Đà Lạt từ lâu đã được mệnh danh là “thành phố hoa”. Nơi đây may mắn sở hữu những điều kiện lý tưởng bậc nhất về khí hậu và thổ nhưỡng của Việt Nam để trồng hoa và là vựa hoa của Tây Nguyên và cả miền Nam. Thế nhưng khi đặt chân đến Phố Núi, du khách sẽ cảm thấy thành phố hoa giờ đang thiếu... hoa.
Bớt phần lãng mạn
Tất nhiên Đà Lạt vẫn là nơi có diện tích cây xanh che phủ thuộc hàng lớn nhất Việt Nam. Tuy nhiên, để xứng với danh hiệu “thành phố hoa”, Đà Lạt cần có nhiều hoa hơn nữa.
Hoa chủ yếu được trồng trong... vườn hoa thành phố hay ở những trang trại trồng hoa. Dọc các vỉa hè, hoa được trồng lác đác và chưa được quy hoạch chỉn chu. Cũng có những con đường trồng các loài hoa đặc trưng, như khu vực Hồ Xuân Hương với hoa mai đào. Chỉ tiếc là mai đào không nở quanh năm, mà chỉ nở vào dịp đầu năm. Thiếu hoa Đà Lạt bớt đi phần lãng mạn, điều mà nhiều khách du lịch luôn tìm kiếm khi đến đây.
Muốn Đà Lạt thực sự xứng với danh hiệu thành phố hoa, cần phải có một chiến lược cụ thể, như đường nào trồng hoa gì, vỉa hè trồng hoa như thế nào, chọn hoa nào để khi loài hoa này hết mùa sẽ đến hoa khác nở...
Trồng hoa không chỉ là việc của chính quyền mà còn của cả từng gia đình. Mỗi căn nhà, trên các bệ cửa sổ hay lan can có thêm hoa, sẽ biến cả Đà Lạt thành đô thị hoa. Đà Lạt đẹp từng góc phố sẽ càng thu hút du khách hơn. Lúc đó mọi người chỉ cần lên đây và... đi ngắm hoa cũng đã thỏa mãn lắm rồi.
Du khách... hãi
Đà Lạt thiếu hoa tất nhiên sẽ làm buồn lòng khách du lịch. Nhưng một việc khác khiến du khách ngán ngẩm hơn, đó là ô nhiễm. Thác Cam Ly, Hồ Xuân Hương giờ đây trở thành nỗi ám ảnh. Nước thải sinh hoạt và nông nghiệp khiến nguồn nước ở đây bị ô nhiễm; mỗi khi đi ngang qua mọi người đều phải bịt mũi vì mùi hôi.
Không chỉ ở gần các hồ nước hay thác nước, mà ngay giữa trung tâm thành phố, người ta cũng phải nín thở. Chợ Đà Lạt dù ngày hay đêm đều thấy rác ở khắp nơi, nước bẩn đọng lại thành từng vũng. Đà Lạt càng thêm nhếch nhác vì khu chợ này.
Người Đà Lạt vẫn được cho là hiền lành, hiếu khách. Nhưng bây giờ, nếu mua bán gì ở chợ cũng phải dè chừng, kẻo có khi bị “ăn mắng”. Người bán hàng ở đây có khi còn bán đặc sản Đà Lạt sản xuất tại... Trung Quốc.
Hiện nay, theo ước tính của Quản lý Thị trường Đà Lạt, có trên 70% mứt được bày bán tại các cửa hàng đặc sản Đà Lạt là từ Trung Quốc, các tỉnh phía Bắc và TP.HCM. Chúng được làm mới bằng cách đóng bao bì và nhãn mác của các cơ sở mứt Đà Lạt.
Giờ nếu đi Đà Lạt, khách du lịch có xu hướng bỏ phố lên rẫy. Một số công ty du lịch đã chào bán các chương trình đáp ứng nhu cầu này, như “Cuộc sống miền sơn cước”, “Trải nghiệm cùng nhà nông”. Chương trình gồm các tiết mục ở nhà sàn, lên rừng kiếm củi, xuống suối bắt cá, vào rẫy hái rau, đào khoai. Những trải nghiệm mới mẻ này có thể khiến du khách thích thú hơn là đi loanh quanh trong phố.
Khi phát hiện ra Đà Lạt, người Pháp đã xây dựng nơi đây thành một thành phố nghỉ dưỡng. Họ đã quy hoạch nó theo thiết kế phương Tây, với các căn biệt thự nằm giữa ngàn thông. Đến thập niên 1940, Đà Lạt bước vào giai đoạn cực thịnh, là thủ đô mùa hè của toàn Đông Dương. Trong những năm chiến tranh, thành phố vẫn giữ vai trò một trung tâm du lịch nghỉ dưỡng và khoa học giáo dục.
Nhưng giờ trung tâm Đà Lạt lại san sát nhau những căn nhà ống kiểu Sài Gòn. Rồi các trung tâm thương mại, khách sạn cao tầng mọc lên khiến cảnh quan thành phố bị phá vỡ. Còn rừng thông thì bị xẻ thịt để xây khu nghỉ dưỡng; nay không xây được thì cũng đã bị xẻ rồi.
Phố Núi mất đang dần nét đẹp hoang sơ mà quý phái ngày trước, khiến nhiều người không khỏi tiếc nuối: Đà Lạt xưa đâu rồi?
Ngọc Trung
- Đàn Xã Tắc Thăng Long có đáng được bảo tồn hay không?
- Đàn Xã Tắc: "tắc" vì lòng vòng
- Cứu gạo hay cứu đất?
- Làng cổ trong cơn lốc đô thị hóa
- Những ngôi nhà tre Việt Nam nổi tiếng thế giới
- Thành phố Hồ Chí Minh, sức bật từ hạ tầng giao thông
- Sài Gòn, con tàu chở đầy hy vọng
- Khi chính quyền và doanh nghiệp chung một cuộc chơi
- Góc nhìn thú vị về sự khác biệt giữa Hà Nội và Sài Gòn
- Chính quyền đô thị: nói thế nào cho dễ hiểu?