1. Suốt tháng qua, câu chuyện về trường hợp Đàn Xã Tắc nóng lên từng ngày trên mặt báo. Bắt đầu từ phương án xây cầu vượt, những ý kiến và văn bản qua lại khiến sự việc gần như được “nâng” hẳn lên một bước mới - so với chuyện bảo tồn một di tích đơn lẻ.
Bỏ qua những tranh cãi cực đoan, thực tế sự tồn tại của Đàn Xã Tắc - cũng như của đường vành đai I - đang đặt những người có trách nhiệm đứng trước một bài toán vô cùng khó giải. Xây cầu là ảnh hưởng tới một di tích văn hóa lớn (tới mức được nhiều người so sánh với Hoàng thành Thăng Long). Không xây cầu, gần 2.000 tỉ đồng bỏ vào đường vành đai I trong những năm qua bỗng thành công cốc - khi mà các đặc thù về không gian, giá đất lưu lượng giao thông... khiến người ta không thể chọn phương án “bẻ ngang” con đường để tránh di tích này.
2. Không có giải pháp khác thì nghĩa là phải lựa chọn. Câu hỏi đặt ra: nếu chủ động, chúng ta có thể tránh không đặt mình vào sự lựa chọn đáng buồn ấy không? Bởi, tính theo các mốc thời gian, chỉ giới quy hoạch cho tuyến đường này bắt đầu được đưa ra từ năm 1998. 8 năm sau đó, Đàn Xã Tắc được khai quật lần đầu và lấp cát, tạo “đảo giao thông”. Rồi 7 năm sau nữa, câu chuyện được xới tiếp lên, khi đường vành đai I đã vươn dài và bắt đầu chạm tới khu vực này.
Rất nhiều nhà nghiên cứu đã nhắc tới việc Hà Nội đang thiếu vắng một bản quy hoạch chi tiết về khảo cổ học. Nếu có, câu chuyện tranh cãi hôm nay đã xảy ra vào... 7 năm trước, khi mà đường vành đai I vẫn còn cách đàn Xã Tắc gần 1 km, và các chỉ số về về giá đất, mật độ dân cư, lưu lượng giao thông... còn thấp hơn hiện tại rất nhiều. Ở thời điểm ấy, người ta sẽ có điều kiện để lựa chọn về việc mở rộng khai quật, khoanh vùng bảo vệ hay chí ít là xác định vùng “lõi” của cụm di tích và chủ động điều chỉnh lại tuyến đường trước khi “đụng nhau”.
Nhưng, sự tiếc nuối ấy có lẽ chỉ... cho vui - giống như cách mà những nhà quy hoạch tiếc nuối về cách thực hiện quy hoạch cho đường vành đai I. Cách đây hơn 10 năm, chính UBND TP Hà Nội cũng đã có kế hoạch xây dựng con đường theo hình thức giải tỏa sâu, nghĩa là mở thêm quỹ đất 50 m mỗi bên đường để đấu giá bù tiền xây dựng. Vì nhiều lí do, cách làm đó không được thực hiện, để rồi đoạn đường vành đai I kéo dài từ Kim Liên tới đàn Xã Tắc bây giờ trở thành con đường đắt nhất VN với mức đầu tư 740 tỉ đồng, trong đó có tới 85 % dành cho giải phóng đền bù.
3. Như vậy, Hà Nội không chỉ đang thiếu quy hoạch khảo cổ, mà... đang thiếu nốt cả những yếu tố cần thiết để một bản quy hoạch như vậy phát huy được giá trị của mình. Yếu tố ấy là sự nghiêm túc và giám sát chặt chẽ, để những kế hoạch khoa học chuẩn xác được thực hiện sao cho đầy đủ và trọn vẹn.
Chưa kể, một bản quy hoạch khảo cổ “chuẩn” cũng đòi hỏi sự kết hợp với một bản quy hoạch đô thị “chuẩn” không kém, để tránh cảnh phát triển dân số, xây dựng với tốc độ quá nhanh ở những vùng không gian được mặc định ưu tiên cho văn hóa và lịch sử.
Đi hết một vòng 7 năm để trở về vấn đề cũ với một cái giá đắt hơn rất nhiều, chuyện của Đàn Xã Tắc càng cho thấy quy luật đáng buồn: chỉ một bước lùi, dù là sơ sảy, chúng ta sẽ mất thêm cả chục bước chân để lấy lại những gì mình từng bỏ phí.
Chiêu Minh
- Đối mặt với "hội chứng" làng cổ
- Thành phố cần nhiều nụ cười
- Ngôi nhà cổ nhất Sài Gòn
- Lại chuyện ứng xử với di sản
- Người dân Đường Lâm muốn trả danh hiệu, cũng không được
- Cứu gạo hay cứu đất?
- Làng cổ trong cơn lốc đô thị hóa
- Những ngôi nhà tre Việt Nam nổi tiếng thế giới
- Tiếc cho Đà Lạt
- Thành phố Hồ Chí Minh, sức bật từ hạ tầng giao thông