Nữ văn sĩ Gertrude Stein đã thốt lên như vậy khi nhận ra rằng Oakland (Mỹ), nơi bà gắn bó thời ấu thơ, đã mất đi những nét riêng của chính mình. Cảm xúc của bà là cảm xúc của rất nhiều những con người đã gắn bó và yêu một nơi chốn nào đó rồi chứng kiến sự tha hóa và phai nhạt của nơi ấy trong những chuyển biến của thời cuộc. Nhưng tôi tin rằng không phải mọi “nơi ấy” đều sẽ ở lại với dĩ vãng nếu mỗi cộng đồng tìm thấy trong những ký ức tập thể những giá trị chung và để tình yêu dẫn lối trên con đường bảo tồn và kiến tạo những giá trị ấy.
Thành phố đẹp là thành phố trong ký ức. Giữa những năm tháng xao động về sự còn mất của di sản đô thị, những thành phố của chúng ta hiện ra lung linh trong những cuốn hồi ức và những tập ảnh cũ.
Nét riêng đã mất
Một trăm năm qua trong một ngàn năm lịch sử là ngắn ngủi nhưng để lại nhiều nuối tiếc nhất cho Hà Nội. Khởi đầu thế kỷ XX, cụ Nguyễn Khuyến đã luyến tiếc về sự mất mát của Hà Nội trong quá trình thuộc địa hóa: “Hồ Gươm dấu cũ đã phai nhòa/Tranh tre khắp chốn thành lầu gác”. Cảm nhận đó được chia sẻ bởi một nhà văn Pháp cùng thời với Nguyễn Khuyến: Albert de Pouvouville. Ông đã thở dài rằng: “Hà Nội năm 1909 được chải chuốt, kéo dài ra, xếp thành hàng lối, khiến chúng ta nuối tiếc vẻ thơ mộng năm 1889. Hai mươi năm đủ đề làm cho thành phố sạch hơn, đẹp hơn, nhưng ít quyến rũ hơn” (trích Dominique Delaunay trong bài Vĩnh cửu và đổi thay, trong cuốn Hà Nội - chu kỳ của những đổi thay, NXB Khoa học và Kỹ thuật, 2005).
Liệu những con đường rợp bóng cây xanh sẽ có ngày chỉ còn trong ký ức về Hà Nội? Ảnh: CTV
Nét quyến rũ của một thành phố Đông Nam Á như Hà Nội trước khi dấu chân thực dân phạm tới là gì? Có rất ít thông tin bởi các nhà quy hoạch bản xứ không ghi chép lại còn những nhà cai trị phương Tây đầy định kiến như Foulhoux, kiến trúc sư trưởng của Đông Dương, cho rằng người An Nam chỉ xây nhà, đền và lăng mộ. Sứ mệnh của kiến trúc trong những thành phố trong con mắt của các quan chức thuộc địa là để tạo nét thanh lịch và hợp thành những không gian công cộng vốn tạo nên tinh thần của đô thị. Nhưng những thành phố vùng Đông Nam Á, dù là Thăng Long - Kẻ Chợ, Aceh (Indonesia) hay Ayuthaya (Thái Lan) lại trông giống như một làng quê rộng lớn hơn.
Trừ những cung điện của nhà vua và khu họp chợ náo nhiệt, cả thành phố chìm trong một miệt vườn xanh mướt. Những căn nhà bằng gỗ hoặc tre nứa thoáng gió, xây trên cột hoặc có những ụ đất để tránh lũ và giấu mình trong những vườn dừa, vườn chuối, vườn xoài cho cư dân một cuộc sống dễ chịu dưới cái nóng gay gắt và những cơn mưa trút nước của miền nhiệt đới. Thành phố là một tập hợp vô vàn của những căn nhà vườn như vậy, lan ra trên một vùng cảnh quan vô tận, không có những bức tường thành giới hạn như những thành phố Địa Trung Hải hay Trung Hoa. Một giáo sĩ tới Hà Nội cuối thế kỷ XVII đã thốt lên: “Thành phố dài phát khiếp và không có tường vây”.
