Ashui.com

Sunday
Nov 03rd
Home Tương tác Góc nhìn Hà Nội “gặp khó” trong xử lý chợ cóc

Hà Nội “gặp khó” trong xử lý chợ cóc

Viết email In

Ông Lê Hồng Thăng - Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết, sau Tết Nguyên đán Hà Nội có thêm 200 chợ cóc, sau khi thực hiện chiến dịch “giành lại vỉa hè” mới xử lý được hơn 100 chợ cóc.  

Chợ cóc khó quản

Đặc biệt, ông Lê Hồng Thăng khẳng định, việc xử lý chợ cóc rất khó. Nguyên nhân là do kỷ cương chưa nghiêm, việc vận động nhân dân chưa đạt. 


Ông Lê Hồng Thăng - Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội. 

Cụ thể, trong ngày làm việc cuối cùng của kỳ họp thứ 3 HĐND TP Hà Nội, lãnh đạo Sở Công Thương cho biết, hiện nay trên địa bàn TP có 454 chợ kể cả khu vực thành thị và nông thôn và theo quy hoạch toàn TP đến năm 2030 có 596 chợ. Theo đề xuất mới nhất của UBND cấp quận huyện , trong giai đoạn 2017-2020 sẽ nâng cấp cải tạo 302 chợ, sử dụng vốn ngân sách khoảng 2490 tỷ đồng. 

Hà Nội sẽ đầu tư khoảng 2.419 tỷ đồng ngân sách Nhà nước để xây dựng chợ. 

Ông Lê Hồng Thăng cũng thông tin thêm, qua kiểm tra của TP cho thấy công tác chỉ đạo an toàn thực phẩm chưa tốt. Nhiều chợ xuống cấp, không đảm bảo phòng cháy chữa cháy và không đảm bảo ân toàn thực phẩm. 

Thống kê cuối năm 2016 trên địa bàn thành phố có 52 chợ cóc. Sau Tết Nguyên Đán Đinh Dậu, tới tháng 3/2017, Hà Nội xuất hiện thêm 200 chợ cóc. Thời gian qua, Hà Nội ra quân lập lại trật tự vỉa hè, lòng đường và mới xử lý được hơn 100 chợ cóc.

Lãnh đạo Sở Công thương cho biết khi phát sinh thêm chợ cóc, nếu lực lượng quản lý thị trường không phát hiện, kịp thời báo các Sở Công thương thì đội quản lý thị trường sẽ phải chịu trách nhiệm. 


(ảnh minh họa) 

Doanh nghiệp không “mặn mà”

Tại phiên chất vấn, Đại biểu Trần Thị Vân Hoa đặt câu hỏi về vấn đề chậm giải quyết các dự án đầu tư phát triển chợ? Vấn đề giải quyết ô nhiễm môi trường tại các chợ? Đại biểu Hồ Vân Nga nêu câu hỏi đến Giám đốc Sở Công thương về quản lý các chợ đầu mối và chợ hạng 1? trong đó 1 số chợ chuyển đổi hoạt động kém hiệu quả? 

Đại biểu Lê Vĩnh Sơn chất vấn về việc nhiều chợ chuyển đổi có nhà đầu tư nhưng triển khai chậm và nhiều điểm chợ cóc chợ tạm chưa được giải tỏa, sắp sếp lại? Trong khi đó, Đại biểu Phạm Đình Đoàn chất vấn về việc chất lượng các chợ không đảm bảo, môi trường trong chợ nhiều vấn đề.

Theo Đại biểu Phạm Đình Đoàn, hiện nay việc đầu tư xây dựng chợ chậm so với kế hoạch do 130 doanh nghiệp vào đầu tư nhưng không lãi. “Từ lâu, các doanh nghiệp đã không mặn mà với việc đứng ra đầu tư xây dựng chợ”- ông Đoàn nhấn mạnh.

Ông Đoàn đánh giá, tại các chợ tại Hà Nội vấn đề an toàn vệ sinh đang rất phức tạp. Hiện trên địa bàn thành phố có hàng nghìn lò mổ, cơ quan chức năng không thể kiểm tra hết được. Sản phẩm từ lò mổ này sẽ tuồn vào các chợ.

Do đó, ông Đoàn đề xuất trong thời gian tới sẽ thành lập một cơ quan kiểm tra an toàn vệ sinh riêng biệt. Cơ quan riêng biệt này sẽ kiểm tra, nếu cần thiết sẽ phối hợp với các cơ quan khác về vấn đề an toàn thực phẩm.

Trả lời chất vấn, Giám đốc Sở Công thương cho biết, về ý kiến chất vấn cho đến nay chỉ có 11 đơn vị có kế hoạch chuyển đổi, trước chỉ đạo của UBND TP, năm 2011-12 đã có 14 quận huyện thị xã xây dựng kế hoạch chuyển đổi dù các đơn vị thực hiện còn thấp nhưng còn nguyên giá trị. Trong 11 đơn vị có 5 đơn vị trùng đơn vị cũ, do đó tổng cộng cho đến nay có 22 quận huyện xây dựng kế hoạch chuyển đổi.

Quá trình này còn chậm bởi trong tổng số 454 chợ thì có 128 chợ lán tạm nên gây khó khăn cho kế hoạch chuyển đổi. Bên cạnh đó, 302 chợ xin kế hoạch đầu tư từ năm 2017 đến 2020, là điều khá tiến bộ.

Trong thời gian tới, Sở tiếp tục yêu cầu các quận huyện tiếp tục xây dựng, UBND TP sẽ phê duyệt trong tháng 10, các quận huyện xong tháng 8, sở ban ngành phê duyệt trong tháng 9 để đúng lộ trình.

Giám đốc Sở Công Thương cho biết, TP tập trung giải quyết tình hình mất an toàn vệ sinh thực phẩm tại các chợ. Tới đây, Hà Nội sẽ mở các lớp bổ trợ kiến thức cho các hộ gia đình kinh doanh, chế biến thực phẩm về công tác an toàn thực phẩm. Hộ gia đình nào học xong được cấp giấy chứng nhận và sau này có vi phạm sẽ phạt thật nặng.

"Các cơ quan chức năng sẽ tổ chức nhiều hơn nữa những cuộc kiểm tra an toàn thực phẩm tại chợ và các hộ kinh doanh, chế biến thực phẩm. Việc làm này ngăn chặn tình trạng mất vệ sinh và qua đó cũng kịp thời phát hiện hàng giả, hàng kém chất lượng", ông Lê Duy Thăng nói. 

Cẩm Anh 
(Diễn đàn Doanh nghiệp) 


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo