Cụm từ “chính quyền đô thị” được nhắc đến nhiều trong thời gian gần đây. Tuy nhiên, hiểu thế nào cho dễ và người dân sẽ được lợi gì từ mô hình này thì nhiều người chưa rõ.
TS Võ Trí Hảo, một chuyên gia về luật Hiến pháp đang công tác khoa Luật kinh tế (đại học Kinh tế TP.HCM), người đã dành nhiều thời gian nghiên cứu về chính quyền đô thị nước ngoài trong thời gian ông du học tại Hoa Kỳ và Cộng hoà liên bang Đức giải thích: “Nói một cách dễ hiểu, chính quyền đô thị là một thuật ngữ để chỉ một mô hình chính quyền địa phương thành lập ở các đô thị, dùng để phân biệt với mô hình chính quyền nông thôn.
Đô thị có những đặc thù khác với nông thôn, do đó việc phân cấp, tổ chức và quản lý cũng khác (Ảnh: L.H.T)
Xuất phát từ đặc thù về quản lý nhà nước ở vùng đô thị, chính quyền đô thị thường có hai đặc điểm khác biệt so với chính quyền nông thôn. Thứ nhất, được tổ chức rút gọn một số cấp chính quyền. Đặc điểm này xuất phát từ thực tế đường kính các đô thị thường bé hơn đường kính các đơn vị hành chính cùng cấp ở vùng nông thôn. Nên giảm bớt cấp chính quyền, nhưng vẫn bảo đảm khoảng cách “nhân dân – chính quyền“ không quá xa về mặt không gian.
Mô hình hai cấp phù hợp với TP.HCM Mô hình hai cấp mà TP.HCM từng đề xuất, theo tôi, là phù hợp nhất cho thành phố cũng như cho năm đô thị lớn khác trong cả nước. Việc giảm từ ba xuống còn hai cấp chính quyền địa phương sẽ rút ngắn đáng kể khoảng cách giữa dân và chính quyền cấp thành phố; rút ngắn đường đi của các văn bản chỉ đạo. Việc giảm bớt cấp quản lý còn giúp việc phân cấp phân quyền rõ ràng dễ thành hiện thực hơn. Ngoài ra, nó còn tạo cơ sở cho cắt giảm chi phí quản lý. Nên nhớ rằng ở Việt Nam khi cắt được một cấp chính quyền thì không chỉ tiết kiệm biên chế của UBND, HĐND mà còn giảm nhiều biên chế của các tổ chức chính trị – xã hội kèm theo. |
Thứ hai, người đứng đầu chính quyền đô thị do dân bầu trực tiếp hay nói cách khác bộ máy chính quyền được tổ chức theo mô hình thị trưởng. Điều này xuất phát từ thực tế, trình độ dân trí ở các đô thị cao hơn vùng nông thôn, hoàn toàn có khả năng chọn đúng người. Mặt khác, ở các đô thị thường có nhiều vấn đề phức tạp về an ninh, môi trường... nên đòi hỏi một người đứng đầu chính quyền chịu trách nhiệm trước dân cao hơn, đòi hỏi được dân bầu trực tiếp, chịu trách nhiệm trực tiếp và bị phế truất trực tiếp bởi lá phiếu của người dân. Tuy nhiên, ở các nước phát triển, dân trí cao, thì đặc điểm thứ hai này được mở rộng áp dụng cả với vùng nông thôn.
Trao đổi xung quanh ba phương án xây dựng chính quyền đô thị mà bộ Nội vụ vừa đề xuất, ông Hảo cho rằng phương án 1 (không tổ chức HĐND huyện – quận – phường trong cả nước, đồng thời khắc phục những hạn chế trong việc thí điểm không tổ chức HĐND huyện – quận – phường hiện nay – PV) có thể chấp nhận được nhưng nên có điều chỉnh lại là để dân bầu trực tiếp chủ tịch UBND (chứ hiện nay chưa nêu rõ UBND sẽ do ai bầu) thay vì bổ nhiệm từ trên.
Về phương án 2 (không tổ chức HĐND ở tất cả các đơn vị hành chính trực thuộc đô thị), ông Hảo cho rằng HĐND cấp thành phố trực thuộc Trung ương và cấp tỉnh nên giữ lại. “HĐND cấp tỉnh, thành phố thực tế vẫn thực hiện chức năng lập quy dù còn hạn chế và chức năng này ngày càng cần thiết, khi chúng ta đẩy mạnh việc phân cấp phân quyền”, ông nói.
