Ashui.com

Tuesday
Nov 05th
Home Tương tác Góc nhìn Người dân Đường Lâm muốn trả danh hiệu, cũng không được

Người dân Đường Lâm muốn trả danh hiệu, cũng không được

Viết email In

Chuyện 78 người dân ở làng cổ Đường Lâm cùng ký tên vào bản kiến nghị gửi UBND TP.Hà Nội và Cục Di sản Văn hóa (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch - VHTTDL) xin trả lại danh hiệu Di tích Quốc gia cho Nhà nước, một lần nữa lại đặt ra bài toán giữa “bảo tồn và phát triển” trước các cơ quan quản lý, trong suốt bao nhiêu năm qua chưa có lời giải.  

Ai hưởng lợi từ danh hiệu? 

“... Làng được công nhận là di tích quốc gia làng cổ, chúng tôi đã vui mừng lắm vì nghĩ cả đất nước quan tâm đến xã mình. Cán bộ xã nói sẽ thu hút khách du lịch, nhân dân được hưởng lợi từ đó, đời sống sẽ nâng lên. Nhưng thực tế, từ đó đến nay, chỉ có khoảng tám gia đình được đầu tư xây dựng, còn lại gần 400 hộ gia đình chẳng được hỗ trợ gì cả... Chúng tôi không có quyền được tự do xây dựng, sửa sang, cơi nới nhà cửa trên chính mảnh đất của gia đình mình... 

Trong khi đa số hộ dân không được xây nhà từ hai tầng trở lên, nhưng thiểu số thì có khoảng 30 gia đình vẫn xây dựng nhà từ 2 - 3 tầng... Dân số của làng mỗi năm tăng lên, diện tích ở thì vẫn thế... Vì vậy, chúng tôi cùng nhau làm đơn này xin trả lại danh hiệu “Di tích quốc gia làng cổ Đường Lâm”; (chúng tôi) làm như thế với mong muốn trả lại sự yên bình và “tự do” (trong sinh hoạt) vốn có của vùng nông thôn trung du này...” - người dân Đường Lâm đã nói như vậy trong đơn thư gửi đến các cơ quan quản lý. 

Trong khi người dân bức xúc về cuộc sống, sinh hoạt chật chội và bế tắc của mình thì, bên cạnh đó, trả lời báo chí trước hiện tượng này, ông Phạm Hùng Sơn – trưởng ban quản lý di tích – cho biết: Năm 2012, lượng du khách đến Đường Lâm là 12 vạn người. Như vậy, có thể nhẩm tính được doanh thu từ lượng khách đến tham quan làng cổ Đường Lâm là con số hàng tỉ đồng/năm (20.000d/vé tham quan). 

Ông Sơn còn cho biết thêm: Đang đề nghị UBND TP cho tăng tiền phí lên gấp đôi – để hạn chế khách đến tham quan! Một lý do tăng giá khá lạ lùng trong bối cảnh khó khăn của ngành du lịch hiện nay. 

Câu hỏi đặt ra là số doanh thu ấy đã được ban quản lý di tích cũng như chính quyền thị xã Sơn Tây dùng vào việc gì mà không thực hiện kế hoạch giãn dân đã được nói đến gần chục năm nay, hoặc tái đầu tư trực tiếp vào những hộ dân sống trong làng cổ để họ yên tâm giữ gìn di sản? 

Không thể muốn thì xin, không muốn thì trả 

"Nguyện vọng cũng như bức xúc của người dân là chính đáng. Không chỉ riêng Đường Lâm đâu, cả phố cổ Hội An, phố cổ Hà Nội cũng gặp những vấn đề tương tự”. 

Còn nhớ, cách đây không lâu, UBND tỉnh Khánh Hòa cũng đã từng đánh tiếng trả lại danh hiệu, khi tỉnh này cho phép xây dựng quá nhiều công trình kiên cố dọc bờ biển danh thắng quốc gia vịnh Nha Trang và gặp phải sự phản đối của nhân dân cũng như dư luận. Tất nhiên, ý định (mới chỉ là ý định) này của Khánh Hòa không thể trở thành hiện thực (không có đơn chính thức như 78 người dân Đường Lâm), bởi dù sao nỗi bức xúc của họ cũng không phải là nỗi bức xúc cá nhân, liên quan đến đời sống sinh hoạt hằng ngày. 

Trao đổi với phóng viên sáng 9/5, ông Nguyễn Thế Hùng, Cục trưởng Cục Di sản Văn hóa cho biết: Cục vẫn chưa nhận được đơn thư của người dân Đường Lâm (đơn đề ngày 30/4 – PV), cục cũng chỉ mới biết thông tin qua dư luận. Tuy nhiên, sáng nay, Cục vẫn cử người tham gia đoàn khảo sát của Sở VHTTDL để nắm lại tình hình.

“Phải xem thực tế cụ thể thế nào thì mới có hướng giải quyết được. Những ngôi nhà được xây 2, 3 tầng như phản ánh trong đơn có thể là những ngôi nhà đã được tồn tại từ trước đó (trước khi làng được công nhận); hoặc ở vùng cho phép sau khi đã có quy hoạch, thậm chí có thể ở trong vùng quy hoạch, nhưng do chính quyền địa phương lúc trước chưa nắm rõ được luật di sản, chưa làm nghiêm...” – ông Hùng bổ sung.

Ông Phan Đình Tân, người phát ngôn Bộ VHTTDL cũng cho rằng: “Nguyện vọng cũng như bức xúc của người dân là chính đáng. Trong một di tích như vậy, chính quyền và các đơn vị hành chính khai thác đến đâu là trách nhiệm của họ, nhưng phải đảm bảo cuộc sống cho người dân ngày một tốt lên, phù hợp với xã hội hiện đại. Do vậy, tôi nghĩ phải có nghiên cứu tổng thể, bài bản để làm sao cả người dân lẫn chính quyền đều hưởng lợi từ di tích. Không chỉ riêng Đường Lâm đâu, cả phố cổ Hội An, phố cổ Hà Nội cũng gặp những vấn đề tương tự”.

Về việc xin trả danh hiệu, ông Phan Đình Tân cho rằng: Di tích được xếp hạng cũng từ nguyện vọng của người dân. Vì thế, không thể cứ thích thì “vào hạng” mà không thích thì xin rút. 

Trương Hoàng 


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo