Tôi bàng hoàng vì mức độ đào bới và bêtông hóa của dự án kè suối Khe Thẻ ngay trong khu vực bảo vệ nghiêm ngặt của di sản Mỹ Sơn (huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam).
Nhiều du khách tây - ta đều phải chậm bước ngay trước quần thể đền tháp hàng ngàn năm tuổi, ngơ ngác trước “chướng ngại vật” mới được dựng lên. Đáng nói, chính UBND huyện Duy Xuyên và Ban Quản lý di tích Mỹ Sơn lại là những đơn vị thực hiện việc bêtông hóa di tích này.
Công trình phản cảm
Vừa vượt qua khu nhà biểu diễn nghệ thuật cổ truyền, nhà dịch vụ và bảo vệ của di tích Mỹ Sơn, tôi giật mình bởi “tiền án” của các đền tháp cổ xưa - khu vực I của di tích này là... một công trường. Một màu đất đỏ cày xới như chiến trường, dòng suối Khe Thẻ đầy bêtông, gạch vữa, lòng suối trơ khấc. Ngay bên cây cầu cũ nhỏ nhoi bắc qua suối Khe Thẻ là 2 mố cầu bêtông lừng lững dựng lên.
- Ảnh bên: Cây cầu bêtông lớn bắc qua suối Khe Thẻ ngay đầu con đường bêtông vào khu đền tháp.
Suối Khe Thẻ đoạn này như một vòng cung bọc lấy các nhóm tháp B, C, D, giờ dựng lên những đoạn kè chắn bêtông cả 2 bên bờ, như gọng kìm chia cắt và kẹp chặt những thảm cỏ xanh tự nhiên trên mặt đất trước khu đền tháp. Bờ kè cao khoảng 1,2m, tạo nên dòng suối bêtông rộng khoảng 5-7m. Gần 120 mét kè dọc suối đã hình thành nên hình dáng đoạn suối bêtông ngoằn ngoèo như quái vật bò ngang trước mặt các đền tháp Chămpa cổ kính. Dự án đang dang dở, nên đất cát bị móc lên đỏ ối. Dòng suối cổ với nhiều địa tầng văn hóa bên dưới chắc chắn bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Từng đoàn du khách lững thững đi vào tháp, đến nơi đây đều dừng lại ngó nghiêng. Một cặp đôi du khách ngoại quốc dừng hẳn lại trước công trường bêtông cốt thép, rồi chăm chú nghiên cứu tấm bản đồ Mỹ Sơn dựng ngay bên cầu Khe Thẻ, vẻ như muốn tìm kiếm những ghi chú về nơi họ đang nhìn thấy.
Khách nam tên Henrique Docores và nữ - chị Sosana Lobo - cùng quốc tịch Bồ Đào Nha, đều lắc đầu khoát tay một vòng về dòng suối bêtông: “Nó rất phản cảm giữa một không gian cổ xưa như vậy. Nếu có tu sửa gì thì cũng phải dùng chất liệu và phương pháp phù hợp với cảnh quan, đặc biệt không nên dùng bêtông hay các thứ hiện đại quá, sẽ phá vỡ cảnh đẹp ở thung lung này. Điều quan trọng nhất là phải bảo vệ nguyên trạng của di tích, rồi đến cảnh quan cũng phải cố gắng giữ nguyên trạng càng tốt. Ở nước chúng tôi cũng như nhiều di tích chúng tôi từng tham quan trên thế giới, đều không thấy cảnh này”.
- Ảnh bên: Kè bêtông suối Khe Thẻ đang được công nhân móc đất lòng suối lấp lên rồi trồng cỏ che lấp
Cảnh này cũng đã bị du khách phản ánh lên cơ quan chức năng tỉnh, và ngày 1/4 vừa qua, UBND tỉnh tổ chức họp, ông Trần Minh Cả - Phó Chủ tịch UBND tỉnh - yêu cầu dừng tất cả công việc thi công kè tại Mỹ Sơn, phục hồi cảnh quan, và lập thủ tục từ đầu để trình các cơ quan thẩm quyền xem xét quyết định.
“Tiền ngân sách bỏ ra, nếu tháo dỡ thì ngân sách chịu”
Ông Trần Công Hường -Trưởng Ban QL di tích Mỹ Sơn - cho các thông tin cơ bản về dự án “kè chống sạt lở suối Khe Thẻ, bảo vệ các nhóm tháp B, C, D”: UBND huyện quyết định đầu tư, phê duyệt dự án tháng 1.2013; Ban QL làm chủ đầu tư; Cty Phong Cách Việt (Đà Nẵng) tư vấn thiết kế, lập dự án; Cty Tân Chiêm Sơn (Duy Xuyên) thi công từ 21.2. Đoạn kè dài 120m, tổng vốn đầu tư 1,7 tỉ đồng từ nguồn thu vé tham quan du lịch Mỹ Sơn.
Tôi hỏi ông Hường, các đơn vị tư vấn thiết kế và thi công có chức năng làm về lĩnh vực di tích, di sản không? Ông Hường đáp, họ chỉ có chuyên môn về thủy lợi, kè sông suối... Vậy làm sao các đơn vị này có thể “thò tay” vào khu vực bảo vệ nghiêm ngặt của một di tích đặc biệt, thậm chí thi công công trình liên quan đến dòng suối cổ có những di chỉ văn hóa? Ông Hường trả lời: “Chúng tôi cho cán bộ theo sát công nhân, nếu gặp hiện vật gì thì phải lập tức dừng ngay, nhưng không gặp hiện vật nào, một mảnh gạch cũng không có. Quả thực chúng tôi rất chủ quan, vì nghĩ dự án không động chạm đến di tích đền tháp, nên không xin ý kiến các cơ quan thẩm quyền, đã vội thực hiện”.
Cả ông Hường và ông Lê Trung Hoa - Phó Chủ tịch UBND huyện Duy Xuyên - đều có chung một câu trả lời về việc xử lý hậu quả: “Nay UBND tỉnh yêu cầu ngừng, phải lập lại thủ tục từ đầu, thì chúng tôi nghiêm túc thực hiện. Hiện đơn vị thi công đang cho công nhân bới đất lấp lại các đoạn kè đã xây, và trồng cỏ gừng lên trên để che lấp. Mọi việc phải chờ dự án mới, hiện chúng tôi đang mời các đơn vị có chuyên môn của Bộ VHTTDL. Nếu sau này dự án mới không tiếp tục dự án cũ, phải tháo dỡ những gì đã thi công, thì chúng tôi tháo dỡ”. Tôi thắc mắc: “Chưa nói đến những ảnh hưởng khác của dự án, riêng số tiền đã bỏ ra thì xử lý thế nào, ai đứng ra đền?” Và câu trả lời là: “Đây là tiền ngân sách nhà nước, nếu tháo dỡ thì ngân sách nhà nước chịu”(!?).
- Ảnh bên: Du khách phải ngang qua công trình bêtông hóa ngay trước các đền tháp.
Lỗ hổng trong quản lý, khai thác di sản
Trước đó, ông Hường thanh minh về dự án bêtông hóa di tích Mỹ Sơn: “Việc thực hiện dự án này thật sự bức thiết. Bởi dòng suối Khe Thẻ bị đổi dòng, chia làm 2, nhánh mới chia cắt các nhóm tháp B, C, D, những năm gần đây ngày càng gây sạt lở nghiêm trọng, uy hiếp vào di tích. Đặc biệt là tháp B3 cách suối chưa đầy 1m, đã bị ảnh hưởng, hiện tháp nghiêng một góc hơn 15 độ, rồi đến tháp B5 cũng bắt đầu nghiêng. Ngay cầu cũ qua suối Khe Thẻ vào các nhóm tháp trên, cách đây mấy năm đã mở rộng ra, cầu cũ đã nhỏ, lại còn bị nghiêng, đến mùa lũ lụt thì cả cán bộ lẫn du khách vào tháp xong quay ra đã bị nước suối dâng ngập cầu, phải mắc kẹt trong tháp”.
Sở VHTTDL Quảng Nam bị “qua mặt”. Dự án bêtông hóa suối Khe Thẻ thực tế đã “qua mặt” cả Sở VHTTDL Quảng Nam. Ông Hồ Xuân Tịnh - Phó GĐ sở này - cho biết, đến khi có thông tin phản ánh, sở mới biết vụ việc. Việc thực hiện dự án trên ở di tích đặc biệt quốc gia, di sản thế giới Mỹ Sơn là trái với quy định của Luật Di sản và các quy định của UBND tỉnh về bảo vệ di sản. Đúng ra là phải báo cáo với UBND tỉnh, xin ý kiến thỏa thuận của Bộ VHTTDL và UNESCO Việt Nam. Tuy nhiên, UBND huyện Duy Xuyên và Ban quản lý di tích Mỹ Sơn đã không thực hiện. Ông Tịnh cũng thừa nhận, cùng với trách nhiệm của chính quyền địa phương trực tiếp quản lý di tích, còn có phần trách nhiệm của Sở VHTTDL. |
Ông Hường cũng cho rằng, dù quy hoạch tổng thể Mỹ Sơn do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2009 có yêu cầu phải sử dụng biện pháp “mềm” để chống xói lở suối Khe Thẻ, nhưng nếu sử dụng các loại cây, cỏ bản địa có gốc rễ sâu, bền nhất như cây gai mắt mèo, thì nhất định cũng sẽ bị nước lũ cuốn trôi, không thể bảo vệ di tích. “Chúng tôi đã nhiều lần kiến nghị, nên thực hiện lại việc xây đập như trước đây Viện Viễn đông Bác cổ thời Pháp thuộc đã xây một đập bổi phía thượng lưu dòng suối, nhưng không được ghi nhận, không đưa vào quy hoạch tổng thể. Trong quy hoạch tổng thể chỉ có phần xử lý hệ thống thoát nước trong di tích, nhưng cũng chưa thực hiện. Chúng tôi thấy bức xúc, nên mới làm dự án...”.
Và Mỹ Sơn bây giờ không chỉ mỗi suối Khe Thẻ bị bêtông hóa... Còn nhớ cách đây mấy năm, khi UBND huyện Duy Xuyên và TT Bảo tồn di sản - di tích tỉnh Quảng Nam thực hiện dự án bêtông hóa cây cầu và lát đá con đường dẫn vào di sản - nơi in dấu chân bao thế hệ người Chăm lẫn người Việt hành hương về chiêm bái thánh địa - cũng đã nổ ra rất nhiều tranh cãi của các nhà quản lý, bảo tồn và khai thác du lịch. Nay lại là việc kè suối Khe Thẻ. Mối mâu thuẫn “cũ như trái đất” giữa bảo tồn và khai thác du lịch đối với di tích, nhất là một di tích quốc gia đặc biệt, di sản văn hóa thế giới như Mỹ Sơn, một lần nữa lại đòi hỏi phải tìm ra đáp án, trước hết từ chính những người làm công tác quản lý di sản.
Điều 32 Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Di sản Văn hóa năm 2009 có quy định: “Các khu vực bảo vệ phải được bảo vệ nguyên trạng về mặt bằng và không gian. Việc xây dựng các công trình trong khu vực bảo vệ di tích phải được sự đồng ý của người có thẩm quyền xếp hạng di tích đó”. Đối với Mỹ Sơn, người có thẩm quyền xếp hạng di tích đó là Bộ VHTTDL.
Trương Tâm Thư
- Làng xã - cộng đồng và cá nhân
- Chùa Cò nay về đâu...
- Hoang vắng ở đô thị kỳ vọng đẹp nhất Đông Nam Á
- Lợi ích đất nước và “cuộc cờ” bất động sản
- Đường Đồng Khởi (TPHCM): Nét xưa còn mấy
- Phát triển xe buýt ở TPHCM: Ưu tiên xe buýt sạch
- Xã hội hóa đầu tư hạ tầng: Hài hòa lợi ích
- Từ “sự kiện Alan Phan”: Khi cá nhân đối mặt nhóm lợi ích
- Phát triển xe buýt ở TPHCM: Xe buýt già nua
- Tìm giải pháp phát triển bền vững du lịch Thành nhà Hồ