Mong muốn của các nhà hoạch định chính sách, các nhà quản lý là hướng tới xây dựng những đô thị bền vững. Nhưng để đạt được mong ước này, chắc còn cần nhiều thời gian, công sức và cả tâm sức.
Để đảm bảo được sự cân bằng sinh thái của thành phố (TP) là một quá trình phối hợp rất phức tạp của nhiều vấn đề. Các TP cần không phải chỉ có cây xanh, không khí trong lành mà còn nhiều yêu cầu khác như sự tiện nghi của các công trình, độ diễn cảm của công trình gây cho con người sự thoải mái…
Phát triển đô thị phải gắn liền với việc cuộc sống của người dân được cải thiện hơn. Không một quốc gia nào khi đã đạt mức tăng trưởng kinh tế cao mà không phải trải qua quá trình đô thị hóa. Thế nhưng, với một nước đang phát triển như Việt Nam, nếu không có một tầm nhìn sâu rộng, dài hạn, chúng ta sẽ phải trả giá đắt. Không chỉ đưa ra tầm nhìn dài hạn 10 - 20 năm mà thậm chí 50 - 100 năm và phải xác định vị trí nào người dân di cư sẽ sống ở đó, để cung cấp các cơ sở hạ tầng như điện nước và cấp thoát nước nhằm tạo điều kiện cho họ. Bên cạnh đó, cần gìn giữ những ưu thế vốn có ở các TP đang hiện hữu và tập trung vào phát triển các TP vệ tinh nhằm giảm thiểu sự tập trung quá đông dân cư trong một TP giống ở một vài nước trên thế giới.
Tại Hội thảo “Tiêu chí và quy trình công nhận thành phố bền vững về môi trường ở Việt Nam” tổ chức đầu tuần này tại Hà Nội, bà Shom Teoh - Ban Thư ký Chương trình TP bền vững về môi trường ASEAN - Nhật Bản cũng cho rằng, với Việt Nam, vấn đề triển khai mô hình TP bền vững khá phức tạp. Vì vậy, đối với các TP, Việt Nam chưa nên làm mô hình này với quy mô lớn, mà nên tiến hành ở quy mô nhỏ, sau đó nhân rộng ra, và cần có sự học tập lẫn nhau giữa các quốc gia. Cụ thể, chính quyền phải hướng dẫn cho người dân cách phân rác thải tại nguồn bằng cách mở các khóa đào tạo cho người dân, đồng thời, chính quyền TP phải xác định đó là việc của chính quyền chứ không phải của ai khác. Mô hình này cần bắt nguồn từ 1 hay 2 phường xã, rồi sau đó nhân rộng ra nhiều phường, xã khác. Tuy nhiên, để mô hình thành công tại từng nơi, chính quyền địa phương phải chỉ cho họ cách làm cụ thể chứ không phải “cầm tay chỉ việc”. Và khi mô hình thành công, sẽ có sự thi đua, học tập lẫn nhau giữa các phường, xã. Ngoài ra, nhiều người dân không nghĩ việc cải thiện môi trường là nhiệm vụ của họ mà là vấn đề chung của xã hội. Chính vì thế, các nhà chức trách địa phương cần làm cho họ có ý thức và trách nhiệm trong vấn đề đó.
Rõ ràng, tương lai của TP dựa trên những hành động của chúng ta hôm nay, để TP phát triển bền vững cần phải kiểm soát phát triển phù hợp với điều kiện bản thân và hài hòa với khu vực lân cận, phát huy nội lực TP với việc sử dụng năng lượng tái tạo. Tạo ra những bước chân sinh thái nhỏ nhất, giảm thiểu lượng ô nhiễm môi trường thấp nhất, sử dụng hiệu quả đất, thận trọng trong việc sử dụng VLXD, tái sử dụng vật liệu hoặc chuyển hóa chất thải thành năng lượng tái tạo.
Nhưng để đạt được điều này, mong muốn từ phòng họp, từ các bản đề án cần phải được hiện thực hóa.
Cẩm Tú
(Báo Xây dựng)
- Đằng sau cơn “sốt đất” là gì?
- Dưới kia là… "khu ổ chuột"
- Đất nước nhìn từ bảo tàng
- Sao vẫn nói mãi chuyện lấp vịnh?
- Hồn phố trong tôi!
- Lấp hồ Thành Công: Thuốc thử từ ý chí cộng đồng!
- Lấy lại vỉa hè: Trách nhiệm của toàn xã hội
- Đà Nẵng: Còn gì cho mai sau?!
- Những di sản ngoài vùng xếp hạng
- Vỉa hè, bậc thềm và di sản đô thị