Ashui.com

Sunday
Nov 03rd
Home Tương tác Góc nhìn Xã hội hóa đầu tư hạ tầng

Xã hội hóa đầu tư hạ tầng

Viết email In

Khoảng 10 năm nay, TPHCM đã tiến hành xã hội hóa thu hút nguồn vốn đầu tư xã hội vào rất nhiều công trình hạ tầng kỹ thuật, từ giao thông cho tới cấp, thoát nước, xử lý rác… Những thành quả đạt được từ chủ trương này là không thể phủ nhận và rất cần nhìn lại để rút ra những bài học trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế hiện nay.  

San sẻ gánh nặng... 

Cách nay khoảng 5 năm, trong lễ khánh thành Khu xử lý rác Đa Phước, Trưởng phòng Quản lý chất thải rắn thuộc Sở TN-MT TPHCM, Tiến sĩ Nguyễn Trung Việt tự hào khẳng định, TPHCM đã không còn nỗi lo về rác, ít nhất trong vài năm nữa. Phải thấy được cảnh khổ của TPHCM trước đó khi không đủ nơi xử lý rác hợp vệ sinh, các bãi rác liên tục rơi vào tình trạng quá tải, lúc thì bị trượt đất, lún, sụt, nước rỉ rác thấm xuống đất… thì mới hiểu được nỗi mừng của những người làm công tác vệ sinh trong thời khắc ấy. 

  • Ảnh bên: Nạo vét làm sạch môi trường kênh Bến Nghé (Ảnh: Phạm Kim Ngân) 

Trung bình mỗi ngày TPHCM thải ra hơn 6.000 tấn rác thải sinh hoạt, một nửa trong số này được xử lý ở Khu xử lý rác Đa Phước - một công trình được hình thành từ chủ trương xã hội hóa của TPHCM. Chủ đầu tư khu xử lý này là ông David Dương, một Việt kiều, đồng thời là một trong những doanh nhân Việt kiều hàng đầu ở Mỹ. Được TPHCM tạo điều kiện, ông David Dương đã đầu tư hàng triệu USD xây dựng Khu xử lý rác Đa Phước. Sự ra đời của Khu xử lý rác Đa Phước có một vai trò rất lớn trong sự ổn định về nơi xử lý rác sinh hoạt hợp vệ sinh của TPHCM.

Phân nửa số rác sinh hoạt còn lại của thành phố hiện được xử lý ở Khu xử lý rác Phước Hiệp. Trong khu xử lý rác này, ngoài Công ty Môi trường đô thị của TPHCM còn có nhiều doanh nghiệp khác như công ty VietStar, Tâm Sinh Nghĩa… Tất cả đều là những doanh nghiệp hưởng ứng lời kêu gọi xã hội hóa của thành phố. Báo cáo mới nhất của Sở TN-MT TPHCM cho thấy, đến thời điểm hiện nay, TPHCM vẫn có thể yên tâm về công tác xử lý rác thải sinh hoạt với 100% chất thải rắn sinh hoạt được thu gom và xử lý hợp vệ sinh.

Chưa phải 100% người dân TPHCM đã đủ nước sạch dùng trong sinh hoạt nhưng thời gian qua thành phố đã có những nỗ lực rất lớn trong công tác cung cấp nước sạch cho nhân dân. Một trong những thành tựu đáng ghi nhận là công tác thu hút đầu tư xây dựng nguồn nước cấp cho thành phố.

Khởi đầu là Nhà máy nước BOT Bình An với sự đầu tư của các nhà đầu tư nước ngoài, trung bình mỗi ngày cung cấp cho thành phố 100.000m³ và cho tới hiện nay là Nhà máy nước BOO Thủ Đức với chủ đầu tư là một nhóm doanh nghiệp Việt Nam, cung cấp cho thành phố 300.000m3/ngày, TPHCM đã có một lượng nước sạch khoảng 1,5 triệu m³/ngày cung cấp cho gần 90% người dân. Đó là chưa kể một số nhà đầu tư nhỏ khác với các nhà máy nước công suất khoảng 1.000m³ nước/ngày… 

Những năm 2003 - 2005, nhiều vùng ở quận 8, Tân Bình, Tân Phú, Nhà Bè… chưa có nguồn nước ngọt cung cấp cho dân. TPHCM đã có chủ trương kêu gọi đầu tư xây dựng các nhà máy sản xuất nước ở ngay tại khu vực thiếu nước để cung cấp cho dân. Gần 10 nhà đầu tư đã hưởng ứng lời kêu gọi này. Các doanh nghiệp hình thành từ chủ trương xã hội hóa đã sản xuất và đóng góp hơn 20% nguồn nước sạch cho thành phố.

