Ashui.com

Sunday
Nov 03rd
Home Tương tác Đối thoại Ứng phó với biến đổi khí hậu - Cần đối sách hợp lý

Ứng phó với biến đổi khí hậu - Cần đối sách hợp lý

Viết email In

Tìm giải pháp ứng phó, sống chung với biến đổi khí hậu (BĐKH) là vấn đề đang được quan tâm đặc biệt ở Việt Nam, nhất là tại Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Kịch bản dự báo về tác động của BĐKH vừa được Bộ Tài nguyên - Môi trường (TN-MT) công bố cho thấy nếu mực nước biển dâng cao 1m, sẽ có khoảng 39% diện tích ĐBSCL bị ngập, 35% dân số bị ảnh hưởng trực tiếp. Phóng viên đã có cuộc trao đổi với PGS-TS Lê Anh Tuấn, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu BĐKH (Trường Đại học Cần Thơ), về vấn đề này.  

Phóng viên: Vấn đề BĐKH ở Việt Nam, đặc biệt là ĐBSCL thật sự được quan tâm khi nào, thưa ông?

PGS-TS Lê Anh Tuấn (ảnh bên): - BĐKH đã có những biểu hiện từ mấy chục năm qua với mức độ ngày càng cao. Nhưng trước đây, thuật ngữ phổ biến được dùng là thời tiết bất thường, dị thường. Từ năm 2006, nhiều người bắt đầu quan tâm, đề cập đến cụm từ BĐKH, lúc này có những biểu hiện rõ nét hơn, như: giá trị trung bình của nhiệt độ, độ ẩm, lượng mưa, dòng chảy, lũ lụt… khác trung bình nhiều năm trước. Các chuyên gia, nhà khoa học, nhà nước bắt đầu có nhiều chương trình nghiên cứu, xây dựng dự báo, kịch bản tác động của BĐKH… 

Đâu là những biểu hiện rõ nét nhất của BĐKH tác động đến ĐBSCL hiện nay?

- Thực tế đã và đang diễn ra là hàng loạt biểu hiện của tình trạng thời tiết cực đoan, không còn theo quy luật mùa trước đây như nhiệt độ gia tăng, hạn hán nghiêm trọng, sự thay đổi lượng mưa; lũ, triều cường lốc xoáy, nước biển dâng, sấm sét, bão tố bất thường và nặng nề hơn… Ngoài việc hệ sinh thái bị tác động lớn, đảo lộn, ngành nông nghiệp, thủy sản ĐBSCL (vựa lúa gạo, tôm cá, trái cây của cả nước) trực tiếp hứng chịu và bị ảnh hưởng nặng nề nhất của BĐKH… Đối với con người, nông dân và cư dân ven biển chịu thiệt hại nhiều nhất do nước ngập, sạt lở; năng suất sản xuất sụt giảm, chi phí đầu tư tăng, thu nhập giảm... 

Theo kịch bản về BĐKH, ĐBSCL có thể sẽ biến mất?

- Trong tương lai, khả năng ĐBSCL thu hẹp lại là có. Chắc chắn nước mặn sẽ lấn sâu vào đất liền, rất có thể 1/2 ĐBSCL bị ngập… Đặc biệt chú ý là các tác nhân khác làm BĐKH nặng nề hơn như phá rừng đầu nguồn, rừng phòng hộ, ngập mặn; xây dựng đê bao khép kín các vùng lũ, khai thác tối đa các túi lũ ở tứ giác Long Xuyên và Đồng Tháp Mười để làm lúa vụ 3 dẫn đến tình trạng ngập lụt tại các đô thị vùng hạ nguồn. Đáng quan ngại nhất là việc xây hệ thống đập thủy điện ở thượng nguồn sông Mekong; các nước thượng nguồn mở rộng diện tích sản xuất nông nghiệp, tăng cường lấy nước từ sông Mekong… làm giảm mạnh lượng nước đổ về hạ lưu… Từ đó ảnh hưởng lớn đến an ninh nguồn nước - an ninh lương thực, kéo theo là an ninh xã hội cho vùng hạ lưu. 

  • Ảnh bên: Ngập lụt trên đại lộ Hòa Bình - TP Cần Thơ. 

