Ông Nguyễn Đức Mạnh, Phó phòng Kế hoạch- tổng hợp, Công ty công viên cây xanh, cho biết những năm gần đây, cứ vào mùa mưa bão, tình trạng cây xanh bị gẫy đổ lại tiếp diễn trên nhiều tuyến phố Hà Nội, gây thiệt hại lớn về người và của, làm ảnh hưởng nặng nề đến hệ thống lưới điện và giao thông đô thị.
Để bảo vệ cây xanh và phòng tránh những trường hợp được cho là không may có thể xảy ra, việc chặt tỉa cây xanh, đốn hạ những cây bị sâu mục trước mùa mưa, bão vẫn được xem là giải pháp cấp thiết.
Đô thị "biến dạng"
Theo ông Mạnh, bên cạnh sự biến đổi bất thường của thời tiết, chính bàn tay con người cũng đã và đang khiến không ít cây bóng mát nằm trên các tuyến phố của Thủ đô bị gãy đổ.
Cụ thể, theo thống kê của Công ty công viên cây xanh, năm 2010, trên địa bàn thành phố đã xảy ra 89 trường hợp xâm hại cây xanh, điển hình là vụ xâm hại ngày 5/3/2010 tại phường Vĩnh Phúc, quận Ba Đình, 1 cây sưa đã bị khoanh vỏ, rắc muối xung quanh thân do chủ hộ Nguyễn Anh Quý thực hiện. Năm 2011 có 66 trường hợp. Năm 2012 có 65 trường hợp. Đó chỉ là những trường hợp bị phát hiện trong vô số vụ cố tình xâm hại cây xanh phổ biến như chặt rễ cây, khoanh vỏ gốc cây, đổ dầu hoặc đổ nước muối, nước axít pha loãng để cây chết dần...
Ngoài ra, lý giải cho thực tế đáng lo ngại này, theo ông Mạnh, nguyên nhân cây xanh gãy đổ còn do việc hạ tầng đô thị bị "biến dạng" một cách vô ý thức, do tình trạng người dân xây nhà "đua" mái, ban công, ô văng ra ngoài vỉa hè, bố trí mạng lưới dây điện, cáp viễn thông chằng chịt đã làm thân cây bị phát triển nghiêng.
Cũng theo ông Mạnh, mặc dù tình hình xâm hại hệ thống cây xanh đô thị trong những năm gần đây đã có xu hướng giảm về số vụ, nhưng mức độ gây hại ngày càng phức tạp. Đây là một trong những nguyên nhân lớn nhất khiến cây bóng mát ở đô thị bị gãy đổ vào mùa mưa.
Bên cạnh đó, không ít người dân phản ánh, tại một số tuyến đường phố, cây xanh bị sâu mục, cây nghiêng, tán rộng vẫn chưa được xử lý chặt hạ, vẫn tiềm ẩn những tai họa khôn lường mỗi lúc mưa to gió lớn. Theo các chuyên gia, nỗi lo này là hoàn toàn có lý, bởi mới đầu mùa mưa nhưng hàng chục cây xanh ven đường đã bị đổ, gãy.
Thống kê của Công ty công viên cây xanh cho thấy, tính đến đầu tháng 5/2013, Công ty đã giải tỏa 28 cây bị gãy đổ và 22 cành bị gãy. “Tuy các trường hợp cây bị gãy đổ là cây nhỏ, chưa gây thiệt hại lớn về tài sản, nhưng đó cũng là sự báo động, cho thấy cần phải xử lý những cây bóng mát có nguy cơ gãy đổ,” ông Mạnh chia sẻ.
Thống kê của Công ty công viên cây xanh cho biết hiện đơn vị này đang quản lý gần 45.000 cây xanh có bóng mát được trồng trên các tuyến phố tại địa bàn 9 quận và 1 huyện ở nội thành Hà Nội. Trước diễn biến bất thường của thời tiết, từ đầu năm đến nay, Công ty công viên cây xanh đã cắt sửa 800 cây, chặt hạ trên 350 cây.
Riêng với những cây có dấu hiệu bị xâm hại, hay cố tình làm đổ, chết, theo ông Mạnh, Thanh tra Sở Xây dựng sẽ làm thủ tục theo thẩm quyền. Trong trường hợp không phát hiện thủ phạm, sở mới cấp giấy phép triệt hạ và trồng cây mới. Đối với cây cực kỳ nguy hiểm, công ty sẽ phối hợp với chính quyền phường sở tại khảo sát, cắt triệt, sau đó mới báo cáo Sở Xây dựng.
Cây xanh bị đổ, đe dọa tính mạng người tham gia giao thông. (Ảnh: Vietnam+)
Cần mua bảo hiểm trách nhiệm
Đề cập đến công tác bảo vệ và phòng chống cây gãy đổ trong mùa mưa bão, ông Mạnh cho biết: “Thời gian qua, Công ty đã kiểm tra, chặt tỉa cành và đốn hạ cây sâu mục. Tuy nhiên, với Thủ đô Hà Nội- nơi có khí hậu cận nhiệt đới ẩm, mùa hè nóng, mưa nhiều, việc cây bị gãy đổ trong mùa mưa là điều khó tránh khỏi. Do vậy, số lượng cây bị đổ có tăng lên hay không còn phụ thuộc vào các diễn biến của thời tiết.”
