Ashui.com

Tuesday
Nov 05th
Home Tương tác Góc nhìn Điện gió Việt Nam: Ba cái khó và bài học từ quốc gia đi trước

Điện gió Việt Nam: Ba cái khó và bài học từ quốc gia đi trước

Viết email In

Vừa qua, công trình điện gió Bạc Liêu đã hoàn thành giai đoạn 1 của dự án khi đưa điện lên lưới điện quốc gia từ mười tuabin điện gió có công suất 16MW. Sự kiện này khiến giới khoa học hồ hởi, người dân vui mừng vì tiềm năng được đánh giá là vô tận từ thiên nhiên nay đã được chuyển thành năng lượng phục vụ đời sống con người. Tuy nhiên, “thành công” của công trình điện gió Bạc Liêu cũng làm không ít người buồn thêm khi gợi nhớ đến những công trình điện gió được kỳ vọng trước đây.

 

Ba cái khó 

Việc sản xuất điện gió cũng tuân theo một quy luật thị trường cơ bản, chính là tính cân bằng giữa yếu tố cung và yếu tố cầu. Như vậy, với vai trò trung tâm, Nhà nước cần hướng vào hai đối tượng chính để có thể vận hành được những tuabin gió. Thứ nhất, Nhà nước cần xem xét và cân đối giá điện đối với người dân sử dụng. Giá điện gió quá cao có thể khiến người dân khó có khả năng sử dụng trong bối cảnh nhu cầu nguồn năng lượng ngày càng tăng nhưng việc sản xuất gặp nhiều khó khăn do tình trạng suy thoái kinh tế kéo dài. Bên cạnh đó, Nhà nước cũng cần đảm bảo quyền lợi của người sản xuất thông qua một lộ trình đưa điện gió tự sản xuất vào lưới điện quốc gia với mức giá đảm bảo lợi nhuận cho nhà đầu tư. 


Việc sản xuất điện gió cũng tuân theo một quy luật thị trường cơ bản, chính là tính cân bằng giữa yếu tố cung và yếu tố cầu (Ảnh: M.Phúc) 

Như vậy, để đảm bảo được quyền lợi của “ông bán – bà mua” thì Nhà nước cần phải có đủ nguồn lực, bao gồm ba yếu tố chính: i) nguồn vốn, ii) chính sách quản lý, thu hút nguồn lực, và iii) khả năng, kinh nghiệm quản lý hệ thống. Tuy nhiên hiện nay Việt Nam lại “quá khổ” với cả ba thách thức vừa nêu.

Việc đầu tư vào điện gió đòi hỏi nguồn vốn lớn và dài hạn. Trong bối cảnh kinh tế “nợ xấu” như hiện nay, vốn là yếu tố nhạy cảm và vẫn chưa được ưu tiên chuyển hướng sang ngành năng lượng xanh. Mặt khác, chính sách quản lý và thu hút nguồn lực của Việt Nam hiện nay còn nhiều bất cập. Nói về vấn đề chính sách, theo ông Preben Hjortlund, chủ tịch Eurocham: “Chính phủ vẫn tiếp tục thể hiện sự lưỡng lự đối với việc định giá theo thị trường tự do, trong một số ngành, như năng lượng, việc điều chỉnh giá vẫn cần sự phê duyệt (của cơ quan nhà nước)”. Dù hiện nay điện gió đã được ưu tiên mua giá cao hơn, tuy nhiên các nhà đầu tư dường như vẫn rụt rè do những rủi ro xung quanh vấn đề chính sách vẫn còn không ít, đặc biệt là vấn đề minh bạch trong lộ trình chuyển giao năng lượng. Cuối cùng, khả năng và kinh nghiệm quản lý hệ thống điện gió vẫn còn là thách thức khi hệ thống giáo dục ngành này còn khá hạn chế, các chương trình nâng cao quản lý ngành điện gió vẫn chưa được phổ biến nhiều nơi. 

