Ashui.com

Monday
Dec 02nd
Home Tương tác Góc nhìn Làng xã - cá nhân trong các giai tầng

Làng xã - cá nhân trong các giai tầng

Viết email In

Trong các Mường cổ của người Mường, bốn giai tầng Lang - Âu - Noóc - Noóc chọi, tuy không phân biệt ngặt nghèo như đẳng cấp Ấn Độ, nhưng dường như là cố định. Khi tách ra khỏi nguồn gốc Mường, người Việt (Kinh) cũng từ bỏ luôn chế độ giai tầng trên, mà gia nhập một hệ thống bốn giai tầng khác là Sỹ - Nông - Công - Thương.  

Cực là may, công đăng hỏa có gì đâu, theo đòi vừa phận lại vừa duyên, quan trong năm sáu tháng, quan ngoài bẩy tám năm, này cờ này biển, này mũ này đai, này kèo hoa gươm bạc, này võng tía dù xanh, mặt tài tình mà giữa chốn kiếm cung, khắp bể Bắc trời Nam nức phương danh, vị thế thử chơi coi đã thỏa.

Thôi chẳng nghĩ, cuộc phong trần chi nữa tá, ngất ngưởng bán tiên mà bán tục, bầu trai dăm bẩy cậu, bầu gái một đôi cô, nào cờ nào kiệu, nào rượu nào thơ, nào đàn ngọt hát hay, nào chè chuyên chén mẫu, tay chí khí mà ngoài vòng cương tỏa, lấy gió mát trăng thanh làm tri thức, tuổi đời thêm thắt thế là hơn. 

(Câu đối giữa Nguyễn Công Trứ và Nguyễn Quý Tân, tức Nghè Tân). 

Trong các Mường cổ của người Mường, bốn giai tầng Lang - Âu - Noóc - Noóc chọi, tuy không phân biệt ngặt nghèo như đẳng cấp Ấn Độ, nhưng dường như là cố định. Lang sở hữu những ruộng đất tốt nhất và cha truyền con nối, Noóc chọi là tầng lớp bần cùng, giống như một thứ nông nô (nhưng nhẹ hơn), không có ruộng và chỉ có thể canh tác trên nương; và khi nào có công cứu mạng Lang thì mới được đưa lên thành Noóc. Chữ Noóc ở đây có nghĩa là mái nhà, gia đình, cũng có nghĩa là bình dân. Giai tầng Lang phổ biến với các họ tộc Đinh, Quách, Bạch, Hoàng, trong khi đó bình dân phổ biến là họ Bùi. Ngay cả cách xây cất nhà bốn giai tầng cũng có kiểu thức khác nhau. Tuy nhiên có thể nói, xã hội Mường cổ tương đối thanh bình, mức độ mâu thuẫn xã hội không gay gắt. Đời sống của Lang và Ậu cũng không quá ngăn cách với Noóc. 

  • Ảnh bên: Đình làng Bát Tràng - xã Bát Tràng 

Khi tách ra khỏi nguồn gốc Mường, người Việt (Kinh) cũng từ bỏ luôn chế độ giai tầng trên, mà gia nhập một hệ thống bốn giai tầng khác là Sỹ - Nông - Công - Thương. Cách phân chia này từ xã hội phong kiến Trung Hoa ảnh hưởng tới Việt Nam, tất nhiên do cơ cấu kinh tế nông nghiệp và xã hội phong kiến có nhiều nét tương đồng. Nhưng phong kiến Việt Nam chưa từng phát triển đến đỉnh cao đến mức đế quốc như Trung Hoa và cũng không hình thành tầng lớp quý tộc đặc quyền đặc lợi. Vua chúa Việt Nam tương đối nghèo, thành quách bé nhỏ, quân đội không đông, trừ phi có chiến tranh sẽ huy động nhiều hơn và họ tôn trọng sự tự trị cũng như quyền sở hữu của làng xã. Cái câu: Dưới gầm trời này/ Đâu không là đất của vua/ Dưới gầm trời này/ Ai không là bầy tôi của vua (Kinh Thi), có lẽ chỉ đúng với xã hội phong kiến Trung Hoa. Trong cuốn Con rồng An Nam, vua Bảo Đại từng cho rằng nói đất đai của cải tất cả là của vua, nhưng thực tế mỗi lần mở kho của hoàng triều, luôn phải có mặt tứ trụ triều đình, lục bộ đại thần, chi tiêu một lạng bạc cũng không dễ. Sỹ - Nông - Công - Thương là một hệ thống mở, càng đúng với phong kiến Việt Nam, kẻ buôn bán có địa vị thấp nhất, đóng nhiều thuế má, con cái không được tham gia thi cử; thợ thủ công đứng thứ ba, nhưng thực tế luôn được bảo vệ trong các cuộc chiến tranh và rất được trân trọng. Tầng lớp thương gia ở Trung Hoa cổ rất có thế lực và chi phối nhiều hoạt động xã hội. Muốn trở thành Sỹ, người ta chỉ việc tham gia làm nông dân rồi học hành đi thi, đỗ đạt thì làm quan, trở thành giai tầng thứ nhất. Trừ việc trở thành hoàng tộc thì không thể, còn con em nông dân đỗ đạt cao, kinh qua quan trường hoàn toàn có thể trở thành tể tướng, chỉ đứng dưới vua. Để mở rộng quyền lợi cho những công thần, từ vua Lê Lợi trở đi có việc ban quốc tính cho người có đặc công ân sủng, tức là lấy họ của vua làm họ mình, như Nguyễn Trãi chẳng hạn, được đổi thành Lê Trãi. Con người cá nhân vẫn thập thò trong các giai tầng ấy, nhưng hình như nó chưa bao giờ trưởng thành và núp bóng một chủ nghĩa tập thể phương Đông cho đến tận ngày nay. 

Đàn ông xưa là kẻ có bổn phận, sinh ra thờ cha, đi học thờ thầy, ra đời thờ vua, nguyện làm tôi tớ suốt đời cho một vị hoàng đế cố định và có trước, thậm chí có thể đó là một đứa bé. Đàn bà cũng vậy, ở nhà thờ cha mẹ, lấy chồng thờ chồng, chồng chết theo con. Cái cá nhân không được đề cập đến trong các chương trình xã hội. Tuy nhiên, người ta vẫn khuyến khích nam nhi có ý chí long trời lở đất, giúp vua yên thiên hạ với cái danh nào đó, gọi là Làm trai đứng ở trong trời đất/ Phải có danh gì với núi sông (Nguyễn Công Trứ). Danh đây là văn nghiệp hay võ công, văn thì biết làm dăm bài thơ Đường luật là ổn rồi; võ thì phải đợi đến thời loạn, ngoại xâm mới có cái thể hiện. Con người có danh này không biết đến khoa học, công nghệ, thương mại, có sẵn dăm mẫu ruộng, cứ thế mà hưởng hoa lộc, và cũng không lấy sự giàu có, tích lũy làm mục đích. Họ gắng trở thành một vị quan tốt, trong một triều đình vua sáng tôi hiền. Và tất cả đều được giáo dục giấu cái cá nhân của mình đi, tất cả những gì mình làm ra cũng chỉ là phỏng cổ, học đòi tổ tiên mà thôi. Ở trong làng xã, như cái hội đồng chiếc chiếu giữa làng đã trình bày ở bài trước [Làng xã- cộng đồng và cá nhân], kẻ sỹ dù đỗ đạt hay không cũng được coi trọng, và đám chức sắc như dịch lý mặc dù cai quản làng xã nhưng không được coi là kẻ sỹ. Song tất cả những nhân vật được ngồi trên bảy cái chiếu trong đình này cố gắng thể hiện cái cá nhân mình ở mức độ khác nhau, ai cũng thấy mình là quan trọng và ý tưởng của mình là kinh bang tế thế, tư cách và quyền lợi của mình phải hiển hiện trước thần thành hoàng và dân chúng. Dân chúng sẽ đánh giá các cá nhân đó xuất sắc ở chỗ có thể trả lời vế đối nhanh nhẹn, tìm ra giải pháp cho nổi quả bưởi rơi xuống hố, vẽ tranh sau ba tiếng trống và nhiều mẹo vặt khác, và tất nhiên biết làm thơ. Trong xã hội làng xã, cá nhân tiêu biểu đó phải làm sao xử sự vừa lòng tất cả mọi người, không ai được đánh giá về năng lực sáng tạo, hay năng suất lao động. Cuối cũng cái cá nhân ấy có thể làm vài việc hoang đường, không thể hiểu được và dân chúng sẽ tôn thờ họ như một vị thần. 