Trong các thành phố miệt vườn ấy, cấu trúc được tạo bởi không phải những công trình kiến trúc như truyền thống phương Tây mà chính là thiên nhiên. Hà Nội phát tích từ ngọn núi Nùng linh thiêng - nơi ở của thần Long Đỗ. Những con kênh đào chính trong kinh thành Huế cũng đều hướng đến đỉnh những ngọn núi cao nhất trong vùng như núi Động Truồi và núi Động Ngài.
Đặc tính này không chỉ thỏa mãn sự kết nối về tâm linh của cư dân với trời đất, sự gắn bó của con người với vùng đất mà còn giúp các đô thị này có được sự thuận hòa với thiên nhiên để tồn tại vững bền. Công cuộc xây dựng thủ đô của xứ Đông Dương thuộc Pháp đã chấm dứt mối dây kết nối của Hà Nội với một vùng cảnh quan sông nước phức tạp, nhiều huyền thoại và tạo ra rất nhiều nuối tiếc như trong lời văn của Nguyễn Khuyến và Pouvouville. Tới ngày hôm nay, thành phố miệt vườn như là một mẫu hình đô thị vừa nguyên bản vừa hài hòa với cảnh quan đã không còn tồn tại trong cả ký ức của các nhà quy hoạch vốn vẫn gượng gạo theo đuổi những mô hình phương Tây nửa mùa.
Những ký ức mới
Sài Gòn không có bề dày quá khứ như Hà Nội. Trong lịch sử ngắn nhưng nhiều thăng trầm của mình, những ký ức về thành phố thường được ghi nhớ theo cách làm thỏa mãn những khao khát của hiện tại.
Giáo sư Lily Chi từ trường kiến trúc Cornell (Mỹ) tìm thấy ở những cuốn cẩm nang du lịch cũ về Sài Gòn sự giằng co về những hình ảnh đại diện cho thành phố: những di sản kiến trúc thuộc địa hay đời sống của người bản xứ. Trong giai đoạn thuộc địa, hình ảnh thành phố vắng vẻ lạ thường để làm nổi bật những công trình kiến trúc Beaux-Arts (một trường phái kiến trúc tân cổ điển được hình thành ở trường Beaux-Arts tại Paris) và những đại lộ tráng lệ mà trong đó, dân bản địa chỉ xuất hiện như những người phu kéo xe để giúp người xem nhận biết đây là Sài Gòn xứ Đông Dương chứ không phải Paris.
Khi chính quyền thuộc địa ra đi sau 1954, những con phố Tây vắng vẻ được thay bằng những đám đông sôi động trong những không gian đậm nét Á Đông. Đây là thời gian mà thành phố trẻ đi tìm bản sắc của mình, là những năm tháng mà rất nhiều ký ức được hun đúc khi mà thành phố lần đầu tiên đã thuộc về phần lớn những con người sinh sống trong lòng nó. Đã có rất nhiều những nỗ lực để hình dung lại thời kỳ mà thành phố đi tìm danh tính cho chính mình này, như tập sách Sài Gòn - chuyện đời của phố (Phạm Công Luận).
Gánh hàng hoa gần Nhà thờ Đức Bà năm 1959 trong cuốn cẩm nang về du lịch Sài Gòn, cho thấy đời sống thường nhật đã trở thành sự hấp dẫn mới với du khách. Nguồn: Thư viện Đại học Cornell
Điều đáng ngạc nhiên là cùng với những di tích chiến tranh, những công trình thuộc địa theo phong cách Beaux-Arts trở lại đậm nét trong những cuốn cẩm nang về TP.HCM như để nhắc về một quá khứ có nhiều liên hệ quốc tế và một đô thị từng được “‘sắp xếp kỹ lưỡng và xinh đẹp”.
