Ashui.com

Tuesday
Jan 07th
Home Tin tức Việt Nam Công bố Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2013

Công bố Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2013

Viết email In

Sáng 20/3, tại Hà Nội, Phòng Thương mại Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức Lễ Công bố Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2013.

“Qua lăng kính phân tích bộ chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) gốc, PCI năm 2013 có thể xem như là một năm khởi sắc. Khi mà, tỉnh trung vị đã có điểm số là 47, đây là mức cao nhất kể từ khi bắt đầu điều tra này (năm 2006).” Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam VCCI nhấn mạnh về điểm nổi bật của kết quả điều tra PCI năm 2013.

Theo ông Tuấn, các chi phí không chính thức, chi phí về tham nhũng quy mô nhỏ đã được cải thiện liên tục theo thời gian. Bên cạnh đó, hầu hết các tỉnh đều nỗ lực cải thiện điều kiện gia nhập thị trường cho doanh nghiệp thông qua những cải cách về thủ tục đăng ký kinh doanh, giảm bớt các yêu cầu cấp phép và thiết lập cơ chế một cửa.

Miền Trung bứt phát

Năm nay, thành phố Đà Nẵng vươn lên vị trí trở lại dẫn đầu bảng xếp hạng sau khi tụt xuống hạng thứ 12 (năm 2012). Đứng vị trí thứ hai là Thừa Thiên-Huế với thành tích xuất sắc, vượt trội so với các tỉnh khác ngay trong nhóm có chất lượng điều hành.

Đây là những gương mặt quen thuộc trong top dẫn đầu của bảng xếp hạng hàng năm. Theo số liệu từ ban tổ chức, từ trước năm 2011, Đà Nẵng liên tục giành vị trí thứ nhất hoặc thứ hai trong bảng xếp hạng PCI hàng năm. Tỉnh Thừa Thiên Huế cũng có bảng thành tích xuất sắc với chỉ số PCI kể từ năm 2007, chỉ duy nhất một lần tỉnh này rơi khỏi nhóm 25 tỉnh có điểm số cao nhất và nằm trong nhóm “Tốt.”

Tuy nhiên sau đó, Thừa Thiên-Huế đã có những cam kết mạnh mẽ về việc cải thiện điểm số PCI. Từ năm 2007 đến nay, địa phương này đã ban hành bảy văn bản kế hoạch, nghị quyết và ba Quyết định của Ủy ban nhân dân tỉnh về cải thiện PCI.

Theo Nhóm nghiên cứu, bên cạnh miền Trung,  các tỉnh xuất sắc khác nằm nhóm “Rất tốt” cũng xuất phát khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và năm nay tiếp tục là Đồng Tháp (63,35 điểm) và Kiên Giang (63,55 điểm).

Kể từ lần đầu công bố PCI đến nay, Đồng Tháp chưa bao giờ xếp hạng dưới 11 và đã từng đạt thành tích cao nhất là vị trí số 1 vào năm 2012. Kiên Giang cũng vươn dần lên thứ hạng cao qua nhiều năm liền (xếp thứ 6/63 năm ngoái).

Đáng chú ý, Quảng Ninh với thứ hạng trung bình là 18 và cao nhất là vị trí thứ 7 năm 2010 thì năm nay đã vươn lên vị trí thứ 4 (63,51 điểm).

Bến Tre (thứ hạng trung bình là 16 và cao nhất là vị trí thứ 7 năm 2008) cũng là những gương mặt quen thuộc trong đội hình dẫn đầu PCI. Nhiều năm qua, Bến Tre liên tục là tỉnh có điểm số cao nhất trong lĩnh vực Chi phí không chính thức.

Bất ngờ duy nhất trong nhóm dẫn đầu của năm nay là tỉnh Quảng Ngãi, với vị trí số 7 trong bảng xếp hạng. Đây là một bước tiến nổi bật của tỉnh, vốn thường đứng ở vị trí trung bình, với điểm số 38,5 từ năm 2006-2012 và chưa bao giờ vượt quá vị trí thứ 18. Giống như Thừa Thiên Huế, kết quả này của Quảng Ngãi xuất phát từ cam kết cải thiện chất lượng điều hành của chính quyền tỉnh được cụ thể hóa trong các văn bản ban hành chính thức.

Lý giải cho sự quay trở lại của Đà Nẵng, ông Văn Hữu Chiến, Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Đà Nẵng cho biết, trong 9 năm qua, chỉ có năm 2012 là Đà Nẵng rời tốp đầu tụt hạng về thứ vị 12. Sau sự tụt hậu này, thành phố đã nghiên cứu kỹ lưỡng, đánh giá định lượng các tiêu chí trong bộ chỉ số, qua đó tìm ra những nguyên nhân và vấn đề tồn tại, để phấn đấu trở lại tốp đầu trong năm 2013.

“Chúng tôi tập trung vào những tiêu chí đánh giá vẫn còn yếu, tìm biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp, cải cách thủ tục hành chính thuận lợi hơn và kết quả đến nay là thỏa đáng.

Mặc dù thứ hạng không phải là sự thắng, thua song đây là những đánh giá về hoạt động điều hành của chính quyền thành phố có năng động, nhanh nhạy hay không. Tiêu chí của chúng tôi luôn tập trung hướng tới một chính quyền đồng hành cùng doanh nghiệp,” ông Chiến nói.


Cầu Rồng - Đà Nẵng

Giảm chất lượng điều hành… tụt hạng ngay

Nhóm nghiên cứu cho biết, kết quả điều tra năm nay khá đáng tiếc cho trường hợp của tỉnh Bình Dương khi để rơi xuống vị trí 30 giữa bảng.

“Quan trọng hơn, kết quả này của Bình Dương không phải là hệ quả từ các thay đổi về phương pháp. Hầu hết các điểm số bị suy giảm do Bình Dương không còn giữ được chất lượng điều hành ở các chỉ tiêu thuộc điểm PCI gốc,” nhận định từ Báo cáo.

Nhìn vào trường hợp tỉnh Bình Dương, có thể thấy điểm số của tỉnh này bị ảnh hưởng chủ yếu bởi sự sụt giảm điểm số chi phí gia nhập thị trường. Thời gian thực hiện thủ tục đăng ký doanh nghiệp trung bình ở Bình Dương mà doanh nghiệp trải nghiệm vẫn là 15 ngày trong khi thời gian này đã được rút ngắn ở các tỉnh khác, dẫn đến điểm trung vị toàn quốc là 10 ngày.

Hơn nữa, Bình Dương chỉ đạt được điểm trung bình trong các tiêu chí đo lường hiệu quả hoạt động của bộ phận một cửa. Ở chỉ số tiếp cận đất đai và tính minh bạch, điểm số của Bình Dương cũng sụt giảm, dù không đáng kể.

Bên cạnh đó, nhiều năm qua Bình Dương luôn có thành tích nổi bật về chính sách đất đai nhưng năm nay đã có 35% doanh nghiệp bất ngờ đưa ra nhận định chính quyền tỉnh không đền bù thỏa đáng khi thu hồi đất để xây dựng cơ sở hạ tầng hoặc khu công nghiệp…

Một trường hợp khác là Lào Cai, quán quân của bảng xếp hạng PCI năm ngoái, cũng thể hiện phong độ sa sút, rơi xuống vị trí 17 thuộc nhóm điều hành “Khá.”

Điểm số của Lào Cai cũng bị kéo xuống do sự sụt giảm các chí tiêu gốc về chi phí gia nhập thị trường, tiếp cận đất đai, tính minh bạch, chi phí thời gian và tính năng động của chính quyền tỉnh. Doanh nghiệp tại tỉnh cho rằng có sự ưu ái đối với các doanh nghiệp có quan hệ thân quen với chính quyền.

Kết quả từ Báo cáo cũng chỉ ra một điểm sáng khác trong năm nay, đó là Thành phố Hồ Chí Minh tăng 3 hạng lên vị trí thứ 10 (61,19 điểm) và Hà Nội lên vị trí thứ 33 (57,67 điểm), trước đó là vị trí thứ 51 trong năm 2012.

Ông Vũ Tiến Lộc , Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam nhấn mạnh: “ Báo cáo Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh 2013 nhằm cung cấp thông tin và khuyến nghị hữu ích để các nhà hoạch định chính sách cũng như lãnh đạo các tỉnh, thành phố cân nhắc và hành động.

Chúng tôi cũng hy vọng rằng nỗ lực này sẽ góp phần nâng cao chất lượng các quy định và thể chế của Việt Nam, tạo ra sức cạnh tranh và vị thế cao hơn cho nền kinh tế trong hệ thống kinh tế thế giới. Mục tiêu cuối cùng là thúc đẩy đầu tư, tạo việc làm và mang lại sự thịnh vượng cho mọi người dân Việt Nam.”

Top 10 chỉ số PCI 2013 gồm: Đà Nẵng (66,45 điểm), Thừa Thiên Huế (65,56), Kiên Giang (63,55 điểm), Quảng Ninh (63,51 điểm), Đồng Tháp (63,35 điểm), Bến Tre (62,78 điểm), Quảng Ngãi (62,60 điểm), Thanh Hóa (61,59 điểm), Cần Thơ (61,46 điểm), Thành phố Hồ Chí Minh (61,19 điểm).


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận

3000 ký tự


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo

Loading...