Ashui.com

Sunday
Nov 03rd
Home Tin tức Việt Nam Hội nghị tham gia ý kiến phương án thiết kế nút giao thông Ô Chợ Dừa

Hội nghị tham gia ý kiến phương án thiết kế nút giao thông Ô Chợ Dừa

Viết email In

Hội nghị bàn về cầu vượt qua khu vực đàn Xã Tắc chiều qua 5/6 tại Hà Nội có nhiều nhà chuyên môn đến dự và góp ý kiến: lịch sử, khảo cổ, đô thị, cầu đường, xây dựng, giao thông, xã hội học...  

Xung đột dư luận - loại xung đột dễ gây băn khoăn nhất - như ông Dương Trung Quốc, Tổng thư ký Hội Khoa học lịch sử VN nói đến, chính là ồn ào sợ biểu tượng đàn Xã Tắc bị xâm hại nếu cầu vượt được xây qua đó. Nhiều tháng ròng từ khi các nhà sử học lên tiếng, giờ Hà Nội mới có một hội nghị chính thức để nghe họ phát biểu. TP cũng mời thêm nhiều nhà chuyên môn ở các ngành khác. “Nếu trước đây Hà Nội có một hội nghị tương tự thế này, thậm chí không cần quy mô thế này, thì chắc chắn xung đột dư luận đã không xảy ra”, ông Quốc nói.  

Nhưng cũng ngay tại hội nghị này, không phải chuyên gia nào cũng vào cuộc trong vai trò được mong đợi. GS Lưu Trần Tiêu, Chủ tịch Hội Di sản khi tham gia góp ý kiến đã xác định rõ mình chỉ nói với tư cách cá nhân. Lý do bởi ông mới chỉ nhận được tài liệu trước đó rất gấp. “Hà Nội nên tăng cường hơn mối liên hệ với các hội nghề nghiệp. Với tiềm năng lớn của Hà Nội, tôi rất ngạc nhiên sao đến bây giờ Hội Di sản vẫn ngoài cuộc”, ông Quốc nói. 

Câu hỏi về sự liên kết các nguồn lực này, trong hội nghị, đã không chỉ đặt riêng cho Hà Nội. Nó cũng được đặt cho Bộ VH-TT-DL, đơn vị quản lý cả Sở VH-TT-DL Hà Nội lẫn Cục Di sản. Bởi cả Cục lẫn Sở đều không tham vấn thêm các nhà chuyên môn để xác định vấn đề xung quanh đàn Xã Tắc. “Tôi cũng có điện thoại lưu ý Cục trưởng Cục Di sản về chuyện này”, GS Phan Huy Lê, Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử VN cho biết.

Có lẽ lời lưu ý này chưa được quan tâm đúng mức, nên sau đó, theo GS Lê, Cục Di sản, Bộ VH-TT-DL đã cho thỏa thuận phương án xây dựng có ảnh hưởng đến di tích đàn Xã Tắc. “Tôi đã cảnh báo trước, tôi không hiểu vì sao Bộ lại thỏa thuận như vậy. Có phương án có chân cầu trùng vào khu vực cốt lõi. Còn có cả hai cột trúng một hố khai quật. Nếu đào lên sẽ biết ngay lập tức. Cần phải đình chỉ thỏa thuận”. 


Hố khai quật khảo cổ tại Ô Chợ Dừa, nơi được xác định là đàn Xã Tắc (Ảnh: Ngữ Thiên) 

Ngoài di sản, còn góc nhìn khác 

"Nếu trước đây Hà Nội có một hội nghị tương tự thế này, thậm chí không cần quy mô thế này, thì chắc chắn xung đột dư luận đã không xảy ra." 

Dựa trên cơ sở giữ gìn di tích, GS Lê phát biểu trực tiếp vào 6 phương án mà Sở Giao thông vận tải đưa ra. Theo ông, phương án 1 và 2 dứt khoát đã xâm phạm di tích. Nó thậm chí còn xâm hại thẳng vào vùng cốt lõi của Xã Đàn. “Tôi nói ai ký tên vào phương án này chắc chắn vi phạm luật Di sản”, ông nói. 

Hai phương án 3-4 theo GS Lê về cơ bản không động chạm đến đàn Xã Tắc. Trong trường hợp đào lên gặp di tích, các nhà khảo cổ sẽ lập hồ sơ. Phương án 5 làm hầm ngầm sẽ rất tốt nếu hầm ngầm không được đào lộ thiên vì nếu đào như vậy sẽ tan hoang. Chỉ có điều nó rất tốn kém. Phương án 6 cũng không ảnh hưởng di sản. “Giữa các phương án không vi phạm khu di sản, chúng ta nhìn nhiều góc độ. Còn cần nhiều góc độ khác”, ông nói.