Nhiều năm nghiên cứu về BĐKH tại ĐBSCL, ông có đề xuất giải pháp nào để ĐBSCL phát triển bền vững hơn?

- Đó phải là giải pháp tổng hợp. Trước mắt, chúng ta cần đánh giá thực trạng BĐKH, tác động của nó trong hiện tại, tương lai như thế nào để tìm ra biện pháp thích ứng cho từng vùng, địa phương, tùy theo đặc điểm tự nhiên. Từ đó nên chọn biện pháp công trình hay phi công trình hoặc kết hợp cả hai. Các biện pháp phi công trình như cải tạo hệ thống thủy lợi, nâng cao trình lộ, đê, quy hoạch, bố trí khu dân cư… Còn phi công trình như tăng cường nhận thức cộng đồng, điều chỉnh lịch thời vụ phù hợp với sự thay đổi của thời tiết; nghiên cứu các giống cây, con thích ứng, chống chịu được hạn, mặn. Quy hoạch chuyển đổi một số vùng nuôi thủy sản nước ngọt sang nước lợ và mặn; áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất (tiết kiệm nước, năng lượng). Chú trọng dạy nghề cho nông dân, đa dạng hóa ngành nghề sản xuất; tập huấn, giới thiệu cho nông dân các mô hình sản xuất thích hợp với BĐKH.

Để việc thích ứng với BĐKH thực hiện hiệu quả hơn, các cấp chính quyền quan tâm hơn nữa, đừng nghĩ BĐKH còn xa vời lắm mà phải làm ngay bây giờ; tạo điều kiện giúp người dân cùng các nhà khoa học tìm ra giải pháp tốt hơn. Nhà nước tăng cường nguồn kinh phí đầu tư cho các nhà khoa học tìm ra các mô hình mới, phù hợp giúp người dân thích nghi tốt hơn. Mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế tạo điều kiện học hỏi kinh nghiệm, công nghệ và tranh thủ sự tài trợ của quốc tế giúp phát triển nông thôn mới ứng phó với BĐKH. Hiện nay, thấy mức độ quan tâm của cộng đồng quốc tế về BĐKH ở ĐBSCL rất lớn và có nhiều chương trình dành cho ĐBSCL. Vì thế chúng ta cần có cơ chế thông thoáng hơn, tạo điều kiện tốt hơn cho các chuyên gia, nhà khoa học quốc tế vào nghiên cứu, tìm giải pháp hỗ trợ ĐBSCL ứng phó với vấn đề lớn này… 

Tất nhiên là việc thực hiện các giải pháp ứng phó với BĐKH ở ĐBSCL nên đặt trên mối tương quan, liên kết vùng, có nhạc trưởng. Nếu không, người dân sẽ hoang mang, thiếu định hướng… 

Tuy nhiên, hiện nay, Bộ NN-PTNT và nhiều địa phương đang triển khai, lập dự án nhiều công trình đê bao, kè sông, biển quy mô để “chống lại” BĐKH, TS nhận xét như thế nào về giải pháp này?

- Thực tế ở các nước trong khu vực cho thấy, biện pháp công trình không được bền vững lắm so với thời gian, trong dài hạn. Trong khi đó, biện pháp phi công trình như bảo tồn, lưu giữ tốt các khu đất ngập nước, rừng đầu nguồn, phát triển rừng phòng hộ thì hiệu quả bền vững nhiều hơn. Đặc biệt, thế giới cảnh báo chúng ta rằng tình trạng phá rừng nuôi tôm, quy hoạch phát triển không khoa học là một nguy cơ hứng chịu hậu quả nặng nề của BĐKH.

Tôi khuyến cáo Nhà nước đặc biệt cân nhắc, nghiên cứu hết sức cẩn thận khi quyết định đầu tư các dự án, công trình quy mô lớn để ứng phó BĐKH như xây dựng đê, kè bao toàn vùng ĐBSCL… Không khéo các công trình này triển khai hàng loạt sẽ tạo cơ hội cho các nhóm lợi ích, hiệu quả thấp gây lãng phí, khi có sự cố xảy ra thì đổ thừa do BĐKH gây nên… 

Bình Đại (thực hiện) 


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo

Tìm kiếm

Tạp chí

Hiện có 2434 khách Trực tuyến

Quảng cáo