Tiến sĩ Nguyễn Hồng Kiên - người phụ trách khai quật di tích Đàn Xã Tắc - đặt câu hỏi làm chủ đề của buổi tọa đàm sáng 8/5 tại Hà Nội: “Đàn Xã Tắc Thăng Long có đáng được bảo tồn hay không?”.
Có nhiều tranh luận với ông Kiên, trong đó một số nhà khoa học cho rằng Đàn Xã Tắc hiện không quá quan trọng như người ta vẫn nghĩ và không cần được bảo tồn quá mức.
Sẽ kiện đến cùng
Tiến sĩ Nguyễn Hồng Kiên cho biết, trong quá trình khai quật đã tìm thấy di tích của các tầng văn hóa khác nhau, cổ nhất là tầng văn hóa thời Phùng Nguyên cách nay 3.500 năm, rồi đến các dấu vết văn hóa thời Bắc thuộc, thời Lý, Trần, Lê. Ông đã tìm thấy các viên gạch thời Trần, thời Lý, hay trong các vò thu được có di tích của lúa nếp, là chứng lý đây là nơi dâng nông phẩm lên thần mùa màng.
So sánh bản đồ quy hoạch giao thông với bản đồ khai quật, ông Kiên cho rằng, nếu đào trụ cầu vượt, mỗi hố trụ cầu phải từ 8 đến 10m mỗi chiều, thì sẽ cắm vào hố khai quật khảo cổ, chưa nói đến chiều sâu trụ cầu.
Bên lề tọa đàm, ông Kiên cho biết thêm, từ năm 2006, Chủ tịch UBND TP.Hà Nội lúc đó là ông Nguyễn Quốc Triệu đã đồng ý để lại đảo giao thông đủ lớn để khai quật, mở đường vòng sang hai bên.
Về quy hoạch lần này, ông Kiên cho rằng, ngành giao thông đã tự làm khó mình khi hình thành một ngã tư mới ngay cạnh một ngã năm đã có: “Tôi nói với bên giao thông, các anh tự làm tắc đường chứ đừng đổ là Đàn Xã Tắc. Khoảng cách từ tâm ngã tư mới đến tâm ngã năm Ô Chợ Dừa là bao nhiêu? - dứt khoát không thể giải quyết về mặt giao thông như thế được”. Ông Kiên cho rằng tốt nhất là đồng nhất ngã năm Ô Chợ Dừa với ngã tư mới mở, giải tỏa tiếp, mở ra một đảo giao thông, một vòng xoáy chung”.
Ông Kiên gay gắt, khu khai quật Đàn Xã Tắc đã được xếp hạng di tích, thì việc làm cầu vượt qua đây là vi phạm Luật Di sản và ông sẽ kiện đến cùng nếu cầu cứ được xây dựng.
Không gay gắt như người chủ trì khai quật Đàn Xã Tắc, song nhà nghiên cứu Bùi Thiết với 30 năm bảo tồn di sản Thăng Long, cũng cho rằng vấn đề Đàn Xã Tắc là không nên bàn cãi, bảo vệ di tích không chỉ cái dưới đất mà còn cả không gian xung quanh. Mở cầu vượt là giết Đàn một cách nhanh chóng nhất” - ông Thiết nói. Ông Thiết cũng ủng hộ việc giải phóng tiếp về phía phố Nguyễn Lương Bằng để tạo thành một hình tròn, giữ lại di tích.
Đừng dọa dân
Quan điểm đối lập với tiến sĩ Nguyễn Hồng Kiên là ý kiến của ông Nguyễn Văn Hảo - nguyên Viện phó Viện Khảo cổ. Ông Hảo giữ nguyên ý kiến phát biểu từ năm 2007: 900m2 khai quật ở Ô Chợ Dừa chưa có đặc trưng nào của Đàn Xã Tắc. Di tích dựng đàn chung chung, hiện giờ nhà cửa công trình đã phủ kín. Ông cho rằng chưa xác định được đây là Đàn Xã Tắc mà vẫn bắt phải bảo vệ là điều vô lý. Ông Hảo đề xuất đào các hố thám sát, mỗi hố chừng 2m2 trải dài theo thân cầu, chủ yếu ở chỗ trụ cầu xem có tìm được các dấu vết xác định đây là di tích quan trọng không.