Những góc độ khác này cũng lần lượt được các nhà khoa học ở nhiều ngành khác nhìn nhận. 

Ông Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam, cho rằng: “Hiện nay đây là khu vực xấu nhất thủ đô, cả kiến trúc lẫn quảng cáo đều xấu. Phải có cuộc thi và kiến trúc sư phải có ý kiến để có kiến trúc phù hợp với cầu, với xung quanh. Vẫn phải có giao thông điều tiết bằng đèn. Cái này cũng cần có nghiên cứu cụ thể”.

Ông Trần Ngọc Long, Chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật cầu đường, lưu ý: “Cần tìm ra đường cong hài hòa cho cây cầu, đảm bảo an toàn giao thông. Cũng cần tạo sự trang nghiêm cùng cảnh quan đàn Xã Tắc sau này sẽ được tôn tạo”.

GS Nguyễn Lân, Tổng thư ký Hiệp hội Đô thị Việt Nam, đề nghị tiếp tục hoàn thiện các phương án 3-4. Rõ ràng, nếu được góp ý, các chuyên gia lên tiếng rất nhiệt tình. Đó là điều nếu không có ồn ào vừa qua, có thể Hà Nội sẽ bỏ lỡ. Theo ông Dương Trung Quốc, cảm giác là đã tìm được đồng thuận. Không có chuyện tắc Xã Đàn nữa.

“Mỗi một chuyên môn có một lợi ích. Bên giao thông cần thông đường, bên lịch sử cần bảo tồn... Chính vì thế phải xem lại bài học hài hòa, cần tranh thủ tư vấn. Nếu tranh thủ trước thì mọi quyết định đều có sự đồng thuận cao”, ông Quốc nói về bài học thân dân, lắng nghe dân, lắng nghe chuyên gia... 


Phối cảnh phương án 4 

Ông Nguyễn Thế Thảo, Chủ tịch UBND TP.Hà Nội, cho biết: “Thủ tướng chỉ đạo đàn Xã Tắc là một di tích quốc gia cần phải được bảo tồn tốt nhất, trong điều kiện của địa phương. Quan điểm của TP là kết hợp hài hòa quan điểm bảo tồn và phát triển. Qua đây các ý kiến đều thống nhất, nhiều chuyên gia chọn phương án 4. Còn một số ý kiến vẫn còn phân vân. 

Trên tinh thần này chúng ta lựa chọn phương án 3 và phương án 4, sau đó nghiên cứu thêm”. 
 

6 phương án

6 phương án được Sở Giao thông vận tải đưa ra trong hội nghị về việc giải quyết nút giao thông Ô Chợ Dừa khu vực đàn Xã Tắc. Trong đó, phương án cuối cùng được đưa ra trên cơ sở tiếp thu các ý kiến đóng góp. 

Phương án 1: Cầu vượt trực thông theo hướng đông tây, chia làm hai nhánh khi đi qua đảo giao thông, chiều dài cầu khoảng 750 m.

Phương án 2: Cầu vượt theo hướng đông tây, cầu lệch về phía bắc (đường Tôn Đức Thắng). Mép cầu chờm lên đảo lưu dấu đàn Xã Tắc.

Phương án 3: Cầu vượt theo hướng đông tây, lệch về phía nam (phía đường Nguyễn Lương Bằng).

Phương án 4: Cầu vượt theo hướng đông tây, lệch về phía nam. Xây dựng thêm nhánh rẽ từ Khâm Thiên.

Phương án 5: Hầm chui theo hướng đông tây - hầm đi ngầm dưới đàn Xã Tắc.

Phương án 6: Cầu vượt theo hướng bắc nam (Tôn Đức Thắng - Nguyễn Lương Bằng). 

Ý kiến

PGS-TS Tống Trung Tín, Viện trưởng Viện Khảo cổ: Cần chọn phương án bảo tồn

“Bản thân khu vực đàn Xã Tắc có 3 di tích chồng lên nhau. Chúng ta có đàn Xã Tắc, cũng có một làng cổ từ rất lâu đời, rồi cửa ô Trường Quảng. Gần sát là La Thành. Vì thế, khi lựa chọn phương án cần chọn phương án bảo tồn tốt nhất di tích”.

Ông Dương Trung Quốc, Tổng thư ký Hội Khoa học lịch sử VN: Làm gấp quy hoạch khảo cổ 

“Chúng ta tự hào là TP nghìn năm song nhu cầu phát triển ngày nay lớn hơn, cần có quy hoạch khảo cổ làm cơ sở, tạo sự đồng thuận. Luật Di sản đã quy định rõ địa phương phải thực hiện quy hoạch khảo cổ. Hà Nội nên làm gấp quy hoạch này để làm tiền đề tốt cho nhiều quy hoạch khác. Các nhà khảo cổ đã sẵn sàng”. 

 

Trinh Nguyễn 


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo