 năm qua PCI đã được thừa nhận rộng rãi đặc biệt là thời điểm này. PCI ngày nay vẫn có tầm quan trọng như nó đã từng có. Hiện nay VCCI và Cơ quan cũng hợp tác với nhau trong việc đánh giá độ hài lòng của các DN xuất nhập khẩu để đem lại sự hài lòng cho DN. Chúng tôi hy vọng công cụ này giúp VN có thể tận dụng các tiềm năng mang lại”.

Đại sức Hoa Kỳ tại Việt Nam khẳng định: “Về phía Hoa kỳ cam kết sẽ thúc ẩy tăng trưởng kinh tế bền vững và là đối tác đáng tin cậy, giúp đỡ Việt Nam trong các vấn đề hai bên quan tâm”. 

Trình bày kết quả chỉ số PCI 2014, ông Đậu Anh Tuấn – Trưởng Ban Pháp chế VCCI cho biết, PCI đo lường chất lượng thực tế của điều hành kinh tế và những thực tiễn tốt đã có tại các địa phương. Chỉ số PCI gồm 10 chỉ số thành phần, phản ánh các lĩnh vực điều hành kinh tế có tác động đến sự phát triển của khu vực kinh tế tư nhân. Một địa phương được coi là có chất lượng điều hành tốt khi có: 1) chi phí gia nhập thị trường thấp; 2) tiếp cận đất đai dễ dàng và sử dụng đất ổn định; 3) môi trường kinh doanh minh bạch và thông tin kinh doanh công khai; 4) chi phí không chính thức thấp; 5) thời gian thanh tra, kiểm tra và thực hiện các quy định, thủ tục hành chính nhanh chóng; 6) môi trường cạnh tranh bình đẳng; 7) lãnh đạo tỉnh năng động, sáng tạo trong giải quyết vấn đề cho doanh nghiệp; 8) dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp phát triển, chất lượng cao; 9) chính sách đào tạo lao động tốt; và 10) thủ tục giải quyết tranh chấp công bằng, hiệu quả. 

Chỉ số PCI được xây dựng theo quy trình 3 bước, gồm: (i) Thu thập thông tin từ dữ liệu điều tra và các nguồn dữ liệu công bố khác, (ii) Tính toán 10 chỉ số thành phần và chuẩn hóa trên thang điểm 10, và (iii) Gán trọng số và tính điểm số PCI tổng hợp gồm điểm trung bình của 10 chỉ số thành phần trên thang điểm tối đa 100.

Doanh nghiệp tham gia điều tra PCI được chọn mẫu ngẫu nhiên nhằm đảm bảo tính đại diện của cộng đồng doanh nghiệp tại từng tỉnh, theo các tiêu chí: tuổi doanh nghiệp, loại hình kinh doanh và ngành nghề. Năm nay, PCI được thực hiện tại 9,859 doanh nghiệp dân doanh, trong đó có 1,768 doanh nghiệp mới thành lập nhằm đánh giá chính xác hơn công tác đăng ký doanh nghiệp ở các địa phương. 

Kết quả điều tra PCI 2014 cho thấy dấu hiệu khởi sắc về môi trường kinh doanh. Tỉ lệ doanh nghiệp trong nước tăng quy mô đầu tư vốn đã tăng trở lại (10,8%) sau hai năm giảm xuống mức thấp nhất. Lần đầu tiên trong vòng 9 năm, quy mô vốn trung bình của doanh nghiệp đã tăng đến mức cao nhất, trung bình là 15,1 tỉ đồng, gấp đôi so với quy mô của năm 2006. Tỷ lệ doanh nghiệp tuyển dụng thêm lao động cũng tăng gần gấp đôi (11,5%) so với mức chạm đáy năm 2012 và 2013.

Theo kết quả này, doanh nghiệp lạc quan hơn về triển vọng kinh doanh: Năm 2014, có tới 46,1% doanh nghiệp dự kiến sẽ mở rộng quy mô kinh doanh trong vòng 2 năm tới, tăng mạnh so với mức 32,5% năm ngoái. Tỷ lệ doanh nghiệp có kế hoạch giảm quy mô hoặc đóng cửa, giải thể chỉ chiếm 8,3%. Lần đầu tiên trong 5 năm công bố báo cáo PCI gần đây, niềm tin của doanh nghiệp có dấu hiệu hồi phục.