Có mặt ở cuộc tọa đàm còn có ông Bùi Danh Liên - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội, đơn vị đã có đề xuất phá Đàn Xã Tắc xây cầu vượt với một số ngôn từ gây tranh cãi. Ông Liên “nhắc nhở” các nhà khoa học: “Phải bảo tồn những gì là di tích của Đàn, nhưng những gì còn ước lượng thì cần tìm hiểu thêm rồi hãy công bố, tránh làm dân hoang mang”. Ông nhắc lại: “Các nhà khoa học đừng dọa dân bằng những phát biểu kiểu như “Đi trên cầu vượt là đi trên bàn thờ tổ tiên”, hay “mất Đàn Xã Tắc là mất nước”.
- Ảnh bên: Tiến sĩ Nguyễn Hồng Kiên (trái) trao đổi với Chủ tịch Hiệp hội Giao thông Vận tải Hà Nội Nguyễn Danh Liên (phải).
Bình tĩnh hơn, nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Hùng Vỹ cho biết, thư tịch cổ ghi có thể có tới 5 Đàn Xã Tắc ở Hà Nội, trong đó đàn ở phố Hồng Mai ngày nay (làng Yên Lãng xưa) là quan trọng nhất. Vì vậy ông Vỹ đồng ý bảo vệ di tịch đào được ở Ô Chợ Dừa, nhưng di tích đến đâu bảo vệ đến đó và chỉ với tư cách là một di tích khảo cổ học, chứ không phải một di tích đặc biệt quan trọng.
Nhà nghiên cứu Trần Thị Kim Anh (Viện Nghiên cứu Hán Nôm) cũng dẫn thư tịch cổ cho thấy, Đàn Xã Tắc không quá quan trọng như người ta gán cho nó và không phải do vua, mà chỉ là quan đến tế. Bà Kim Anh cho rằng, ở Việt Nam quan trọng nhất là đàn Nam Giao (tế trời), chứ không phải Đàn Xã Tắc (tế đất). Có một điều mà các nhà khoa học tham gia tọa đàm đều đồng ý, trong chữ “Đàn Xã Tắc”, thì “Xã Tắc” ở đây không mang ý nghĩa non sông đất nước như ngày nay chúng ta hiểu, mà là đàn thờ thần đất (Xã) và thần mùa màng (Tắc).
Cuối cùng, câu chuyện “Có đáng bảo tồn Đàn Xã Tắc hay không?” chưa thể trả lời ở buổi hội thảo này. Song, có một chuyện về bảo tồn ở xứ người của tiến sĩ Nguyễn Tô Lan (Viện Nghiên cứu Hán Nôm) mà chúng ta có thể tham khảo: Ở phố đi bộ tại Quảng Châu (Trung Quốc), dưới lòng đất là tường thành thời Tống.
Người Trung Quốc đã đào rộng hai bên tường, xây dựng bảo tàng, ốp mặt kính chịu lực lên trên làm trục của phố đi bộ, mặt kính rộng chừng 1,5m và kéo dài hết phố. Ở dưới, tường thành thời Tống, có chỗ chỉ vài viên gạch, có chỗ là một đoạn tường thành, có chỗ lộ gạch thời Tống, thời Hán, kết hợp với hình ảnh như bản đồ cổ, ảnh chụp, chiếu đèn... Và nơi này trở thành khu du lịch nổi tiếng mà du khách không thể không tới thăm khi đến Quảng Châu.
Mỹ Hằng
- Đối mặt với "hội chứng" làng cổ
- Thành phố cần nhiều nụ cười
- Ngôi nhà cổ nhất Sài Gòn
- Lại chuyện ứng xử với di sản
- Người dân Đường Lâm muốn trả danh hiệu, cũng không được
- Cứu gạo hay cứu đất?
- Làng cổ trong cơn lốc đô thị hóa
- Những ngôi nhà tre Việt Nam nổi tiếng thế giới
- Tiếc cho Đà Lạt
- Thành phố Hồ Chí Minh, sức bật từ hạ tầng giao thông