Công trình - một phía của thành tựu 

Một trong những công trình giao thông lớn hình thành từ chủ trương xã hội hóa của TPHCM là cầu Phú Mỹ. Cầu Phú Mỹ là một trong những công trình giao thông đáng tự hào về chất lượng, kiểu dáng và quy mô của TPHCM. Cây cầu này được Công ty cổ phần BOT cầu Phú Mỹ xây dựng nhằm kết nối hai bờ quận 2 và quận 7 bên sông Sài Gòn. Tổng nguồn vốn đầu tư của công trình hơn 3.000 tỷ đồng. Đây là số tiền khổng lồ trong bối cảnh nguồn ngân sách dành cho giao thông của TPHCM còn hạn hẹp. 

  • Ảnh bên: Công trình cầu Phú Mỹ được đầu tư bằng hình thức BOT (Ảnh: Cao Thăng) 

Tuy nhiên, Công ty cổ phần BOT cầu Phú Mỹ chưa phải là “quán quân” về đầu tư công trình giao thông cho thành phố. Một trong những doanh nghiệp đi đầu trong lĩnh vực này là Công ty cổ phần Đầu tư hạ tầng kỹ thuật TPHCM (CII). Gần như toàn bộ các công trình giao thông lớn ở của ngõ phía Đông của TPHCM là do đơn vị này xây dựng. Đó là cầu Rạch Chiếc với tổng vốn đầu tư gần 300 tỷ đồng, dự án mở rộng xa lộ Hà Nội trị giá hơn 2.280 tỷ đồng, trong đó chi phí xây dựng hơn 1.700 tỷ đồng…

Trước CII, TPHCM cũng đã cải tạo và mở rộng cửa ngõ phía Tây, quốc lộ 1A đoạn An Sương - An Lạc bằng nguồn vốn xã hội hóa. Trung bình mỗi năm nguồn vốn ngân sách của thành phố dành cho giao thông chỉ đáp ứng được khoảng 15% nhu cầu xây dựng các công trình giao thông, song công trình giao thông vẫn mọc lên ngày một nhiều trên thành phố. Cùng với nguồn vốn ODA, nguồn vốn xã hội hóa đang chiếm một tỷ trọng khá lớn trong xây dựng công trình giao thông ở thành phố. 

Ngay trong năm 2013, theo ông Bùi Xuân Cường, Phó Giám đốc Sở GTVT TPHCM, tổng nhu cầu vốn của ngành giao thông thành phố hơn 11.700 tỷ đồng, nhưng dự kiến vốn kế hoạch dành cho các công trình đầu tư theo hình thức BT, BOT… gần 4.450 tỷ đồng. Gần như toàn bộ các dự án đầu tư xây dựng các bãi đậu xe ngầm ở thành phố (đang triển khai) là do các doanh nghiệp tham gia xã hội hóa thực hiện. 

Tuy nhiên, sự hình thành của các công trình giao thông, công trình xử lý rác, công trình cung cấp nước sạch… do các doanh nghiệp tham gia xã hội hóa thực hiện mới chỉ là một mặt của thành tựu. Còn một kết quả có giá trị không kém giá trị của các công trình, thậm chí trong nhiều trường hợp còn có giá trị hơn giá trị của các công trình… đó là kinh nghiệm, kỹ năng, trình độ của các doanh nghiệp xã hội hóa mà các doanh nghiệp nhà nước có thể tham khảo, học tập. Khi chưa có sự tham gia của các doanh nghiệp xã hội hóa trong lĩnh vực môi trường, hầu hết các bãi xử lý rác ở TPHCM đều dơ bẩn, bừa bộn, thậm chí có thể nói đó là nguồn gây ô nhiễm lớn cho thành phố. Thế nhưng hiện nay chúng đã lột xác hoàn toàn. Rác được vận chuyển và chôn lấp sạch sẽ. Những khu đất trống đều đã được trồng hoa, trồng cỏ… Mùi hôi từ rác tỏa ra giảm hẳn. 

Việc thi công các công trình giao thông cũng tương tự. Từ chỗ chỉ che chắn sơ sài khu vực thi công, nay các nhà thầu đã sắp đặt tương đối ngăn nắp và chặt chẽ. Nhiều kinh nghiệm quản lý thi công công trình của các nhà thầu, nhất là nhà thầu nước ngoài đã được các nhà thầu Việt Nam học hỏi.  

Nguyễn Khoa (SGGP) 


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo