Ashui.com

Tuesday
Dec 03rd
Home Tương tác Đối thoại Khu vực trung tâm hiện hữu TPHCM: Cao ốc và hạ tầng kỹ thuật sẽ “bước đều chân”?

Khu vực trung tâm hiện hữu TPHCM: Cao ốc và hạ tầng kỹ thuật sẽ “bước đều chân”?

Viết email In

Theo Quy hoạch Xây dựng TPHCM đến năm 2025 khu vực trung tâm hiện hữu rộng 930 ha và khu đô thị mới Thủ Thiêm sẽ là khu vực trung tâm của cả TPHCM trong tương lai. Vừa qua, tại TPHCM đã diễn ra hai sự kiện quan trọng liên quan đến khu vực này, đó là Sở Quy hoạch Kiến trúc TPHCM công bố đồ án quy hoạch khu vực trung tâm hiện hữu và Ban quản lý đầu tư xây dựng đô thị mới Thủ Thiêm tổ chức hội nghị thu hút đầu tư vào Thủ Thiêm. Khu vực trung tâm tương lai của cả TPHCM đang và sẽ được đầu tư xây dựng như thế nào? 

Khu vực trung tâm hiện hữu của TPHCM là một khu đô thị đã được hình thành từ hàng trăm năm trước. Triển khai thực hiện đồ án quy hoạch mới trong một khu đô thị đã hình thành và phát triển là một vấn đề không đơn giản, nhất là các vấn đề liên quan tới bảo tồn, chống quá tải hệ thống hạ tầng kỹ thuật. Phóng viên đã có cuộc trao đổi với ông Hồ Quang Toàn, Phó Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc TPHCM xung quanh nội dung nêu trên.  

Xem xét tính hiệu quả của toàn khu vực 

Trong buổi họp báo công bố đồ án quy hoạch, ông có cho biết, việc triển khai quy hoạch sẽ được thực hiện thông qua các đồ án chỉnh trang và phát triển đô thị ở khu vực trung tâm. Kế hoạch cụ thể cho vấn đề này như thế nào, thưa ông?

Ông Hồ Quang Toàn (ảnh bên): - Sẽ có bước nghiên cứu sâu hơn về việc triển khai đồ án quy hoạch này. Nội dung nghiên cứu sẽ được tiến hành thông qua các dự án, các nghiên cứu tiền khả thi - khả thi để phân tích, đánh giá sâu về kỹ thuật, điều kiện tài chính để có thể thực hiện quy hoạch một cách đồng bộ và hiệu quả. Tính hiệu quả sẽ được xem xét trong bối cảnh thực hiện quy hoạch của toàn khu vực. Có thể có những điểm, những công trình không mang lại hiệu quả kinh tế nhưng có đóng góp về mặt xã hội, văn hóa cũng như tạo tiền đề cho việc thực hiện thành công toàn bộ quy hoạch của khu trung tâm thì vẫn được tiến hành làm. 

Bao giờ sẽ có bước nghiên cứu thực hiện quy hoạch đồng bộ và hiệu quả? Tại khu vực trung tâm đã và đang có rất nhiều cao ốc mọc lên và giao thông tại đây trong nhiều thời điểm đã bị quá tải. Trong khi đó các công trình hạ tầng kỹ thuật, đặc biệt là giao thông chưa thấy có gì mới?

- Hiện nay, chủ đầu tư xây dựng các cao ốc trong khu trung tâm đều đã được thành phố yêu cầu chủ động xây dựng các công trình giao thông kết nối cao ốc với hệ thống hạ tầng giao thông hiện hữu và hệ thống hạ tầng trong tương lai (theo quy hoạch). Đơn cử như chủ đầu tư cao ốc Eden đã xây dựng tầng ngầm dự trù kết nối với nhà ga metro đặt ở phía trước Nhà hát Thành phố. Hay như cao ốc của Bitexco đang chuẩn bị xây dựng trước chợ Bến Thành cũng đã có kế hoạch kết nối tầng ngầm với không gian ngầm của ga metro trước chợ Bến Thành. Tất cả là để chuẩn bị cho tương lai: kết nối các cao ốc với hệ thống giao thông trên mặt đất và dưới tầng ngầm… đảm bảo cho một sự đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật với các công trình kiến trúc nói chung và các cao ốc nói riêng. 

