Ashui.com

Tuesday
Nov 05th
Home Tương tác Góc nhìn Dẫu khó nhưng đừng bỏ Đường Lâm

Dẫu khó nhưng đừng bỏ Đường Lâm

Viết email In

Làng cổ Đường Lâm đang trải qua một giai đoạn khó khăn. Một cộng đồng dân cư nông thôn hiền hòa, mến khách bỗng dường như nổi giận. Với 60 lá đơn xin trả lại danh hiệu Di sản làng cổ mà 8 năm trước đây còn là niềm tự hào của cả xã Đường Lâm, đã tạo nên một vấn đề được dư luận quan tâm sâu sắc.  

Những lý do người dân đưa ra là dễ thông cảm, nhà cổ xuống cấp không được sửa chữa, không có đất giãn dân, lợi ích du lịch chưa thấy, đã thấy sự phân chia lợi ích không công bằng… 


(ảnh: Hoài Sơn) 

Di sản làng cổ Đường Lâm là di sản chung của quốc gia, được lựa chọn trong hàng ngàn làng xã truyền thống, là một nỗ lực để bảo vệ giá trị văn hóa làng Việt, cái nôi tạo nên giá trị văn hóa của dân tộc, hiện nay mất dần do có những biến đổi rõ rệt dưới tác động của đô thị hóa và các tác động khác. Làng cổ Đường Lâm với cấu trúc đường làng ngõ xóm còn nguyên vẹn, cảnh quan hấp dẫn, cổng làng nên thơ, nhiều ngôi nhà cổ, di tích tịch sử dày đặc, vùng đất của danh nhân, truyền thuyết, đất hai vua đáng tự hào. Chưa thể có làng xã nào ở vùng Đồng bằng sông Hồng xứng đáng hơn Đường Lâm được bảo tồn nguyên vẹn cả cụm làng truyền thống. 

Nhìn lại công tác bảo tồn di tích, thật nghịch lý khi một di sản như Đàn Xã tắc (Hà Nội), còn chưa biết thực sự nó thể nào đã làm đau đầu các nhà quản lý làm sao vừa xây dựng, vừa giữ gìn nó, trong khi một di sản hiện hữu như làng cổ Đường Lâm, đã được công nhận các giá trị, quý giá như vậy thì khoanh vùng bảo tồn xong để đấy. 

Trong bối cảnh này những hành động của các cấp, các ngành tìm kiếm các giải pháp khẩn cấp để an dân là cần thiết và dễ hiểu. Tuy nhiên có những ý kiến cho rằng có thể cho phép xây dựng nhà 2 tầng trong khu vực thôn Mông Phụ (thuộc khu vực bảo tồn vùng 1), xây nhà 3 tầng trong khu vực vùng 2, chỉ bảo tồn các ngôi nhà cổ như là một giải pháp, một cơ chế bảo tồn đặc thù. 

Thật đáng lo ngại bởi nếu cho phép xây nhà 2 tầng trong thôn Mông Phụ cũng đồng nghĩa chúng ta đã bỏ đi một giá trị qúy giá nhất của làng cổ Đường Lâm, cái cần phải bảo tồn nhất chính là cấu trúc không gian của cả ngôi làng còn nguyên vẹn, của cả quần thể 5 thôn Mông Phụ, Đông Sàng, Đoài Gíap, Cam Lâm, Cam Thịnh chứ không phải chỉ của vài chục ngôi nhà cổ, của một số di tích đình chùa. Nếu chỉ tính về nhà cổ thì giá trị di sản Đường Lâm cũng không phải là rất đặc sắc. Những ngôi nhà cổ dù có được bảo tồn nhưng xung quanh là những ngôi nhà 2, 3 tầng xây mới thì câu chuyện bảo tồn đã không còn mấy giá trị. 


(ảnh: Trịnh Quang Minh) 


(ảnh: Thiếu Văn) 

Đừng biến bảo tồn các làng cổ thành bảo tồn nhà cổ, bỏ đi cái gốc để giữ cái ngọn. Những giải pháp tình thế không thể là việc xóa bỏ nguyên tắc bảo tồn. Di sản là những giá trị đã mất đi thì khó có thể khôi phục. Cũng không thể nói nếu mất làng này thì tìm kiếm bảo tồn làng khác. Bảo tồn không phải là cuộc thi hoa hậu để năm nay lựa chọn người này, năm sau có thể chọn người khác.  

