Hàng loạt cao ốc chọc trời đang ùn ùn mọc lên trên những khu đất cảng (trước đây) ở bờ Tây sông Sài Gòn sẽ làm cho đô thị Sài Gòn - TPHCM hiện đại và lung linh hơn?
Bài toán quy hoạch không gian bờ Tây sông Sài Gòn, đoạn chảy qua trung tâm TPHCM, đang được “giải” theo kiểu “đẹp chật chội” vì bờ Tây sông Sài Gòn có hệ số sử dụng đất trung bình là 6, cao nhất trong toàn bộ khu trung tâm 930 héc ta. (Ảnh: Quang Chung)
Dòng sông phản chiếu ánh đèn
Bây giờ, đầu năm 2017, đứng trên nắp hầm Thủ Thiêm (là một công viên) phía quận 2, nhìn về phía quận 1, 4, 7 và Bình Thạnh vẫn ngắm được tia hoàng hôn và ánh trăng tàn tan dần trên sóng nước sông Sài Gòn. Nhưng, cái ánh sáng cổ xưa và “nhà quê” ấy có thể sẽ không còn - bởi ánh đèn từ những tòa nhà chọc trời (đã, đang và sẽ được xây dựng) ở bờ Tây sông Sài Gòn sáng rực rỡ hơn, lung linh hơn.
Hiện đèn điện của khu đô thị Vinhomes Central Park ngay chân cầu Sài Gòn (khởi công hồi tháng 7/2014 trên khu đất 43 héc ta thuộc cảng Tân Cảng trước đây đang trong giai đoạn hoàn thiện) đã phản chiếu xuống sông Sài Gòn hoa lệ. Ánh sáng phát ra từ các công trình nhà cao tầng dọc bờ Tây sông Sài Gòn (từ cầu Sài Gòn đến tận dãy cao ốc Sài Gòn Pearl dưới chân cầu Thủ Thiêm) của dự án này sẽ lung linh hơn khi cao ốc Landmark 81 tầng - cao 461,2 mét lên đèn...
Tiếp tục, về phía hạ lưu, bên kia ngã ba rạch Thị Nghè, khu Ba Son (rộng 30 héc ta) đắc địa cũng đang được gấp rút xây dựng. Tại đây, hàng loạt tòa nhà cao trên 50 tầng (từ 180-220 mét) đang “mọc” lên với tên gọi Vinhomes Ba Son. Cụ thể, trong khoảng 22 héc ta đất Ba Son (đã trừ hạ tầng) có đến 7,5 héc ta (33%) đất dọc bờ sông dành để xây cao ốc. Cụm đô thị phức hợp cao ốc văn phòng, trung tâm thương mại, khách sạn, căn hộ... ở đây có hệ số sử dụng đất cao ngất ngưởng: 7 (theo quy hoạch).
Tương tự, khu đất vàng (32 héc ta) duy nhất còn lại của dãy bờ Tây sông Sài Gòn (275 héc ta) trong tổng đồ án thiết kế đô thị khu trung tâm đô thị TPHCM (930 héc ta) là đất cảng Nhà Rồng - Khánh Hội (cảng Sài Gòn) cũng đang trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư. Theo quy hoạch đã được duyệt, tại đây - dự án Vinhomes Khánh Hội - cũng sẽ “mọc” lên khu nhà cao tầng có chức năng thương mại, dịch vụ, căn hộ (3.116 căn)...
Theo chủ đầu tư các dự án trên đất vàng ở bờ Tây sông Sài Gòn kể trên (Vinhomes Central Park, Vinhomes Ba Son và Vinhomes Khánh Hội) thì đây sẽ là những khu phức hợp có tiêu chuẩn quốc tế. Ngoài những tòa nhà chọc trời với kiểu kiến trúc hiện đại, tại các dự án này còn có bệnh viện, trường học, công viên bờ sông... đáp ứng chỗ ở cho hơn 50.000 cư dân (chưa kể những người làm việc ở đây cũng như khách vãng lai).
