Khoảng 30ha đất của nhà máy đóng tàu Ba Son hay còn gọi là xí nghiệp liên hiệp Ba Son sẽ ra sao, khi trong tương lai nhà máy đóng tàu này dời về khu cảng mới Cái Mép – Thị Vải (tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu), theo chỉ đạo của Chính phủ? Đó là câu hỏi được không ít người quan tâm, bởi khu đất này hiện toạ lạc tại vị trí được xem là đẹp nhất nhì thành phố.
Trao đổi với phóng viên SGTT, ông Hồ Quang Toàn, phó giám đốc sở Quy hoạch – kiến trúc TP.HCM, kiêm phó trưởng ban Chỉ đạo xây dựng kế hoạch, chương trình hành động trong công tác bảo tồn cảnh quan kiến trúc trên địa bàn thành phố, cho biết tuy chưa có quy hoạch chi tiết 1/500 khu đất rộng khoảng 30ha của nhà máy đóng tàu Ba Son (phường Bến Nghé, quận 1), nhưng theo đồ án quy hoạch chi tiết xây dựng đô thị tỷ lệ 1/2000, phân khu khu trung tâm hiện hữu vừa được duyệt, thì nhà máy đóng tàu Ba Son nằm trong phân khu 3.
Vậy quy hoạch định hướng chức năng khu vực này là gì, thưa ông?
Ông Hồ Quang Toàn (ảnh bên): - Theo quy hoạch, phân khu này sau này sẽ tận dụng ưu thế tối đa của bờ sông Sài Gòn, hình thành các dải công viên văn hoá, giải trí và không gian công cộng dọc bờ sông từ cầu Sài Gòn đến cầu Tân Thuận; riêng về không gian kiến trúc, khu vực này sẽ phát triển cao tầng với mật độ xây dựng thấp, theo nguyên tắc chiều cao công trình thấp dần, nhằm đảm bảo thông thoáng và kết nối không gian giữa các khu vực bên trong với bờ sông Sài Gòn và công viên dọc bờ sông.
Vì Ba Son nằm gọn trong phân khu 3 nên sẽ tuân thủ những gì quy hoạch 1/2000 đã duyệt. Và như vậy, chắc chắn sau này, khu đất Ba Son sẽ hình thành không ít cao ốc và hẳn nhiên cũng không thể thiếu công viên.
Khi nào quy hoạch chi tiết 1/500 khu đất Ba Son hoàn thành thưa ông?
- Chuyện này cũng không biết được, bởi quy hoạch chi tiết 1/500 sẽ do chủ đầu tư thực hiện, mà đến nay vẫn chưa có chủ đầu tư.
Nhưng theo tôi được biết, trước đây nhà máy Ba Son đã có dự án biến khu đất này (sau khi nhà máy Ba Son di dời về khu vực cảng Cái Mép – Thị Vải) thành trung tâm phức hợp có cao ốc văn phòng, trung tâm mua sắm, khu vui chơi giải trí, khách sạn…
Quy hoạch chi tiết phụ thuộc vào chủ đầu tư. Vậy “lỡ” trong tương lai chủ đầu tư khu đất này lại xây chung cư cao cấp ở đây thì liệu có phá vỡ cảnh quan?
- Theo tôi, cũng nên có một ít dân cư; còn tỷ lệ thế nào cho phù hợp thì phải tính toán, bởi thực tế có thêm dân cư thì khu vực này sống động, chứ nếu chỉ có trung tâm thương mại, cao ốc văn phòng không thì cũng không hẳn là tốt.
Một góc cảng Ba Son (Ảnh: Lê Quang Nhật)
Theo ban quản lý khu đô thị mới Thủ Thiêm, trong tương lai gần sẽ bắc một cầu từ Thủ Thiêm qua Ba Son nối vào đường Tôn Đức Thắng. Việc này có gây mất vẻ đẹp của khu đất cũng như ảnh hưởng đến các công trình cao tầng nằm trong khu Ba Son?
- Theo quy hoạch mà chúng tôi được biết, cây cầu này sẽ từ đường Đinh Tiên Hoàng – Tôn Đức Thắng đâm qua Thủ Thiêm, chứ không chạy xuyên ngang khu đất nhà máy Ba Son. Đây là cây cầu có tên gọi là cầu Thủ Thiêm 2, nên không hề ảnh hưởng gì khu đất của nhà máy Ba Son. Đặc biệt, do vị trí khu đất này có tuyến metro số 1 đi ngầm qua kết hợp với ga số 3, nên thành phố yêu cầu các bên liên quan phải tạo mạng lưới không gian mở, biến nút giao thông ở đây thành cảnh quan, nơi vui chơi giải trí.
Nhà máy Ba Son được công nhận là di tích lịch sử. Vậy nếu toàn khu đất biến thành cao ốc, công viên, trung tâm tâm thương mại, thì coi như di tích này cũng biến mất?
- Chuyện này thành phố cũng đã thấy nên từ lâu thành phố đã có ý kiến khi quy hoạch khu đất này phải giữ gìn và bảo tồn di tích: xưởng đóng tàu Ba Son, nhà lưu niệm Tôn Đức Thắng.
Đào Lê (SGTT /thực hiện)
- VNR phản bác việc xây dựng thuỷ điện Đồng Nai 6 và 6A: “Dự án ảnh hưởng rất rộng nhưng chưa được xem xét hết”
- “Đâu phải ai cũng có nhu cầu ở nhà to?”
- Khắc phục đầu tư dàn trải vốn trái phiếu Chính phủ
- Chuyện “bếp núc” trong xây dựng metro
- Khu vực trung tâm hiện hữu TPHCM: Cao ốc và hạ tầng kỹ thuật sẽ “bước đều chân”?
- Xanh hóa nhà ống góp phần xanh hóa Đô thị
- Có những di sản miễn cưỡng phải “hy sinh”, có di sản phải giữ cho bằng được
- Dự thảo Luật Đất đai: Cần những bước tiến mới hơn
- Cộng đồng ven biển với biến đổi khí hậu - phỏng vấn PGS.TSKH Nguyễn Văn Cư
- Xây cầu vượt ở Đàn Xã Tắc - phỏng vấn nhà sử học Dương Trung Quốc
Lời bình
tin bình luận RSS của chủ đề này