Lý giải cho thực tế trên, ông Mạnh cho rằng khi mưa lớn, đất nền yếu, gần đây lại thêm việc chặt rễ cây khi thi công công trình ngầm đã làm giảm độ vững chắc của cây, nên khi có gió giật cây rất dễ đổ. Ngoài ra, hiện tượng cây nghiêng làm tán mất cân bằng cũng tạo áp lực dễ đổ. Thực tế những năm trước, hiện tượng cây đè lên xe cộ, nhà, khiến nhiều người bị thương vong đã xảy ra.
Đặt câu hỏi ai sẽ chịu trách nhiệm về thiệt hại trên, ông Mạnh cho biết: “Cho đến thời điểm này vẫn chưa có một quy định cụ thể nào về trách nhiệm của Công ty công viên cây xanh đối với những trường hợp cây đổ, cành gãy do bất khả kháng, hay thiên tai đối với người và phương tiện lưu thông trên đường phố. Bên cạnh đó, hiện nay, hầu hết những trường hợp bị cây xanh đổ gây thiệt hại vẫn được coi là những trường hợp không may, thiệt hại do thiên tai.”
Tuy nhiên, ông Mạnh cũng khẳng định, Công ty đã kiến nghị với thành phố cho phép đơn vị này mua bảo hiểm cho cây, hoặc được tính quỹ dự phòng 2% trên tổng kinh phí cắt sửa, chặt hạ cây để giải quyết hỗ trợ những trường hợp (người không may gặp nạn) mà nguyên nhân do khách quan, bất khả kháng làm cho cây bị đổ, cành gãy gây thiệt hại cho người và tài sản.
"Theo tôi, việc mua bảo hiểm cho cây xanh là giải pháp rất cấp bách, nhưng đây vẫn chỉ là đề án chứ chưa được thực hiện. Dự kiến sau khi xây dựng xong dự thảo, công ty sẽ trình thành phố xem xét thông qua," ông Mạnh cho biết thêm.
Mặt khác, để chủ động đối phó với cây đổ mùa mưa bão, vị Phó phòng Kế hoạch Tổng hợp, Công ty công viên cây xanh cũng cho rằng phương châm của đơn vị vẫn là chủ động phòng chống, hạ tán đồng thời sớm phát hiện cây sâu mục để chặt hạ sớm.
Công tác thông đường ngay sau khi cây xanh bị gãy đổ. (Ảnh: Vietnam+)
Theo đó, dự kiến trong năm 2013, Công ty công viên cây xanh sẽ tiến hành cắt sửa 3.000 đến 4.000 cây, chặt hạ khoảng 500 đến 1.000 cây, trong đó tập trung nhiều nhất tại 2 tuyến đường là Phạm Văn Đồng (gần 1.000 cây) và Đại Cổ Việt (gần 100 cây).
“Việc cắt sửa cây tập trung vào cây có đường kính và chiều cao lớn, với phương thức là hạ thấp độ cao với cây có chiều cao lớn, cây nặng tán, cây mọc lệch tán thì cắt tỉa. Cùng với đó là sớm phát hiện cành cây khô vì đây là đối tượng gây nguy hiểm bất ngờ, nhất là khi có mưa gió lớn,” ông Mạnh nói.
Bên cạnh đó, Công ty công viên cây xanh sẽ báo cáo với thành phố về phương án tổ chức giải tỏa quy mô 300 cây bị đổ trên các tuyến phố sau một trận bão lớn với mục tiêu hàng đầu như ưu tiên giải quyết ngay các cây đổ trong tình trạng gây nguy hiểm, đe dọa đến tài sản, tính mạng con người; giải tỏa các cây đổ ra đường gây cản trở giao thông, đảm bảo chậm nhất sau 8 giờ phải thông đường.
Để hạn tránh những thiệt hại về người và của, ông Mạnh cũng khuyến nghị, trong thời tiết mưa gió, hoặc xảy ra giông bão, người dân thành phố nên hạn chế đi ra đường, cũng như không đứng dưới các gốc cây.
Cùng với đó, khi phát hiện cây bóng mát bị chết, sâu mục, nghiêng, cây bị xâm hại; cành cây bị chết khô, gãy treo… người dân và chính quyền địa phương thông báo ngay cho Công ty công viên cây xanh theo số điện thoại (24/24 giờ): 04.39764540 hoặc 3.8237114. Trong giờ hành chính: 04.38228133 hoặc 04.38228136 để đơn vị này tiến hành khắc phục và xử lý./.
Hùng Võ (Vietnam+)
- Hệ quả thiếu quy hoạch
- Điện gió Việt Nam: Ba cái khó và bài học từ quốc gia đi trước
- Nhà bán theo giá Nghị định 61 vẫn ở tình trạng ế ẩm
- Nỗi buồn di sản
- Sức ép của các làng đô thị
- 6 dự án đủ sức đánh thức Thủ Thiêm
- Dẫu khó nhưng đừng bỏ Đường Lâm
- Kiếm sống từ dự án nghìn tỷ bỏ hoang
- Khảo cổ có cần quy hoạch?
- Hội chứng "bất động..."