Một đô thị lung linh
Vậy là bài toán quy hoạch không gian bờ Tây sông Sài Gòn, đoạn chảy qua trung tâm TPHCM, đang được “giải” theo kiểu “đẹp chật chội” vì bờ Tây sông Sài Gòn có hệ số sử dụng đất trung bình là 6, cao nhất trong toàn bộ khu trung tâm 930 héc ta.
Có thể thấy để đảm bảo sự tiếp cận của người dân thành phố đến toàn bộ khu vực không gian bờ sông, các nhà quy hoạch đã phải thiết kế ngầm hóa đường Tôn Đức Thắng hiện tại (để lấy con đường làm công viên bờ sông) và “dời” con đường dọc bờ sông đi qua Ba Son ra sông (đi trên mặt sông). Thậm chí, thiết kế nguyên công viên bờ sông phía bờ Đông - Thủ Thiêm - bên kia sông Sài Gòn để “cấp dưỡng” không gian xanh cho bờ Tây.
Theo một quan chức của Sở Quy hoạch Kiến trúc TPHCM thì chính quyền TPHCM chọn cách phát triển bờ Tây sông Sài Gòn như thế là vì sự cân bằng giữa phát triển đô thị và bảo tồn - phát triển những khu đất cảng (sau di dời) là để giảm tải đầu tư cho khu trung tâm lịch sử - khu biệt thự quận 3, dọc đường Nguyễn Thị Minh Khai, Lê Duẩn... Bởi việc chọn lựa địa điểm phát triển dự án phần lớn do thị trường điều tiết, Nhà nước chỉ định hướng chứ không thể khiên cưỡng áp đặt.
Vị này cho rằng, với thực trạng các dự án đã, đang và sẽ được đầu tư và dãy bờ Tây sông Sài Gòn, diện mạo đô thị của Sài Gòn - TPHCM sẽ thay đổi - hiện đại hơn với các công trình cao tầng tạo điểm nhấn về kiến trúc; ánh sáng từ các tòa nhà cao tầng phản chiếu xuống dòng sông Sài Gòn sẽ tạo vẻ đẹp mang tính mỹ thuật; công viên bờ sông sẽ tạo ra một không gian thông thoáng, trong lành...
Thực tế cho thấy, chỉ chưa đầy hai năm kể từ ngày chủ đầu tư thực hiện các dự án trên các khu đất trước đây là cảng biển thì diện mạo kiến trúc đô thị khu bờ Tây đã định hình. Nhiều tòa nhà chọc trời đã mọc lên sừng sững tại Tân Cảng, Ba Son...
Dù vậy, một quan chức không muốn nêu tên vẫn thừa nhận, nếu như những năm qua chính quyền TPHCM có nguồn ngân sách dồi dào (và khu đô thị Thủ Thiêm hoàn chỉnh hạ tầng) thì việc sử dụng các khu đất cảng ở bờ Tây làm công viên (lối đi bộ xen cây xanh nhiều tầng) cùng các công trình phúc lợi, cộng đồng là lý tưởng nhất. Vấn đề là thành phố không có đủ nguồn lực để thực hiện điều đó.
Quang Chung
(Thời báo Kinh tế Sài Gòn)
- Lấp hồ Thành Công: Thuốc thử từ ý chí cộng đồng!
- Lấy lại vỉa hè: Trách nhiệm của toàn xã hội
- Đà Nẵng: Còn gì cho mai sau?!
- Những di sản ngoài vùng xếp hạng
- Vỉa hè, bậc thềm và di sản đô thị
- Kinh tế của hàng rong
- Phá dỡ nhà thờ Trà Cổ: Khi nghệ thuật kiến trúc đến ngày "hết date"
- Đô thị hóa nông thôn: Không thể "vỏ" phố "hồn" làng'
- Thiếu vắng công trình xanh dù quy định đã đầy đủ
- Chợ ở đô thị