Thời gian qua, với quyết tâm cao TPHCM đã huy động bằng nhiều hình thức đầu tư các công trình giao thông quan trọng góp phần đưa hạ tầng giao thông ngang tầm khu vực.
Những cung đường mang nhiều trọng trách
Xa lộ Hà Nội là tuyến cửa ngõ phía Đông TPHCM. Với vị trí quan trọng kết nối giao thông với các tỉnh miền Đông Nam bộ, thành phố xác định là tuyến đường quan trọng chiến lược đã và đang tập trung mở rộng, nâng cấp với 16 làn xe riêng biệt. Hiện nay, từ cầu Sài Gòn đến ngã tư Thủ Đức đã nâng cấp hoàn chỉnh giao thông thông thoáng thấy rõ. Tình trạng ùn tắc và tai nạn giao thông hầu như hiếm khi xảy ra, các loại phương tiện lưu thông trật tự và nề nếp chứ không như lúc chưa mở rộng. Điều nhận thấy rõ nhất tuyến đường hiện đại như các đại lộ nước ngoài nhờ công trình cầu vượt Cát Lái, cầu Rạch Chiếc đã giải quyết dứt điểm tình trạng lưu thông nhiều chiều hỗn hợp rất phức tạp tại đây.
- Ảnh bên: Một góc thành phố Hồ Chí Minh (Ảnh: Cao Thăng)
Đường Vành đai 2 có ý nghĩa hết sức quan trọng trong công tác hạn chế xe tải vào nội TP cũng như chống ùn tắc giao thông từ xa. Vành đai 2 bao gồm các tuyến đường: Quốc lộ 1 đoạn từ nút giao thông Gò Dưa chạy qua các nút giao thông An Sương, An Lạc đến khu vực đường Hồ Ngọc Lãm rồi tiếp tục với đường Nguyễn Văn Linh, cầu Phú Mỹ và cuối cùng là đường mới nối với nút giao thông Gò Dưa. Trong tất cả các tuyến đường khép lại thành Vành đai 2 nêu trên, đảm bảo yêu cầu giao thông. Theo Sở GTVT, TPHCM sẽ huy động mọi thành phần kinh tế quyết tâm đến năm 2015, toàn tuyến Vành đai 2 phải được khép kín và hoàn thiện. Theo ước tính của sở, để hoàn thiện Vành đai 2 thành phố phải đầu tư thêm 14.000 tỷ đồng. Đây là một trong những mục tiêu quan trọng của ngành giao thông nói riêng và TPHCM nói chung trong việc thực hiện chương trình chống ùn tắc giao thông mà nghị quyết của Đại hội Đảng bộ TP (giai đoạn 2011 - 2015) đã đề ra. Vành đai 2 hoàn thành sẽ là cơ sở quan trọng để thành phố tổ chức lại giao thông theo hướng hạn chế xe ô tô, đặc biệt là ô tô tải vào nội thành và buộc phải đi theo Vành đai 2.
Nhằm giảm áp lực giao thông cho các quận Tân Bình, Phú Nhuận, Gò Vấp, thậm chí các trục đường vào quận trung tâm như Nam Kỳ Khởi Nghĩa - Nguyễn Văn Trỗi, Hoàng Văn Thụ, Phan Đăng Lưu… cần phải có tuyến đường huyết mạch, góp phần giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông cho các khu vực trên. Chính vì thế trục đường Tân Sơn Nhất - Bình Lợi - Vành đai ngoài ra đời.
- Ảnh bên: Cầu Rạch Chiếc mới giúp giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông cửa ngõ vào thành phố (Ảnh: Phạm Kim Ngân)
Gấp rút về đích
Riêng về các công trình giao thông trọng điểm và cấp bách, trên công trường đơn vị thi công làm việc 24/24 giờ bất kể ngày lễ. Đơn cử trên công trình cầu vượt bằng thép 3 Tháng 2 - Nguyễn Tri Phương, vòng xoay Cây Gõ (quận 6, 11) tranh thủ người dân nghỉ lễ, đơn vị thi công tung hết quân số để thi công khẩn trương các hạng mục nhồi cọc nhằm trả lại diện tích mặt đường trước khi người dân quay lại làm việc. Vì đây là công đoạn chiếm dụng diện tích mặt đường nhiều nhất. Đây là một nút giao quan trọng cửa ngõ phía Tây TP hàng ngày có mật độ xe lưu thông qua lại rất lớn từ các tỉnh miền Tây đi vào TP cũng như về các tỉnh miền Đông. Ùn tắc giao thông ở ngã tư này gây thiệt hại lớn về kinh tế. Giải quyết bài toán kẹt xe ở đây là mong muốn của chính quyền và nhân dân TP trong nhiều năm qua.