Đà Lạt cũng là thành phố không có nhiều quá khứ trước khi người Pháp chọn cao nguyên Langbian để dựng lại một cố hương xa. Căn gốc này đã tạo nên một bối cảnh để Đà Lạt trở thành nơi cất giữ nhiều ký ức gắn liền với những ước vọng lớn về một nền văn hóa và giáo dục nhân văn hơn. Trong chuyến du hành về Đà Lạt một thời “quá khứ với khao khát được chìm đắm vào tâm hồn của đô thị thuở hoàng kim” (Đà Lạt, một thời hương xa, NXB Trẻ 2016), Nguyễn Vĩnh Nguyên vẫn gửi gắm một hy vọng rằng những ký ức về một thành phố văn hóa sẽ tiếp tục được nuôi dưỡng và ở lại với Đà Lạt bất chấp những “phũ phàng” đang diễn ra. Hy vọng đó có lẽ dựa trên lòng tin rằng cái không khí đặc biệt của thành phố sẽ tiếp tục tạo ra những cảm hứng và hồi ức.
Ký ức và sự nuối tiếc về một thời xưa cũ duyên dáng của các thành phố Việt Nam có lẽ gắn chặt với những thay đổi, phần lớn là đột ngột, về chính trị và điều kiện kinh tế - xã hội mà đất nước đã trải qua từ cuối thế kỷ XIX đến cuối thế kỷ XX. Những sự thay đổi đó thường kéo theo sự phủ nhận, đôi khi là cực đoan, những gì đã có từ trước và khước từ sự kế thừa vốn là cốt lõi trong công cuộc kiến tạo đô thị cả về vật chất và văn hóa. Với những thành phố mà thế kỷ XX đầy biến động lại cũng là quãng thời gian xây dựng căn tính như Sài Gòn và Đà Lạt, chỉ mong rằng thời gian bình yên đã qua và trước mắt đủ để những ký ức và phũ phàng cùng lắng xuống và những thành phố này tìm thấy lại những gì trong trẻo nhất.
Đừng đi quá nhanh cũng đừng dừng lại quá lâu
Sự luyến tiếc quá khứ đô thị là một mối ưu tư toàn cầu. Ở Mỹ, từ thập niên 1980 có hẳn một phong trào kêu gọi trở lại các nguyên lý và phong cách thiết kế đô thị cổ điển dưới tên gọi New Urbanism (chủ nghĩa Đô thị mới). Sự kết hợp của nền công nghiệp bất động sản tạo ra nhà ở và các khu đô thị hàng loạt và phương thức thiết kế thành phố lấy xe hơi làm đối tượng phục vụ chính đã dẫn tới những thành phố “nhượng quyền” phi danh tính. New Urbanism đưa ra công thức để tái thiết những vùng đất phi danh tính đó bằng việc trở lại với những ngôi làng và những thị trấn hiền hòa, nhỏ nhắn, ấm cúng một thời, rằng ký ức và tinh thần cộng đồng của một thời quá khứ có thể gây dựng lại phần nào thông qua việc sử dụng ngôn ngữ đô thị truyền thống. New Urbanism không đi được quá xa bởi sự dừng lại bất khả thi của thời gian trong phong cách thiết kế và giấc mơ của số đông vẫn chỉ có thể được thỏa mãn bởi một đời sống vật chất có chi phí kinh tế thấp (và chi phí môi trường cao) tạo ra bởi những cỗ máy sản xuất hàng loạt.
Ở một chốn gần hơn: Singapore, những dự án nhà ở cao tầng đầy tham vọng của chính phủ Singapore mặc dù tạo ra chất lượng sống tốt hơn cho người dân, nhưng đồng thời phá vỡ những mối dây láng giềng truyền thống và tạo ra cảm giác mất mát như lời nhà thơ Alfian Sa’at trong chia sẻ về ngôi làng cuối cùng: “Có điều gì mong đợi ở phía trước trừ những hoài niệm?”.
Hiểu rằng hoài niệm là không đủ và chỉ dẫn đến những tiếc nuối. Sau những nỗ lực bảo tồn của chính phủ, vốn xuất phát từ nhu cầu xây dựng một lòng tự hào quốc gia và thu hút du lịch, đến lượt chính các cộng đồng dân cư đứng lên bảo vệ di sản của chính mình. Trong số hơn 7.200 công trình được bảo tồn tại Singapore, không chỉ những công trình có giá trị lịch sử mà cả những kiến trúc bình dị nhưng gắn bó với người dân và được chính những người dân lựa chọn đã được trao quy chế di sản như một nghĩa trang cũ ở Bidadari và chợ ướt Commonwealth mà giờ đây đã trở thành bảo tàng của khu dân cư.
Ký ức vẫn đang kéo dài tới hiện tại cũng như sự mất mát trong lòng các thành phố. Rất gần đây thôi, Hà Nội những năm 2000 mới ở ngưỡng cửa của sự tàn phá mang tên hiện đại hóa. Một nhà nghiên cứu đã thấy rằng: “Hà Nội nhắc nhở chúng ta rằng sự vĩnh cửu dựa trên những cái nhất thời, rằng tâm hồn được thể hiện rõ nhất thông qua những phương tiện thường nhật, giản dị. Hà Nội là một trong số ít thủ đô vẫn chưa bị bao bọc bốn phía bởi các tòa nhà cao tầng, mặt đất vẫn chưa đầy rẫy những bãi đỗ xe ô tô” (Dominique Delaunay, trong cuốn Hà Nội - chu kỳ của những đổi thay, Nhà xuất bản Khoa học và Kỹ thuật ấn hành năm 2005).
Quan sát của ông giờ cũng đang dần thành ký ức. Hiện đại hóa đã bị đồng nghĩa với những nhà cao tầng phơi bê tông trong nắng, những đường cao tốc trơ chọi và những bãi đỗ xe xám xịt. Hiện đại hóa thực ra là khi những thứ đó tồn tại mà không đánh đổi bởi sự nuối tiếc, là khi những thứ đó tồn tại nhưng dường như không thấy bởi ẩn sau những con đường rợp bóng cây, những cộng đồng và những kỷ niệm như Tokyo, Singapore hay San Francisco đã minh chứng. Còn ngược lại, chúng ta chỉ đang tạo ra những gì có thể to lớn hơn mà trống rỗng.
Hội An - Nơi quá khứ và hiện tại hòa vào nhau. Ảnh: Na Sơn
Ở Hội An vẫn còn nơi ấy. Chỉ có thời gian, chiến tranh và sự vô tình quên mất nơi này. Trong một tập sách ảnh rất tình cảm về phố Hội, nhà nhiếp ảnh Hans Kemp mô tả sự hiện hữu của quá khứ trong hiện tại của một thành phố bằng những dòng sau:
Nghe. Nghe. Làm chứng nhân
Cho câu chuyện này về một thị trấn
Nơi lịch sử mỗi ngày vẫn sống
Trong thường nhật bình dị
Nơi quá khứ và hiện tại
Hòa vào nhau
Nghệ thuật và thương mại
Cầm tay nhau
Cả cơ thể và tinh thần
Được chầm chậm nuôi dưỡng
Nghe. Nghe. Làm chứng nhân
Để những ai đã thấy sẽ không còn im lặng.
…
Trên đường bạn đi
Hãy để tình yêu dẫn lối
Và hạnh phúc sẽ theo sau
Bất cứ nơi nào bạn tìm tới
Nghe. Nghe.
Hà Nội, Đà Lạt, Sài Gòn hay Hội An đều không cần phải dừng lại trong thời gian để giữ gìn căn tính và ký ức. Nhưng nếu những thành phố này tiến về phía trước, thì “hãy để tình yêu dẫn lối”.
Quy hoạch sư Nguyễn Đỗ Dũng
(Người Đô thị)
- Thiếu vắng công trình xanh dù quy định đã đầy đủ
- Chợ ở đô thị
- Khu kinh tế ven biển - những mảng xám
- Chuyên gia Nhật: "Phải nói thật là chất lượng xây dựng các tòa nhà tại Việt Nam quá kém"
- Rượt đuổi đến bao giờ?
- Mật độ và sức sống đô thị Hà Nội: Thiếu sự kết nối
- Kiến trúc tiếp cận cho người khuyết tật: Cánh cửa khép hờ
- Di sản và tương lai các thành phố
- Nghịch lý di sản văn hóa
- Tết xưa Hà Nội qua ảnh tư liệu quý