Năm nay, điểm trung vị của PCI tăng từ 57,81 năm 2013 lên 58,58 điểm. So với các năm trước, khoảng cách điểm số giữa các tỉnh tiếp tục được thu hẹp, phản ánh xu hướng cải cách qua nhiều năm: Các tỉnh “ngôi sao” chững lại và chưa có sự bứt phá, trong khi nhóm cuối tiếp tục thu hẹp sự chênh lệch thông qua các lĩnh vực dễ cải cách như đăng ký doanh nghiệp, rút ngắn thời gian thực hiện các thủ tục hành chính.

Đà Nẵng tiếp tục dẫn đầu bảng xếp hạng

Đà Nẵng tiếp tục bảo vệ thành công vị trí quán quân của bảng xếp hạng PCI 2014 với số điểm 66,87. Thành công này đến từ việc thực hiện hiệu quả chương trình “Năm Doanh nghiệp Đà Nẵng 2014”, khi chính quyền Thành phố đã có nhiều hoạt động thiết thực tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển như đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, hỗ trợ mặt bằng sản xuất kinh doanh, tạo thuận lợi cho tiếp cận hỗ trợ tài chính tín dụng, chủ động tích cực tổ chức gặp gỡ đối thoại, tháo gỡ khó khăn cho cộng đồng doanh nghiệp. 

Hai vị trí tiếp theo là Đồng Tháp (65,28 điểm) và Lào Cai (64,67 điểm), vốn là những gương mặt quen thuộc trong nhóm đầu của bảng xếp hạng hàng năm. Tinh thần coi doanh nghiệp là bạn đồng hành8 trong phát triển kinh tế-xã hội của địa phương đã được nhiều doanh nghiệp đánh giá cao, nhất là khi Đồng Tháp chú trọng giải quyết các khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp, cải cách hành chính thực hiện tốt theo cơ chế một cửa, tạo điều kiện thuận lợi về thủ tục cho nhà đầu tư theo phương châm “Tiềm năng của chúng tôi - cơ hội của bạn”. Đặc biệt, Lào Cai năm nay đã trở lại ấn tượng, cải thiện 14 bậc, lên vị trí thứ 3 trong bảng xếp hạng PCI 2014. Bên cạnh việc rà soát, sửa đổi, bổ sung những quy định có liên quan đến tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh bảo đảm sự thông thoáng, thuận lợi cho các doanh nghiệp, duy trì các buổi gặp gỡ, trao đổi với cộng đồng doanh nghiệp về cơ chế, chính sách, giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp trên các lĩnh vực liên quan như thuế, hải quan, ngân hàng, tài nguyên và môi trường. Lào Cai cũng là tỉnh có sáng kiến đột phá khi xây dựng Bộ Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp huyện, thành phố (DCI). Lào Cai coi việc thực hiện chỉ số DCI là kênh quan trọng để tiếp thu những ý kiến phản hồi của doanh nghiệp, của các thành phần kinh tế về chất lượng điều hành của chính quyền các huyện, thành phố.Đây có thể là động lực mới để chính quyền các huyện, thành phố trực thuộc tỉnh đổi mới, năng động, sáng tạo trong công tác hỗ trợ doanh nghiệp, phát triển kinh tế - xã hội, từ đó góp phần vào thành công chung của tỉnh. 

10 năm PCI (2005-2015):

- 80.589 lượt doanh nghiệp dân doanh và 7.799 lượt doanh nghiệp FDI tham gia

- Điều tra PCI 63/63 tỉnh, thành có chương trình đánh giá, cải thiện PCI

- 147 văn bản pháp lý các cấp được ban hành về cải thiện PCI

- 255 hội thảo chẩn đoán cấp tỉnh và 12 hội thảo cấp vùng về PCI 

Cũng là lần đầu tiên trong 10 năm công bố PCI, TP. HCM bước vào nhóm 5 tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành tốt nhất cả nước. TP. HCM vốn luôn là điểm đến hấp dẫn của nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước, trong thời gian gần đây đã liên tục có nhiều hoạt động nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ máy hành chính, nhất là trong việc xử lý thủ tục hành chính thông thoáng. Bên cạnh đó, việc tăng cường đối thoại chính quyền-doanh nghiệp nhằm giải quyết khó khăn cho cộng đồng kinh doanh tại thành phố đã tạo niềm tin cho doanh nghiệp mở rộng đầu tư.Đây được coi là những hoạt động cải cách rất đáng khích lệ, đặc biệt khi TP.HCM có quy mô thị trường và sự đa dạng doanh nghiệp lớn nhất cả nước.

Đây cũng là năm thứ hai liên tiếp Quảng Ninh nằm trong nhóm 5 tỉnh, thành phố đứng đầu cả nước về chất lượng điều hành. Việc thành lập Trung tâm Hành chính công hoạt động theo nguyên tắc thẩm định và phê duyệt tại chỗ không chỉ góp phần vào tinh giản biên chế, tiết kiệm chi thường xuyên của các cơ quan hành chính trước đây, mà còn phát huy tác dụng quan trọng trong việc giảm chi phí và thời gian cho doanh nghiệp. Bên cạnh đó, mô hình cơ quan chuyên trách về xúc tiến hỗ trợ đầu tư (Ban Xúc tiến và hỗ trợ đầu tư) trực thuộc UBND tỉnh cũng đang hoạt động hiệu quả, khi chủ động tiếp cận và chăm sóc các nhà đầu tư một cách chu đáo trong quá trình đầu tư cũng như triển khai dự án.

Trong nhóm 10 tỉnh thành có chất lượng điều hành tốt nhất năm 2014 còn có các tỉnh Vĩnh Phúc, Long An, Thái Nguyên, Kiên Giang và Bắc Ninh. Vĩnh Phúc từng luôn nằm trong TOP 10 trong các năm 2006-2009, sau những sụt giảm trong các năm 2010-2012, đã có sự thăng hạng ấn tượng trong 2 năm gần đây. Trong các năm 2008 và 2011, Long An từng có mặt trong nhóm 10 tỉnh thành có chất lượng điều hành tốt nhất. Lần đầu tiên đã xuất hiện trong TOP 10 bảng xếp hạng PCI của cả nước năm 2014, Thái Nguyên là một trường hợp đặc biệt với những chuyển mình thực sự không chỉ trong thu hút vốn đầu tư nước ngoài mà còn cả trong việc kiên trì thực hiện nguyên tắc phát triển “Ba thân thiện” của địa phương: Thân thiện môi trường – Thân thiện doanh nghiệp – Thân thiện người dân14. Bắc Ninh đã trở lại nhóm 10 tỉnh có chất lượng điều hành tốt nhất vào năm nay, với những dấu ấn rõ ràng của việc thực hiện Quy định chế độ trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị của Nhà nước trong việc hỗ trợ và giải quyết kiến nghị của tổ chức kinh tế trên địa bàn mà tỉnh đã ban hành đầu năm 2013.

Từng đứng ở nhóm cuối của bảng xếp hạng PCI trong 2 năm trước đây, Tuyên Quang đã trở thành một hiện tượng cho sự thay đổi từ nhóm các tỉnh có chất lượng điều hành thấp. Năm 2014, Tuyên Quang đã có số điểm PCI tổng hợp tăng lớn nhất trong 63 tỉnh, thành phố, với 6,22 điểm. Nhờ vậy, thứ hạng tỉnh này năm 2014 đã tăng 13 bậc so với năm 2013. Thành công này không bất ngờ đến với Tuyên Quang. Năm 2013, tỉnh đã thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện Chương trình hành động cải thiện Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), với trưởng ban chỉ đạo là một Phó Chủ tịch tỉnh, và các ủy viên là lãnh đạo các sở ngành và Chủ tịch 2 hiệp hội doanh nghiệp tại tỉnh. Xác định rõ những tồn tại trong môi trường kinh doanh của tỉnh trước đây tới từ khoảng cách về niềm tin giữa chính quyền và doanh nghiệp, từ năm 2014, Tuyên Quang đã học tập kinh nghiệm của tỉnh Đồng Tháp, tổ chức một loạt các Chương trình cà phê doanh nhân để lãnh đạo tỉnh và sở ngành cùng lắng nghe tiếng nói doanh nghiệp. Tuyên Quang cũng là tỉnh đầu tiên trong nhóm cuối bảng xếp hạng các năm trước thực hiện mô hình này. Điểm đặc biệt là các chương trình nói trên đều do lãnh đạo tỉnh và lãnh đạo hiệp hội doanh nghiệp cùng đứng tên trong giấy mời doanh nghiệp và đồng tổ chức, điều chưa từng diễn ra trước đây tại tỉnh. Đến nay, Cà phê doanh nhân đã thực hiện được 5 cuộc, với các chủ đề hấp dẫn, được nhiều doanh nghiệp quan tâm như: Nông nghiệp, nông dân, nông thôn - Tiềm năng, cơ hội đầu tư của doanh nghiệp; Chia sẻ kinh nghiệm điều hành doanh nghiệp; Giảm chi phí thời gian thực hiện Thủ tục hành chính cho hoạt động sản xuất kinh doanh. Chương trình này đã trở thành một hoạt động thường xuyên và từng bước tạo diễn đàn cởi mở, thân thiện cho các lãnh đạo tỉnh, các Sở ban ngành và các doanh nhân ngồi lại với nhau, cùng tháo gỡ những vướng mắc, tồn tại lâu nay tại tỉnh.

Nhiều cải thiện rõ rệt trong năm 2014

Báo cáo cũng cho thấy những thay đổi trong điều hành kinh tế cấp tỉnh theo thời gian. Theo đó, khảo sát PCI năm nay ghi nhận những cải thiện rõ rệt nhất ở lĩnh vực Gia nhập thị trường, tiếp đến là Tính minh bạch, Dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp, Đào tạo lao động và Chi phí thời gian. So với kết quả chỉ số PCI năm trước, một tỉnh trung vị cho thấy: Thời gian chờ đợi của doanh nghiệp để chính thức đi vào hoạt động giảm đi; Chất lượng và hiệu quả vận hành của các bộ phận Một cửa tăng lên; Doanh nghiệp tham gia nhiều hơn vào quá trình hoạch định chính sách, vai trò của các hiệp hội địa phương được khẳng định; Mức độ hài lòng về chất lượng các dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp và đào tạo lao động tăng lên. 

Điều tra PCI 2014 cho thấy những sụt giảm đáng lo ngại ở lĩnh vực Chi phí không chính thức, Tính năng động và Tiếp cận đất đai. Đánh giá cả ba lĩnh vực này, doanh nghiệp tại tỉnh trung vị thể hiện tâm lý bi quan nhất kể từ khi tiến hành điều tra PCI trên tất cả các tỉnh, thành phố.

Chỉ số cơ sở hạ tầng là sự kết hợp giữa kết quả điều tra cảm nhận của doanh nghiệp về chất lượng cơ sở hạ tầng tại các tỉnh, thành phố và dữ liệu cứng đã được công bố. Chỉ số này hợp thành bởi 4 chỉ số thành phần, cũng là 4 lĩnh vực cơ bản liên quan tới cơ sở hạ tầng mà doanh nghiệp sử dụng trong quá trình sản xuất kinh doanh, đó là (1) khu công nghiệp, (2) đường giao thông, (3) các dịch vụ công cộng (viễn thông, năng lượng) và (4) công nghệ thông tin. Theo đó, TP. HCM, Bình Dương, Đà Nẵng, Bà Rịa-Vũng Tàu và Đồng Nai là 5 tỉnh, thành phố được các doanh nghiệp dân doanh đánh giá tốt nhất về cơ sở hạ tầng. Đứng cuối bảng về chất lượng cơ sở hạ tầng là các tỉnh Lai Châu, Yên Bái, Bắc Kạn, Trà Vinh và Đắk Nông.


GS.TS Edmund Malesky - Đại học Duke, Hoa Kỳ trình bày báo cáo từ điều tra PCI - FDI

Trình bày những kết quả đáng chú ý từ điều tra PCI-FDI và Hiệp định TPP, GS.TS Edmund Malesky - Đại học Duke, Hoa Kỳ, Trưởng nhóm nghiên cứu PCI cho biết, những đặc điểm chính của điều tra PCI-FDI là điều tra DN thường niên nhằm đo lường, đánh giá môi trường kinh doanh của Việt Nam. 

Điều tra năm 2014 được thực hiện đối với 1.491 doanh nghiệp FDI tới từ 43 nước, trong đó 92% là doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài. Doanh nghiệp FDI hoạt động tại Việt Nam vẫn chủ yếu có quy mô nhỏ trong ngành chế tạo, tập trung vào xuất khẩu và cung cấp hàng hóa, dịch vụ cho các nhà sản xuất lớn hơn hoặc công ty đa quốc gia. 

Mức độ lạc quan gia tăng trong các công ty nước ngoài tại Việt Nam thể hiện ở: Vốn đầu tư tăng, doanh nghiệp FDI tuyển thêm lao động. Các doanh nghiệp nước ngoài cũng tin tưởng hơn vào môi trường kinh doanh tại Việt Nam bởi nhiệt kế lòng tin đã tăng mạnh nhất kể từ năm 2011. Đây là kết quả ấn tượng của cuộc khảo sát. 

Cũng theo khảo sát, Việt Nam là địa điểm lý tưởng cho các nhà đầu tư bởi so với các quốc gia như: Trung Quốc, Thái Lan, Campuchia, Indonesia, Lào, Philippin thì mức thuế tại Việt Nam thấp hơn các nước; rủi ro thu hồi tài sản thấp hơn; bất ổn chính sách thấp hơn và tác động chính sách nhiều hơn.

GS.TS Edmund Malesky cũng cho biết, Đà Nẵng là điểm đến đặc biệt cho doanh nghiệp FDI thể hiện ở chỗ: Mức độ minh bạch và khả năng tiếp cận tài liệu pháp lý, quy hoạch tại Đà Nẵng cao đáng kể. Khi doanh nghiệp gặp khó khăn, 76% doanh nghiệp cho biết Đà Nẵng linh hoạt giải quyết trong khuôn khổ pháp luật, trong khi trung bình chung trên toàn quốc chỉ là 48%. Đà Nẵng cũng là tỉnh duy nhất mà các nhà đầu tư không thấy chất lượng CSHT năm 2014 suy giảm so với 2013.

Thời gian chờ đợi có đủ các giấy tờ để chính thức hoạt động thấp đáng kể: 72% doanh nghiệp FDI tại Đà Nẵng chính thức đi vào hoạt động sau1 tháng kể từ ngày có đăng ký doanh nghiệp, trong khi toàn quốc là 38%. Đà Nẵng cũng là tỉnh duy nhất có chưa tới 2 cuộc thanh kiểm tra doanh nghiệp FDI/năm và cũng là nơi dễ dàng nhất để được cấp giấy phép lao động cho người nước ngoài (Chưa tới 15 ngày để nhận giấy phép). 

Ngay sau lễ công bố, ông Huỳnh Đức Thơ – Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng thay mặt các tỉnh nhận giải phát biểu cảm nhận. Ông Thơ cho biết, TP Đà Nẵng rất vui mừng vì thêm một lần nữa được vinh danh là địa phương dẫn đầu PCI. Đây là một kết quả đầy khó khăn và thách thức. Trong suốt 10 năm qua, Đà Nẵng luôn theo sát những gợi ý của bộ chỉ số và liên tục đưa ra những cải cách nhằm giúp thành phố nói chung và các doanh nghiệp nói riêng trên địa bàn TP Đà Nẵng đạt được kết quả tốt. Trong thời gian tới, chính quyền Đà Nẵng sẽ tiếp tục đồng hành cùng các doanh nghiệp để giữ vững chỉ số CPI đã đạt được trong năm 2014 đồng thời, tăng cường đẩy mạnh cải cách các thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh hơn nữa nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho các doanh nghiệp trong nước cũng như những nhà đầu tư nước ngoài. 

Chia sẻ về quan điểm của nhà đầu tư, ông Peter Ryder - Giám đốc điều hành Tập đoàn Indochina Capital cho biết, nỗ lực chung của VCCI và Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ là minh chứng cho quan hệ đối tác giữa hai nước. Thương mại và đầu tư nước ngoài tạo ra nguồn thu ngân sách, công ăn việc làm cho lao động Việt Nam và tạo động lực phát triển kinh tế xã hội. Đầu tư nước ngoài có chất lượng cao đóng góp quan trọng và chỉ đến những nơi mà có môi trường đầu tư tốt. 

“Chúng tôi muốn các địa phương tại Việt Nam hãy nỗ lực hơn nữa để cải thiện môi trường đầu tư và chúng tôi sẽ tiếp tục chia sẻ những ý kiến đóng góp của mình để cải thiên môi trường và giúp các doanh nghiệp nước ngoài đến Việt Nam nhiều hơn nữa” ông Peter Ryder khẳng định. 

Phát biểu bế mạc chương trình, Tiến sĩ Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch VCCI cho biết: Chúng ta đã hoàn thành 10 năm đầu tiên của chặng đường PCI. Tôi tin rằng cùng với Nghị quyết 19 của Chính phủ, chặng đường PCI sắp tới sẽ góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu tiêu đề ra. 

Ông Doãn Văn Hưởng - Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai:
“Doanh nghiệp phát tài  - Lào Cai phát triển” 

Để cải thiện môi trường đầu tư theo hướng lành mạnh, công bằng và hấp dẫn thì ngay từ đầu năm 2014, UBND tỉnh đã tổ chức hàng loạt hội nghị gặp gỡ, đối thoại chính sách với các tổ chức, doanh nghiệp theo từng lĩnh vực ngành nghề để lắng nghe ý kiến, giải quyết quyền lợi, nguyện vọng chính đáng của doanh nghiệp. Đồng thời với việc ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các cấp, các ngành có giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, cho chủ đầu tư, UBND tỉnh cũng kiện toàn Tổ hỗ trợ doanh nghiệp trực thuộc Văn phòng UBND tỉnh để hỗ trợ, giải quyết ngay các vấn đề cấp thiết nhất là các khâu liên quan đến thủ tục hành chính, giải phóng mặt bằng, hỗ trợ đầu tư cho doanh nghiệp, được doanh nghiệp đánh giá cao. Năm 2014 này, Tỉnh triển khai thực hiện duy trì Chỉ số PCI thông qua giải pháp Bộ khung Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp huyện (DCI) để tăng cường năng lực điều hành, tính năng động sáng tạo của lãnh đạo tất cả các cấp, các ngành từ tỉnh đến huyện cùng vào cuộc và đồng hành cùng doanh nghiệp. Với các giải pháp quyết liệt của các cấp chính quyền, sự đồng tâm cùng vào cuộc của các ngành và địa phương cùng cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn, tỉnh Lào Cai tin tưởng chắc chắn rằng môi trường đầu tư của Lào Cai tiếp tục được cải thiện, sẽ tiếp tục tạo niềm tin và thu hút sự quan tâm của cộng đồng doanh nghiệp.

Cộng đồng doanh nghiệp đã có đóng góp tích cực vào sự phát triển KT-XH tỉnh Lào Cai nói chung, một số doanh nghiệp đã có đóng góp đáng kể vào ngân sách nhà nước, mức bình quân khoảng 300 tỷ đồng; đã tạo việc làm ổn định cho hàng nghìn lao động địa phương với mức lương bình quân 4,5 triệu đồng/tháng, góp phần hỗ trợ kinh tế địa phương chuyển dịch nhanh, bền vững hơn theo hướng tăng tỷ trọng ngành công nghiệp, xuất nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ và du lịch.

Khẩu hiệu để dẫn tới hành động rất rõ ràng, Lào Cai luôn đặt quyền lợi của các nhà đầu tư lên hàng đầu, “Doanh nghiệp phát tài – Lào Cai phát triển” chứ không phải là “Lào Cai phát triển – Doanh nghiệp phát tài”. Với mục tiêu rõ ràng này cùng với các giải pháp và chỉ đạo điều hành của các cấp chính quyền, các ngành của tỉnh, Lào Cai tin tưởng rằng niềm tin sẽ được khôi phục, sẽ tiếp tục thu hút được sự quan tâm của cộng đồng doanh nghiệp.

Ông Châu Hồng Phúc – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp:
“Đồng hành cùng doanh nghiệp”

Tất cả lãnh đạo và công chức Đồng Tháp luôn thấm nhuần khẩu hiệu “Đồng hành cùng doanh nghiệp”. Đó là chủ trương xuyên suốt trong quá trình hoạt động của bộ máy chính quyền tỉnh Đồng Tháp. Do đó chúng tôi không ngồi chờ doanh nghiệp, nhà đầu tư đến mà chủ động tiếp cận, tìm hiểu, giải quyết từng khó khăn nhằm tạo thêm nhiều điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp phát triển, nhà đầu tư bám trụ lâu dài trên mảnh đất Đồng Tháp.

Có thể nói cộng đồng doanh nghiệp tỉnh Đồng Tháp giữ vai trò rất quan trọng đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn thông qua giải quyết việc làm cho người lao động, cải thiện thu nhập người dân. Diện mạo của Đồng Tháp có được hôm nay cũng chính là nhờ sự đóng góp của người dân và cộng đồng doanh nghiệp. Chúng tôi rất trân trọng điều đó. Chúng tôi luôn đặt kỳ vọng, sẽ có nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp đứng vào hàng ngũ các doanh nghiệp uy tín trong khu vực và trên thế giới. Và chúng tôi sẽ làm hết sức mình vì sự lớn mạnh của cộng đồng doanh nghiệp tỉnh Đồng Tháp.

Để cải thiện được thứ hạng cũng như nâng cao được những chỉ số còn thấp điểm, UBND Tỉnh sẽ giao Sở Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu kết quả chỉ số PCI năm 2014, tham mưu kế hoạch tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, trong đó sẽ giao nhiệm vụ cụ thể cho các ngành phân tích nguyên nhân các điểm còn hạn chế và đề ra giải pháp khắc phục. Nhân dịp này, UBND tỉnh Đồng Tháp xin gửi lời cảm ơn cộng đồng doanh nghiệp, các nhà đầu tư đã có những đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Đồng Tháp.

Ông Dương Ngọc Long - Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên:
"Thân thiện với doanh nghiệp"

Những nỗ lực cải cách hành chính cũng như nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh đã tạo điều kiện rất tốt cho Thái Nguyên bứt phá trong thu hút đầu tư năm vừa qua. Kết thúc năm 2014, tăng trưởng kinh tế của tỉnh Thái Nguyên đạt gần 20%, giá trị sản xuất công nghiệp tăng hơn 7 lần so với năm 2013. Kim ngạch xuất khẩu đạt 9 tỷ USD, tăng gấp 37 lần so với cùng kỳ. Đặc biệt, năm 2014, Thái Nguyên đang là tỉnh dẫn đầu trong cả nước về thu hút FDI. Lũy kế đến nay, Thái Nguyên đã thu hút được 75 dự án FDI với tổng vốn đầu tư là 6,9 tỷ USD, đứng thứ 10/63 tỉnh, thành phố có đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.

Thành công của Tập đoàn Samsung tại Thái Nguyên cũng như các nhà đầu tư trong và ngoài nước là minh chứng, thước đo rõ nhất cho những nỗ lực của chính quyền địa phương trong việc cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh.

Để có được kết quả trên, ngay từ năm 2011, tỉnh Thái Nguyên đã xây dựng đề án cải thiện môi trường đầu tư tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2011 - 2015. Trong đó: Thứ nhất,đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, xây dựng các cơ chế, chính sách ưu đãi phù hợp, kêu gọi đầu tư có hiệu quả, đảm bảo phát triển bền vững; Thứ hai là cải thiện và nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh bằng cách khắc phục các chỉ số còn hạn chế, yếu kém. Bên cạnh đó, tỉnh cũng tăng cường dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp, tạo môi trường kinh doanh lành mạnh, nâng cao chất lượng điều hành của chính quyền các cấp, tăng cường tính năng động, chủ động sáng tạo trong các vấn đề về thu hút đầu tư. Đồng thời chú trọng đến công tác quy hoạch, nhiều khu quy hoạch lớn của tỉnh đã mạnh dạn thuê các công ty tư vấn quốc tế làm quy hoạch cho phát triển ổn định lâu dài và không bị lạc hậu.

Những kết quả đã đạt được là nền tảng quan trọng để Thái Nguyên thực hiện Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế- xã hội vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Và để đạt được các mục tiêu đề ra, Thái Nguyên sẽ tiếp tục nỗ lực thực hiện 3 khâu đột phá: Đột phá về công tác quy hoạch; đột phá về phát triển kết cấu hạ tầng trong đó chú trọng về hạ tầng giao thông; đột phá về năng lực cạnh tranh cấp tỉnh và đẩy mạnh cải cách hành chính. Với quan điểm “3 thân thiện” xuyên suốt là: Thân thiện với doanh nghiệp; thân thiện với người dân; thân thiện với môi trường, trong đó thân thiện với các doanh nghiệp là ưu tiên hàng đầu, vì doanh nghiệp phát triển được mới tạo điều kiện để phát triển kinh tế - xã hội, tạo công ăn việc làm và tăng ngân sách Nhà nước.

Thông qua hành động cụ thể và định hướng chiến lược, chúng tôi kỳ vọng năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của Thái Nguyên sẽ tiếp tục được cải thiện trong những năm tới để đáp ứng tốt hơn nhu cầu của các nhà đầu tư trong và ngoài nước. 

(Báo Diễn đàn Doanh nghiệp


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo