Ashui.com

Tuesday
Jan 07th
Home Tin tức Việt Nam Bộ Xây dựng tổ chức thẩm định Quy hoạch xây dựng vùng tỉnh Quảng Ninh

Bộ Xây dựng tổ chức thẩm định Quy hoạch xây dựng vùng tỉnh Quảng Ninh

Viết email In

Ngày 21/3, Bộ Xây dựng đã tổ chức thẩm định Quy hoạch xây dựng vùng tỉnh Quảng Ninh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và ngoài 2050 do Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng làm Chủ tịch Hội đồng.

“Động lực phát triển kinh tế quốc gia”

Theo đơn vị tư vấn Nikken Sekkei, quy hoạch vùng tỉnh Quảng Ninh có diện tích 6.102km2 với 14 đơn vị hành chính, trong đó có 4 thành phố, 1 thị xã và 9 huyện. Để lập quy hoạch, tư vấn đã cập nhật, phân tích mở rộng ra các vùng lân cận tỉnh Quảng Ninh như Hải Phòng, Hải Dương, Bắc Giang, Lạng Sơn và khu vực biên giới Trung Quốc giáp với Quảng Ninh.

Quy hoạch vùng Quảng Ninh được chia làm 3 giai đoạn: Tầm nhìn chiến lược đến năm 2050, quy hoạch dài hạn đến năm 2030 và quy hoạch ngắn hạn đến năm 2020.

Mục tiêu đến năm 2030 là xây dựng Quảng Ninh trở thành một tỉnh dịch vụ, công nghiệp hiện đại, trung tâm du lịch quốc tế, là một trong những đầu tàu kinh tế của miền Bắc và cả nước với hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, hạ tầng kỹ thuật đô thị đồng bộ, hiện đại.

Đồng thời, giữ gìn và phát huy tối đa bản sắc dân tộc, bảo tồn và phát huy bền vững Di sản – Kỳ quan thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long; trở thành khu vực phòng thủ vững chắc về quốc phòng, an ninh và phòng tuyến hợp tác, cạnh tranh kinh tế quốc tế…

“Đến năm 2050, Quảng Ninh sẽ trở thành vùng đô thị lớn mang tầm vóc quốc tế; là vùng động lực phát triển kinh tế quốc gia với định hướng phát triển du lịch – công nghiệp theo hướng hiện đại, bền vững; là vùng di sản văn hóa, lịch sử quốc tế, kỳ quan thiên nhiên thế giới”.

Theo đó, tốc độ tăng trưởng GDP bình quân giai đoạn đến 2020 đạt khoảng 12-13%/năm và giai đoạn 2020-2030 đạt khoảng 6-7%/năm với cơ cấu GDP theo hướng dịch vụ - công nghiệp, trong đó dịch vụ chiếm 51-52%, công nghiệp và xây dựng chiếm 45-46%.

Mục tiêu GDP bình quân đầu người của Quảng Ninh đến năm 2020 đạt 8.000 – 8.500 USD và đến năm 2030 đạt khoảng 20.000 USD.


Dự án đảo Tuần Châu Hạ Long do các kiến trúc sư Hoa kỳ, Úc, Nhật bản tư vấn

Cần khai thác hiệu quả hơn nữa các nguồn lực và tiềm năng của tỉnh

Theo đánh giá của các chuyên gia, đồ án đã được nghiên cứu công phu, nghiêm túc, đạt yêu cầu cơ bản về chất lượng. Các số liệu của đồ án được cập nhật đầy đủ và bám sát theo đúng nhiệm vụ quy hoạch vùng; đưa ra được những định hướng lớn để phát triển vùng Quảng Ninh.

Đồ án cũng đã có cách làm mới về quy hoạch vùng theo phương pháp tiếp cận tổng hợp, nên có thể giải quyết vấn đề liên vùng và sự phát triển chênh lệch giữa các khu vực.

Theo các chuyên gia, Quảng Ninh là một tỉnh có sự hội tụ tiềm năng tự nhiên, địa kinh tế, chính trị đặc biệt hiếm có, không chỉ của Việt Nam mà còn trên thế giới. Tuy nhiên, sự nhận dạng tình trạng phát triển thế nào trên tiềm năng đó còn chưa có sự đánh giá cụ thể.

PGS.TS Đỗ Tú Lan cho rằng, động lực và tiềm năng lớn ấy muốn đột phá phải vô cùng thận trọng mới phát huy được giá trị mà không vô tình phá vỡ nó. Mặt khác, đồ án còn thiếu tính đột phá về điểm nhấn trong vùng, tránh sự cạnh tranh thiếu tích cực giữa các vùng và tìm ra những điểm liên kết để cùng phát triển, ví như đô thị Nha Trang và Đà Lạt đã đưa ra được trục biển và hoa.

Các chuyên gia cũng lưu ý, đồ án cần có những giải pháp cụ thể để chuyển dịch kinh tế Quảng Ninh từ “nâu sang xanh” nhằm tăng trưởng kinh tế nhanh nhưng bền vững, vì hiện tại trong vấn đề này đồ án mới chỉ đưa ra mang tính khẩu hiệu nhiều hơn.

Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Đỗ Thông, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Ninh cảm ơn sự quan tâm, hỗ trợ rất lớn của Bộ Xây dựng và ý kiến đóng góp của các đại biểu đối với tỉnh Quảng Ninh trong công tác quy hoạch, xây dựng, phát triển đô thị. Đồng chí đã làm rõ hơn một số nội dung mà các đại biểu, chuyên gia quan tâm đến bản quy hoạch như: Quảng Ninh sẽ không phát triển đô thị theo chuỗi đường 18 mà sẽ phát triển đô thị theo hệ thống xương cá để khai thác, phát huy hết các tiềm năng, thế mạnh của tỉnh. Đồ án cũng quy hoạch rõ khu vực tuyệt đối không lấn biển như Hạ Long, khu vực có lấn biển nhưng giới hạn như Vân Đồn, khu vực lấn biển tối đa như Tiên Yên. Đồng thời, để thực hiện lộ trình phát triển theo hướng từ “nâu” sang “xanh”, trong thời gian tới, tỉnh sẽ hoàn nguyên môi trường các mỏ than và tạm dừng hoạt động một số nhà máy xi măng…

Kết luận tại buổi thẩm định, Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng đánh giá cao chất lượng của đồ án. Theo Bộ trưởng, đồ án đã được nghiên cứu công phu, có phương pháp tiếp cận khoa học và có nhiều nội dung phong phú, có cách làm mới, đưa ra được những vấn đề rất cụ thể. Đồ án cũng đã gắn với quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội và các quy hoạch khác như quy hoạch ngành…

Đồ án cũng đã đề xuất được khung kết cấu chiến lược, phát triển không gian, bám sát định hướng phát triển “một tâm, hai tuyến, đa chiều, hai mũi nhọn đột phá”; “kết nối vùng ở cấp quốc gia và kết nối khu vực ở cấp quốc tế”…

Đặc biệt, đồ án đã đề xuất được hạ tầng liên khu vực để tạo ra một đô thị chung, đây chính là tiền đề của một thành phố trực thuộc trung ương trong tương lai.

Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng nhận định, ý tưởng phát triển “từ nâu sang xanh” là một ý tưởng tốt và là xu hướng toàn cầu. Quảng Ninh cần phải đi trước và đưa ra được những giải pháp cụ thể hơn, có lộ trình để thực hiện.

Bộ trưởng đề nghị, tỉnh Quảng Ninh cần tiếp tục phối hợp với Vụ Kiến trúc Quy hoạch để hoàn thiện những vấn đề về kỹ thuật; đánh giá rõ thêm dự báo về tình hình thế giới và khu vực trong tương lai mà có tác động đến phát triển của TP Quảng Ninh, từ đó đưa ra những giải pháp về kinh tế, quốc phòng, an ninh. Ví như như Trung Quốc là một thị trường lớn để cung cấp đầu tư và tiêu thụ đầu ra, đặc biệt là các sản phẩm du lịch…

Về cấu trúc không gian, đồ án cần làm rõ hơn quan điểm phát triển, hài hòa, vừa phát triển vừa giữ được cảnh quan thiên nhiên ban tặng… Mặt khác, đô thị Quảng Ninh là thành phố trong tương lai nên cần phải có sự kết nối các tiêu chuẩn của một đô thị loại I đối với các đô thị loại II, III, IV, mang yếu tố vùng.

Quảng Ninh cũng cần làm rõ hơn vấn đề khai thác rừng, biển. Như để phát triển không gian biển hợp lý, cần xác định rõ những khu vực tuyệt đối không được lấn biển, khu vực được lấn biển nhưng có giới hạn và vùng tích cực lấn biển… Ngoài ra, tỉnh phải có những giải pháp đối với phát triển dân cư nông thôn về lâu dài.

Theo Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng, phát triển đô thị theo quy hoạch nhưng phải có kế hoạch, phải cân đối được nguồn lực từ ngân sách, nguồn lực xã hội, nguồn lực nước ngoài… Vì vậy, đồ án cần nghiên cứu thêm mục tiêu ưu tiên để cân đối nguồn lực, đảm bảo tính khả thi trong quá trình triển khai quy hoạch vùng.

Phạm Bùi – Linh Anh (Báo Xây dựng)


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận

3000 ký tự


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo

Loading...