Một dự án quan trọng không kém là đường Tân Sơn Nhất - Bình Lợi - vành đai ngoài cũng đang gấp rút hoàn thiện một số đoạn để đưa vào sử dụng nhằm giảm tải ùn tắc giao thông khu vực này. Dự án được thiết kế với 12 làn xe, rộng 60m, tổng chiều dài 13,6km. Tuyến đường này bắt đầu từ sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất đi qua địa bàn các quận Tân Bình, Gò Vấp, Bình Thạnh sau đó băng qua sông Sài Gòn đến quận Thủ Đức kết nối vào QL1. Tính đến thời điểm hiện nay, đơn vị thi công đã triển khai xây dựng trên tổng chiều dài tuyến khoảng gần 10km tại các khu vực quận Gò Vấp, Bình Thạnh với các hạng mục công trình như thi công hệ thống thoát nước, thi công Rạch Lăng, hoàn thiện cầu Bình Lợi, cầu Gò Dưa... Theo tiến độ hiện nay, đoạn từ đường Nguyễn Thái Sơn đến nút giao Bình Triệu (dài 4,4km) cơ bản đã hoàn thành phần đường. Do áp lực giao thông cao đoạn này sẽ thông xe vào thời gian sớm nhất có thể, hiện tại nhà thầu tiến hành hoàn chỉnh mặt đường bằng bê tông nhựa. Còn đoạn từ nút giao Bình Triệu đến cuối tuyến, do gặp nền đất yếu, túi bùn sâu có nơi đến 2m cần nhiều thời gian xử lý nên có thể thông xe vào cuối năm nay.
Theo quy hoạch phát triển giao thông vận tải (GTVT) TPHCM đến năm 2020 tầm nhìn đến năm 2030, đường Vành đai 2 có tổng chiều dài hơn 69km với nhiều đoạn có lộ giới lên tới 120m. Tuy nhiên, Sở GTVT TPHCM cho biết, hiện mới có 54km được xây dựng với nhiều đoạn chưa được mở rộng ra đúng với lộ giới. |
Chủ tịch UBND TPHCM Lê Hoàng Quân từng nhấn mạnh khi kiểm tra tiến độ dự án, sau khi hoàn thành đảm nhận khoảng 40% - 60% lưu lượng xe cộ, giữ vai trò lớn trong việc giảm tình trạng tắc nghẽn giao thông khu vực quận Tân Bình, Gò Vấp, Thủ Đức... Hạng mục nào thuộc dự án Tân Sơn Nhất - Bình Lợi - vành đai ngoài xong đưa ngay vào sử dụng để giải tỏa tình trạng ùn tắc, kẹt xe ở cửa ngõ Đông Bắc TP. Tuyến đường Tân Sơn Nhất - Bình Lợi - vành đai ngoài tại TPHCM là một phần của đường vành đai số 1 và là một trong 4 đường vành đai theo quy hoạch giao thông của TPHCM đến năm 2020. Thời gian tới TP quyết tâm kết nối hệ thống đường cao tốc, vành đai ngoài, vành đai 2 và các tuyến giao thông quan trọng khác tạo thành mạng lưới giao thông liên hoàn./.
Quốc Hùng
- Đàn Xã Tắc: "tắc" vì lòng vòng
- Cứu gạo hay cứu đất?
- Làng cổ trong cơn lốc đô thị hóa
- Những ngôi nhà tre Việt Nam nổi tiếng thế giới
- Tiếc cho Đà Lạt
- Sài Gòn, con tàu chở đầy hy vọng
- Khi chính quyền và doanh nghiệp chung một cuộc chơi
- Góc nhìn thú vị về sự khác biệt giữa Hà Nội và Sài Gòn
- Chính quyền đô thị: nói thế nào cho dễ hiểu?
- Làng xã - cá nhân trong các giai tầng