Con người cá nhân được đề cập và giải phóng cùng với chủ nghĩa tư bản ở phương Tây từ thế kỷ 15 cùng với văn hóa Phục hưng. Đây là lần đầu tiên con người được phản ánh chân xác trong các tác phẩm hội họa và điêu khắc, dưới góc độ của tâm lý cá nhân và tính hiện hữu của nó do tự nhiên sinh ra. Thể loại tranh chân dung ra đời với tính cách là sự phản ánh con người cá nhân và con người được trông thấy như nó đứng trên mặt đất, thay vì được vẽ ra một cách tượng trưng và sùng tín trong nghệ thuật Trung cổ, đặc biệt là nghệ thuật Gothic. Tranh chân dung cũng xuất hiện ở phương Đông, người Trung Hoa gọi là tranh Tiếu tượng, nhưng phần lớn là tranh thờ của hoàng gia, và đại quan. Ở Việt Nam, trong đền chùa có tượng chân dung, nhưng là tượng lập hậu, tức là những người góp công của lớn cho việc xây cất trùng tu đền chùa mà được thờ tự tại đó. Dẫu vậy cũng là một bước tiến để nhìn ra cá tính trong từng pho tượng và phần lớn chúng được làm khá giống so với người thực. Cho đến khi bước vào thời kỳ tiền tư bản và có sự xuất hiện của giai cấp tư sản đầu thế kỷ 20, con người cá nhân mới có điều kiện và dám tự mình phát triển ở Việt Nam. 

Dù vậy và bất luận ở đâu, giai đoạn nào, con người đều cố gắng chứng tỏ cá tính của mình, còn chứng tỏ một tư duy hoàn toàn là của cá nhân thì cần những bước đi nữa. Những nhà Nho phong kiến là những người nổi trội khi vươn lên từ nông dân thành kẻ sỹ. Họ mặc nhiên chấp nhận đứng dưới ông vua và ông quan cao cấp hơn mình và cũng sẵn sàng đè đầu cưỡi cổ những người dưới mình. Đó là một loại phát triển cá nhân cho riêng mình khi yếu tố dân chủ không được đề cập trong các cuộc cách mạng xã hội. Từ ông vua cho đến bình dân là một khoảng cách dài với nhiều nấc thang, ít nhất được chia ra làm chín phẩm, từ nhất phẩm xuống cửu phẩm (một loại tước hiệu) và cái phẩm hàm này sẽ tự nó nói lên địa vị xã hội của những cá nhân mang phẩm hàm, còn những ai không phẩm hàm đều là bạch đinh hay dân đen cả. Việc chứng tỏ mình được gắn với phẩm hàm hay làm quan, cho nên có cơ hội không ai từ chối làm quan cả. Đứa trẻ đi học thì thích làm trưởng tràng; tụ bạ nhau thì mong làm hội trưởng, nhóm trưởng; ở chốn quan trường từ lính lệ, cai đội, thư lại đều có thể vênh vang với dân, huống hồ là quan phụ mẫu đeo bài ngà… Cái tâm lý ấy khiến người Pháp thốt lên: Trong bụng mỗi người An Nam đều có một ông quan. Và cái ông quan này luôn nịnh trên chèn dưới. Với quan Tây thì tự xem mình như nô lệ, đối xử với dân chúng thì lại như thực dân. Chủ nghĩa cá nhân phương Đông, nói như Bá Dương, nhà văn Trung Hoa, là một thứ văn hóa thân mềm, luồn lách, sống hợp mọi thời, vươn cao nếu có thể, bất chấp tư cách danh dự. Và làng xã chính là cái nôi sinh ra chủ nghĩa cá nhân cho mình và phi dân chủ như vậy. 

Tôn trưởng trọng lão là một nét quan trọng của xã hội phong kiến và làng xã. Già làng, người già, cổ nhân, tiền nhân… được coi là những người có kinh nghiệm dẫn dắt cộng đồng, đến mức có thể đem ra dọa ngay chính ông vua. Ông vua có thể độc đoán không nghe ai, nhưng nếu nói đấy là lời của tổ tiên, của tiền nhân thì ông ta đành phải theo. Vua Bảo Đại trong Con rồng An Nam từng viết: Ở đất nước này, quá khứ chi phối hiện tại, người chết có ảnh hưởng lớn đến người sống hơn cả những người đang sống với nhau. Dân gian có câu: Khôn đâu đến trẻ/ Khỏe đâu đến già, như vậy mặc nhiên coi người già là người có trí tuệ. Tại sao người ta lại cần đến trí tuệ của người già (Đi hỏi già/ Về nhà hỏi trẻ), bởi vì toàn bộ cuộc sống quan hệ ứng xử, những gì từng trải ở một xã hội đóng kín là bí mật mà người già nắm giữ. Trong làng xã, cứ 50 tuổi (âm lịch), người ta tiến hành khao lão vào đình, từ đó người ta được coi là bô lão trong làng, ngồi chiếu trên, bàn việc làng, thậm chí việc nước (như hội nghị Diên Hồng); vào gặp vua, tùy theo triều đại, sáu hay bảy mươi tuổi trở lên không phải quỳ lạy, được ban ghế ngồi. Hội đồng kỳ lão trong làng có tiếng nói lớn lao với mọi việc của làng xã vì tất cả kinh nghiệm của họ và khả năng ra lệnh cho dòng họ thực hiện việc làng. Đó là một loại cá nhân. 

Kỳ hào, kỳ mục, phú gia (nhà giàu) là những người giàu có, có máu mặt trong làng cũng đương nhiên tham gia các việc làng xã. Họ nắm hầu hết các sở hữu tư nhân về ruộng đất và của cải trong làng, và có thể là những người đóng góp quan trọng. Họ có nhiều quan hệ với ngoài làng, có kinh nghiệm đối ngoại và buôn bán, có nhiều vợ và thê thiếp, người hầu. Đó cũng là một loại cá nhân. 

Các loại thầy: thầy đồ, thầy pháp, thầy cúng, thầy bói, thầy đồng, thầy thợ, ông sư (thầy chùa), đồng cốt, thầy địa lý, thầy tử vi… đều là những cá nhân quan trọng, trung gian giữa thế giới siêu hình và hiện thực, đại diện cho các hệ tư tưởng. Trong khi đó với người Mường cổ, chỉ có ông Mo, cũng bởi vì người Mường không có Tam giáo, không có sự phức tạp trong tập tục và tín ngưỡng. Chữ thầy ở đây, ngay cả là Lão sư (thầy giáo) theo khái niệm Hán, không nhất thiết là người dạy học, mà được coi là người nắm giữ kiến thức nào đó, có tính chất linh thiêng.

Quan viên, hương lý, dịch lý, trùm phường, tuần trương… là loại cá nhân cho công việc hành chính. Mặc dù là những người đương quyền nhưng họ không thể và không dám vượt mặt những cá nhân trên, họ luôn thỏa hiệp với lợi ích của nhóm già làng, kỳ hào, kỳ mục và thầy. Ở dưới bình dân, nếu muốn trở thành cá nhân được biết đến chỉ có một cách xưng hùng xưng bá, trở thành dân lưu manh anh chị. 

Làng xã hóa ra là một xã hội rất phức tạp, cơ bản nó không cho phép một cá nhân nào chơi trội mà tất cả cùng tuân thủ theo phép vua lệ làng, hương ước, nhưng mặt khác các cá nhân cũng có nhiều dịp chứng tỏ mình và nhất là vươn lên những giai tầng thầy thợ quan viên hương lão trên. Đôi khi không phải vì quyền lợi mà vì sự hãnh diện nhất định trong một cái làng đóng kín và san bằng. Cấu trúc xã hội này (làng xã) như vậy thực ra rất yếu, bởi nó không khuyến khích sự sáng tạo, phát triển đột biến, nó sợ vỡ mất cái cấu trúc ổn định trong một trật tự lạc hậu. Để bảo vệ quyền lợi sở hữu đất đai, cấu trúc này có xu hướng trở nên rất mạnh, nhưng cũng lại dễ dàng biến đổi trước các xâm nhập về văn hóa. Làng có thể không bị phá vỡ bởi ngoại xâm, nhưng lại có thể tan vỡ bởi thay đổi văn hóa. Các cá nhân ở đây đều thích làm quan, nhưng không thích chịu trách nhiệm, làm quan với quan niệm không phải học gì, không phải lao động chân tay và chỉ việc sai khiến người khác, coi mình là cá nhân duy nhất đúng. Trong cái cộng đồng này, nhà khoa học, nghệ sỹ và doanh nhân không có góc chiếu nào và nếu muốn làm được việc chỉ có cách hạ thấp nhân cách của mình, hoặc làm gì đó để lại đời sau. 

Phan Cẩm Thượng (Tia Sáng) 


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận

3000 ký tự


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo

Loading...