Ashui.com

Tuesday
Nov 05th
Home Tương tác Góc nhìn Thành phố cần nhiều nụ cười

Thành phố cần nhiều nụ cười

Viết email In

"Cuối tháng 4, UBND TP.HCM chi 700 triệu đồng từ ngân sách để lắp đặt một số máy chạy bộ, máy tập bụng dọc bờ kè kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè phục vụ người dân đến tập miễn phí”. 

Dòng tin nhỏ này trên các báo lọt thỏm giữa những tin tức khác như: lễ khánh thành cầu vượt Lăng Cha Cả; bắn pháo hoa nhân kỷ niệm 38 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước; các cuộc tranh luận về giá nhà đất đã sát đáy hay chưa; giá vàng đang "nhảy múa điên loạn" dịp nghỉ lễ..., nhưng nó mang đến cho người đọc "cảm xúc" thật sự thú vị, bởi họ bắt gặp một ý tưởng đã vượt qua lối tư duy xơ cứng của các nhà quản lý đô thị chỉ hướng đến những công trình nghìn tỷ đồng hoặc chỉ dừng lại ở mức độ "xóa đói giảm nghèo", bỏ quên đời sống của những người dân đô thị bình thường.  


TP.HCM cần nhiều sáng kiến để người dân có thể cười tươi!
(ảnh: Nguyễn Hiển) 

Những người dân được tập thể dục bằng máy ở bờ kênh Nhiêu Lộc chắc chắn là một hình ảnh đẹp trong đời sống thành phố mỗi buổi mai thức dậy. 

Chợt nhớ lại câu chuyện của Đà Nẵng cách đây 10 năm, cái Tết 2003 sắp đến, để lại sau lưng những trận lũ lụt gây thiệt hại khá nặng. Tại cuộc họp hội đồng nhân dân cuối năm, một số đại biểu đã phản đối việc bắn pháo hoa vào đêm giao thừa, đề nghị để dành kinh phí lo Tết cho người nghèo và nạn nhân lũ lụt. Ông Nguyễn Bá Thanh, Chủ tịch HĐND TP. Đà Nẵng, đã phân tích: 

"Lo cho người nghèo, những người lao động thu nhập thấp như cán bộ hưu trí, người chạy xe thồ, đạp xích lô và người bị thiệt hại do lũ lụt thì thành phố vẫn phải lo. Còn việc bắn pháo hoa đón năm mới là để phục vụ toàn thể người dân, những người đã rất nỗ lực đóng góp cho thành phố phát triển, và họ xứng đáng được chính quyền phục vụ chu đáo. Chúng ta bắn pháo hoa để khích lệ tất cả người dân phấn khởi, tự tin bước vào năm mới". 

Đó là tư duy đã vượt qua bài học "cứng" về quản lý đô thị, một thời các chính quyền chỉ đủ sức chăm lo "phần xác" là các công trình hạ tầng phục vụ dân sinh bao gồm "điện - đường - trường - trạm" để sau 10 năm tiến tới hình thành khái niệm "thành phố đáng sống" của Đà Nẵng với rất nhiều ý tưởng mới mẻ làm phong phú đời sống người dân thành phố và thu hút khách du lịch để phát triển kinh tế. 

Từ đó thành phố "có đà” phát triển thêm hàng loạt các đề xuất cải thiện đời sống cho người dân bằng những ý tưởng nổi bật như: tự xây dựng bệnh viện chữa bệnh ung thư miễn phí; tổ chức lễ hội thi bắn pháo hoa quốc tế hằng năm trong suốt 5 năm qua; chiếu sáng nghệ thuật rồng bay trong mây và rồng phun lửa dịp cuối tuần. 

Chính sách làm đẹp thành phố đã kích thích nhiều doanh nghiệp chung tay góp thêm các ý tưởng mới, như sắp tới đây là thi trình diễn ánh sáng và hình ảnh nghệ thuật quốc tế vào các năm chẵn, và thi bắn pháo hoa quốc tế vào các năm lẻ.

Thật thú vị với không khí tươi trẻ đêm 30/4 bên sông Hàn, người Đà Nẵng vui cười với điệu nhảy ngựa Gangnam Style và ngắm pháo hoa rực rỡ trên bầu trời.

TP.HCM vẫn giữ hình ảnh là thành phố sôi động nhất cả nước. Sự xuất hiện của các tòa cao ốc và thương hiệu toàn cầu neo giữ niềm tin đó cho những ai muốn đến thành phố tìm vận hội. Thành phố thật đáng yêu với những tấm biển quảng cáo "Chỗ nào rẻ hơn xin trả lại tiền".

Nhưng trong từng tế bào thành phố, trong cuộc sống ở từng khu phố, con đường rất thiếu vắng những yếu tố tạo nên nền tảng một đô thị phát triển dựa trên tính nhân văn.

Những sáng kiến đường hoa Xuân, lễ hội sách trên phố hay máy tập thể dục miễn phí ở bờ kè Nhiêu Lộc - Thị Nghè rất ít xuất hiện trong đời sống hằng ngày của đô thị.

Trong một chuyến đến thăm TP.HCM mới đây, chị Gumeniuk, một nhà báo Nga, nhận xét: 

"Đây là thành phố tràn đầy tự tin nhưng ít "cười". Tôi cảm thấy sự căng thẳng bó chặt lấy chúng ta, có thể vì giao thông, cướp giật hoành hành, vì chuyện mưu sinh, nhưng cũng một phần vì thành phố quá ít những không gian công cộng thể hiện đặc tính văn hóa riêng. Bạn không thể cảm thấy thỏa mãn khi nghĩ về thành phố bình yên là chỉ có hình ảnh mấy cô gái trẻ đẹp đang tạo dáng chụp ảnh trước nhà thờ Đức Bà”. 

Còn nhạc sĩ Quốc Bảo thì viết khá chua chát: "Người Việt mải nói quên cười. Chắc TP.HCM đã đủ đẹp nên có thể tiết kiệm nụ cười". 

Hồng Bích 

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo