Vừa qua dư luận rất quan tâm đến việc Hà Nội quyết định xây cầu vượt qua Đàn Xã Tắc trong khi nhiều nhà sử học, nhà khảo cổ học phản đối vì lo ngại việc xây cầu vượt xâm phạm đến một di tích rất quan trọng của thủ đô, vi phạm Luật Di sản. Hội Lịch sử học Việt Nam cũng đã có thư gửi Thủ tướng về vấn đề này. Phóng viên đã trao đổi với nhà sử học, đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc để làm rõ thêm về băn khoăn này của dư luận.
Phóng viên: Thưa ông, nhìn lại vụ tranh luận về xây cầu vượt qua Đàn Xã Tắc của Hà Nội, rõ ràng có sự mâu thuẫn về 2 lợi ích: một bên muốn phát triển giao thông để đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân, một bên muốn bảo tồn di sản. Vậy theo ông, làm thế nào để hài hòa 2 lợi ích đều rất quan trọng này?
Ông Dương Trung Quốc (ảnh bên): - Việc giải quyết những vấn đề giao thông là nhu cầu chung của toàn dân, trong đó có các nhà sử học chúng tôi. Nhưng tại sao lại xảy ra xung đột về nhận thức trong vụ việc này, chính là trách nhiệm thuộc về UBND TP Hà Nội, đó là không thực thi luật đã quy định. Trước hết Luật Di sản đã quy định, thành phố phải chủ động tổ chức quy hoạch khảo cổ học, rõ ràng Hà Nội luôn tự hào là thành phố ngàn năm, và chúng ta đang phát triển nên không thể không thấy di sản là một yếu tố quan trọng. Giải quyết hài hòa giữa bảo tồn và phát triển sẽ thúc đẩy phát triển bền vững. Còn để xung đột xảy ra chúng ta sẽ phải hy sinh một trong 2 cái. Đương nhiên, trong tư duy của những nhà lãnh đạo hiện nay, họ nhìn vào hiện tại hơn là nhìn vào tương lai, đó là tầm nhìn có thể nói là hạn hẹp. Chúng tôi lo lắng có những quan điểm rất xa lạ về nhận thức di sản hiện nay. Ví dụ cho đó là di sản của phong kiến nên bỏ đi. Cơ quan chức năng của Hà Nội lại đùn đẩy trách nhiệm cho các nhà khảo cổ, nhà sử học trong khi quên mất quy định của luật pháp là thành phố phải đứng ra làm.
Nhìn vào di sản hiện nay chúng ta đang chứng kiến, phải thấy đã từng có những bài học tốt để giải quyết hài hòa mối quan hệ đó rồi. Bằng chứng khi chúng ta phát hiện dấu vết Đàn Xã Tắc, nhờ sự phối hợp với nhau, đã đưa ra giải pháp vẫn có con đường đi và vẫn dành một không gian mang tính chất tượng trưng; các nhà khảo cổ vẫn chấp nhận là chỉ khai quật một phần trong điều kiện cho phép, đồng thời xử lý nó theo cách lấp đi theo đúng quy định của nghiệp vụ với hy vọng một ngày nào đó, khi có đủ điều kiện chúng ta sẽ khai quật lại. Ở đây, tôi muốn nhắc lại câu chuyện của Seoul, Hàn Quốc. Seoul trước kia có một con sông cổ chạy giữa lòng thành phố, sau chiến tranh do nhu cầu phát triển, người ta tạm thời lấp con sông ấy đi nhưng với ý thức một ngày nào đó họ sẽ khôi phục, cho nên trong tất cả quá trình lấp sông, làm đường, họ xử lý với tất cả các yếu tố di sản. 30-40 năm sau, khi Seoul phát triển, họ lại khai quật con sông này lên, trở thành một đặc sản thắng cảnh của một thủ đô hiện đại. Cách nhìn như vậy, tôi cho rất hài hòa.
Hà Nội vẫn quyết định xây cầu vượt qua Đàn Xã Tắc, vậy giới sử học có nên ủng hộ thay vì tiếp tục phản ứng?
- Việc xây dựng tìm ra một giải pháp, ở đây là cầu vượt, đứng về mặt chuyên môn tôi không dám lạm bàn với các nhà kỹ thuật. Chúng tôi tôn trọng quyết định của TP Hà Nội, nhưng TP Hà Nội phải chịu trách nhiệm về việc đó.
Chúng tôi đang chờ đợi lãnh đạo TP Hà Nội sẽ thực thi như thế nào. Nhưng nếu chúng ta biết công khai sớm, chủ động trao đổi sớm, chắc chắn sẽ tìm được sự đồng thuận. Nhưng rõ ràng chỉ đến lúc để xảy ra xung đột về nhận thức, thậm chí đến ngày Chủ tịch UBND TP Hà Nội ký quyết định vẫn làm cầu vượt qua Đàn Xã Tắc, mới nói rằng phải trao đổi thêm với các chuyên gia. Lúc này ván đã đóng thuyền và tôi cho rằng làm như thế là không toàn diện.
Cầu vượt là một giải pháp tình huống, nó đã xử lý được một số trường hợp cụ thể ở Hà Nội, thực chất là xử lý sự tích tụ của một quá trình chúng ta không căn cơ, không có quy hoạch, tùy tiện. Một đường vành đai rất quan trọng như thế vẫn làm cầu vượt, cẩn thận không sẽ thành hội chứng cầu vượt, cứ phát triển tràn lan rồi chỗ nào tắc lại làm cầu vượt. Liệu đó có phải là một đô thị phát triển hiện đại không. Vì rõ ràng tắc đường có nhiều nguyên nhân, trong đó trước hết do quy hoạch, đã không tính toán được quy mô, xu thế phát triển, tràn lan những lợi ích cục bộ tạo nên. Còn nếu chúng ta bàn mọi giải pháp và cuối cùng phải chấp nhận thì sự chấp nhận đó phải có điều kiện, trong đó điều kiện bảo tồn hết sức quan trọng, vì nó là di tích quốc gia, được luật bảo hộ.
Không chỉ ở Hà Nội mà ở nhiều địa phương khác, khi xây dựng các công trình rất dễ động đến di sản. Vậy theo ông, từ vụ việc xây cầu vượt ở Đàn Xã Tắc, ở đây có thể rút ra bài học chung nào?
- Giới sử học, khảo cổ cũng hết sức thực tiễn. Di tích ở trong khu vực không gian đô thị phát triển cũng có những khó khăn. Nhưng bất kỳ một giải pháp nào cũng không thể vi phạm luật được. Chắc chắn, với vị trí 1.000 năm văn hiến, Hà Nội sẽ còn rơi vào nhiều trường hợp tương tự. Đây là thêm một bài học cho không chỉ Hà Nội mà với nhiều nơi khác. Nên từ những bài học này để rút kinh nghiệm, tạo ra cho mình những bài học chủ động và phát triển một cách bền vững, tránh sự nguy hiểm của tư duy một nhiệm kỳ lãnh đạo.
Với các địa phương khác cũng vậy thôi. Chúng ta cứ làm đúng luật. Chúng ta nên có một tinh thần dân chủ, tranh thủ ý kiến của các tổ chức, cơ quan có chuyên môn. Ý kiến chỉ có lợi chứ không bao giờ có hại, trừ khi những gì không minh bạch mới có hại. Còn những gì vì lợi ích chung thì chúng tôi cho là càng công khai càng tốt.
Nếu động tới đâu cũng có di tích và lùi lại không làm thì có bảo đảm được mục tiêu phát triển?
- Luật Di sản đã quy định phải tổ chức quy hoạch khảo cổ học của cả thành phố. Khi đã có quy hoạch rồi, phải quan tâm đến nó, chứ không phải khi đào tung ra rồi, có dư luận xã hội rồi, mới xem xét. Trong những trường hợp này, vì lợi ích phát triển, ta có thể có giải pháp nào tốt nhất để hạn chế tác động xấu nhất đối với di tích. Điều đó hoàn toàn có thể làm được. Nhìn lại các vụ việc vừa qua, toàn thấy lợi bất cập hại, vì cứ mỗi lần dư luận xã hội dậy lên, lại tác động đến uy tín của chính quyền cũng như tiến độ dự án bị chậm lại. Thay vì như vậy, tại sao không chủ động nêu vấn đề ra, tìm cách giải quyết, có lợi hơn nhiều chứ. Ví dụ như xây cầu vượt qua Đàn Xã Tắc chẳng hạn, Hà Nội không hề tham khảo ý kiến của giới sử học, khảo cổ chúng tôi, vì thế mới thành chuyện. Chứ nếu hỏi ý kiến, chúng tôi sẽ cùng phối hợp để tìm ra cách nào tốt nhất.
Phan Thảo (thực hiện)
- 30 hecta đất vàng nhà máy Ba Son sẽ làm gì?
- Xanh hóa nhà ống góp phần xanh hóa Đô thị
- Có những di sản miễn cưỡng phải “hy sinh”, có di sản phải giữ cho bằng được
- Dự thảo Luật Đất đai: Cần những bước tiến mới hơn
- Cộng đồng ven biển với biến đổi khí hậu - phỏng vấn PGS.TSKH Nguyễn Văn Cư
- Ứng phó với biến đổi khí hậu - Cần đối sách hợp lý
- Để người nghèo có nhà ở rẻ mà đẹp
- GS Phan Huy Lê: "Dừng cầu vượt Đàn Xã Tắc, tìm phương án khác"
- Giáo sư Michael Dukakis nói về bất động sản Việt Nam
- Gặp gỡ và trao đổi với đại diện Tập đoàn Autodesk
Lời bình
Phát triển có nhiều hướng, trong khu vực di tích không nhất thiết phải phát triển kinh tế.
Giải quyết giao thông có nhiều cách không nhất thiết phải hy sinh di tích. Xây cầu mớ đường chỉ là giải pháp tạm thời, di tích mất đi là vĩnh vĩnh viễn. Cần có tầm nhìn rộng và lâu dài hơn để giải quyết căn cơ, nguồn gốc của nhu cầu giao thông, như chuyển dịch kinh tế, xoay chuyển nhu cầu đi lại, di dời những hố thu hút giao thông...
tin bình luận RSS của chủ đề này