Kết nối vì lợi ích chung 

Sự yêu cầu của TP có được “luật hóa”? Đa phần các công trình hạ tầng kỹ thuật (theo đồ án quy hoạch) mới ở giai đoạn nghiên cứu như nhà ga metro trước chợ Bến Thành còn đang được chuyên gia tư vấn Nhật Bản phân tích, đánh giá… Liệu các cao ốc đang được triển khai xây dựng như ông nói trên có đủ căn cứ kỹ thuật để tính toán kết nối thành công với hệ thống hạ tầng kỹ thuật còn trong giai đoạn nghiên cứu? 

Tại những khu vực cần bảo tồn đặc biệt như khu vực chợ Bến Thành, trung tâm hành chính TPHCM hiện hữu, khu Nhà thờ Đức Bà, Bưu điện TPHCM… việc sửa đổi liên quan đến mặt tiền của công trình chỉ được thực hiện nếu không ảnh hưởng đến thiết kế và hình dạng nguyên thủy của công trình. Đối với việc lưu giữ các biệt thự thời Pháp, những biệt thự có kiến trúc đẹp, nằm xen trong các trường học và bệnh viện… sẽ được giữ gìn và bảo tồn với hình dáng nguyên thủy. 

- Yêu cầu phải kết nối với hệ thống hạ tầng kỹ thuật chung là yêu cầu có tính bắt buộc của thành phố đối với chủ đầu tư các cao ốc. Việc này sẽ được kiểm tra và thẩm định ở các cơ quan chức năng khi tiến hành cấp phép xây dựng cho các chủ đầu tư. Tuy nhiên, cũng phải nói rằng, sự kết nối hạ tầng của các cao ốc với hệ thống hạ tầng chung không chỉ mang lại lợi ích chung cho thành phố, cho khu vực trung tâm mà còn tạo thêm nhiều tiện ích giúp làm gia tăng giá trị cho các cao ốc. Một cao ốc có đường giao thông trên mặt đất, dưới ngầm thuận tiện, đặc biệt tiếp cận được với hệ thống metro và các trung tâm thương mại đi kèm rõ ràng có giá trị hơn các cao ốc không có những điều kiện này.

Vì thế, chính bản thân các chủ đầu tư cũng sẽ chủ động phối hợp với ngành chức năng trong việc kết nối hạ tầng. Hai bên sẽ cùng nhau tính toán, tìm giải pháp và căn cứ kỹ thuật để cho việc kết nối được thành công. Hiện nay, nhiều công trình hạ tầng kỹ thuật như tuyến metro số 1 đang triển khai thực hiện, tuyến metro số 2 chuẩn bị khởi công, nhà ga metro trung tâm ở khu vực chợ Bến Thành đang được nghiên cứu chi tiết… Như vậy, cũng đã có khá nhiều căn cứ kỹ thuật tính toán việc kết nối. 

 Dù có đang có những bước đi như ông nói nhưng trước thực tế những công trình kiến trúc, nhất là cao ốc đang “đi trước” hạ tầng kỹ thuật, người dân không khỏi e ngại về một sự quá tải về hạ tầng có thể ngắn hạn trong thời gian “chờ” chờ hạ tầng kỹ thuật “đi kịp” với cao ốc?

- Sẽ phải có một vị tổng chỉ huy đầu tư xây dựng và thực hiện quy hoạch ở khu vực trung tâm. Người tổng chỉ huy này phải tính toán, cân đối xem công trình nào xây dựng trước, công trình nào xây dựng sau để đảm bảo các công trình kiến trúc, các cao ốc “đi đều chân” với sự phát triển của hệ thống hạ tầng kỹ thuật. Ngoài ra, tổng chỉ huy cũng phải tính toán đề xuất các cơ chế thu hút đầu tư vào hệ thống hạ tầng kỹ thuật ở khu trung tâm. Theo đồ án quy hoạch khu trung tâm hiện hữu, hệ thống đường giao thông như metro, xe điện, các tuyến đường trên cao, việc mở rộng và ngầm hóa đường Lê Lợi nối dài… nếu được triển khai thực hiện đầy đủ và đồng bộ với việc phát triển của các cao ốc thì sẽ giải quyết tốt bài toán giao thông cho khu vực. 

Nguyễn Khoa (SGGP /thực hiện) 



Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận

3000 ký tự


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo

Tìm kiếm

Tạp chí

Hiện có 3124 khách Trực tuyến

Quảng cáo

  

  


Loading...