Thời gian này thiên hạ kháo nhau chuyện đất đai ở TP HCM, khắp nơi rầm rập đổ về tranh giành mua – bán náo loạn. Phía Đông, Nam và Tây thành phố thậm chí cả huyện “vùng sâu” Cần Giờ cũng “lên cơn sốt”.
Theo điều tra của báo chí, mức tăng từ 10 – 40% trong 4 tháng gần đây và tăng gấp đôi trong vòng 1 năm qua.
"Sốt" đất nền tại TP.HCM là thực hay ảo? Ảnh: Internet.
Thị trường bất động sản loạn xạ đến mức khách hàng có nhu cầu mua tại TP HCM nhưng được “cò” dụ xuống tận Trảng Bom – Đồng Nai! Như mô tả của tuoitre.vn:
“Đúng 8h sáng, 6 xe 45 chỗ cùng hơn 10 taxi lên đường hướng về phía quận 9. Xe chạy qua cầu Sài Gòn, một cò đất trên xe cầm micro và bắt đầu trò chơi đố vui có thưởng với những câu đố quá dễ để ai cũng được thưởng. Mỗi ghế một khách là một cò đi theo và người này giơ tay thay cho khách và nói đáp án để khách được thưởng…”
Thậm chí, giá trị mảnh đất lên đến cả tỷ đồng nhưng “cò” gạ bán dễ dàng như… mớ rau, con cá.
Bất kỳ “sốt” bất động sản nào cũng được thúc đẩy bởi một vài nguyên nhân, dễ thấy nhất là hiện tượng “đi tắt đón đầu” các dự án lớn về hạ tầng giao thông, khu đô thị, khu quy hoạch thành phố mới… Động tác “xí phần” này luôn luôn là “lợi bất cập hại”.
Người hưởng lợi trước hết là các đầu nậu “cò đất”, thứ hai là câu hỏi vì sao các dự án lớn dù chưa bàn bạc thống nhất nhưng đã “xì” thông tin ra ngoài? Có “lợi ích nhóm” trong việc quy hoạch các dự án hay không? Thiệt hại tiếp theo thuộc về nhà nước.
Cách đây chừng chục năm, nhiều địa phương xảy ra tình trạng dở khóc dở cười, sau một đêm, cây cối, nhà cửa bỗng chốc mọc lên trên những mảnh ruộng để hoang sau khi thông tin “dự án lớn” sắp triển khai. Chiếu theo luật, nhà nước phải đền bù cho những tài sản tai quái đó.
Rất nhiều trường hợp dự án bị “treo” do khúc mắc ở khâu giải tỏa đền bù mà nguyên nhân chính là do thế lực ngầm nào đó lợi dụng kẻ hở của luật pháp để trục lợi. Suy đi tính lại thiệt hại cuối cùng đổ lên đầu người dân, còn nhóm lợi ích ung dung hưởng hợi.
Cơn “sốt đất” ở TP HCM cho thấy trong dân còn tồn đọng nhiều tiềm lực tài chính không biết đầu tư vào đâu và nó cũng gián tiếp cho thấy những kênh đầu tư do nhà nước nắm đầu mối không thực sự an toàn. Cả tài chính, chứng khoán, vàng, ngoại tệ và huy động tiết kiệm ngân hàng không mang lại độ an toàn cần thiết để người dân an tâm giao phó tài sản của mình.
Vậy nên, điều cần tính toán ở đây là nhà nước cần “thiết kế” các chương trình đầu tư, huy động thật sự an toàn, đặc biệt là đừng để người dân thấy bóng dáng của “lợi ích nhóm”. Thật sự mà nói, trong bối cảnh khả năng quản lý kinh tế, tài chính, tiền tệ còn nhiều lỗ hổng như hiện nay thì việc để người dân an tâm đầu tư là điều khó khăn
Vì sao việc huy động vàng trong dân không mang lại kết quả như mong muốn? Vì sao khi có thông tin nhiều dự án ở TP HCM sắp triển khai người dân lại ồ ạt mang cả đống tiền ra mua bất chấp rủi ro?
Có các kênh đầu tư đảm bảo an toàn sẽ là mối lợi nhiều mặt cho nhà nước, đỡ phải đi vay nước ngoài với lãi suất cao, phải đánh đổi các điều kiện về kinh doanh, thương mại, tài nguyên thiên nhiên và hơn hết là áp lực trả lãi, gốc hàng năm.
Rò rỉ thông tin về dự án để lại nhiều hệ lụy, một mặt làm loạn thị trường bất động sản, tạo nên “bong bóng” có thể vỡ bất cứ lúc nào nếu dự án chẳng may gặp trục trặc.
Một khi thị trường bất động sản “đóng băng” sẽ là mối nguy cho nền kinh tế, hàng chục tỷ đô la bị “găm” lại khiến cho nguồn vốn khan hiếm, kể cả ngân hàng cũng chịu ảnh hưởng nặng nề.
Mặt khác tạo cơ hội cho “lợi ích nhóm” thao túng chính sách, xuất hiện tình trạng đầu cơ vốn, mặc cả với cơ quan chức năng hòng thu lợi nhuận siêu ngạch. Vậy nên, nhà nước phải có tính toán cụ thể để “giải mã” cơn sốt đất ở TP HCM nếu không muốn vướng vào những hệ lụy khó giải quyết bung nở trong nay mai.
Trương Khắc Trà
(enternews.vn)
- Hà Nội “gặp khó” trong xử lý chợ cóc
- Phim "Bikes vs Cars": Cuộc chiến giữa xe đạp và ô tô
- Hà Nội, nắng nóng và cây xanh
- Chuyện “quy trình” ở Sơn Trà
- Biến đổi không gian làng: Người già và nỗi cô đơn
- Dưới kia là… "khu ổ chuột"
- Đất nước nhìn từ bảo tàng
- Sao vẫn nói mãi chuyện lấp vịnh?
- Hồn phố trong tôi!
- Đô thị bền vững: còn xa!