Đối với phương án 3 (tổ chức chính quyền đô thị theo mô hình thị trưởng), tức thiết lập cơ quan hành chính đô thị ở địa bàn thành phố trực thuộc Trung ương và thành phố, thị xã thuộc tỉnh là toà thị chính, đứng đầu toà thị chính là thị trưởng, ông Hảo cho rằng phương án này mang tính khả thi cao.
Trả lời câu hỏi việc giảm bớt cấp quản lý liệu có tạo ra bất cập gì không, ông Hảo cho biết: “Vấn đề này có hai mặt. Khi giảm bớt cấp chính quyền, có nghĩa thủ tục hành chính cũng sẽ được cắt giảm. Thủ tục hành chính được cắt giảm thì không chỉ mang lại tiết kiệm ngân sách, mà về phía công dân sẽ mang lại lợi ích rất lớn. Tuy nhiên, đây cũng chính là điểm gây quan ngại cho chính quyền Trung ương, bởi nó tạo ra áp lực buộc thay đổi thói quen. Với chính quyền được tổ chức rập khuôn như hiện nay, các cơ quan ban hành văn bản pháp luật của Trung ương chỉ phải soạn thảo một phương án duy nhất; nhưng nếu theo phương án của TP.HCM, họ phải soạn thảo đồng thời ít nhất hai phương án: phương án cho chính quyền địa phương ba cấp và phương án cho chính quyền địa phương hai cấp. Điều này tạo ra một khối lượng công việc không nhỏ, nhất là khi ở Việt Nam hàng tháng số lượng nghị định, thông tư ban hành rất nhiều.
Cho rằng phương án chính quyền đô thị theo kiểu thị trưởng do dân bầu trực tiếp sẽ rất tốt cho người dân, ông Hảo giải thích: “Nếu để dân bầu trực tiếp thị trưởng thay vì HĐND bầu ra UBND như bây giờ, thị trưởng sẽ gắn bó với dân hơn, trách nhiệm phải cao hơn, vì nếu dân phật lòng là mất ghế ngay chứ không cần phải chờ đến lúc có bằng chứng vi phạm pháp luật như hiện nay. Song song với trách nhiệm ấy, mô hình thị trưởng sẽ tạo cho người đảm đương trọng trách ấy vị thế chính trị vững chắc, có quyền lớn hơn, được lựa chọn êkíp làm việc, chẳng hạn lựa chọn các phó thị trưởng, các giám đốc sở... Điều đó cho phép thị trưởng có công cụ cần thiết để hoàn thành tốt công việc của mình. “Theo tôi, không chỉ thị trưởng thành phố trực thuộc Trung ương mà thị trưởng thành phố vệ tinh cũng nên để dân bầu trực tiếp. Đặc biệt, với trình độ dân trí ở các đô thị lớn hiện nay, nhân dân hoàn toàn đủ sáng suốt bầu trực tiếp thị trưởng mà không cần phải chờ HĐND chọn thay cho mình.”, ông Hảo nói.
Đoàn Quý (ghi)
TP.HCM thành lập phòng Xây dựng chính quyền đô thịChủ tịch UBND TP.HCM Lê Hoàng Quân vừa chỉ đạo sở Nội vụ xúc tiến việc thành lập phòng Xây dựng chính quyền đô thị trực thuộc sở. Nhiệm vụ của phòng là nghiên cứu, tham mưu cho ban chỉ đạo triển khai đề án Chính quyền đô thị của thành phố. UBND TP.HCM cũng giao sở Nội vụ rà soát, cập nhật và hệ thống hoá toàn bộ quá trình, kết quả thực hiện và lập hồ sơ liên quan đến đề án Chính quyền đô thị từ giai đoạn chuẩn bị thực hiện cho đến nay. |
- Tiếc cho Đà Lạt
- Thành phố Hồ Chí Minh, sức bật từ hạ tầng giao thông
- Sài Gòn, con tàu chở đầy hy vọng
- Khi chính quyền và doanh nghiệp chung một cuộc chơi
- Góc nhìn thú vị về sự khác biệt giữa Hà Nội và Sài Gòn
- Làng xã - cá nhân trong các giai tầng
- Mặt tiền
- Phát triển giao thông khác mức - Lối thoát tất yếu cho đô thị
- Làng xã - cộng đồng và cá nhân
- Chùa Cò nay về đâu...