Trước tình hình đó, giải pháp dường như vẫn là số một trong ưu tiên chính sách hiện nay với ngành điện gió vẫn là mô hình hợp tác công – tư (gọi tắt là PPP). Mô hình PPP thực tế đã được rất nhiều quốc gia áp dụng trong quá trình phát triển hạ tầng và xây dựng ngành công nghiệp lẫn dịch vụ, trong đó ngành năng lượng xanh là một trong những ưu tiên đầu tiên. Việc áp dụng PPP có thể phân tán gánh nặng về nguồn vốn, chia sẻ và giảm thiểu rủi ro đầu tư, tận dụng nguồn lực quản lí, tăng cường tính minh bạch trong chính sách… Từ đó mang về hiệu quả cao nhất. 
 

PPP nhìn từ cường quốc số 1 về điện gió 

Theo AFP, năm 2010 Đan Mạch trở thành cường quốc năng lượng gió số một thế giới khi sản lượng điện gió nước này chiếm 24% điện gió cả thế giới. Có khoảng 86% số người Đan Mạch coi năng lượng gió là ưu tiên số một trong các nguồn năng lượng tái tạo. Năng lượng gió không chỉ đáp ứng tiêu dùng mà còn góp phần thu về ngoại tệ cho nước này.

Để có được thành công đó, Đan Mạch đã bỏ không ít công sức: 40 năm nghiên cứu kiến thức tuabin gió, 20 năm tích luỹ kinh nghiệm năng lượng gió, toàn cầu hoá và hoàn thành chuỗi giá trị năng lượng gió, thường xuyên giám sát, kiểm tra toàn diện cơ sở máy móc thiết bị…

Chính phủ và Quốc hội Đan Mạch đã có những thoả thuận nhằm kết nối “công – tư” vào các dự án công viên gió. Trước hết, các hộ gia đình được miễn thuế trong việc sản xuất điện gió cho gia đình sử dụng hoặc các vùng lân cận. Từ đó, hình thức hợp tác xã tuabin gió ở các địa phương trở nên rất phổ biến tại quốc gia này, chiếm 1/4 số lượng trang trại tuabin gió cả nước. Đặc biệt, để dễ dàng trong việc đầu tư và quản lý, Đan Mạch chú trọng phát triển các trang trại tuabin gió nhỏ lẻ (tối đa ba tuabin một cụm) thay vì xây dựng phát triển các trang trại tuabin gió lớn.

Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là các trang trại lớn không được khuyến khích. Với dạng này, Đan Mạch không chỉ dùng mô hình hợp tác xã mà còn cho phép, kêu gọi thêm các công ty tiện ích khác tham gia cùng. Điển hình như trang trại gió biển Middelgrunden với 20 tuabin (là trang trại gió lớn nhất thế giới tại thời điểm nó được xây dựng năm 2000) có 50% vốn thuộc sở hữu của 10.000 nhà đầu tư trong hợp tác xã, và 50% từ các công ty tiện ích lớn.

Trong quá trình thực hiện, Đan Mạch liên tục hoàn thiện hệ thống pháp lý của quốc gia trong lĩnh vực điện gió. Năm 1978, Đan Mạch thành công khi ban hành luật cho phép các nhà đầu tư tư nhân bán điện gió được sản xuất cho lưới điện quốc gia. Tiếp sau đó là các gói hỗ trợ 30% cho việc lắp đặt sản xuất năng lượng gió, cũng như luật hỗ trợ giá bán điện cho nhà sản xuất. Đồng thời, nhà nước ban hành luật cư trú, luật cổ phần… khi cá nhân có nhu cầu tham gia hợp tác đầu tư sản xuất điện gió ở các khu vực. Nhà đầu tư sản xuất tại Đan Mạch nhận được ba yếu tố thuận lợi: quyền được kết nối với lưới điện quốc gia, các nghĩa vụ của các cơ quan thu mua điện gió và người sản xuất được nhận một mức giá ưu đãi, công bằng./. 

Đỗ Thiện (SGTT)


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo