Ashui.com

Tuesday
Apr 23rd
Home Tương tác Góc nhìn Đường Đồng Khởi (TPHCM): Nét xưa còn mấy

Đường Đồng Khởi (TPHCM): Nét xưa còn mấy

Viết email In

Đường Đồng Khởi, với tuổi đời hơn một thế kỷ, là nhân chứng của những thăng trầm lịch sử đất Sài Gòn. Giờ đây, con đường biến đổi từng ngày. 

Ngày nay con đường dài hơn nửa cây số này chỉ còn lưu giữ được vài nét cổ xưa bởi các công trình tạo nên nét đẹp cho nó đã mất dần khi các cao ốc được xây dựng. 

Đường Đồng Khởi chủ yếu là nơi kinh doanh. Nhà cửa ở đây rất ít được mua bán, phần vì quá đắt, phần vì chủ không muốn bán. Từng có chủ nhà đòi đến 3,35 tỉ đồng/m2, đắt hơn những nơi bình thường trong thành phố đến...70 lần.  

Giá nhà cửa trên con đường này đắt cũng không có gì lạ. Đường Đồng Khởi xưa mang tên Tây - Catinat, rồi đổi thành Tự Do, sau năm 1975 thì mang tên như hiện giờ. Đây luôn là con đường sang trọng bậc nhất của Sài Gòn. 

Nguyễn Liên Phong trong cuốn Nam kỳ Phong tục Nhơn vật Diễn ca (xuất bản năm 1906) đã viết về con đường này như sau: 

Nhứt là đường Ca-ti-na,
Hai bên lầu các, phố nhà phân minh
Bực thềm lót đá sạch tinh
Các cửa hàng bán lịch thanh tốt đều
... Phong lưu cách điệu ai bằng
Đường đi trơn láng, đèn giăng sáng lòa...

Năm 1877, Nhà thờ Đức Bà được xây dựng. Đến năm 1886, người Pháp cũng xây trụ sở Bưu chính và Viễn thông trên khu đất bên hông nhà thờ.

Đường Đồng Khởi còn có nhiều khách sạn, nhà hàng, quán cà phê nổi tiếng. Tại tầng trệt của Vincom Center A, quán cà phê Givral đã được mở cửa trở lại. Xưa kia, quán là nơi ghé chân của các dân biểu chế độ cũ và nhà báo trong và ngoài nước. Trước năm 1975 nhà tình báo lỗi lạc Phạm Xuân Ẩn đã lui tới đây hằng ngày. 

Đối diện Givral là khách sạn Continental, xéo xuống dưới một chút về hướng bờ sông có khách sạn Caravelle, cũng là nơi tập trung báo giới Mỹ trước đây. Giữa Continental và Caravelle là Nhà hát Lớn, được khánh thành năm 1900. Đến năm 1955, nơi đây trở thành trụ sở Hạ viện của chính quyền cũ. Nhiều cuộc biểu tình đã diễn ra trước tòa nhà này. Trước đây trong công viên nhỏ đối diện Nhà hát, có tượng lính thủy quân lục chiến... chĩa súng vô Hạ viện. Vào một ngày trong tháng 7 năm 1970, hai người Pháp Andre Marcel Menras và Jean Pierre Debris đã leo lên tượng để treo cờ của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam và rải truyền đơn đòi Mỹ và quân đồng minh rút quân khỏi Việt Nam. 

Ông Debris là thầy dạy toán của tôi ở Đà Nẵng. Ông đi một chiếc xe Yamaha kiểu đàn ông màu đỏ, trắng đến trường và chỉ mặc độc có hai bộ đồ. Khi được hỏi sao lại ăn mặc như vậy, thầy trả lời tỉnh queo: “Tao để dành tiền, tao gởi cho Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam”. 

Khách sạn Continental, từ đầu thập niên 1880 là nơi dừng chân của các viên chức, sĩ quan cao cấp Pháp. Vào năm 1955, Khách sạn còn là nơi nhà văn Anh Graham Greene nghỉ lại và lấy bối cảnh viết cuốn Người Mỹ Trầm lặng. Tác phẩm này được chuyển thể thành phim hai lần. 

Nhưng ngày nay, xen giữa những kiến trúc lịch sử, là một số tòa nhà cao tầng hiện đại được duyệt xây trước đây - khách sạn Sheraton, tòa tháp Times Square, bất chấp kiến trúc xung quanh khiến cho bản sắc lãng mạn của con đường đang dần bị mất đi.

Tuy nhiên, bây giờ người ta đã chú ý hơn đến việc làm thế nào để xây một tòa nhà hài hòa với tổng thể kiến trúc xung quanh con đường này. Chẳng hạn, Vincom Center A nằm tại khu tứ giác Eden cũ hài hòa với kiến trúc, cảnh quan xung quanh. Nó được xây theo kiến trúc phương Tây. Tòa nhà Metropolitan cũng vậy, rất phù hợp với khu nhà thờ Đức Bà. Cả hai đều trông khá giống một số tòa nhà trên đại lộ Champs-Élysées (Paris).

Một khu đất lịch sử của Sài Gòn xưa có thể sẽ bị lấy xây cao ốc tiếp là khu đất 164 Đồng Khởi, rộng hơn 7.000 m2. Nơi đây là bót Catinat thời Pháp thuộc; mật thám Pháp đã giam cầm, tra tấn, giết hại nhiều tù nhân chính trị tại cái bót này. Hiện nay, nó là trụ sở của Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch. Nghe nói Sở đang lên kế hoạch chuẩn bị di dời. Chưa biết người ta sẽ xây gì nhưng hy vọng công trình sẽ tăng thêm vẻ sang trọng mà vẫn không làm mất đi nét xưa của con đường. 

Ngọc Trân 

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo