Những diễn biến gần đây cho thấy ngành công chính TPHCM đang dần chú trọng hơn đến phát triển giao thông khác mức hầu giải quyết bài toán nhức đầu kinh niên: ách tắc lưu thông.
Cầu vượt lên ngôi
Chỉ từ cuối tháng 1/2013 đến nay, 2 cây cầu vượt bằng thép đã được hoàn tất thi công, khánh thành đưa vào khai thác, cả hai đều nằm ở những vị trí thuộc loại “điểm nóng” giao thông, tức là đã và đang quá tải trầm trọng. Đó là cầu vượt Thủ Đức và cầu vượt Hàng Xanh.
Được khởi công cuối tháng 7/2012, cầu vượt Thủ Đức nằm lệch về bên phải theo hướng Sài Gòn - Biên Hòa, mép cầu bên trái nằm sát tim xa lộ Hà Nội. Cầu có kết cấu bằng thép, bê tông cốt thép và bê tông cốt thép dự ứng lực được thiết kế với tuổi thọ 100 năm. Cầu dài 570m, rộng 16m trong đó phần cầu dài 278m gồm 7 nhịp liên tục. Cầu có quy mô 4 làn xe, mỗi chiều 2 làn xe và vận tốc thiết kế 60 km/giờ và chỉ dành cho ô tô.
- Cầu vượt Hàng Xanh (Ảnh: Phạm Kim Ngân)
Trong khi đó cầu vượt tại ngã tư Hàng Xanh trùng với tim đường Điện Biên Phủ hiện hữu. Cầu vượt Hàng Xanh dài 390m, rộng 16m, trong đó phần cầu dài 222m gồm 8 nhịp, mỗi nhịp dài 27m. Cầu có quy mô 4 làn xe, mỗi chiều 2 làn có khả năng lưu thông với vận tốc 40 km/giờ. Cả hai cầu được thông xe cùng ngày 27/1/2013, tức là ngay trước Tết Nguyên đán Quý Tỵ và cả hai đều hoàn thành sớm hơn kế hoạch đề ra, trong đó cầu vượt Thủ Đức vượt tiến độ 1 tháng, còn cầu vượt Hàng Xanh xong sớm hơn lộ trình 2 tháng.
Nếu không có gì thay đổi vào giờ chót, cầu vượt bằng thép thứ 3 trên địa bàn thành phố sẽ được hoàn tất thi công, thông xe vào dịp 30/4 tới đây. Đó là cầu vượt bằng thép ở giao lộ Lăng Cha Cả, quận Tân Bình. Mới đây vào đầu tháng 4, cầu vượt này đã được hợp long nhịp cuối chỉ sau hơn 2 tháng thi công, vượt tiến độ đề ra 45 ngày. Cầu vượt Lăng Cha Cả dài 244m, rộng 6,5m dành cho một làn xe máy và một làn ô tô tải trọng dưới 10 tấn lưu thông theo hướng từ Cộng Hòa về Hoàng Văn Thụ. Phần việc còn lại của cầu vượt này trước khi đưa vào khai thác là đổ bê tông mặt cầu, làm đường hai đầu cầu, trồng cây xanh.
Xu thế tất yếu
Có một thực tế cho đến nay, giao thông đi lại tại TPHCM, siêu đô thị lớn nhất nước vẫn chủ yếu và đơn thuần là giao thông đồng mức. Tất cả các loại phương tiện giao thông lớn bé, công cộng lẫn cá nhân, nội lẫn ngoại tỉnh đều chen chúc trên cùng một mặt phẳng. Trong bối cảnh số lượng và mật độ phương tiện giao thông càng lúc càng tăng theo đà phát triển, còn diện tích đất dành cho giao thông thì không thể hoặc không dễ tăng thêm, người dân lẫn cơ quan chức năng không mệt mỏi, đau đầu vì ùn ứ tắc nghẽn giao thông mới là chuyện lạ.
Có nhiều cách để giải quyết bài toán giao thông đô thị, từ giải pháp ngắn hạn đến giải pháp cho tương lai, nhưng phát triển giao thông khác mức là một “lối thoát” khả thi, đặc biệt đang khi chờ các phương tiện giao thông công cộng số lượng lớn và hiện đại xuất hiện, như metro, monorail… Cầu vượt bằng thép kiểu như ở ngã tư Hàng Xanh, Thủ Đức và sắp tới là ở vòng xoay Lăng Cha Cả là một ví dụ điển hình cho giao thông khác mức. Tại hai điểm nóng Thủ Đức và Hàng Xanh, từ khi có cầu vượt bằng thép, giao thông đi lại đã được cải thiện rõ. Vì lẽ đó, ngành giao thông vận tải đã giao nhiệm vụ cho các khu quản lý giao thông đô thị, rà soát, nghiên cứu, lên kế hoạch tiếp tục triển khai hàng loạt cầu vượt bằng thép nữa trong thời gian tới, trong đó những điểm nóng ùn tắc hoặc có lưu lượng giao thông đã bị “ngộp” sẽ thuộc diện ưu tiên.
Có thể nhắc đến ngã sáu Gò Vấp, nơi hội tụ toàn bộ các tuyến đường trục quan trọng của quận như Nguyễn Kiệm, Nguyễn Oanh, Quang Trung, Nguyễn Văn Nghi. Khu Quản lý giao thông đô thị số 3 đang chuẩn bị mở rộng và phân luồng giao thông lại cho nút giao ngã sáu Gò Vấp, trong đó giải pháp đầu tư giao thông khác mức gồm hai giai đoạn cho điểm nóng này đã được vạch ra.
Trong giai đoạn đầu, biện pháp chính là làm cầu vượt bằng thép kết hợp phân luồng tổ chức lại giao thông các nhánh rẽ. Theo phác thảo, cầu vượt theo hướng đường Nguyễn Kiệm - Nguyễn Oanh là cầu dầm thép liên hợp, mặt cầu bằng bê tông cốt thép với bề rộng mặt cầu 9m và chiều dài mỗi nhánh gần 220m. Sang giai đoạn hai, hướng đầu tư là xây dựng hầm chui rộng 21m, đáp ứng 4 làn xe lưu thông theo hướng Nguyễn Oanh - Nguyễn Kiệm trong khi trên mặt bằng tổ chức giao thông bằng đảo xuyến tự điều chỉnh kết hợp với đảo phân làn cho các làn xe rẽ phải. Bấy giờ, đường Nguyễn Kiệm sẽ trở lại giao thông 2 chiều.
Sở Giao thông Vận tải TPHCM cũng đang tập trung thực hiện các bước để khởi công xây dựng cầu vượt bằng thép tại các vị trí như nút giao Cộng Hòa - Hoàng Hoa Thám, Nguyễn Tri Phương - 3 Tháng 2 - Lý Thái Tổ, vòng xoay Cây Gõ…
Thiện Nhân
- Khi chính quyền và doanh nghiệp chung một cuộc chơi
- Góc nhìn thú vị về sự khác biệt giữa Hà Nội và Sài Gòn
- Chính quyền đô thị: nói thế nào cho dễ hiểu?
- Làng xã - cá nhân trong các giai tầng
- Mặt tiền
- Làng xã - cộng đồng và cá nhân
- Chùa Cò nay về đâu...
- Hoang vắng ở đô thị kỳ vọng đẹp nhất Đông Nam Á
- Lợi ích đất nước và “cuộc cờ” bất động sản
- Đường Đồng Khởi (TPHCM): Nét xưa còn mấy