Bỏ bảo tồn làng cổ Đường Lâm thì dễ lắm. Các làng nằm kề thị xã Sơn Tây, cạnh đường Quốc lộ 32 và đường Hồ Chí Minh đi Phú Thọ qua cầu Vĩnh Thịnh, sức ép đô thị hóa với làng cổ Đường Lâm là hàng ngày hàng giờ. Chỉ cần một chỉ thị đồng ý cho xây dựng nhà 2, 3 tầng thì chỉ 2 năm sau, làng này cũng chẳng khác gì các làng xã nội đô Hà Nội hiện nay. Mục tiêu bảo tồn làng cố ở Đường Lâm sẽ thất bại hoàn toàn vì cũng chẳng còn có gì nhiều để mà giữ. Lúc đó không cần người dân trả lại danh hiệu di sản thì những nhà khoa học, các nhà văn hóa cũng trả lại cái công việc bảo tồn di tích đã tốn bao công sức này cho một cơ quan quản lý xây dựng bình thường quản lý.

Cần những giải pháp phù hợp nhưng không thể lùi. Những bước lùi này sẽ làm tiền đề cho bước lùi kia. Cũng chẳng ai chắc rằng sau sự kiện đòi nâng tầng nhà, việc đòi trổ cửa ra ngõ buôn bán kinh doanh sẽ không xảy ra (chắc cũng là lý do đặc thù), lúc đó chắc xóm Sui, xóm Sải (Mông Phụ) sẽ trở thành phố Sui, phố Sải, có khi còn sầm uất hơn phố Mía một thời. Đình Mông Phụ sẽ trở nên bé nhỏ trong một không gian chật hẹp nhà 2 tầng xung quanh, tủi như những ngôi đình của nhiều làng đô thị hóa hiện nay. Ngõ nhỏ lát gạch với bức tường gạch đá ong còn vẻ đẹp gì trong sự đè nén của những ngôi nhà 2-3 tầng 2 bên. 

Thật buồn lắm thay nếu trong hàng ngàn làng xã truyền thống vùng Đông bằng sông Hồng không có một làng được bảo tồn. [Ashui.com] 


Đình Mông Phụ (ảnh: Hồng Thái) 

Cái khó cần phải gỡ là tìm nguồn kinh phí để tu bổ, tôn tạo các ngôi nhà cũ, tìm vị trí đất để xây nhà giãn dân cho những người đang ở trong nhà cổ muốn có ngôi nhà để sinh sống, để nhà cổ cho các hoạt động thăm quan, bảo tồn. Cần tìm các sản phẩm dịch vụ phù hợp để nhiều người dân được hưởng lợi từ du lịch, không chỉ ở thăm quan ngôi nhà bảo tồn mà còn từ nhiều hoạt động dịch vụ khác. Cần tìm thấy sự chia sẻ quyền lợi công bằng giữa người dân và Ban quản lý di tích…

Cái khó nằm ở cơ chế, nằm ở con người. Cái khó đó chính là những nhiệm vụ đã được đặt ra, là các vấn đề đã được lường trước nhưng đã chậm được giải quyết. Cũng không thể nói là bất khả kháng, đã không còn đường phát triển.

Cả nước đang biết và quan tâm đến Đường Lâm, đây là cơ hội để người Đường Lâm, của chính quyền địa phương kêu gọi sự chung tay góp sức bảo tồn làng cổ. Cám ơn 60 hộ dân đã gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh về sự chậm trễ, sự trì trệ của cơ chế. Nhưng nếu như bên cạnh những lá đơn của 60 hộ xin trả lại danh hiệu Làng cổ có thêm những lá đơn của 1900 hộ ở Đường Lâm còn lại xin được sự giúp đỡ của cả nước để bảo tồn một làng cổ đặc sắc nhất của làng Việt đang chưa được quan tâm đúng mức, đang có nguy cơ bị phá vỡ, có lẽ sẽ là những lá đơn, những lời kêu gọi đáng trân trọng nhất.

Bảo tồn làng cổ còn là bảo vệ danh dự của người Đường Lâm, danh dự các dòng họ vẻ vang trong làng. Nếu việc bảo tồn ngày hôm nay thất bại là tiếng để đến muôn đời, các bậc tiền nhân Ngô Quyền, Phùng Hưng, Giang Văn Minh nhìn về lớp con cháu thế nào để một sự buông xuôi, biến làng cổ quê mình thành những làng đô thị, dị dạng như bao làng đô thị hóa khác. Cái nỗi buồn, nuối tiếc sẽ dai dẳng cả mấy thế hệ.

Hãy nhìn những du khách đến Đường Lâm, nhìn những nhà nhiếp ảnh đang say mê bên những bức tường đá ong vàng sậm, bên cổng làng Mông Phụ hay dưới rặng Duối cổ xanh rì, bên những ngôi đình, miếu hay cạnh gánh lúa vàng tràn ngập trong ngõ ngày mùa, bao nhiêu bài viết ca ngợi về Đường Lâm, sự quan tâm của các chuyên gia bảo tồn quốc tế mong muốn Đường Lâm trở thành di sản thế giới mới thấy những giá trị to lớn mà Đường Lâm đang có. Biết bao nhiêu làng Việt khác đang mơ ước được biết đến, được bảo tồn như vậy. 

Dẫu khó nhưng đừng bỏ Đường Lâm! 

Phạm Cường 


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo