Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng kết mô hình hoạt động của khu công nghiệp, khu kinh tế vừa được công bố cho thấy một bức tranh tổng thể về tình hình phát triển của 16 khu kinh tế ven biển. Đây là loại hình chiếm dụng nhiều đất đai nhất với tổng diện tích đất và mặt nước là 815.000 héc ta, nhiều gấp 13 lần tổng diện tích của 220 khu công nghiệp đang hoạt động. Các khu kinh tế tập trung dày đặc tại các tỉnh duyên hải miền Trung với 11 khu.
Dù chiếm diện tích rất lớn, nhưng hiệu quả mà các khu kinh tế ven biển đem lại cho nền kinh tế rất thấp đồng thời còn nhiều bất cập, theo đánh giá của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Cảng biển ở Bà Rịa-Vũng Tàu. (Ảnh: Đào Loan)
Cụ thể, báo cáo của bộ nhận xét: một số khu kinh tế được quy hoạch, thành lập chưa đáp ứng yêu cầu của quá trình phát triển, còn mang tính cục bộ, chưa được xem xét một cách tổng thể hài hòa lợi ích của quốc gia. Việc thành lập khu kinh tế của một số địa phương chưa thực sự phù hợp với điều kiện, tiềm năng phát triển của địa phương, của vùng mà chỉ vì lợi ích ngắn hạn của địa phương.
Các khu kinh tế chủ yếu vẫn dựa vào nguồn ngân sách trung ương để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, trong khi nguồn ngân sách Trung ương lại hết sức hạn chế, nên nhiều khu kinh tế gặp khó khăn trong việc xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ. Các khu kinh tế đều có chung định hướng đầu tư, chẳng hạn như đối với các khu ven biển là xây dựng cảng biển nước sâu, sân bay và thu hút đầu tư vào các lĩnh vực như đóng tàu, dịch vụ cảng biển, du lịch biển, chế biến hải sản, nhiệt điện... do đó chưa phát huy được lợi thế so sánh dẫn đến sự cạnh tranh trong thu hút đầu tư giữa các khu kinh tế.
Mô hình khu kinh tế ra đời nhằm phát huy tiềm năng cũng như những thế mạnh riêng có của từng địa phương, từng vùng nhằm phục vụ cho các mục tiêu phát triển dài hạn của khu vực và của cả nền kinh tế. Thế nhưng, thực tế lại diễn ra gần như hoàn toàn trái ngược khi mà nhiều khu kinh tế được thành lập không dựa trên nền tảng phối hợp để phát huy thế mạnh của từng địa phương mà chạy theo lợi ích cục bộ, ngắn hạn.
Biểu hiện rõ nét nhất là các khu kinh tế ven biển đều có định hướng phát triển giống nhau. Trong tình trạng các khu kinh tế biển tập trung san sát nhau ở khu vực duyên hải miền Trung, nơi kinh tế còn kém phát triển, thì việc thu hút đầu tư kém của các khu này là kết quả có thể nhìn thấy trước.
Việc các khu kinh tế phải dựa vào ngân sách trung ương để đầu tư cơ sở hạ tầng, trong khi ở các khu công nghiệp gần 90% nguồn vốn đầu tư cho lĩnh vực này đến từ khu vực tư nhân, cũng phần nào cho thấy giới đầu tư tư nhân không đánh giá cao sức hút của các khu kinh tế. Thực tế cho thấy, hiệu quả của các khu kinh tế ven biển trên tất cả các tiêu chí, từ số lượng dự án, vốn đầu tư thu hút được cho đến số lượng việc làm, doanh số tạo ra, kim ngạch xuất khẩu... đều thấp hơn cả chục lần so với khu công nghiệp, dù có quy mô về diện tích lớn hơn cả chục lần.
Rõ ràng, các khu kinh tế ven biển đang phát triển theo chiều hướng đáng lo ngại. Vấn đề đặt ra ở đây là nếu nhà nước không sẵn lòng cấp ngân sách cho các tỉnh để xây dựng khu kinh tế, thì phong trào làm khu kinh tế biển có phát triển một cách ồ ạt như thời gian qua với những bất cập rất đáng lo ngại như thế hay không?
(TBKTSG)
- Kinh tế của hàng rong
- Phá dỡ nhà thờ Trà Cổ: Khi nghệ thuật kiến trúc đến ngày "hết date"
- Đô thị hóa nông thôn: Không thể "vỏ" phố "hồn" làng'
- Thiếu vắng công trình xanh dù quy định đã đầy đủ
- Chợ ở đô thị
- Chuyên gia Nhật: "Phải nói thật là chất lượng xây dựng các tòa nhà tại Việt Nam quá kém"
- Rượt đuổi đến bao giờ?
- “Ở đó không còn nơi ấy”
- Mật độ và sức sống đô thị Hà Nội: Thiếu sự kết nối
- Kiến trúc tiếp cận cho người khuyết tật: Cánh cửa khép hờ